Có thể bạn quan tâm
Những nỗi niềm sương khói
Đọc “Thức với những tập mờ ” của Nguyễn Đình Minh, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2014)
Nhà thơ Ngọc Bái, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Yên Bái.
Làm mới thơ mình là khát vọng của người mong muốn khám phá thế giới nội tâm, tự nhiên và xã hội, làm mới bút pháp, làm mới tư duy, hay và lạ! Trước đó nhà thơ đã xuất bản các tập “Người hát quan họ đêm Tây hồ” nxb Văn hóa dân tộc 2004, “Câu hát ngày xa” nxb Hội Nhà văn 2005, “Ủ ấm trái tim” nxb hội Nhà văn 2011, “Mắt cỏ” nxb Văn học 2013. Càng viết càng tự hiểu mình, sở trường và sở đoản, luôn là sự thử thách với các nhà thơ. Càng viết càng tự đòi hỏi mình làm sao viết hay hơn, và ít nhiều phải được công chúng đón nhận. Nguyễn Đình Minh cũng vậy. Nhà thơ phải đau với từng con chữ. Những câu thơ phải kết tinh từ tâm lực và trí lực, tư tưởng và nghệ thuật. Có như vậy may ra mới có những câu thơ găm vào trí nhớ. “Thức cùng những tập mờ” là khát vọng và gửi gắm “đẫm những nỗi niềm” của nhà thơ Nguyễn Đình Minh.
Với dung lượng của “Thức với những tập mờ”, tôi không có ý điểm tất cả 46 bài trong tập. Những câu thơ được trích, phần nào nói đến những điều nhà thơ đã trải lên mặt giấy. Không còn cái cảm thức “hương bùn quê đã làm ta tồn tại”, mà là những suy ngẫm trải nghiệm đã được thời gian kiểm định. Vẫn viết về làng quê, nhưng Nguyễn Đình Minh đã ở một thực tại mới, nỗi niềm mới, tâm sự lắng lại trước hoàn cảnh làng lên phố.
Phố mới lên tầng mất dấu những bờ tre
Ruộng đã bán không còn tên làng cũ
Chợp mắt qua đêm biến thành người phố
Tỉnh dậy còn mơ... cót két vó bè!
(Ngơ ngác... phố)
Cuộc biến cải thật nhanh chóng, làng quê mất dạng, nhường chỗ cho ồn ào phố thị. “Cò đất” lên ngôi, nông dân không còn ruộng đồng, vui cũng lắm, buồn cũng nhiều. Cuộc sống xáo trộn, cảnh thanh bình sau lũy tre làng nhiều nơi đã thành dĩ vãng. Thèm nghe “có két vó bè” là tâm trạng có thực của những người từ lâu gắn bó với đồng quê. Nguyễn Đình Minh đã cảm thông và chia sẻ, bằng những vần thơ thấm đẫm tình người. Ở một trạng huống khác, Nguyễn Đình Minh có cái nhìn tinh tế:
Bây giờ trăng phải lách mình lọt vào hẻm phố
Cánh ong bay tìm hoa
Bị chặn ngay bên kính cửa window
(Trong vũng hoàng hôn)
Đúng là ngữ cảnh của thời hiện đại. Phố chật, người đông là hình ảnh của nhịp sống đô hội. Nhiều lúc trăng cũng cô lẻ bởi ánh điện phố phường che lấp. Xem ra Nguyễn Đình Minh cũng có lúc hoài cổ. Vẫn là “nỗi niềm” làng quê. Có lẽ tác giả không thể nguôi quên những xúc cảm của một thời thơ thiếu:
Vẫn một không gian dưới ánh mặt trời
Cái một thuở trôi vào dòng hư ảo
Chút kỷ niệm như khói sương ở lại
Lãng đãng, tỏ mờ, hư thực... tiếng chuông rơi
(Sương khói bên làng)
Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp. Kỷ niệm luôn day trở trong tâm trí người làm thơ, càng mờ ảo càng gợi những tưởng tượng chừng như ngủ quên trong tiềm thức. Hoài niệm đã làm tổ trong tâm khảm của những ai từng yêu. Chỉ cần khơi lên là ngọn lửa yêu đương lại bừng cháy, Nguyễn Đình Minh đã có những câu thơ đầy hàm nghĩa:
