Developed in conjunction with Ext-Joom.com

aaa

Chùm đề và bài giải: Dạng tái hiện kiến thức về giai đoạn, tác giả, tác phẩm văn học

         Trên cơ sở tham khảo một số bài viết của đồng nghiệp và các sách hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp, đại học môn ngữ văn chúng tôi cung cấp cho học sinh một số bài tham khảo dưới đây để các em có thể tiết kiệm thời gian công sức tìm kiếm tổng hợp. Hy vọng từ những gợi ý này các em có thể phát triển sâu sắc hơn.

Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945 

Đề bài1:: Hãy nêu những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945 ? 

Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945 tuy chỉ diễn ra chưa đầy nửa thế kỷ, nhưng lại có vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc.

Ở giai đoạn này, xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi lớn tác động đến đời sống con người. Sau khi xâm lược thành công, thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa, do đó cơ cấu xã hội biến đổi sâu sắc, nhiều tầng lớp xã hội mới ra đời, các đô thị hình thành, xã hội thương mại phát triển mạnh, văn hóa phương Tây xâm nhập và tác động mạnh đến đời sống văn hóa, văn học dân tộc…

Nhân vật trung tâm trong đời sống văn hóa là tầng lớp trí thức Tây học. Nghề in, nghề báo, nghề xuất bản phát triển. Nhu cầu văn hóa tăng cao dẫn đến sự ra đời của nghề viết văn, của phê bình văn học. Vì vậy, nền văn học được hiện đại hóa nhanh chóng. Văn học chữ quốc ngữ hình thành và thoát ra khỏi thi pháp văn học trung đại, hình thức văn học theo đó đổi mới. Tư duy văn học thay đổi và cách tân sâu sắc trên mọi thể loại, đặc biệt là tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, phóng sự, kịch và phê bình văn học.

Nhịp độ phát triển đặc biệt mau lẹ trên nhiều phương diện: số lượng, chất lượng, cách tân, trưởng thành và kết tinh. Tiếng Việt giàu đẹp, sức sống tiềm tàng của văn hóa dân tộc và văn chương hội nhập toàn diện với văn hóa, văn chương phương Tây; đội ngũ nhà văn tài năng, giàu lòng yêu nước đã dẫn đến các cuộc vận động, cách tân diễn ra liên tục, sâu rộng…

Nền văn học phân hóa phức tạp thành nhiều xu hướng văn học. Sự khác nhau về quan điểm nghệ thuật và khuynh hướng thẩm mỹ dẫn đến sự phân hóa thành nhiều xu hướng. Có 02 bộ phận văn học chính là văn học phát triển hợp pháp, và văn học phát triển bất hợp pháp. Văn học phát triển hợp pháp được xuất bản công khai, có điều kiện đầu tư công sức nên chất lượng cao. Ở bộ phận này có hai xu hướng chính. Xu hướng lãng mạn chủ nghĩa thể hiện cái tôi trữ tình cá nhân đầy cảm xúc với tinh thần thoát lý thực tại. Xu hướng hiện thực chủ nghĩa chú trọng miêu tả, phân tích chân thực các hiên tượng xã hội với thái độ phê phán và nhân đạo.

Bộ phận văn học phát triển bất hợp pháp và nửa hợp pháp do chí sĩ yêu nước, những nhà cách mạng sử dụng văn chương như là phương tiện để tuyên truyền vân động cách mạng. Hình tượng trung tâm của bộ phận văn học này là người chiến sĩ đấu tranh vì độc lập dân tộc…

Giai đoạn văn học này dù ngắn ngủi nhưng đã để lại nhiều tác gia văn học lớn như: Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách, Tản Đà, Thạch Lam Nhất Linh, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Xuân Diệu, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Hồ Chí Minh,…

Đề bài 2: Hãy nêu những thành tựu cơ bản của văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945 ?

Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945 tuy chỉ diễn ra chưa đầy nửa thế kỷ, nhưng lại có vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc do những thành tựu văn học to lớn của nó.

Thành tựu nổi bật nhất của giai đoạn văn học này là đem đến tinh thần dân chủ. Chính nhờ tinh thần cơ bản này mà lòng yêu nước giờ đây đã gắn với nhân dân và lý tưởng xã hội rõ rệt. Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học đã gắn liền với sự thức tỉnh về ý thức cá nhân, khát vọng sống và quyền thể hiện tài năng, phẩm giá cao độ của con người. Tinh thần dân chủ cũng đã đem đến cho trang văn hình tượng người anh hùng khí phách, có lý tưởng, và niềm lạc quan to lớn đối với tương lai.

Về hình thức thể loại và ngôn ngữ văn học, nền văn học trong giai đoạn này đã có những bước phát triển vượt bậc. Tiểu thuyết và truyện ngắn quốc ngữ ra đời phần lớn gắn liền với hiện thực xã hội và đời sống tâm lý con người. Nhân vật đã được chú ý sâu về tính cách, tâm lý, và có nhiều hình tượng giàu sức khái quát. Ngôn ngữ sử dụng là tiếng nói của người lao động, bình dân.

