Có thể bạn quan tâm
Phượng đổ chết người và hiệu ứng chặt cây sân trường
Vụ đổ cây phượng vĩ tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3 – thành phố HCM) làm 18 học sinh lớp 6 thương vong đã tạo ra hiệu ứng đốn chặt cây sân trường, trong đó cây hoa phượng được quan tâm đặc biệt nó bị cưa cắt loại bỏ hay bị “giam lỏng” giữa sân trường. Phượng có lỗi gì đâu?
Cây phượng đổ 18 học sinh thương vong
Sáng ngày 29.5.2020 có một đám tang dừng lại trước cổng trường THCS Bạch Đằng quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, đó là đám tang của học sinh Nguyễn Trung Kiên, giờ phút ấy em đã thành cựu học sinh của trường trong tiếng khóc nghẹn ngào của người thân gia đình, nước mắt của thày cô bè bạn và lòng thương cảm của nhiều người…
Theo ông Trần Quang Bá, quyền Chủ tịch UBND quận 3, cho biết vào lúc 6 giờ 22 phút ngày 26-5, tại sân Trường THCS Bạch Đằng xảy ra vụ phượng vĩ cổ thụ ngã đè lên 18 học sinh, trong đó có 2 em lớp 6.7, còn lại là học sinh lớp 6.8, đáng tiếc em Nguyễn Trung Kiên tử vong. Còn Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: cây phượng trồng từ năm 1998. Định kỳ, công ty cây xanh vào mé nhánh, chăm sóc cây. Nhà trường rất bất ngờ khi sự cố xảy ra vì trước lúc cây phượng vĩ bật gốc, nó vẫn rất tươi tốt. Sáng các em đang ngồi dưới sân chuẩn bị vào lớp. Các học sinh lớp 6.8 đang ngồi ăn sáng thì cây đổ về phía các em ngồi. 13 em chấn thương tương đối nặng thì nhà trường đã báo cấp cứu ngay. Riêng học sinh tử vong, lúc đầu các thầy cô tiếp cận thì em vẫn tỉnh táo, đưa nước vẫn uống, sau đó em mệt nằm xuống để chờ lực lượng cấp cứu. Khi Cấp cứu 115 đến thì em đã mê man rồi. Các bác sĩ hô hấp nhân tạo, cấp cứu tại chỗ, sau đó đưa tới Bệnh viện An Sinh...
Đây là câu chuyện buồn, rất buồn, nhưng còn buồn hơn vì cây phượng đổ ở trong khuôn viên các trường học. Như một hiệu ứng ở thời điểm này, bỗng có hàng loạt cây phượng đổ tự nhiên. Theo thông tin xuất hiện trên mặt báo, ngày 27 cây phượng ở Trường THCS Trần Phú (Pleiku, Gia Lai), sáng 28/5, cây phượng đường kính khoảng 1 m, trong khuôn viên trường Cao đẳng công nghệ Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), trong cơn mưa lớn chiều cùng ngày, cây phượng cao khoảng 20 m bên cạnh trường đại học Văn Hóa TP.HCM (quận 9) đều bật gốc. Chiều 30/5, trời mưa to, cây phượng lớn trong khuôn viên trường Tiểu học Nguyễn Du (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) bị bật gốc, đổ ầm xuống…
Phượng hay cây nào đó đổ tự nhiên cũng không phải là chuyện lạ, chuyện lạ là rất nhiều trường học vội vàng cứ nhè cây phượng mà cưa cắt hoặc đốn dứt điểm khỏi sân trường. Cây hoa học trò mùa này đang bung nở, nhưng rất nhiều sân trường nó bị cưa cụt chỉ còn là bộ xương khô quắt giữa chói chang nắng hè, có những trường cây phượng bị “giam” trong vòng cũi sắt để ngăn các học trò đến gần, và nó đứng đó rực cháy một ngọn lửa buồn cô đơn!
