Những dòng tâm tình gửi về nguồn cội - Nguyễn Đình Minh
( Nhân đọc tập sách “Một thời A7” - sáng tác của các cựu học sinh lớp 10A7
trường Phổ thông Cấp 3 Vĩnh Bảo khóa 1975-1978)
Bốn mươi năm (1978-2018), một khoảng cách quá dài so với hành trình của một đời người. Bốn mươi năm ấy trong một khoảng thời gian dằng dặc và trong những miền không gian vời vợi vô tận với biết bao những biến cố của thời cuộc… Có lẽ không ai biết đến vẫn còn một sợi chỉ xanh óng ánh vô hình, thiêng liêng níu buộc lấy 59 trái tim của những học trò lớp 10A7, khiến nó tồn tại bên nhau, mỗi khi hội tụ, hoặc vô tình chạm tới dẫu chỉ là từng nhóm, thậm chí từng cặp, những trái tim ấy lại ngân lên và nhất quyết trong cung bậc ngân rung ấy chứa một góc nhớ, một miền thương…Và tình bạn thuở học trò, thứ tình cảm trong sáng và thuần khiết nhất trở thành một hạt nhân hút về nó 59 số phận, cho dù nó nổi chìm ở góc trời nào, chảy trôi ở đại dương nào… rồi cuối cùng cũng trở về đất mẹ quê hương, sum tụ dưới một mái nhà với cái tên thân thương 10 A7, bỏ lại đằng sau những thành bại vui buồn!
Tất cả những điều ấy tích hợp lại thành những tiếng lòng, thứ lưới tơ tình thấm đẫm chất máu, chất tâm hồn, ẩn trong những vỏ chữ, cất tiếng thành những bài thơ, những trang văn, những dòng tâm sự…
Bây giờ, bạn đang cầm trên tay tập sách “ Một thời A7” với những sáng tác của các thành viên lớp 10A7 trường Cấp 3 Vĩnh Bảo khóa 1975 -1978; cảm giác chung khi đọc xong, nó giống như một cuộc hành trình về nguồn cội, ở đó từng lát cắt thời gian, sự kiện được tái hiện, những trầm khúc tình cảm ẩn dấu như vỉa quặng che mờ dưới lớp bụi dữ dội của đời sống thường nhật..bất ngờ được phơi lộ lung linh; Như tất cả các con suối đổ về sông và các dòng sông chảy về biển lớn quê hương.
Ấn tượng đầu tiên là những dòng viết xúc động, sâu sắc về Thày chủ nhiệm. Nay Thày đã đi xa, song trong lòng học trò 10A7, thày Đồng Huy Khương mãi mãi là một biểu tượng tôn kính, thân yêu.Các câu chuyện của Đoàn Việt Cường và một số bè bạn, gắn với những chuyến đi cùng Thày thời đang học, những cuộc gặp gỡ Thày nhiều năm sau, đã tái hiện được hình ảnh người Thày đời thường mà trí tuệ, nghiêm khắc mà nhân ái bao dung, một đời sống thanh đạm nhưng cốt cách thì cao khiết và…một tấm lòng thảo thơm dành cho trò đến khi nhắm mắt xuôi tay… Đặc biệt, trong dòng hồi ức cuồn cuộn này, tập sách còn có những trang viết ấn tượng kể lại những kỷ niệm đời thường với tình đồng chí, đồng nghiệp bạn bè… một thời xa vắng của Thày Lê văn Học, người đồng hương, người gắn bó với Thày Đồng Huy Khương dưới mái trường cấp 3 Vĩnh Bảo.
Cũng như vậy, trong rất nhiều bài thơ hình ảnh của Thày Chủ nhiệm luôn như là trái tim, bộ óc, là linh hồn của lớp 10A7; và vì vậy, khi Thày đi xa, tất cả trở thành trống vắng ngẩn ngơ nuối tiếc nhớ thương:
Hôm nay họp mặt nơi này
Chúng em đông đủ, còn Thầy nơi đâu?
(Vũ Nội – Nhớ Thày chủ nhiệm)
Có khi cảm xúc trào dâng nức nở ngay bên bàn thờ người thày yêu kính:
Hôm nay về lại quê nhà.
