NHỚ NHÀ THƠ TRẦN HOÀ BÌNH NGƯỜI THÀY CỦA TÔI

tran_hoa_binhNăm 1982, khoảng 18h một này tháng 5 trước mùa thi tốt nghiệp, Thày Bình gọi tôi lên phòng và rủ về Hà Nội. Thày Bình có máu say tàu xe, nên rất thích đi xe đạp. Hai thày trò kỳ cạch đạp từ Xuân Hoà qua Phúc Yên vòng đường về đò Chèm. Nói là nói thế, nhưng khi ra đến Phúc yên, gặp lũ sinh viên mời hai thày trò ở đó lai rai rượu với lạc rang mãi đến  21h mới đi được. Trên một chiếc xe cà tàng, trên con đường ổ voi nên kỳ cạch mãi khoảng 22h mới ra đến bến. Ngày ấy chưa có cầu Thăng Long, người qua phải đi đò, nếu có nhiều tiền thì đi đò gắn máy.

Chúng tôi gọi đò rát cổ, nhưng chẳng thấy gì. Tôi chán quá, phần vì đói bụng phần vì mệt. Tôi bảo : “ Thày ạ nguy quá”, “Nguy gì?” “Dạ, mình có lẽ ở đây qua đêm mất !”. Thày Bình cười bảo “ừ thì ở qua đêm đã sao. Biết đâu đêm nay sẽ có một bài thơ để đời”. Nói rồi thày điềm tĩnh rút một điếu “Phù Đổng” xoè diêm, nhả khói mắt đê mê nhìn sông Hồng trôi. Tôi cũng tựa lưng vào vệ đê nhìn sông. Dưới trăng sáng, những mố cầu mà Trung Quốc xây dựng bỏ lại sau vụ người Hoa trông như những dấu chấm than rớt xuống dòng nước xiết. Gió vi vút hắt hơi phù sa mát lịm. Tôi nhìn sang Thày, Thày đang hý hoáy viết gì đó trên vỏ bao thuốc lá. Có lẽ bố này làm thơ thật, tôi phì cười vì ý nghĩ ấy. Thày quay sang tôi gắt :” Mày khó mà thành nhà thơ được, đây là những khoảng lặng hiếm hoi mà xúc cảm lại ngân lên, nếu không tận dụng thì phí cả đời”. Tôi im bặt, vì sợ thày mắng chứ không nhập tâm cái ý thày nói. Và không biết đêm ấy thày viết gì. Mãi đến 12 giờ đêm chúng tôi mới qua được sông và về Cầu Giấy.

Một năm sau tôi nhận công tác ở Lai Châu. Tôi đến căn phòng nhỏ, tầng 1 của thày ở khu nhà C5 (ĐHSP Hà Nội) chơi mấy hôm. Hình ảnh mà tôi lưu giữ được là căn phòng mà gầm giường toàn sách. Chúng tôi hút thuốc phải thả khói ra ngoài ô cửa sổ. Mấy đêm, không có câu chuyện văn chương nào được thảo luận. Có lần tôi đưa ra cái ý mơ mộng sáng tác, thày bảo “ Viết được thì viết, nhưng phải có ý là đừng làm đau đầu người khác”. Rồi tôi cũng phải lên đường, Thày tiễn ra tận bến xe. Trong lúc chờ Thày nói “ Muốn làm gì thì làm, nhưng phải nhớ trung thực với mình và không được làm khổ bố mẹ”. Sau này tôi tập tễnh tập làm thơ và còn nhiều dịp gặp lại khi Thày đã nổi tiếng với nhiêù tài năng và bài thơ “Thêm một”. Nhưng kỷ niệm ấy về Thày không mai mờ được.

Tôi ngộ ra rằng làm nhà thơ thật khó bởi không chỉ có tâm hồn như sợi tơ đàn căng lên đón gió rung ngân, mà còn phải có đức hy sinh có tâm Phật “mặc nóng, mặc lạnh” và phải có lẽ sống trung thực không làm khổ người thân đừng làm đau đầu nhức óc cộng đồng...

