Developed in conjunction with Ext-Joom.com

aaa

Những vấn đề lý luận

Để làm tốt một bài thi môn Ngữ văn.

chuyen11

Trong tương lai gần, yêu cầu về làm bài thi môn văn khả năng sẽ có những thay đổi. Vấn đề này đã được nhiều nhà giáo dục, nhà văn, nhà thơ lên tiếng; và thực tế, trên thế giới còn rất ít nước thi văn theo kiểu Việt Nam. Mặc dầu vậy trong hiện tại chúng ta vẫn đang thực hiện cách thi truyền thống có cải tiến. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết nhỏ này mong muốn góp thêm tư liệu giúp các thí sinh còn say mê hoặc cần đến môn văn trong kỳ thi sắp tới.

1- Những vấn đề quan tâm trước khi viết bài

Theo cấu trúc đề thi môn Ngữ Văn, tại các kỳ thi đại học khối C và D thời điểm hiện nay, để làm một bài thi xuất sắc cần chú ý tới rất nhiều yếu tố.

Thứ nhất: cần quan tâm tới tổng thể các câu hỏi của cấu trúc đảm bảo làm hết các câu theo đúng thể thức quy định và các nội dung mà câu hỏi yêu cầu. Khi làm bài không bỏ sót hoặc có quan niệm dồn toàn lực cho một bài nào đó.

Cũng cần chú ý tới việc phân bố thời gian hợp lý theo cách lấy tổng số thời gian quy định chia cho 10 điểm sẽ tìm ra số thời gian cần cho bài đó là bao nhiêu. Ví dụ có 180p : 10 điểm thì loại bài 2 điểm chỉ được phép thực hiện (mọi thao tác) trong 20 phút…

Thứ hai: Thực hiện đúng các bước làm bài, theo đó gồm 5 bước cơ bản sau: Bước 1: Tìm hiểu kỹ đề, xem đề bài cần yêu cầu về những nội dung nào và kiểu bài, nắm chắc phương pháp làm kiểu bài đó. Bước 2: Tìm ý- xác định xem có bao nhiêu ý để giải quyết sáng tỏ yêu cầu đề bài đòi hỏi . Bước 3: Lập thành dàn ý – Trên cơ sở các ý đã xác định sắp xếp ý nào trước, ý nào sau. Trong mỗi ý lớn đó lại có những ý nhỏ nào bổ sung làm rõ ý lớn và chuẩn bị các dẫn chứng tương ứng minh họa. Bước 4: Viết bài văn – dựa vào dàn ý và viết thành bài hoàn chỉnh. Bước 5: Kiểm tra – mục tiêu là kiểm tra lỗi Sai về : chính tả , diễn đạt, nội dung và còn thiếu ý hay không?

Về hình thức là những bài luận do vậy, bước 5 (Kiểm tra) trên thực tế phải được thực hiện liên tục sau mỗi ý; bởi nếu thiếu ý mà kết luận bài xong thì không thể viết thêm vào. Riêng khâu kiểm tra lỗi sai chính tả thì có thể thực hiện sau khi xong bài.

Thứ ba: Người ta thường nói “văn hay, chữ tốt”, một bài văn đòi hỏi phải có “chữ tốt”, khái niệm chữ tốt ở đây chỉ chữ viết đẹp và cách thức trình bày sáng sủa. Việc trình bày cần tạo ra đẹp như “một bức tranh” và có các điểm nhấn rõ ràng. Để có nó, chú ý viết các chữ đầu dòng bám lề, khoảng cách giữa các chữ đều đặn, chữ viết theo một lối (Đứng hoặc nghiêng). Việc tạo điểm nhấn chính là các đoạn viết xuống dòng, phải tuân thủ quy tắc viết thụt vào 1 chữ (một tiếng có độ dài trung bình 5 âm tiết ví dụ chữ “Thành”); các đoạn dẫn chứng (thơ) : các chữ đầu dòng trong đoạn trích  phải thẳng hàng, và toàn bộ các đoạn thơ dẫn chứng lại thẳng hàng với nhau trên cùng 1 trang viết…