Phóng sự, bút ký, tùy bút, kịch nói ra đời và phát triển mạnh. Đặc biệt thơ ca đã giải phóng khỏi tính quy phạm chặt chẽ và hệ thống ước lệ để thể hiện một cách chính xác, phong phú thế giới muôn màu của cảnh sắc và tâm lý con người. Thơ ca cách mạng đã dựng lên được hình tượng những anh hùng xả thân vi nước, vì lý tưởng mới bằng một ngôn ngữ hào sảng, tươi mới lạc quan.

Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945 có vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc là do đã tiếp thu được tinh hoa truyền thống văn học quá khứ, đồng thời đặt tiền đề mở ra một giai đoạn mới cho nền văn học hiện đại./.

 

Văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975

Đề bài 3: Hãy nêu những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975?

Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 tồn tại và phát triển trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt: cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng dân tộc ác liệt kéo dài suốt 30 năm; sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa, văn học nước ngoài chủ yếu qua các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc… Tuy nhiên, nền văn học vẫn tiếp nối và phát huy những truyền thống lớn của văn học dân tộc giai đoạn trước.

Do yêu cầu lịch sử, nền văn học phải thực hiện nhiệm vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu, khơi dậy tinh thần công dân, tinh thần chiến sĩ cho nhân dân. Nhà văn là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, nên các tác phẩm phần lớn bám sát thực tiễn lịch sử, theo sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cụ thể. Văn học phản ảnh và phục vụ toàn diện cuộc đấu tranh của nhân dân. Thế giới nhân vật rất đa dạng, nhân vật chủ yếu được thể hiện ở tư cách công dân, ở phẩm chất chính trị, tinh thần cách mạng, có lý tưởng độc lập, tự do. Tình cảm nhân vật chủ yếu là tình cảm trong quan hệ cộng đồng, con người dời tư không được chú ý. Hình tượng người chiến sĩ là nhân vật trung tâm của nền văn học…

Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 chủ yếu hướng về đại chúng. Nhân dân vừa là đối tượng, vừa là công chúng của văn học. Các tác phẩm vì thế tập trung khám phá, ca ngợi quần chúng, hoặc đề cao những đại diện của quần chúng lao động. Mặt khác, hình thức nghệ thuật tác phẩm theo đó hướng đền sự giản dị, dể hiểu với những hình thức quen thuộc của dân tộc, dân gian…

Ra đời và phát triển trong không khí chiến tranh ác liệt, nền văn học giai đoạn này chủ yếu mang khuynh hương sử thi và cảm hứng lãng mạn. Văn học là tiếng nói của cả một cộng đồng dân tộc. Nhân vật trung tâm là những con người gắn liền với số phận đất nước với những phẩm chất kêt tinh từ cộng đồng. Khuynh hương sử thi gắn liền với cảm hứng lãng mạn nên thé giới nghệ thuật tràn đầy chất lý tưởng, tương lai, hướng vận động của nhân vật, cốt truyện, tâm lý hầu như đều đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ gian khổ đến niềm vui, từ hiện tại đến tương lai tươi đẹp,..

Những đặc điểm trên của giai đoạn văn học 1945 – 1975 đã tạo nên nhiều thành tựu ý nghĩa song vẫn có những hạn chế nhất định./.

 

Đề bài 4: Hãy nêu những thành tựu cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 ?

Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh chiến tranh giải phóng dân tộc vô cùng ác liệt kéo dài suốt 30 năm. Song do đáp ứng được nhiệm vụ cao quý và mục tiêu chính đáng của dân tộc và nhân dân, nên văn học giai đoạn này đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình. Trong 3 thập kỷ này, văn học đã góp phần to lớn trong việc cổ vũ chiến đấu, trở thành vũ khí tinh thần của nhân dân trong cuộc đối đầu với kẻ thù ngoại xâm.

Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 đã tiếp nối và phát huy những truyền thống tư tưởng lớn của dân tộc. Trước hết đó là truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng. Các tác phẩm phần lớn đều khẳng định đất nước là của nhân dân. Tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng để làm nên lịch sử, làm nên đất nước. Một giá trị tư tưởng nữa của văn học giai đoạn này là thể hiện và phát huy chủ nghĩa nhân đạo trong việc hướng về nhân dân, diễn tả nỗi khổ, chống áp bức tàn bạo, ca ngợi vẻ đẹp con người lao động. Một bộ phận văn học cũng chú ý đến đời sống cá nhân với tình yêu lứa đôi, dù tình cảm ấy đặt song song với tình yêu Tổ quốc và nhân dân.