  1.   

Khoảng năm 1986, tôi nghỉ phép từ Lai Châu về Hà Nội. Công việc đầu tiên là đến thăm Thày. Vẫn cái phòng bé tý tẹo như xưa Thày cười “ Kinh Kha đã đi xứ về !” và dang rộng hai tay, sau đó chào kiểu quân đội. Chúng tôi cùng cười. Trưa hôm đó Tôi và Thành, bạn dạy cùng trường với tôi ở Lai Châu và là đệ tử của Thày khi xưa chiêu đãi thày một bữa thịt kho. Ngày ấy 24/24 giờ thèm thịt. Thày trò ăn uống thoải mái và trò chuyện. Thày rất thương khi nghe chúng tôi kể về cảnh rừng thiêng nước độc. Lúc ấy cũng chỉ còn biết động viên “Chúng mày cố gắng 5 năm, hết nghĩa vụ thì về”. Tôi có thưa với thày chuyện muốn nhờ đăng một trang Câu lạc bộ trên báo Tiền Phong. Thày xem qua bản thảo và ngạc nhiên lắm. Thày chọn một bài thơ bỏ ra và nói “Bài này hay quá”. Thành bảo với tôi “ít khi đại ca khen lắm, chắc bài này của anh sẽ đăng”. Đột nhiên Thày bảo tôi “Mày làm Thạc sỹ đi, đấy là con đường về và chỗ đứng ở miền xuôi đấy. Mày lấy đề tài “Thơ của các nhà thơ miền núi” hiện là độc nhất vô nhị đấy ” Rồi thày lựa chọn một số sách báo tập nào cũng đề “Tặng bạn viết Nguyễn Đình Minh”. Buổi chiều,Thày đưa chúng tôi đến gặp BBT trang CLB báo Tiền Phong và đưa bản thảo. Khi các bạn đang xem, thày bảo :” Thôi chúng mày bố trí in đi, tao biên tập rồi, thằng này mà ở đây, không có chỗ cho chúng mày ngồi đâu”. Tôi chỉ sợ các anh Biên tập tự ái , nhưng không ngờ cả đội cười ồ “Không, chúng em thấy lạ thì xem thôi, đại ca yên tâm sẽ đăng ngay mà.”.

Hết phép, chúng tôi lên Lai Châu, thì số báo ấy đã đăng rồi. Ngày ấy, không có điện thoại như bây giờ nên chẳng liên lạc được gì. Hiệu trưởng trường tôi là anh Phạm Hoàng Be (Sau này là chủ tịch thành phố Điện Biên Phủ) mừng lắm và cứ ca ngợi chúng tôi giỏi. Ít lâu sau, vào  22h đêm tôi bật Rađiô thấy đài tiếng nói Việt Nam phát lại bài trong trang câu lạc bộ ấy, cả khu tập thể ào lên tập trung cùng nghe và hỷ hả lám.

Chiều hôm sau, tôi đi qua thư viện, thấy anh Hồng gọi vào nói “Chú dấu tài, bài đăng ngay trên trang nhất báo Nhân Dân, ghê thật ”. Tôi choáng người vì sung sướng, quả thật bài thơ thày Bình khen hay ấy bài thơ “Viết bên mồ Vừ A Dính” được in ngay trên trang nhất số báo kỷ niệm ngày thành lập đội Thiếu niên Tiền phong.

Núi rừng hoang sơ và nghiệt ngã Tây bắc đã cho tôi đề tài và Thày là chiếc cầu nối hồn thơ non trẻ của tôi đến với báo, đài. Thú thật từ khi có bài thơ được in ấy tôi phấn khích hẳn lên và tự tin viết những bài thơ sau này. Dù rằng những bài sau được in thành tập, được xuất bản tại những nhà xuất bản danh giá, nhưng bài thơ ấy như ngọn cờ vẫy gọi tâm hồn tôi bay lên... và thấp thoáng là nụ cười ánh mắt khích lệ của một thi sỹ tài hoa Trần Hoà Bình.