 

2. Viết văn đạt 3 yêu cầu : Đúng -Trúng - Hay


Đối với môn ngữ văn, theo cấu trúc sẽ có 3 câu, Câu1: tái hiện kiến thức về giai đoạn, tác giả, tác phẩm văn học ; Câu 2: Vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội ngắn (khoảng 600 từ) ; Câu 3:  Vận dụng khả năng đọc- hiểu và kiến thức văn học để viết bài nghị luận văn học. Một bài văn hay đòi hỏi tổng hòa nhiều yếu tố, tuy nhiên theo cấu trúc thi bộ môn hiện thời, mỗi loại câu hỏi cần chú ý tới cách làm khác nhau (kể cả nội dung và hình thức). Dưới đây là một số gợi ý:

2.1. Dạng tái hiện kiến thức về giai đoạn, tác giả, tác phẩm văn học (2 điểm)

Cần trả lời chính xác, ngắn gọn. Không quá chú trọng vào việc dùng câu chữ cầu kỳ, diễn đạt vă bóng bẩy… Nội dung chính nên trả lời theo hình thức gạch đầu dòng để phân tách ý rành mạch. Hệ thống ý phải sắp xếp theo trình tự và các ý phải trả lời hoàn tất. Tuy nhiên nên có bố cục thành một đoạn văn bản. Theo đó, đoạn văn có yêu cầu mở đoạn – phát triển đoạn và kết đoạn. Như vậy bài cần có  câu mở có tính chất giới thiệu (Viết vấn đề gì?),  những câu tiếp sau giải quyết nội dung chính (Vấn đề được hiểu thế nào?). Tại đây có nhiều ý, mỗi ý được gắn kết bằng nhiều câu văn và các ý lại phải gắn với nhau lo gic. Cuối cùng là đoạn văn đó phải có câu kết có vai trò đánh giá ( ý nghĩa tác dụng… của vấn đề)để phần trả lời thực sự hoàn hảo.

2.2. Dạng nghị luận xã hội ngắn (khoảng 600 từ): 3 điểm:

Trước hết là giải thích vấn đề (hoặc khái niệm), sau đó phân tích mở rộng, nâng cao, liên hệ thực tế, bản thân. Bên cạnh lý lẽ phải có dẫn chứng. Các dẫn chứng cần hay, phù hợp. Dẫn chứng chủ yếu từ thực tiễn, những dẫn chứng từ tác phẩm văn chương có thể sử dụng với dung lượng hạn chế. Nghị luận xã hội cũng rất cần yếu tố cảm xúc, tức là thái độ và tình cảm của chúng ta đối với vấn đề đang bình luận, bàn bạc. Câu nghị luận xã hội phải viết thật chững chạc, quan điểm rõ ràng, tích cực.

2.3. Phần riêng - viết bài nghị luận văn học: (5,0 điểm)

Phần này thí sinh được chọn 1 trong 2 đề. Đây là bài nghị luận văn học theo cách thi truyền thống và chiếm tới 50% tổng số điểm của bài thi, do vậy đây là phần quan trọng nhất. Ở phần này, muốn bài văn được điểm cao, trước hết hệ thống ý của bài viết phải vừa đúng, vừa trúng lại phải hay.

- Đảm bảo yếu tố “Đúng”: về hình thức phải đúng yêu cầu thể loại nghị luận (Phân tích, chứng minh…về một hay nhiều tác phẩm, về chủ đề hay đề tài…) diễn đạt theo lối văn chương; về nội dung lý giải đúng nội dung đề đòi hỏi, hệ thống dẫn chứng chuẩn xác.

- Đảm bảo yếu tố “Trúng”: Khi chấm văn, điều quan tâm của giám khảo trước tiên là căn cứ vào số ý của bài đưa ra có trúng với đáp án không, do vậy bài phải  trúng được nhiều ý ( sau này sẽ có trong đáp án ). Mặt khác cũng cần nhớ, trúng ý là sự tập trung xoáy sâu không lan man lý giải, đưa dẫn chứng… thêm thắt thừa ra. Trúng còn nói đén khả năng xác định ý nào là trọng tâm, ý nào là phụ của vấn đề để từ đó mà phát triển ký, sâu hoặc lướt qua.