Nén hương xin thắp trò xa khóc thầy
(Việt Cường- Câu chuyện thứ ba)
Lớp 10A7, nơi có rất nhiều học trò thành danh trên nhiều lĩnh vực, song cũng không làm gì để vượt thoát được quy luật của cõi thế, Thày vẫn đi về cõi vĩnh hằng! Song sự thật, con người sẽ còn sống mãi và chỉ thực sự chết khi tan biến triệt để vào lãng quên. Trong trái tim 10A7, thày vẫn hằng sống trong hành trình của lứa học trò, trong sự ngưỡng vọng biết ơn:
Bao nhiêu tiến sỹ, nhà thơ…
Bạc vàng, cấp chức… bây giờ bằng không
Nghẹn lời nhủ với mênh mông
Mình như cây cỏ, nếu không có Thầy!
(Đình Minh – Viết bên nấm mồ thày)
Bên cạnh hình ảnh trung tâm của Thày Chủ nhiệm là những nỗi nhớ vương chút buồn day dứt về các thày cô cùng thời, những thày cô đã góp phần tạo nên hai phẩm chất cao cấp nhất của xã hội, đó là trí tuệ và tâm hồn cho những học trò A7; và nhờ đó họ sống, vượt lên, băng qua các lộ trình đầy thử thách của cuộc sống. Vũ Nội thể hiện điều ấy bằng câu thơ ngập tràn niềm thương yêu, lồng cảm giác buồn tiếc nuối:
Thày, Cô nay đã già rồi
Mái đầu bạc trắng, đồi mồi trên da
Còn Vũ Bình lại trải cảm xúc nhớ thương tới các thầy cô một thời gắn bó cùng các học trò, theo dòng chảy cuộc đời giờ tan tác muôn phương bằng một câu thơ khắc khoải:
Lòng sao thương nhớ bồi hồi
Thầy, cô còn được bao người ...nơi đâu?
Trong những dòng hồi ức đời thường qua các câu chuyện hàng năm, hình ảnh các thày cô vẫn đong đầy nỗi nhớ: đó là Thày hiệu trưởng Đào Nguyên Trúc, thấp nhỏ mà tràn ngập lòng yêu thương học trò, thày Trần văn Liệu cao gầy và luôn nghiêm khắc; là những thày cô của lớp với nhiều dáng vẻ bằng văn xuôi xuất hiện cả những bóng hình các thày cô dù chỉ đi qua lớp bằng một tiết dạy thay, một cuộc gặp gỡ bên lề cuộc sống… nhưng các Thày Cô luôn là biểu tượng cao khiết trong trái tim học trò A7, nơi tất cả hướng về! Và dẫu, thời gian phôi pha, dòng đời xoáy lốc thì các Thày Cô vẫn mang đến một sức mạnh tinh thần vô giá khiến các học trò đúc kết bài học lọc mình sáng trong hơn khi vươn tới đích làm Người:
Lấy của đời ít, trả cho đời nhiều hơn
Như dòng sông phải đắp bồi khi tự làm xói lở
Con soi mình vào thày,
Nghe bao tiếng từ thẳm sâu vụn vỡ
Hiểu đích thành Người chưa hết gian nan?
( Nguyễn Đình Minh - Dưới bóng thày xưa).
Gia đình 10A7 gồm 60 thành viên, trong đó có gia đình thày Đồng Huy Khương; hàng ngày trên Zalo, trên Facebook tràn ngập những dòng thơ tâm sự về thế sự, cuộc đời… trên diễn đàn ấy các bạn sẻ chia cho nhau những buồn vui của cuộc sống về quá khứ và tương lai… vì những lý do riêng, chúng tôi chưa kịp biên tập vào trang sách này; Nhưng chỉ tính số bài sum tụ trong tập sách đã là muôn cung bậc ngân rung về trường xưa, bạn cũ. Đó là nỗi nhớ nao lòng suốt 40 năm của Phạm Văn Cơ về một thời gian khó, đói nghèo, nhưng vượt lên thách thức đó lớp học chan chứa tình yêu thương gắn bó với nhau như một gia đình:
Nắng mưa, nghèo đói quê nhà
Bạn bè khác xã chúng ta hòa đồng
Trong miền hồi ức thương nhớ ấy có “Mười ba cô gái 8I”, lớp đầu cấp học. Hoàng Thị Na đã tái hiện được một tập thể nữ của những ngày xưa đầy gian nan đa tính cách thông minh và xinh đẹp, trong đó không ít người đã làm cho lũ bạn trai trút những tiếng thở dài… Trong “cái đám xuân xanh ấy”, không ai “bỏ cuộc chơi”, mà vẫn là kết nối âm thầm:
Mười ba cô gái ngày xưa ấy
Tim vẫn hẹn thề ở bên nhau.