Giờ sông vẫn xuôi trôi vấn vít bên làng
Đò hoài niệm chở về miền thương nhớ
Em thuở đôi mươi tóc thề thơm trong gió
Nay búi lên thấp thoáng ánh chiều
(Bên bờ sông quê nội)
Trên chặng đường thơ Nguyễn Đình Minh đã qua nhiều địa danh: Đà Lạt, Pha Đin, Cổ Loa, Hồ Núi Cốc, Sài Gòn, Hà Giang, Yên Bái... Đi đâu Nguyễn Đình Minh đều có thơ về cảnh và tình đã in đậm trong trí nhớ của tác giả. Những câu thơ như những nét chạm khắc:
Nghìn thế đá xây đỉnh non Yên Tử
Một dáng thiền còn treo giữa mây thiêng
(Yên Tử mây trắng bay)
Nguồn thơ như nguồn nước. Phải là nước trong xanh tuôn chày, tạo dựng nên vẻ thiên nhiên tráng lệ. Cách quan sát tinh nhạy, hình ảnh thơ gợi cảm, là tâm thế của Nguyễn Đình Minh. Những câu thơ, vì thế, có sức vươn và không bị non lép:
Gặp câu thơ của Hàn như vệt mây treo trên vách đá
Trăm năm còn đẫm những nỗi niềm
Rủ trái tim vào suối reo, vào sương giăng lối cỏ
Giữa rì rầm câu chuyện ngày xa
(Trôi trong Đà Lạt)
Thấu hiểu những cảnh ngộ éo le, những thân phận không may mắn, là cái nhìn nhân văn, nhân ái. Nhà thơ không có nhiều tiền bạc để ban phát cho đồng loại. Những khoảnh khắc chợt gặp trên đường đã động tới cõi trắc ẩn lương tâm, nhà thơ chỉ biết nương tựa vào phía nước mắt.
Có những lần tựa vào đêm đợi tàu
Trong hố đen bật thở than tiếng nhị
Thoát ra từ hốc mắt ông già mù
Như lá rụng hụt hơi, đập vào trăng tê buốt
(Tiếng nhị hoang và câu thơ lấm láp)
Cả những khi cuộc sống lứa đôi xô lệch bởi hoàn cảnh cất chia. Chỉ còn biết nén tiếng thở dài cám cảnh cho những tình thế ngoài mong muốn. Nguyễn Đình Minh đã nói thay số phận người đàn bà xa chồng chịu sống những ngày tháng cô đơn, nén trong chờ đợi vô vọng.
Cả quãng đời ngà ngọc
Thuở mái tóc như mây, má chạm vào làn hơi anh đã đỏ
Thuở tình yêu con gái
Cơn gió trinh nguyên ngấu nghiến mảnh trời yêu
Rồi mỏi mòn chờ đợi
(Người đàn bà không còn khóc được)
Khai thác truyền thống để tạo nên những câu thơ hiện đại là điều Nguyễn Đình Minh tâm đắc. “Trời cao thương sẻ cho áo màu xanh/ Cho nắng cho mưa, cho ấm nồng hơi thở đất” – (Quy luật). Những điều tưởng chừng bất biến, những giá trị phi giá trị đã sàng lọc qua thời gian, để người đời chiêm ngẫm. Có thể dễ dàng nhận ra cái nghịch lý có tính phổ biến. Nguyễn Đình Minh đã không ngần ngại chỉ ra điều ấy:
Hơn hai ngàn năm... Chúa buồn bã bỏ đi
Lời răn vào tai này rồi chui qua tai kia bay mất
Cây Thập Ác hóa thành gỗ mục
Cái ác đã giải thiêng đường về bến bờ hạnh phúc
Con người dùng nó đào huyệt giữa lòng mình
(Lỗ đen)
Cả những trạng huống đã được dự báo về sự băng hoại nhân tính thường diễn ra đâu đó. Con người nhiều lúc không làm chủ được mình. Không thể tước bỏ những ham muốn tầm thường, đi theo lời cám dỗ của quỷ. Không hiếm những đổ vỡ do sự dễ dãi trong lối sống. Nguyễn Đình Minh đã tỏ thái độ dứt khoát với những lỗi lầm trần thế.