- Đảm bảo yếu tố “ Hay”: Yếu tố này đòi hỏi bài viết cần có cách viết (hành văn) tốt, cụ thể câu diễn đạt mang chất văn cao mà sáng sủa dễ hiểu; lập luận chặt chẽ; triển khai các ý mạch lạc… Cái hay của một bài văn được tạo ra bởi những suy nghĩ sâu sắc, cảm xúc chân thành.

Trong bài viết phải có cái riêng tạo ra sự độc đáo. Cái riêng được tạo bởi rất nhiều yếu tố như phong cách viết, cảm xúc, suy nghĩ riêng biệt và có thể có những ý vượt tầm đáp án. Điều này là hoàn toàn có thể bởi nội dung thi chỉ đòi hỏi vùng kiến thức chuẩn kỹ năng, nhưng trên thực tế một tác phẩm hoặc một vấn đề văn học được nhiều nhà phê bình nghiên cứu đã viết. Mặt khác bản thân tác phẩm văn học mang tính đa nghĩa do vậy người viết bằng cảm thụ đặc biệt của mình vẫn có thể tìm ra những ý hay mà chưa ai nói.

Việc sáng tạo ra sự độc đáo luôn được khuyến khích và đạt điểm cao. Nó giống như một món đặc sản được bày thêm trên mâm cơm vốn dĩ rất quen thuộc sẽ thu hút được sự đánh giá cao.

 

3. Cách tiếp cận để đạt mục tiêu trên

3.1. Chuẩn bị thành thạo kỹ năng viết: Kỹ năng viết ở đây được hiểu là sự nắm chắc cách viết các thể loại nghị luận : Bình luận, Phân tích, Bình giảng…trong dó có các kỹ năng viết về toàn bộ hoặc 1 đoạn (Bộ phận), hình ảnh, hình tượng, một chủ đề theo nhận định của đề bài…

Trong đó phải thành thạo các cách viết về “Đặt vấn đề”, kỹ năng tổ chức đoạn và các nội dung phân tích bình luận trong đoạn; sự liên kết giữa các đoạn văn… trong “Giải quyết vấn đề”; kỹ năng làm “Kết luận”.

3.2.Chuẩn bị sẵn sàng nội dung để viết: Rất nhiều  nhà giáo có thâm niên ôn thi đại học, đều có chung lời khuyên đầu tiên là : Bài giảng và tài liệu đi kèm có thể coi là một kim chỉ nam, một tấm bản đồ với những hướng dẫn cụ thể, chi tiết để người viết không bị lạc, bị rối và chỉ ra được con đường giúp người viết  tới đích.

Việc học bài giảng không phải là học thuộc lòng để chờ “trúng tủ”; bản thân môn văn cũng không phải là môn học thuộc lòng (trừ việc học dẫn chứng); bởi vậy cách học khôn ngoan được tiến hành theo cách:

- Với nội dung bài giảng: học các ý của bài (Bài có bao nhiêu ý, là những ý gì?) và nhớ cách triển khai ý, những dẫn chứng mà thày cô đã chọn.

- Với các dẫn chứng, dẫn chứng thuộc tác phẩm truyện, bên cạnh việc phải nắm được cốt truyện chỉ cần nhớ ý đoạn dẫn (tình tiết), và một số câu thực sự quan trọng. Với dẫn chứng thơ thường các bài thơ đoạn thơ đã có sẵn trong đề.

