Chữ “Lý” hay “Lí” trong sách giáo khoa văn 8?
Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8, tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trong phần tác giả của bài "Chiếu dời đô" viết: tác giả của "Chiếu dời đô" là Vua Lí Công Uẩn. Và thế là dư luận “dậy sóng” chỉ vì một chữ “Lí”, bởi lẽ ra theo cách dùng truyền thống chúng ta đều gọi Vua Lý Thái Tổ là Lý Công Uẩn. Vậy Lý (từ cũ) đúng hay Lí (từ mới) đúng?
Theo nội dung trả lời báo chí của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì những người viết Sách giáo khoa đã sai. Ông Thành dẫn minh chứng, theo đó năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định 1989 ngày 25.5.2018 quy định về chính tả thực hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong chương I, điều 3 có viết “Thống nhất cách Viết tên riêng trên cơ sở tôn trọng tên riêng của tổ chức, cá nhân”. Vì thế, viết Lý Công Uẩn thành “Lí Công Uẩn là chưa vận dụng đúng tinh thần được nêu trong quy định về chính tả . Mặt khác, trong giấy tờ hành chính ở nước CHXHCN Việt Nam cũng như trong sử sách, chỉ có họ “Lý” mà không có họ “Lí”.
Tưởng thế là chắc, song ác thay, đến lượt người làm sách lên tiếng chống lại. Ở đây GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông cho rằng dự thảo quy định mới vẫn giữ cách viết đã được Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam và Bộ Giáo dục quy định từ năm 1980: Thống nhất viết âm “i” bằng chữ “i” sau các phụ âm h, k, l, m, s, t trong những âm tiết không có phụ âm cuối, ví dụ: hi sinh (không viết hy sinh), bác sĩ (không viết bác sỹ),… Mặc dù có ý kiến đề nghị thay đổi nhưng Ban soạn thảo cho rằng quy định của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam và Bộ Giáo dục trước đây có lí, và nên giữ để tránh làm xáo trộn một thói quen đã hình thành sau gần 40 năm áp dụng. Tại Nghị định 30/2020/ NĐ-CP về công tác văn thư chính thức có hiệu lực từ ngày 5.3.2020 đã có những quy định chi tiết về viết hoa trong các văn bản hành chính. Nghị định này đã dùng đúng cụm từ “địa lí” thay vì “địa lý”…
Tất cả đều là “lí” chống “Lý” thật khó phân xử, một bên đưa Quyết định 1989 ngày 25.5.2018 của Bộ GD và nói lịch sử không có họ “Lí” ra làm căn cứ bảo sai; Một bên đưa văn bản của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam và Bộ Giáo dục quy định từ năm 1980 lại thêm các chi tiết từ Nghị định 30/2020/ NĐ-CP và tạo thói quen khoa học mới để quyết giữ vững lập trường.
Các cụ xưa có câu “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, nhưng phong ba ta chống được, ngữ pháp cũng làm được. Tất cả đều tại con người cả. Chữ Quốc ngữ thực sự là một sáng tạo phi phàm, một thành tựu lao động trí tuệ xuất sắc của các nhà truyền giáo đạo Ki Tô người châu Âu từ thế kỷ thứ 17. Học giả Phạm Quỳnh ca ngợi Chữ Quốc ngữ là công cụ giải phóng trí tuệ của người Việt Nam. Bản thân người Việt yêu quý chữ mình nên đã cải tiến chữ Quốc ngữ với quá trình kéo dài 400 năm nay, hiện tại chúng ta vẫn không ngừng cải tiến để có bộ chữ Việt chuẩn mực quốc tế đó là cách làm khoa học. Thực tế, chữ Quốc ngữ vẫn còn nhiều bất cập khi dùng một số âm vị (các phụ âm: GI - D, X – S, N – L, TR - CH… các nguyên âm đôi bị biến thể: IA – UÔ – ƯƠ, các nguyên âm không có âm cuối vần đứng chắn, hoặc kết hợp với các phụ âm khác nhau thì cách viết khác nhau…). Đã có nhiều cá nhân vì yêu ngôn ngữ Việt mà cải tiến nhưng đều chưa được công nhận? Vì sao? Đó là điều các nhà ngôn ngữ học phải lý giải. Nên nhớ ngay cả Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng viết chữ “Z” trong từ “Nhân Zân” để thay cho âm vị D.
Vậy nếu vì muốn cải tiến khoa học thì hãy mạnh dạn thay đổi và ghi thành quy ước của Luật; trong đó nếu không muốn thay đổi các từ cũ mang tính lịch sử thì phải xây dựng bộ quy ước đặc biệt trong chính tả. Tôi nhớ ngày xưa khi học tiếng Nga để viết đúng chữ Hồ Chí Minh, tôi đã ghi lên bảng “Хо чи Мин” nhưng Thày bảo: em viết đúng nhưng lại phải viết là “ Хо Ши Мин” vì người ta đã trót dịch chữ “Chí” là “Ши” rồi nếu dùng chữ chí là “чи”, người nước ngoài sẽ tưởng là người khác chứ không phải Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ chữ “Lý” trong cách hiểu là họ Lý để đảm bảo tính lịch sử thì cũng cần có quy ước như đã nói chứ không thể chỉ bảo Việt Nam không có họ Lí là được. Ai bảo vậy? Vì chữ Lý hay Lí là do người Việt tự phát âm (theo phương thức tạo từ tiếng Việt) rồi ghi âm thành “vỏ chữ” lâu dần thành quen mà thôi.
Nếu không muốn cãi nhau (tôi cho rằng sẽ còn nhiều vụ nữa) thì phải làm lại luật chính tả. Trong trường hợp cụ thể này, (nói vui) muốn phân thắng bại chỉ còn một cách “Bất khả thi” là xin triệu hồi Đức Lý Thái Tổ về để hỏi Ngài xem Ngài thích viết chữ Lý hay Lí và ngày xưa Ngài họ Lý hay Lí? Nhưng có lẽ Ngài có về cũng chịu chết vì chữ Lý Công Uẩn (李公蘊) tên của Ngài vốn là chữ Nho phồn thể.
NĐM