Một mệnh lệnh dược ban ra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương, nhà trường cần quan tâm, tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm an toàn trường học. Các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường khẩn trương liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn tiến hành kiểm tra, cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ… nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. Và rồi các cây xanh sân trường cũng theo số phận của cây phượng mà bị cưa cắt bị loại bỏ.
Nỗi buồn Phượng vĩ
Cây phượng gắn với tuổi học trò thành “Hoa học trò”, sống trong các trang văn, du dương ngân nga trong thơ và bay nơi vòm trời âm nhạc: sôi động nồng nàn da diết nhớ thương… đủ mọi cung bậc. Bây giờ người ta cưa cắt nó, đốn bỏ nó. Nó bị thương hoặc chết. Oan khuất quá!
Có hàng trăm thứ lỗi, xin đừng vội quy kết cho ai. Trước hết, từ xưa hình như các nhà trường chưa nhận được văn bản nào về quy định cây trồng trong trường là cây gì. Căn cứ trên Nghị định số 64/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị và Thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị. Trong danh mục 5 cây cấm trồng và 23 cây hạn chế trồng, không có quy định nào về cây phượng. Mà trong quy định ấy, nhà trường có là đối tượng nằm trong phạm vi áp dụng không? Điều chắc chắn các nhà trường vùng nông thôn thì nằm “ngoài vùng phủ sóng” rồi! Nhưng có một sự thật là chưa thấy có cơ quan kỹ thuật nào đến hướng dẫn trồng, chăm bón hay quy hoạch…tất cả đều mạnh ai người ấy làm.
Lịch sử cây trên sân trường gần như 100% là tự phát trồng, nếu có quy hoạch lựa chọn may ra chỉ có vài trường từ thời Pháp. Cái cách mà cây có mặt ở sân trường như sau: nếu may mắn được hưởng một hàng cây hoặc vài cây cũ xanh tốt từ tiền sử nhà trường thì cố giữ lại sau đó bổ sung thêm; Hoặc ai đó cao hứng (một cựu học sinh, một ông sếp to) tặng một cái cây, thế là tìm một chỗ đất trồng luôn…thành ra sân trường nào cũng đủ chủng loại cây không ra hàng lối. Hầu hết cây trồng mới đều do tâm ý của hiệu trưởng mới nhậm chức. Có ông xóa sổ cả sân cây cổ thụ để trồng xà cừ theo cái lí của riêng mình mà không hay rằng lá của nó rất độc và rễ phải ăn sâu vào nền đất rắn chắc loại đất thịt. Tôi đã thấy nhiều trường tới gần trăm tuổi mà cây bé tí tẹo, hỏi ra mới biết ở đây cứ bất kỳ hiệu trưởng nào mới lên đều làm một cuộc “cách mạng xanh” đó là xóa sổ toàn bộ cây của hiệu trưởng cũ? Tôi cũng chứng kiến vài trường sau bão toàn bộ cây xà cừ bật gốc hết, hàng trăm học sinh phải kéo nâng cây dậy như kéo pháo vào chiến trường Điện Biên Phủ, nhưng năm sau bão đến lại đổ…và rồi ông Hiệu trưởng sau biến chúng thành củi đốt lò gạch, trồng lại loài cây khác. Cũng đôi lúc trồng cây theo phong trào, ví như một dạo trường nào cũng trồng hoa Trạng nguyên để mong học sinh của mình hóa… Trạng cả! nhưng rồi không thấy trạng xuất hiện, hoặc là cây không có tác dụng gì về cảnh quan cũng như bóng mát, kinh tế và nghe truyền thuyết loài cây này mọc nên từ nấm mồ của cậu học trò…lại phá đi hàng loạt. Có lúc thích trồng hoa sữa vì nghe nhạc thấy bài hát củanhạc sĩ Hồng Đăng "Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm"… hay quá, nào có biết đâu hoa sữa không thơm như bài hát nói, nó có mùi rất nặng mà hoa khi khô xả ra muôn nghìn sợi tơ mảnh theo gió bay vào người thì cứ là toàn trường phải gãi rách da… và thế là lại chặt bỏ dứt điểm để minh họa cho “tiên tri” của nhạc sĩ Trương Quý Hải "hoa sữa thôi rơi"…
Nhưng ác thay, cây phượng thì ít ông hiệu trưởng nào dám chặt vì nó là “Cây hoa học trò”. Và thế là số của nó bị khổ. Thành phố Hải Phòng của tôi là thành phố hoa phượng đỏ, nên trreen 800 trường học nơi đây, trường nào cũng cố phải trồng bằng được ít nhất một cây phượng, có nhiều trường trồng phượng kín sân luôn! Nói dại, nếu cứ mỗi lần đổ mà lại có 18 mạng người thương vong thì thì loài phượng sẽ bị Hải Phòng cho tuyệt chủng luôn!
