HÀNH TRÌNH VỚI "CÂU HÁT NGÀY XA"
Viết về tập thơ “Câu Hát ngày xa” - Nguyễn Đình Minh – Nxb Hội nhà văn
HÀNH TRÌNH VỚI "CÂU HÁT NGÀY XA"
Nhà Thơ Kim Chuông
Hội viên hội nhà văn Việt
Có tiếng vọng ngỡ như khuất mờ bổng dào dạt lên phía bờ xa nơi dòng chảy xanh êm mà ta thấy được trong nhịp bước của người hành trình với "Câu hát ngày xa". Tiếng vọng ấy ru ta, se sẽ lắng trong ta, rồi se sẽ neo đậu nơi tim ta một giọt nhỏ mát lành. Nó sóng sánh, nhẹ loang như làn gió, như cái gì đó mong manh thôi mà ta cầm nắm được.
Nguyễn Đình Minh mang một hồn thơ với lối đi chân thành, bình dị là vậy. Anh hăm hở đem mình đến với ngoại giới để tìm lấy phút va đập, để được nghe chính câu hát của lòng mình ở ngày xa, ở năm rộng dài ngắm nhìn và ngẫm ngợi.
Trước thế giới tươi xanh, phong phú và xsinh động dường này, Nguyễn Đình Minh gặp thiên nhiên với "Sắc hoa trạng nguyên"với"Mảnh trăng", với "Một thoáng Cát Bà", với dáng ai như "Thị Màu", "Tô Thị", với "Người hát quan họ đêm Tây Hồ" hay "Những đứa trẻ trên cát cháy" rồi "Chiều Trung Am đọc thơ Phu Tử"...
Thơ là hình ảnh thứ hai của thế giới thứ nhất. Là độc thoại tìm được ở những gì qua đối thoại, qua trực giác bề bộn sắc màu ở một phía ngoài - ta.
Cũng giống như nhiều người viết khác. Khởi nguồn là thế. Hay cái trước nhất là thế. Ai cao vời đến đâu cũng không thể đem tâm hồn mình đẻ thay thế cho cả vũ trụ bao la kia được. Bởi vậy, Nguyễn Đình Minh bám chặt vào hiện thưc cuộc đời để tìm được cảm rung này từ một câu ca dao ai hát.
Chỉ mười bốn tiếng ấy thôi
Mà em vương vấn, mà tôi nặng lòng
Để rồi:
Nổi lênh mặt nước cánh bèo
Câu ca dao ấy mang theo một đời
(Ca dao)
Là thế! Giữa bao nhiêu tĩnh tại kia, cái khó là tìm được điểm "chạm " nào qua cái nhìn, cái gặp đẻ có được cái lung linh của giây phút "Cưới nhau" giữa lượng thông tin với năng lượng chuyển vận của tâm hồn người viết.
Để:
Gặp hoa trạng nguyên nở đỏ
Lại thấy
Sáng bừng lên như mặt trời riêng
(Chiều Trung Am đọc thơ Phu Tử)
Hoặc để nhìn thấy:
Những que chuyền ríu rít cọ vào nhau
Quả cà nhỏ lăn một thời thơ ấu.
(Chân dung người đàn bà)
Hay với Thị Màu thì:
Em vẫn đốt niềm đam mê như lửa
Đêm sân đình nghiêng ngả mảnh tình quê.
Có được cảm xúc, ngôn từ bỗng lay động. Nó không còn là xác chữ lì trơ, nhạt nữa.
Với "Câu hát ngày xa", với Nguyễn Đình Minh tuy cảm xúc chưa dẫn tới những giây phút bùng nổ, gây được ấn tượng mạnh. Có cái gì thoảng, đều dọc mạch tìm ở bề mặt của ngôn thi, nhưng từ cảm xúc, Nguyễn Đình Minh cũng đã có được sáng tạo qua những liên tưởng đẹp ở ảnh hình, thi liệu.
Ví như:
Người đi mang cả cuộc tình
Mảnh trăng rơi xuống sân đình vỡ đôi
Hay cũng chính từ cảm xúc mà cái cụ thể được bay lên, nó có được cái dư vang, day trở:
Cầm trên tay một câu quan họ
Hương áo ba tầm...suốt một đời say
(Người hát quan họ đêm Tây Hồ)
Và
Làng giống một bàn tay run trong cơn đói
Trăng vẹt cong như chiếc lá lứa gầy.
(Mùa hoa gạo)
ở lối đi này, xúc cảm dễ sinh nở, câu thơ dễ tươi xanh khi tầng nổi của hiện thực cuộc đời làm nên điểm tưa, làm nên vai trò cứu cánhcho câu thơ gieo trồng và có được sức hương nào đó.
Với ""Câu hát ngày xa", với Nguyễn Đình Minh, trên cái "phông" trải rộng, còn cần đến không ít cái công lao đãi cát tìm vàng. Cái rất riêng, cái được"Cá thể hoá". Cái người viết ép chặt trực giác, cái trưng cất thi ảnh, cái cô đặc nghiền ngẫm...Và, đấy chính là cái có được sự kết tinhđể câu thơ, hình ảnh, hình tượng thơ, rồi tứ thơ có một gương mặt, một giọng điệu riêng rẽ, nó"ghim" sâu vào lòng người đọc.
ở "Câu hát ngày xa", Nguyễn Đình Minh đã cố gắng vượt mình, vươn tới chiều sâu, có sức gợi ở sự phát hiện khi"Qua ải Chi Lăng", khi nghĩ về"Phép tính Khổng Khâu", khi "Nhớ Nguyễn Du", hay khi liên tưởng đến"Bầu trời Picátxô", hay đứng trước"Gam màu nhức nhối"...Tất cả cái nghĩ muốn làm lên cái trội vượt trước cảm xúc dược mô tả, giãi bày. Song ý thức có được ấy còn cần nữa một nỗ lực mạnh mẽ của sức đẩy từ nhiều phía để con thuyền thơ ca mới có thể neo đậu, tới được bến bờ dư vang của nó.
"Câu hát ngày xa" là trang thơ của một thầy giáo mang nét đẹp của cái cảm , cái nghĩ. Là quả chín với hương sắc tươi tắn, ngọt lành. Nó chân thành, bình dị, dễ gần với công chúng yêu thơ. Và, chính vì thế, tôi đã đọc Nguyễn Đình Minh với tình cảm thật nâng niu, quý yêu và tin chờ ở chân trời phía trước./.
Mùa đông 2004
KC