Về mặt nghệ thuật, văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 ngày càng phát triển cân đối, toàn diện hơn về mặt thể loại, từ tiểu thuyết, truyện, ký đến thơ, kịch và phê bình nghiên cứu, trong đó thơ trữ tình và truyện ngắn có nhiều kết tinh hơn cả.

Tuy nhiên, do phục vụ nhu cầu lịch sử trước mắt, nên văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 vẫn còn một số hạn chế nhất định như: tác phẩm thể hiện con người và cuộc sống một cách đơn giản, xuôi chiều, phiến diện, công thức; giá trị hình thức nghệ thuật ít được chú trọng,…

Song có thể nói, mặc dù vậy, văn học với chức năng là vũ khí tinh thần của nhân dân thì văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cần thiết của mình./.

Văn học Việt Nam từ 1975 đến hết thế kỷ XX

Đề bài 5 : Hãy nêu những đặc điểm và những thành tựu cơ bản của văn học Việt Nam từ 1975 đến hết thế kỷ XX ?

Từ năm 1975 đến hết thế kỷ XX, trong 10 năm đầu tiên, chiến tranh đã kết thúc, tuy nhiên xã hội vẫn còn tư duy theo nếp cũ, xã hội bao cấp trong tình thế bị bao vây cấm vận, vì thế nền văn học thời kỳ này không có những biến đổi đáng kể nào. Song kể từ 1986, với công cuộc đổi mới, kinh tế thị trường chi phối, giao lưu hội nhập quốc tế rộng hơn, nên văn học đã có những thay đổi mạnh mẽ: lên án cái xấu, cái ác tồn tại trong đời sống mới; tiêu chí văn hóa và bản sắc dân tộc được quan tâm đề cao hơn; tư tưởng thẩm mỹ, hệ thống thể loại, thi pháp và phong cách nghệ thuật đã có những tìm tòi đổi mới,…

Chính vì vậy thành tựu đầu tiên dễ nhận thấy là nhà văn đã cố gắng đổi mới ý thức nghệ thuật: hiện thực không đơn giản, con người la một sinh thể phức tạp và bí ẩn, nhà văn là người có tư tưởng độc lập, độc giả là người bạn đồng sáng tác với nhà văn,… Đặc biệt nổi bật là ý thức cá nhân của nhà văn được thức tỉnh sâu sắc hơn.

Văn học Việt Nam từ 1975 đến hết thế kỷ XX đã có những thành tựu về mặt thể loại: phóng sự (Phùng Gia Lộc, Trần Huy Quang, Hoàng Hữu Các,…), truyện ngắn, tiểu thuyết (Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Dương Hướng, Ta Duy Anh,…), thơ (Thanh Thảo, Ý Nhi, Nguyễn Duy, Thu Bồn, Chế Lan Viên, Nguyễn Quang Thiều,…), kịch nói (Nguyễn Đình Thi, Lưu Quang Vũ, Tào Mạt,..), phê bình nghiên cứu (Nguyễn Đăng Mạnh, Lê Ngọc Trà, Trần Đình Sử,…),…

Trong những đổi mới về nội dung, có thể thấy rõ nhất là ở quan niệm về con người. Con người được nhìn nhận thêm ở phương diện cá nhân, trong quan hệ đời thường, trong đời sống tâm linh và bản năng,… Về hình thức nghệ thuật, cảm hứng thế sự tăng mạnh, nội tâm nhân vật khai thác sâu hơn, phương thức trần thuật đa dạng, ngôn ngữ đa dạng,…

Tuy nhiên, có thể thấy là văn học Việt Nam từ 1975 đến hết thế kỷ XX chưa có thành tựu kết tinh xứng đáng với tầm vóc dân tộc, thời đại, tác giả và những khuynh hướng sáng tạo độc đáo vẫn chưa rõ nét, văn học vẫn phát triển mạnh về số lượng hơn là chất lượng, lý luận phê bình chưa đổi mới theo kịp đời sống xã hội và nhân loại./.

CACTSZO7

Về tác giả tác phẩm

Đề bài 6 : Hãy nêu những đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.

1. Nghệ thuật tạo tình huống độc đáo: Đó là cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và viên quản ngục trong chốn lao tù nhưng trên bình diện nghệ thuật họ là tri âm tri kỷ. Thông qua tình huống truyện tính cách các nhân vật được khắc họa rõ nét và chủ đề tác phẩm được tô đậm.

2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật nhân vật được nhìn nhận từ phương diện tài hoa nghệ sĩ được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn. Viên quản ngục và Huấn Cao được đặt trong mối quan hệ tương phán soi sáng lẫn nhau cách miêu tả gián tiếp…

3. Nghệ thuật tạo dựng cảnh cho chữ: “Một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Trong cảnh này, thủ pháp nghệ thuật đối lập được sử dụng một cách triệt để đã góp phần khắc họa đậm nét tính cách nhân vật.