Cây phượng cứ thế tồn tại nó dần già cỗi với tuổi đời 20 năm, năm mươi năm hoặc lâu hơn nữa… Theo cách tính của các kỹ sư Việt Nam công bố trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì cây phượng trồng trên đường phố chỉ 30 tuổi là đã già cỗi, thân có dấu hiệu mục rỗng, sâu bệnh, nấm bắt đầu tấn công. Còn cây trồng trong công viên, trường học thì có thể có tuổi thọ cao hơn nhưng cũng chỉ đạt 40-50 năm tuổi.
Có ai quan tâm đến vấn đề này không? Câu trả lời là rất ít. Thế nên khi trả lời báo chí về vụ cây phượng đổ chết học sinh thày hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng quận 3 thành phố Hồ Chí Minh hết sức ngỡ ngàng: “Trước khi đổ, chúng tôi thấy cây phượng vẫn xanh tốt”. Những cây phượng sân trường ít được chăm sóc và thăm khám bệnh lý, nó sống tự nhiên nhờ mưa nắng của trời và chút màu mỡ của đất mà sống để xòe tán tỏa bóng mát, để ứa lửa báo mùa thi… nhưng rồi cũng phải cạn kiệt sức khỏe hao mòn thân xác mà chết. Quan trọng hơn, khi đô thị hóa và vô tâm người ta “bê tông hóa” tới sát gốc cây mà rễ “là bộ não của cây” (theo cách nói của các nhà sinh vật) bị ép đến hết khí, và vây đến cạn nước uống sao không chóng chun lại, mục ruỗng dù chưa đến tuổi phải ra đi? Cũng thật may, cây “hoa học trò” năm nay đổ nhiều ở miền Nam (và chỉ có một vụ gây tai nạn) nơi có ít bão gió chứ ở miền Bắc mùa hè ngày nào cũng gió giông mà sự quan tâm đến loài cây này chưa có thì chắc vô cùng nguy hiểm.
Những điều vừa nói cho thấy phượng không có tội gì, trăm thứ đều tại con người! Cây phượng nói riêng và cây xanh nói chung như lá phổi của trường học, về tinh thần, nó ghi dấu những kỷ niệm gắn bó với nhiều thế hệ thày trò là nhân chứng của bao vui buồn của nhiều người nơi bến học đường. Vì vậy, đừng chặt cây xanh sân trường vô tội vạ. Thiết tưởng các nhà trường vào cuộc, chính quyền vào cuộc và cơ quan lãnh đạo cao nhất của ngành là Bộ GD&ĐT vào cuộc trước mắt là ngăn chặn làn sóng chặt cây sân trường theo hiệu ứng “sợ trách nhiệm” và sau đó là có một cuộc “cách mạng xanh sân trường” thực sự với những biện pháp khoa học để sân trường có cây xanh bóng mát bền vững an toàn và trong cái khối xanh tươi ấy có vị trí của cây phượng vĩ vẫn còn mãi châm lửa báo hè cho các học sinh yêu quý.
NĐM