Tình yêu đầu đời được “tiết lộ”, những thầm kín vùi trong 40 năm thời gian được “bật mí”. Có thể nói về đề tài này, A7 đã tái tạo được một không gian xưa cũ sống động và ấn tượng mà khi đọc nó những trái tim bị dìm trong nước thời gian, vương bụi đời của thời cuộc biến đổi…sẽ phải thổn thức trở lại với những …cái ngày xưa ấy! Lãng mạn, ngu ngơ!
Đây là nỗi hoài niệm vơi đầy thương nhớ mùa hè sắc phượng gắn với đời học trò, trong bóng dáng của cái khối hè bừng sắc phượng vĩ ấy, có một ngọn lửa thầm âm ỉ cháy suốt gần nửa thế kỷ không nguôi:
Cây phượng vĩ thả hồn theo năm tháng
Lớp lớp học trò đến rồi lại đi
Nên mỗi hè về phượng lại trổ hoa
Để ai đó thấy lòng mình thổn thức
Trước sân trường, nhờ phượng gọi tên ai.
(Hoàng Thị Na – Thăm trường cũ)
Có khi là góc riêng tư, một mảnh trời tình yêu đầu đời thiếu nữ được ủ kín nay hé lộ, dẫu có những sợi mây buồn nhưng vẫn đẫm màu xưa xanh tha thiết:
Năm tháng ấy chỉ mình em vụng dại
Chút thơ ngây đâu biết tới ngày buồn
Cứ mãi nhớ và giữ gìn ấp ủ
Trong tim mình hình bóng của Người xưa
(Trần Thị Tuyết – Nhớ người xưa)
Đoàn Việt Cường trong “Kỷ niệm đầy vơi” viết về trường, về một “em” nào đó rất sinh động, có nắng cháy, mưa rơi bong bóng vào những buổi chiều và em áo trắng! Xin đừng hỏi bạn tôi, nàng áo trắng là ai? Giờ ở nơi đâu? Cuộc sống của chúng ta sẽ như chiếc vò rượu rỗng nếu không có những giọt rượu được tích từ năm tháng:
Mùa hè về trời trong xanh đầy nắng .
Em nhớ không thời áo trắng ngày xưa
Có những chiều trời lại đổ cơn mưa .
Hạt mưa rơi sân trường bong bóng nước.
Viết về trường xưa bạn cũ luôn vời vợi những hoài niệm, thật tiếc quá ít người cảm nhận được giá trị của nó, bởi không có những hoài niệm con người chỉ là chiếc vỏ chai cạn rượu. Thật hạnh phúc cho những ai cất giấu được trong trái tim mình những hình ảnh, sắc màu… của thời xa ngái, dẫu chỉ là ánh mắt, sợi tóc, làn hương, một quả táo chua … nhưng chúng bỗng chốc đã hóa vàng ròng. Đây là một cảm nhận tinh tế mà thày Đỗ Thu ( thày dạy văn của lớp thời 8I, 9B7) đã cảm nhận trong bài thơ “Trở về A7”:
Cuộc đời là vậy!
Hạnh phúc chỉ còn khi đã qua đi.
Một hình ảnh trung tâm lay thức trái tim các “thi sĩ”, đó là hình ảnh quê hương. Miền đất của quê hương danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vơi đầy mưa nắng, giặc giã chiến tranh… nhưng đồng thời lưu đọng lại một thời gian, một không gian văn hóa với những di tích, những bảng vàng bia đá. Trên cái miền quê “khát chữ” ấy từng thế hệ học trò đã lớn lên bay đến những vùng trời, trong đó có nhiều thành viên 10A7. Ở góc tâm sự này, có những bài thơ đau đáu nỗi nhớ thương. Đó là nỗi nhớ thương diệu vợi về một “Bến đò Chanh” (Trần Thị Tuyết), nao lòng trước mùa hoa phượng vĩ trên mái trường quê “ Về thăm trường cũ” (Hoàng Thị Na); Những hoài niệm về một thời học trò nghèo lam lũ đối mặt với những mùa đông của đất trời khắc nghiệt “Hoài niệm mùa đông” (Vũ Nội). Trong mảng đề tài này, Vũ Bình người con xa xứ tỏ ra chiếm thế thượng phong trong những dòng hồi ức chan chứa những nhớ thương. Với cả chùm thơ viết về đất mẹ “Mộng đâu”, “ Trung thu ngày ấy”,”Vĩnh Bảo quê anh”… Vũ Bình đã viết về chiếc nôi quê bằng cả tâm thức và tình yêu, viết bằng chính trái tim mình. Đây là hình ảnh quê hương gian khó:
Nhớ rằng từ thủa xa xưa
Đồng chiêm, nước úng mất mùa hàng năm
Bốn bề sông nước vây quanh
Qua sông lụy bến khó khăn muôn đời
Nhưng lại chói ngời hình ảnh Trạng Trình, linh hồn của văn hóa miền quê hiếu học với lý tưởng học để luyện trí sáng tâm trong, vì dân, no nước, tế thế thương đời:
Người về sống với thảo dân
Lập am, quyết dạy chữ tâm cho đời
Và cái cuối cùng vẫn là tiếng lòng của anh, dữ dội một khát vọng trở về bến cũ, nơi có tuổi thơ trên cánh đồng làng đẫm ánh trăng thu:
Hoài mong suốt bốn mươi năm
Giữa đồng hoang đẫm trăng rằm trung thu.