4. Nghệ thuật tạo không khí cổ kính bằng những chi tiết chọn lọc, câu văn có nhịp điệu thong thả, đỉnh đạc,…

5. Ngôn ngữ: giàu tính hình tượng, giàu tính tạo hình, sử dụng đắc địa nhiều từ Hán Việt…

Đề bài 7: Hãy trình bày ngắn gọn về con người Nguyễn Tuân?

Nguyễn Tuân (1910 – 1987) là một nhà văn lớn trong văn học Việt Nam thế kỷ XX. Với những đóng góp to lớn của ông, năm 1996 nhà văn Nguyễn Tuân đã được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).

Nguyễn Tuân là một trí thức giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Lòng yêu nước của ông có nét riêng là gắn bó máu thịt với các giá trị văn hóa, văn chương truyền thống của dân tộc.

Ở ông, ý thức cá nhân phát triển rất cao. Nguyễn Tuân viết văn trước hết là để khẳng định cá tính độc đáo.

Ông là con người rất mực tài hoa và uyên bác. Ngoài văn chương, Nguyễn Tuân còn am hiểu nhiều môn nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, và các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn khác.

Đặc biệt hơn là ông thực sự quý trọng nghề văn, độc giả. Đối với ông, nghệ thuật là một hình thái lao động ngghiêm túc và nghiệt ngã, đòi hỏi công phu sáng tạo rất lớn ở nhà văn. Nguyễn Tuân còn nổi tiếng là một nhân cách nghệ sĩ lớn, trung thực, mạnh mẽ đương đầu với cường quyền, không ham tiền tài, danh lợi,…

Chính nhờ vậy, nên với hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông đã để lại cho nền văn học cách mạng Việt Nam một sự nghiệp văn học phong phú với những trang viết độc đáo và tài hoa.

Đề bài 8: Hãy nêu những nét chính trong sự nghiệp thơ văn của Xuân Diệu ?

Xuân Diệu (1916 – 1985) không chỉ là một nhà thơ lớn mà còn là một nhà văn hoá lớn của dân tộc. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp sáng tác rất lớn lao và giá trị. Hơn 50 năm lao động miệt mài trong thế giới nghệ thuật ấy, con người và thơ văn của Xuân Diệu đã có sự chuyển biến rõ nét từ nhà thơ lãng mạn thành một nhà thơ cách mạng. Thơ văn Xuân Diệu đã đóng góp to lớn vào quá trình phát triển của văn học Việt Nam.

Sự nghiệp văn học của Xuân Diệu tập trung ở hai lĩnh vực thơ và văn xuôi. Về thơ ca, trước Cách mạng Tháng Tám, Xuân Diệu là một nhà thơ lãng mạn tiêu biểu cho Phong trào Thơ Mới. Tác phẩm nổi bật là Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945). Nội dung chính của thơ Xuân Diệu trong thời kỳ này là niềm say mê ngoại giới, khao khát giao cảm cháy bỏng, mãnh liệt với cuộc đời và tình yêu cuộc sống; Nỗi cô đơn của cái Tôi bé nhỏ; Nỗi ám ảnh về thời gian trôi nhanh và lẽ sống vội vàng; Một khát vọng tình yêu vô biên tuyệt đỉnh, và nỗi đau khôn cùng của một trái tim đắm say, nồng nhiệt mà không được đền đáp xứng đáng…

Sau Cách mạng tháng Tám, từ một nhà thơ lãng mạn, Xuân Diệu trở thành một nhà thơ cách mạng. Thơ ông thể hiện tâm hồn hân hoan tràn đầy chất men say lý tưởng của người nghệ sĩ trước lẽ sống lớn, niềm vui lớn của cách mạng. Thơ ông mang cảm hứng mạnh mẽ đối với những đề tài liên quan đến Đảng, Bác Hồ, Tổ quốc và công cuộc thống nhất nước nhà. Các tác phẩm tiêu biểu ở thời kỳ này là: Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non sông, Một khối hồng, Riêng chung,…Đặc biệt, ông vẫn tiếp tục làm thơ tình với quan niệm tình cảm lứa đôi hoà quyện cùng tình yêu tổ quốc, tứ thơ vẫn tràn đầy chất sục sôi, đắm say, nồng nhiệt…

Bên cạnh việc đem đến cho nền thơ ca Việt Nam một nguồn cảm hứng yêu đời dào dạt, một quan niệm nhân sinh mới mẻ, Xuân Diệu còn đóng góp vào nền thơ một thế giới thơ giàu giá trị thẩm mỹ cùng một cái tôi giàu bản sắc. Ông là người đã tìm ra nhiều kiểu cấu trúc hiện đại cho câu thơ, nhiều hình ảnh độc đáo, tân kỳ cho thơ Việt Nam,… Vì thế, ảnh hưởng của Xuân Diệu trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại là rất to lớn và sâu đậm.