Nên điều quan trọng nhất là học sinh cần nhớ được cụm dẫn chứng cho đề văn thuộc dạng yêu cầu nghị luận về một vấn đề nào đó, ví dụ Hình ảnh người phụ nữ (Truyện) ta có hàng loạt dẫn chứng về nhân vật Mỵ, Đào…; hay Cảm hứng Tổ quốc (thơ) ta có các đoạn thơ từ “Đất nước” – Nguyễn Điình Thi hay “Đất nước” – trích trường ca MĐKV của Nguyễn Khoa Điềm, “Tiếng hát con tàu”- Chế Lan Viên…

Các học sinh có ý thức chuyên sâu thường có cách làm: tập hợp toàn bộ các dẫn chứng (chọn lọc tiêu biểu), và phân tích từng dẫn chứng thật kỹ theo hướng khai thác triệt để các nội dung trong đoạn dẫn chứng đó và coi nó như một kho nguyên liệu có thể sử dụng trong nhiều đề bài khác nhau. Ví dụ một đoạn trong “Tiếng hát con tàu” có thể sử dụng cho 2 vấn đề : Hình ảnh tổ quốc hoặc ca ngợi cuộc sóng mới con người mới…

3.3. Nâng tầm của mình để củng cố và sáng tạo: Để làm được điều đó, đòi hỏi người viết phải bỏ công sức, thời gian, trí tuệ và tâm hồn: đọc kĩ, đọc sâu văn bản tác phẩm, đọc rộng những tác phẩm cùng đề tài, chủ đề, giai đoạn lịch sử, tham khảo các bài viết phân tích, nghiên cứu, phê bình của những nhà nghiên cứu, thầy cô và những bài viết của bè bạn, tích lũy cho mình vốn sống, vốn văn hóa, năng lực quan sát, tư duy, rèn luyện khả năng diễn đạt, làm giàu vốn từ...

Điều quan trọng là sau học, tham khảo những cái học được phải được soi chiếu với bài viết cũ và bổ sung ngay vào trong nội dung cũ, để tạo ra một bài hoàn chỉnh mang một tầm cao mới.

3.4. Tự thực hành và có cách thức kiểm tra đánh giá:

Đối với các học sinh tham dự các lớp luyện thi, các giáo viên thường có các kỳ thi sát hạch định kỳ. tại đây học sinh được thi dề tương đương với đề thật và điểm của các bài chính là thước đo để học sinh biết tầm của mình. Thông qua các giờ chữa bài, học sinh phải rút kinh nghiệm đúng sai, thiếu hụt để bổ khuyết bằng 1 bài viết lại hoàn hảo.

Bản thân H/s có thể tự kiểm tra mình bằng cách tự giác chọn đề (Trong bộ đề chuẩn) thực hành nghiêm túc, đúng thời gian, sau đó tự so với đáp án hoặc đề nghị thày cô chấm hộ…

 

4. Kết luận

Môn ngữ văn là một môn khó, nó đòi hỏi quá nhiều tố chất ở người được xác nhận là học giỏi văn. Đó là một tư duy thông minh sáng tạo mạch lạc lo gíc (Rất giống các môn tự nhiên), đồng thời đòi hỏi có trí nhớ, có óc tư duy trừu tượng bởi tác phẩm văn học là một bản mã hóa bằng ký tự văn chương, chìa khóa để mở là tư duy hình tượng. Cunghf  với đó đòi hỏi phải có tâm hồn để cảm nhận, chữ viết đẹp đẽ…

Học giỏi văn là công việc không hề dễ, nhưng để đạt điểm thi mức trung bình thì môn văn không quá khó theo cách tổ chức cấu trúc đề (3 câu) như hiện thời. Tuy vậy nếu thực sự yêu thích và dành sự quan tâm cho môn văn, học sinh sẽ đạt được những kết quả tốt hơn, xứng đáng với công sức bỏ ra.

 

 

Thêm ý kiến


Security code
Làm mới

Album ảnh

18655931
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
38
2195
5576
19397
38
18575830
18655931

Server Time: 2023-06-01 07:00:47

Đang có 37 khách và không thành viên đang online

Bản quyền thuộc về Nguyễn Đình Minh

Email: haihuyenphong@gmail.com - Website: http://nguyendinhminh.net

Đã được đăng ký tại Bộ thông tin và truyền thông

Designed by Beone Software Solution