Developed in conjunction with Ext-Joom.com

aaa

Truyện và tạp văn

BÀI THƠ “VỊNH TRÂU GIÀ” Tài năng và khí phách Nguyễn Khuyến

  Vào năm 1902,cầu Doumer (sau đổi tên thành cầu Long Biên) được tổ chức làm lễ khánh thành. Tham dự lễ có vua Thành Thái và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cùng nhiều quan văn võ triều Nguyễn và hàng nghìn người dân Hà Nội. Ở thời điểm này nhà thơ Nguyễn Khuyến đã cáo quan về ở ẩn, nhưng ông vốn là người danh tiếng từng ba lần đỗ đầu đại khoa và ba lần giữ chức Tổng đốc tại Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang,nên vẫn được mời dự. Trong đại lễ, toàn dân và bách quan phải quỳ lạy và tung hô “vạn tuế”, chỉ riêng có Nguyễn Khuyến không quỳ lạy, ông giả bộ lóng ngóng không quỳ mà chỉ cúi lạy 2 vái .

       Bác sỹ, thày thuốc ưu tú Nguyễn Thị Thu Hiền, hiện ở quận Ngô Quyền, (Hải Phòng), chắt nội của Nhà thơ, bình luận: “ Sở dĩ cụ tôi làm vậy vì bên cạnh vua Thành Thái còn có thứ phi của ông ta và tên toàn quyền Paul Doumer. Cụ căm ghét và không quỳ gối trước lũ thực dân xâm lược thì đã rõ, nhưng còn nguyên nhân khác đó là do bà Thứ phi kia vốn đã có hôn ước với ông tôi là Phó bảng Nguyễn Hoan, nhưng ông tôi từ chối vì bố của bà là Lại bộ Thượng thư Nguyễn Trọng Hợp đã đặt bút ký hòa ước Quý Mùi (25 tháng 8 năm 1883). Hoà ước có nội dung là xác lập quyền bảo hộ lâu dài của Pháp trên toàn bộ Việt Nam”.

Không hành lễ đúng nghi thức thì phải chịu phạt, Nguyễn Khuyến bào chữa: Muôn tâu, thần giờ chỉ như một con trâu già, xin Hoàng thượng khai ân! Vua Thành Thái cười và lệnh: khanh hãy làm bài thơ “Vịnh trâu già”, nếu hay trẫm miễn tội! Nguyễn Khuyến đã ứng tác bài thơ “Vịnh trâu già” trong bối cảnh như vậy.

        Đây là một bài thơ có cấu tứ chặt chẽ, hình tượng thơ tinh tế theo luật Đường thi, nhưng hiểu nó không dễ, một là nó sử dụng dày đặc các điển tích, hai là tài năng của Nguyễn Khuyến dùng ẩn dụ của toàn bài để nói được tình thực, cảnh thực vừa để bào chữa lỗi phạm vừa thể hiện chí khí của một sỹ phu Bắc Hà mà “uy vũ bất năng khuất” trước thế lực thống trị tại đó, đặc biệt nêu cao tiết khí của nhà thơ yêu nước trước hàng nghìn nhân dân tham dự lễ khánh thành.

 

Hai câu đề là hình ảnh về thân hình thể xác và những nỗi khổ chổng chất của nhà thơ giống như đời của một con trâu già đã nếm trải: Một nắm xương khô một nắm da/ Bao nhiêu cái ách đã từng qua. “Cái ách”, một từ hình tượng diễn tả quá trình gian nan cống hiến được cụ thể ở hai câu thực: Đuôi khom biếng vẫy Điền Đan hỏa/ Tai nặng buồn nghe Ninh Tử ca. Đến đây thì điển tích xuất hiện, Nhà thơ dùng hai điển tích để nêu bật công trạng và cái chí hết sức lớn lao của con trâu.Tích một, là chuyện Điền Đan, một tướng nước Tề thời Chiến quốc trong cuộc chiến chống quân Yên xâm lược, ông dụng mưu dùng mồi rơm có tẩm dầu buộc vào đuôi, mài sừng sắc nhọn và gắn đoản kiếm vào sừng hàng ngàn con trâu, sau đó đốt lửa…trâu bị kích động xông vào trận địa. Quân Yên vỡ trận chịu thua, nước Tề được phục quốc. Tích thứ hai nói về Ninh Tử làm nghề chăn trâu, thường gõ sừng trâu để hát, nói lên chí lớn của mình. Quản Trọng Tể tướng nước Tề đã phát hiện ra tài năng và tiến cử vua Tề phong làm quan Đại phu trông coi quốc chính. Hai câu luận của bài thơ có tích “Vườn Đào, thôn Hạnh”:Sớm thả vườn Đào chơi đủng đỉnh/ Tối về thôn Hạnh thở nghi nga.Tích này nói chuyện Vũ Vương đánh Trụ đã dùng trâu để vận chuyển rất đắc lực. Sau khi diệt Trụ, để ghi nhớ công lao của loài động vật góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến, ông đã ra lệnh 3 năm cấm giết trâu, buổi sớm cho chăn ở Vườn Đào, tối về cho nghỉ ở thôn Hạnh Hoa, một làng có nhiều cỏ ngon yên bình và tươi đẹp.