Ngoài ra, Xuân Diệu còn có nhiều tác phẩm văn xuôi, lý luận phê bình rất thành công (Phấn thông vàng, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Dao có mài mới sắc, Tiếng thơ,…).

Xuân Diệu là nhà thơ nêu tấm gương cần mẫn trong sáng tác, say mê trong lao động nghệ thuật với một niềm tin yêu tha thiết đối với con người. Sự đóng góp trên nhiều lĩnh vực khác nhau và đều đặn ở nhiều giai đoạn lịch sử của Xuân Diệu trong tiến trình của nền văn học hiện đại của dân tộc là rất to lớn. Chính vì thế, Xuân Diệu xứng đáng là môt nhà thơ lớn, nhà văn hoá lớn của dân tộc

Đề bài 9: Trình bày ngắn gọn sự nghiệp thơ ca của Xuân Diệu ?

Xuân Diệu (1916 – 1985) là một nhà văn hóa lớn, song khi nói đến ông phần lớn ai cũng nhìn thấy ông là một nhà lớn của dân tộc. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp thơ rất lớn lao và giá trị. Hơn 50 năm lao động miệt mài trong thế giới nghệ thuật ấy, con người và thơ ca Xuân Diệu đã có sự chuyển biến rõ nét từ nhà thơ lãng mạn thành một nhà thơ cách mạng.

Trước Cách mạng Tháng Tám, Xuân Diệu là một nhà thơ lãng mạn tiêu biểu cho Phong trào Thơ Mới. Tác phẩm nổi bật là Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945). Nội dung chính của thơ ông trong thời kỳ này là niềm say mê ngoại giới, khao khát giao cảm cháy bỏng, mãnh liệt với cuộc đời và tình yêu cuộc sống; Nỗi cô đơn rợn ngợp của cái Tôi bé nhỏ; Nỗi ám ảnh về thời gian trôi nhanh và lẽ sống vội vàng; Một khát vọng tình yêu vô biên tuyệt đỉnh, nỗi đau của một trái tim đắm say, nồng nhiệt mà không được đền đáp xứng đáng…

Sau Cách mạng Tháng Tám, từ một nhà thơ lãng mạn, Xuân Diệu trở thành một nhà thơ cách mạng. Thơ ông thể hiện tâm hồn hân hoan tràn đầy chất men say lý tưởng của người nghệ sĩ trước lẽ sống lớn, niềm vui lớn của cách mạng. Thơ ông mang cảm hứng mạnh mẽ đối với những đề tài liên quan đến Đảng, Bác Hồ, Tổ quốc và công cuộc thống nhất nước nhà. Các tác phẩm tiêu biểu ở thời kỳ này là: Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non sông, Một khối hồng, Riêng chung,…Đặc biệt, ông vẫn tiếp tục làm thơ tình với quan niệm tình cảm lứa đôi hoà quyện cùng tình yêu tổ quốc, tứ thơ vẫn tràn đầy chất sục sôi, đắm say, nồng nhiệt…

Bên cạnh việc đem đến cho nền thơ ca Việt Nam một nguồn cảm hứng yêu đời dào dạt, một quan niệm nhân sinh mới mẻ, Xuân Diệu còn đóng góp vào nền thơ một thế giới thơ giàu giá trị thẩm mỹ cùng một cái tôi giàu bản sắc. Ông là người đã tìm ra nhiều kiểu cấu trúc hiện đại cho câu thơ, nhiều hình ảnh độc đáo, tân kỳ cho thơ Việt Nam,… Vì thế, ảnh hưởng của Xuân Diệu trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại là rất to lớn và sâu đậm.

Đề bài 10 : Nêu ngắn gọn giá trị nghệ thuật của hình ảnh chuyến tàu đêm trong trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam)

Hai đứa trẻ là một trong những truyện ngắn thường được nhắc tới nhiều nhất của Thạch Lam. Hình ảnh chuyến tàu đêm chạy qua một phố huyện nghèo thời trước đã được Thạch Lam miêu tả rất khéo léo, đã nổi lên thành một hình ảnh đầy ý nghĩa, bộc lộ chủ đề của tác phẩm.

Bối cảnh cho chuyến tàu đêm xuất hiện là cuộc sống buồn tẻ, đơn điệu, đáng thương nơi phố huyện. Nơi ấy chỉ có bóng tối và sự im lặng, hoang vu và nỗi buồn. Chính giữa khung cảnh, hai chị em Liên chờ đợi chuyến tàu trong tâm trạng khắc khoải. Đó là chuyến tàu hàng đêm từ Hà Nội đi qua phố huyện chỉ trong mấy phút.

Chuyến tàu vừa là hình ảnh giúp người đọc nhận ra hiện thực khốn khó, vừa là biểu trưng cho khát vọng của nhưng con người nhỏ bé nơi phố huyện.

