Có thể bạn quan tâm
Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố Hải Phòng với các văn nghệ sĩ
Vừa qua, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã tổ chức đối thoại với các văn nghệ sĩ thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố và 9 đại diện tổ chức hội chuyên ngành về nhiều vấn đề trong đó có việc di dời trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng.
Tâm nguyện của Văn nghệ sỹ
Ngay từ tháng 7/2022, nhiều văn nghệ sỹ Hải Phòng đã bức xúc trước thông tin trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng - một tòa biệt thự kiến trúc Pháp cổ (số 19, Trần Hưng Đạo) sắp bị Thành phố thu hồi. Cơ quan hội sẽ phải di chuyển đến nơi làm việc mới tại khu nhà tạm cấp 4 tại số 6 Minh Khai, là một gian nhà xây bằng gạch ba-banh, lợp tôn tạm bợ, ghép vào một căn nhà cũ đã xuống cấp nghiêm trọng tổng diện tích khoảng trên 100 m2. Trang zalo của các văn nghệ sĩ mỗi ngày có hàng trăm nội dung ghi các dòng trạng thái chia sẻ nỗi buồn. Một số trang FB cá nhân của một số văn nghệ sỹ của Hải Phòng đã đăng tải những bức xúc, tâm tư của giới văn nghệ sỹ đất Cảng gửi tới lãnh đạo TP với mong muốn có sự nhìn nhận thấu đáo tới các giá trị văn hóa và quan tâm đầu tư xứng tầm cho văn học nghệ thuật, một lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Đây chính là nguyên nhân mà sóng dư luận lan tỏa mạnh tại Hải Phòng kéo theo tiếng nói của văn nghệ sĩ cả nước và rất nhiều báo chí vào cuộc như báo Dân Việt, Truyền hình Nhân dân…
Tại thời điểm này, nhiếp ảnh gia Lưu Quang Phổ bức xúc: “Thành phố nói tiếp tục có cơ chế khuyến khích văn nghệ sỹ sáng tác và biểu diễn văn học nghệ thuật, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân... Nhưng nhìn hình ảnh được coi trụ sở mới như thế này, chúng tôi thực sự thất vọng". Kiến trúc sư Đào Viết Cán ngay trong hội nghị đặt câu hỏi tại hội nghị: “ Ai là người nghĩ ra công trình lán trại cho văn nghẹ sĩ là một sai lầm. Thu hồi trụ sở 19 Trần Hưng Đạo để làm gì? Tại sao việc lớn liên quan đến kiến trúc đô thị mà Hội Kiến trúc sư lại không biết…”. Dưới góc nhìn của nhà quản lý, Họa sỹ Đặng Tiến - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp VH&NT hải Phòng chia sẻ: , do chức năng, nhiệm vụ và tính chất đặc thù của Hội Liên hiệp VHNT, nên trụ sở Hội không đơn thuần là nơi làm việc của 10 cán bộ viên chức như các sở, ngành, cơ quan khác. Trụ sở Hội Liên hiệp VHNT là nơi làm việc của Thường trực Hội, Văn phòng Hội, Tòa soạn và trị sự của Tạp chí Cửa Biển và nơi làm việc hằng ngày của 9 Hội chuyên ngành VHNT…” rất nhiều ý kiến khác của các nhà văn: Đinh Thường (Chủ tịch Hội NVHP), Lưu Văn Khuê, Phạm Ngà… đều thống nhất đề nghị không làm ảnh hưởng việc quy hoạch phát triển thành phố, nhưng nếu di chuyển phải cho chuyển tới một địa điểm và có công trình kiến trúc tương ứng xứng tầm.