Nhà thơ thông qua bốn câu thực và luận với các điển tích để truyền một thông điệp rất mạnh mẽ con trâu dù quê mùa bình dị nhưng hàm chứa những phẩm chất, ý chí lớn lao đã có những cống hiến hữu ích cho xã tắc. Rõ ràng thông điệp ấy dành cho Vua Thành Thái và tầng nghĩa ẩn dụ ở đây chính là Nguyễn Khuyến tự bạch về mình. Trên thực tế ông đã có dóng góp lớn cho việc cải cách bổ nhiệm quan lại, thực hiện chế độ thanh tra cấp nhà nước, xây dựng quân dự bị tại địa phương, chống tham nhũng… trong triều Nguyễn.

Hai câu kết tác giả tiếp tục sử dụng điển tích Tề Tuyên Vương thấy lính dắt trâu đi qua trước thềm, con trâu run rẩy sợ hãi, vua hỏi thì được biết dắt trâu đi giết lấy máu làm sơn tô chuồng mới. Sau đó, nhà vua bèn ra lệnh tha trâu không giết: Có người toan giết tô chuông mới/ Ơn đức vua Tề lại được tha.Đây vừa là cách nói nhún nhường thể hiện đạo vua tôi vừa là lời cảnh tỉnh bậc quân vương về cách dùng người phải biết thương yêu trân quý, ghi nhớ công lao của người có cống hiến, không vì mục đích nhỏ bé, vì chi tiết nhỏ của một lễ tiết mà vội vàng phụ bạc trách tội!

Sự kiện vua miễn tội cho Nguyễn Khuyến trong Lễ khánh thành cầu Doumer chắc quá ít người nhớ, nhưng bài thơ “Vịnh trâu già” của ông thì lại lưu truyền mãi. Trước hết nó là bản tự bào chữa thông minh, hóm hỉnh rất đỗi hài hòa, mềm dẻo tình lý và kết cục thắng lợi… bằng thơ! Hình ảnh thi sỹ trong bài thơ cũng tự nhiên được khắc họa đầỳ tài năng giúp đời giúp nước và ngùn ngụt khí tiết một Nhà Nho không khuất phục trước uy quyền, giữ vững tấm lòng ái quốc ưu dân.

Nguyễn Khuyến

VỊNH TRÂU GIÀ

Một nắm xương khô, một nắm da.
Bao nhiêu cái ách đã từng qua.
Đuôi khom biếng vẫy Điền Đan hỏa.
Tai nặng buồn nghe Ninh Tử ca.

Sớm thả vườn đào chơi đủng đỉnh.
Tối về thôn hạnh thở nghi nga.
Có người toan giết tô chuông mới.
Ơn đức vua Tề lại được tha.

 Từ: Nguyễn Khuyến và giai thoại

  NXB Hội VHNT Hà Nam Ninh 1987

 

 

 

Thêm ý kiến


Security code
Làm mới

Album ảnh

18657940
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
2121
2121
7585
19397
2121
18579130
18657940

Server Time: 2023-06-01 06:08:29

Đang có 39 khách và không thành viên đang online

Bản quyền thuộc về Nguyễn Đình Minh

Email: haihuyenphong@gmail.com - Website: http://nguyendinhminh.net

Đã được đăng ký tại Bộ thông tin và truyền thông

Designed by Beone Software Solution