Cư dân phố huyện cũng như hai chị em Liên ngồi đợi tàu để bán cho được những món hàng nhỏ nhoi như: bao diêm, cuộn chỉ, bánh xà phòng lẻ… Đấy là “cơ hội” để sinh nhai, độ nhật qua ngày. Nó cũng là hình ảnh để tô đậm sự thiếu hẳn ánh sáng và niềm vui của còn người khi chuyến tàu là hình ảnh hiếm hoi duy nhất trong ngày đem đến mơ ước cho cư dân phố huyện.

Thế nhưng cái quan trọng hơn cả là chuyến tàu ấy chuyên chở một Hà Nội đầy những kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ và rực rỡ ánh sáng. Hình ảnh đoàn tàu với Liên mang một vẻ đẹp của ngày qua. Ở đó, lặng theo mơ tưởng, một thế giới hoài niệm nơi ký ức sâu đằm hiện lên ngân nga một dư vị ngọt ngào. Đó là một trang cổ tích ngày xưa bỏ quên ở Bờ Hồ, nơi hai chị em đã từng ”uống cốc nước lạnh xanh đỏ thần tiên”. Quá vãng đã trào lên muôn sắc hào quang, dù không rõ rệt nhưng vẫn hấp dẫn và quyến rũ mê hồn. Vì vậy, Liên vừa cố thức để ”may ra còn có người mua”, vừa muốn được nhìn chuyến tàu. Đó là hạnh phúc duy nhất trong ngày, và phải chăng còn là mơ ước cả một đời ở con người.

Vì thế con tàu trong mắt Liên đồ sộ lạ lẫm và đi với tốc độ phi thường, vừa tới đã vụt qua. Và cô bé đã xốn xang như uống lấy tiếng động của nó, sắc màu của nó. Các toa đèn đều sáng trưng… những toa hạng trên sang trọng, lố nhố người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng. Đoàn tàu đi qua nhưng tâm hồn chị em Liên thì vẫn gửi hút theo nó mãi, nhìn nó để lại trong đêm tối những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt… cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh… xa xa mãi rồi đi khuất sau rặng tre.

Thế nhưng, như một thứ trò chơi của số phận, con tàu mà Liên ngưỡng mộ khát khao đến rồi đi, trả lại cho cuộc đời thực cái bóng đêm cố hữu như số phận. Nó chỉ là một con sóng đột nhiên dội tới mặt nước bằng phẳng từ hãm của cuộc đời. Cái còn lại sau đó là môt bầu trời đầy sao, và Liên cũng như bao con người khuất lấp khác lại tiếp tục lầm lũi cẩn thận gài then cửa, vặn nhỏ ngọn đèn, khép lại cánh cửa thường nhật để gieo mình câm lặng trong bóng tối. Nhưng ngày mai, ngày mai lại bắt đầu, và giấc mơ của Liên sẽ trở lại,…

Đọc xong Hai đứa trẻ, người đọc không thể không ngẫm nghĩ về ý nghĩa sâu xa của hình ảnh chuyến tàu đêm mà Thạch Lam đã cố tình miêu tả nó để làm nổi lên thật rõ cuộc sống buồn tẻ đáng thương của hai chị em Liên? Với các em, chuyến tàu ấy là tất cả niềm vui và hi vọng. Đó là Hà Nội trong quá khứ êm đềm xa xôi. Đó là niềm vui duy nhất để giải toả cho tâm trí sau một ngày mệt mỏi, đơn điệu và buồn chán. Đó là âm thanh, ánh sáng, vẻ lấp lánh, của một cuộc đời mà các em hi vọng, một cuộc đời khác, hoàn toàn không giống với cuộc đời nghèo nàn và tẻ nhạt nơi phố huyện.

Mặt khác, ở khía cạnh chọn lựa hình ảnh để miêu tả hiện thực, hình ảnh chuyến tàu tàu đêm mà Thạch Lam khắc họa trong truyện còn giúp nhà văn thể hiện được tinh thần lãng mạn của trào lưu lãng mạn chủ nghĩa của Tự Lực văn đoàn.

Hai đứa trẻ không thuộc loại truyện hấp dẫn người đọc, nhưng lại có sức ám ảnh mạnh mẽ vì hình ảnh, chi tiết và ngôn ngữ biểu hiện, đặc biệt thái độ yêu thương, trân trọng của nhà văn giành cho các nhân vật bé nhỏ của mình.

Đề bài 11: Nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của Nam Cao ?

Nam Cao (1915 – 1951) sinh ra trong một gia đình nông dân làng Đại Hoàng, thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Sang (nay thuộc xã Hải hậu, Lí Nhân, Hà Nam). Học hết bậc Thành chung, Nam Cao vào Sài Gòn, rồi sau lại về quê làm nghề dạy học và viết văn. Năm 1943, ông tham gia nhóm Văn hóa cứu quốc ở Hà Nội. Năm 1946, ông đi theo kháng chiến. Tháng 11/1951, trên đường vào công tác vùng địch hậu thuộc liên khu III, Nam Cao đã bị địch phục kích và bắn chết tại Ninh Bình.