Ở những khía cạnh khác Nghệ sỹ Xuân Trúc lo lắng vì nghe tin tại khu vực trụ sở sẽ là khu nhà 72 tầng sẽ phá vỡ không gian kiến trúc pháp cổ và cảnh quan vùng “văn hóa lõi” trung tâm thành phố. Nhà thơ Thi Hoàng đặt vấn đề quan tâm tới văn nghệ sỹ về vật chất tinh thần khi mà thành phố hàng năm chỉ khen thưởng nghệ sĩ mà lại quên văn sĩ. Rất cần thiết phải tiếp tục tổ chức giải thưởng VHNT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bỏ nhiều năm nay, đồng thời chú ý tới chủ trương xây dựng nhà bảo tàng văn hóa Hải Phòng có từ 2018 nhưng đến nay đã bị lãng quên…
Thành phố nói gì?
Sau khi nghe ý kiến của các văn nghệ sĩ và ý kiến và giải trình thực trạng các vấn đề liên quan đến ý kiến mà văn nghệ sỹ nêu ra của các sở ngành chuyên môn; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ và Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng Đào Khánh Hà đều khẳng định: lãnh đạo và nhân dân Hải Phòng luôn coi trọng vai trò, cũng như những đóng góp của các thế hệ văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp phát triển của thành phố Cảng trong hiện tại, cũng như tương lai.
Theo đó các hoạt động cụ thể là: trích ngân sách thành phố để hỗ trợ Hội thanh toán toàn bộ số tiền thuê nhà mà Hội còn nợ hơn 4,4 tỷ đồng tiền thuê trụ sở từ năm 2007 đến nay. Cùng với nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố hằng năm vẫn dành hơn 2 tỷ đồng/năm để hỗ trợ hoạt động của Hội và đặt hàng nhiều chương trình đối với các văn nghệ sĩ…
Các vấn đề bức xúc của văn nghệ sĩ đặt ra, thành phố đã nêu chủ trương giải quyết tạm thời chưa di chuyển trụ sở của Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng khỏi nhà số 19 Trần Hưng Đạo. Đồng thời, giao cho các cơ quan chuyên môn của thành phố rà soát, bố trí địa điểm mới phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội và theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo thành phố đồng thời chỉ ra trách nhiệm của các lãnh đạo Hội Liên hiệp VH&NT Hải Phòng với nhiều vấn đề như: quản lý, sử dụng trụ sở đã dùng hơn 300m2 diện tích nhà thuê của nhà nước cho 6 hộ kinh doanh thuê lại. Trong công tác quản lý còn nhiều vấn đề rút kinh nghiệm trong đó việc đề xuất về tổ chức, hoạt động của Hội và các hội chuyên ngành với thành phố cần chủ động tham mưu. Một nội dung quan trọng khác thành phố đặc biệt yêu cầu lãnh đạo Hội Liên hiệp VH&NT quan tâm thực hiện chính xác, thấu đáo việc tổ chức thông tin hai chiều về chủ trương, đường lối, chỉ đạo của thành phố đến các văn nghệ sĩ và ngược lại là phản ánh tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ đến với lãnh đạo thành phố. Mặt khác cần phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng trong tham mưu, đề xuất với thành phố về hoạt động toàn diện nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội.
Có lẽ trong khung thời gian có hạn và vấn đề ban đầu đặt ra chỉ là giải tỏa bức xúc về việc di dời địa điểm trụ sở Hội Liên hiệp VH&NT Hải Phòng nên các vấn đề khác liên quan đến văn nghệ sĩ chưa có điều kiện giải quyết thấu đáo. Tuy nhiên, cuộc đối thoại cho thấy tiếng nói của văn nghệ sĩ cần được lãnh đạo lắng nghe và bài học rút ra là chính những người làm công tác lãnh đạo lĩnh vực văn học nghệ thuật cần hết sức năng động trong hoạt động quản lý để hiểu tâm tư của văn nghệ sĩ đồng thời tham mưu tích cực về nội dung giải pháp với lãnh đạo cấp trên vì một mục tiêu chung phát triển KT -XH đất nước và văn học nghệ thuật./.
Long Hải
ảnh: quang cảnh hội nghị đối thoại giữa Thành phố và các văn nghệ sỹ.