Người uống rượu thâu đêm nhắm với nỗi buồn
Và những kẻ mà ma men đã nhập vào hồn vía
Kết thúc cơn say túy lúy
Cả bầu trời chỉ còn chiếc vỏ chai rỗng không
(Chuyện đêm suông)
Quan tâm tới môi trường sống cũng là điều Nguyễn Đình Minh đề cập. Rừng đã bị teo lại bởi sự tàn phá của lòng tham. Nạn phá rừng, nạn “lâm tặc” hoành hành khiến nhiều nơi rừng xác xơ. Với cách nói trực diện và xa xót, Nguyễn Đình Minh đã viết:
Những ngọn núi cháy xém trong nắng thiêu
Những dải đồi tan vỡ cõi lòng vì cơn xói lở
Trụi trần phơi bao gốc rễ
Như những rẻ xương gầy xót lại của rừng xanh
(Miền nghĩa địa của rừng xanh)
Những quan niệm về hình thức kết hợp hài hòa với nội dung thi ca là hành trang cần thiết của mỗi người làm thơ. Nguyễn Đình Minh đã không sa vào kể lể dài dòng mà viết những câu thơ có sức lay động, chạm tới trái tim người đọc. “Khát vọng bình yên tan - tụ như mây/ Máu, mồ hôi nhân gian thành sóng sông cuồn cuộn/ Vẫn dư thừa những ngón tay xiết trên cò súng/ Nỗi buồn như gió rụng/ Niềm tin úa hoàng hôn ung ủng dưới trời”- ( Lá trường xuân). Trong thế giới còn nhiều bi thương đổ máu vô nhân tính, những câu thơ như lời cảnh tỉnh.
Trong các cuộc đối đầu giữa thơ và súng
Dẫu điểm ngắm đều chung một đích trái tim
Sau tiếng súng là những xác chết
(Thơ và súng)
Thơ và súng đối đầu, nhất thời có thể thơ thua. Nhưng về lâu dài thơ không thể chết! Không sa vào triết lý vụn vặt, tìm một cách nói liên quan tới sự tồn tại tự nhiên giữa bàn tay và hoa sen: “Có gì đó giống nhau/ Và có gì đó rất khác nhau/ Giữa bàn tay người và bông sen nở/ Rưng rưng thời gian chồng lên nhau đọng thành bùn cổ/ Hương sen xuyên qua dệt sáng mắt ta nhìn” - (Giữa chiều sen). Phát hiện những cái bình thường để sống trong sự tĩnh tâm thanh khiết. Trong nhận thức xã hội, chỉ cần biết đã là quý. Nguyễn Đình Minh đã viết những vần thơ hướng tới sự liên tưởng:
Trong những mảnh trời cát cứ
Lẽ công bằng rơi đầu trước búa rìu ngụy trang công lý
Cây yêu thương lụi tàn trên cánh đồng độc chất hồn người
Máu nhân hòa loang đỏ trời cùng tiếng nổ
(Những lời khuyên trong gió vô cảm)
Bất luận những gì chuyển dịch, đều thuận theo quy luật. Những gì của quá khứ đều đã khép lại, nhường chỗ cho hiện tại và tương lai định đoạt. Sự bình yên được báo trước khi biết trân trọng những nẻo đời đã thành quá vãng. Trong những chuyến chu du, con người càng nhận ra điểm bắt đầu xuất phát.
Ngàn vạn vì sao ngoài kia vẫn lang thang trôi
Khiến lòng nhớ những ngọn đèn hạt đỗ
Như mắt thức canh cho nồng say giấc ngủ
Báo bình yên neo lại ở đêm làng
(Trên chuyến bay đêm)
Điều dễ nhận thấy ở Nguyễn Đình Minh là tình cảm với làng quê quá sâu nặng. Kỷ niệm ấu thơ nhiều lúc thức dậy, lay động:
Bao đêm một mình chong mắt nhớ ngày xưa