Ông là một trong những đại diện xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán (1930-1945). Nam Cao cũng là cây bút tiêu biểu của văn học những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Ông được nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật (1996)

Trước Cách mạng tháng Tám, sáng tác của Nam Cao tập trung vào 2 đề tài chính: người trí thức tiểu tư sản, và người nông dân nghèo.

- Ở đề tài người trí thức tiểu tư sản nghèo, đáng chú ý nhất là các tác phẩm: Những truyện không muốn viết, Trăng sáng, Đời thừa, Cười, Nước mắt, Mua nhà, Sống mòn. Khi miêu tả hết sức chân thực tình cảnh nghèo khổ, bế tắc của những nhà văn nghèo, những thầy giáo trường tư, và học sinh thất nghiệp, Nam Cao đã tập trung làm nổi bật tấn bi kịch tinh thần của họ. Đó là bi kịch về những con người có ý thức sâu sắc về sự sống, về tài năng và nhân phẩm, muốn sống có hoài bão, muốn phát triển nhân cách nhưng cứ bị gánh nặng cơm áo làm cho “chết mòn” về tâm hồn và nhân cách.

- Ở đề tài người nông dân nghèo, đáng chú ý nhất là các truyện ngắn: Chí Phèo, Trẻ con không được ăn thịt chó, Mua danh, Tư cách mõ, Điếu văn, Một bữa no, Lão Hạc, Một đám cưới, Dì Hảo, Nửa đêm… Qua các trang viết trên, Nam Cao miêu tả những số phận hẩm hiu bị ức hiếp, bị lưu manh hóa. Ông lên án mạnh mẽ xã hội thực dân phong kiến tàn bạo đã hủy diệt từ hình hài đến nhân tính của những con người vốn có bản tính lương thiện. Ở một số tác phẩm, Nam Cao còn thể hiện niềm xúc động trước bản chất đẹp đẽ, cao quí trong tâm hồn họ.

Sau Cách mạng tháng Tám, Nam Cao sáng tác để phục vụ công cuộc kháng chiến chống Pháp. Truyện ngắn Đôi mắt (1948), Ở rừng (1948) và Chuyện biên giới (1950) thuộc những sáng tác đặc sắc của nền văn học mới buổi đầu. Sáng tác của ông trong thời kỳ này ca ngợi công cuộc kháng chiến, khẳng định lập trường và thái độ đúng đắn của nhà văn đối với nhân dân và cách mạng.

Ngòi bút Nam Cao vừa tỉnh táo, sắc lạnh, vừa nặng trĩu suy tư và đằm thắm yêu thương. Là cây bút văn xuôi tài năng bậc thầy, Nam Cao xứng đáng được coi là một tác gia lớn của nền văn học Việt Nam. Với một tài năng giàu sức sáng tạo, Nam Cao đã góp phần quan trọng vào việc cách tân nền văn xuôi Việt Nam theo hướng hiện đại hoá. Cuộc đời lao động nghệ thuật vì lý tưởng nhân đạo, lý tưởng cách mạng và sự hy sinh anh hùng của Nam Cao mãi mãi là tấm gương cao đẹp của một nhà văn – chiến sĩ.

Đề bài 12 : Hãy nêu ngắn gọn những đặc điểm cơ bản của con người Nam Cao đã chi phối sâu sắc sáng tác của ông.

Nhà văn Nam Cao là một trong những đại diện xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán (1930-1945). Nam Cao cũng là cây bút tiêu biểu của văn học những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Ông được nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật (1996).

Nam Cao là con người vụng về, ít nói, bề ngoài có vẻ lạnh lùng, nhưng đời sống nội tâm lại rất phong phú, sôi sục, đôi khi căng thẳng. Nam Cao thường hay day dứt, trăn trở về cuộc sống. Trong tâm hồn nóng bỏng của ông thường xuyên diễn ra cuộc xung đột âm thầm mà gay gắt giữa lòng nhân đạo và thói ích kỷ, giữa tinh thần dũng cảm và thái độ hèn nhát, giữa tính chân thực và sự giả dối, giữa khát vọng tinh thần cao cả và những dục vọng tầm thường. Điều này thể hiện rât rõ trong các sáng tác về người trí thức nghèo như Trăng sáng, Đời thừa, Sống mòn,…

Nam Cao sống gần gũi và giàu lòng yêu thương đối với người nghèo khổ bị áp bắc và bị khinh miệt trong xã hội cũ. Số lượng tác phẩm của ông viết về họ rất nhiều và rất sâu sắc (Lão Hạc, Dì Hảo, Chí Phèo, Nửa đêm…)

Ông luôn suy tư về bản thân, cuộc sống, đồng loại, từ kinh nghiệm thực tế, ông thích đề lên những khái quát triết lí sâu sắc và đầy tâm huyết (Lão Hạc, Đời thừa,…)

Vì thế, ngòi bút Nam Cao vừa tỉnh táo, sắc lạnh, vừa nặng trĩu suy tư và đằm thắm yêu thương. Là cây bút văn xuôi tài năng bậc thầy, Nam Cao xứng đáng được coi là một tác gia lớn của nền văn học Việt Nam.