Miền đất ấy lại trở thành quê hương thứ 2 mà các thày cô từ các cùng đất xa xôi khác nhau chọn làm quê hương thứ hai. Con thuyền đời của nhiều thày, cô đã neo bám nơi đây dâng hiến hết mình “đưa khách sang sông”. Thày Lê Văn Học có những câu thơ xúc động:
Tôi chọn nơi này để dừng chân
Dẫu cuộc sống còn nhiều gian khổ
Đất lành thì chim về làm tổ
Tình nghĩa thầy trò vẫn mãi mùa xuân
Một đề tài khá dầy được thể hiện, đó là tình yêu đất nước, tổ quốc đằm thắm. Trong những không gian thời gian riêng hoặc những cuộc đi cùng bè bạn A7 trên các nẻo đường… nhiều người đã ghi lại dược những cảm xúc, nghĩ suy về giang sơn gấm vóc của mình. Một chút hương chè Tây Bắc mảnh đất cuối trời trong con mắt Việt Cường trở nên thi vị “Cao nguyên gió thổi rì rào/ Hương chè thoang thoảng bay vào không gian”. Còn Vũ Bình lại như bị bùa mê như dính lưới tình nơi mảnh đất Tây Nam bộ: “Dâng lên trái mọng đầu cành/ Quê em nghĩa nặng duyên lành chẳng vơi”.
Lứa học trò 10A7 trưởng thành sau chiến thắng 1975 vừa ảnh hưởng của không khí cách mạng thời quá khứ vừa dấn thân vào thời kỳ gian khó thời hậu chiến, tuy vậy khi tiếng tơ lòng cất lên không thấy màu sắc của bi lụy, tổ quốc trong mắt bạn, trong nghĩ suy của bạn vẫn đằm sâu da diết:
Mũi Cà mau tận cuối nẻo chân trời
Con biết rằng ở nơi ấy xa xôi
Mỗi hạt cát cũng mang hồn Tổ quốc
(Hoàng Thị Na – Tạm biệt ước mơ)
Có rất nhiều những đề tài, những chủ đề cháy trong trái tim các bạn tôi; vì thế, tôi biết bài thơ chưa ra đời sẽ là bài thơ hay nhất, những câu thơ không lời vẫn ngời sáng trong mắt các bạn sẽ còn quý giá gấp ngàn lần câu thơ đã viết ra, bởi các bạn, chính các bạn đã tự là bài thơ của cuộc đời mình mà không một nhà thơ tài ba, một nhà văn danh tiếng nào có thể viết nổi; bởi không ai đi hết những góc khuất, những rung động chìm ẩn của mỗi cõi lòng con người cụ thể. Và tôi biết rằng chính điều ấy đang nén chứa nguồn năng lượng bùng nổ ở tập thơ văn mới tương lai.
Một tập sách mỏng này, dù thế nào cũng không thể chuyển tải được 59 số phận băng vượt qua khoảng thời gian gần nửa thế kỷ, trong những không gian ít bình yên mà nhiều giông bão. Song chắc chắn nó là một kỷ vật cho các thành viên 10A7 cùng nhau trân trọng quý yêu.
Vĩnh Bảo, lập hạ năm Mậu Tuất 2018
NĐM
Tin mới
Các tin khác
Bài mới
- Đọc nhiều nhất
- Bình luận nhiều nhất
Video Clip
Đang có 32 khách và không thành viên đang online