Đề bài 13 : Hãy nêu ngắn gọn quan điểm nghệ thuật và nghệ thuật viết truyện của Nam Cao ?

Nhà văn Nam Cao là một trong những đại diện xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán (1930-1945). Nam Cao cũng là cây bút tiêu biểu của văn học những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Ông được nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật (1996). Sở dĩ Nam Cao được coi là một tác gia lớn của nền văn học Việt Nam, vì ông không chỉ là một cây bút văn xuôi bậc thầy mà ông đã có những quan niệm về nghệ thuật hết sức sâu sắc và tiến bộ.

a. Quan điểm nghệ thuật

Trong suốt hành trình sáng tạo, Nam Cao rất có ý thức về quan điểm nghệ thuật và quan điểm nghệ thuật ấy được ông thực hiện tự giác, nhất quán và triệt để. Quan điểm nghệ thuật không được ông trình bày trực tiếp mà được thể hiện gián tiếp qua các sáng tác như: Trăng sáng, Đời thừa, Tư cách mõ, Nước mắt, Lão Hạc, Đôi mắt,…

Những quan điểm nghệ thuật nổi bật của Nam Cao là:

- Nam Cao coi trọng giá trị hiện thực của văn học, chống lại thứ văn chương thi vị hóa cuộc sống, phục vụ thị hiếu cho công chúng trưởng giả, nhàn rỗi: “Chao ôi! Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than” (Trăng sáng).

- Ông đánh giá cao văn chương, xem nó là một hình thái lao động cao quý, đầy trách nhiệm xã hội. Nhà văn phải có lương tâm, có nhân cách xứng đáng với nghề nghiệp của mình. Ông cho rằng, tác phẩm “thật giá trị” phải có nội dung nhân đạo sâu sắc: “Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng tình thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn” (Đời thừa).

- Văn chương là một hoạt động sáng tạo. Nhà văn phải biết đào sâu, tìm tòi những cái mới: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có“.

- Văn chương đòi hỏi người cầm bút phải có lương tâm: Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là bất lương rồi. Nhưng cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện.

- Trước Cách mạng, Nam Cao quan niệm: hoàn cảnh sống quyết định, chi phối tâm lý, tính cách con người (Tư cách mõ). Sau Cách mạng, Nam Cao nhận ra thêm rằng, nhà văn không chỉ nhìn con người với đôi mắt của tình thương mà còn bằng đôi mắt của niềm tin về sự cải tạo hiện thực của con người (Đôi mắt).

b. Nghệ thuật viết truyện

Trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam, Nam Cao là nhà văn có tài năng xuất sắc và một phong cách nghệ thuật độc đáo. Điều này thể hiện rất rõ trong các điểm nổi bật sau:

- Ông đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần bên trong của con người. Ông có sở trưởng diễn tả và phân tích tâm lý con người, có biệt tài phát hiện, miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật, đặc biệt thành công trong ngôn ngữ độc thoại và độc thoại nội tâm.

- Kết cấu truyện vừa chặt chẽ, vừa rất linh hoạt. Cốt truyện đơn giản, rất đời thường nhưng lại đặt ra những vấn đề quan trọng, sâu xa, có ý nghĩa triết lí sâu sắc.

- Ngôn ngữ tự nhiên, sinh động, gần với lời ăn tiếng nói của quần chúng.

Văn Nam Cao vừa hết sức chân thực, tỉnh táo đến sắc lạnh, vừa thấm đượm ý vị triết lý và trữ tình. Giọng văn lạnh lùng mà vẫn đầy thương cảm, đằm thắm, yêu thương.

Với tài năng văn xuôi bậc thầy cùng quan điểm nghệ thuật sâu sắc, tiến bộ, Nam Cao để lại một sự nghiệp sáng tác văn học giàu chất lượng và xứng đáng được coi là một tác gia lớn của nền văn học Việt Nam./.

Thêm ý kiến


Security code
Làm mới

Album ảnh

18658102
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2209
2195
7747
19397
2209
18579130
18658102

Server Time: 2023-06-01 06:50:50

Đang có 37 khách và không thành viên đang online

Bản quyền thuộc về Nguyễn Đình Minh

Email: haihuyenphong@gmail.com - Website: http://nguyendinhminh.net

Đã được đăng ký tại Bộ thông tin và truyền thông

Designed by Beone Software Solution