SỰ RỚT GIÁ THÊ THẢM CỦA KHỐI C DƯỚI GÓC NHÌN NGƯỜI TRONG CUỘC

Bàn  thêm về một số nguyên nhân

kc1Gần đây báo chí  đặt vấn đề lý giải vì sao Khối C thất thế. Có nhiều kiến giải khác nhau trong đó có những lý giải về trách nhiệm của Bộ Giáo dục, về nhà trường, về chất lượng nguồn lực đào tạo… dẫn đến tình trạng học sinh ngoảnh mặt với khối C. Theo chúng tôi, các ý kiến ấy đều đúng cả, chỉ thiếu xác định được đâu là nguyên nhân then chốt chi phối mà thôi. Giả thiết một học sinh có lý tưởng, được học một chương trình tốt với các thày ưu tú đào tạo, nhưng khi ra trường học sinh đó phải long đong kiếm nghề và  khi hành nghề chỉ đủ lương nuôi sống bản thân mình ở mức thấp, trong điều kiện giá cả biến động leo thang, thì liệu học sinh đó có chọn thi vào các chuyên ngành khối C? Và chúng ta đêif biết trước câu trả lời. Vậy sự ngoảnh mặt của thí sinh với khối C còn bắt nguồn từ những nguyên nhân nào?

Theo thông tin từ Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia HN) thì quy mô ngành nghề cho học sinh thi khối C cũng chỉ khoảng 9 ngành. So với các ngành nghề hiện tại của học sinh thi vào khối A thì chưa bằng 1/20. Nhưng điều quan trọng nhất là nhu cầu xã hội sử dụng các ngành nghề này quá thấp. Đây là một nguyên nhân dẫn đến sự thừa ra của sinh viên khi tốt nghiệp.Đồng thời cũng là hệ quả của công tác quy hoạch đào tạo còn tùy hứng không bám sát yêu cầu thực tiễn. Bởi thế dù có “sản xuất” ra những sản phẩm thật tốt nhưng  xã hội  bão hòa nhu cầu thì sản phẩm có tốt mấy cũng khủng hoảng thừa.

Trong quá trình sử dụng nguồn nhân lực, chính sách xã hội vùng miền không đủ sức hút sinh viên đến làm việc. Hiện tượng các trường học miền núi, vùng sâu  thiếu giáo viên nghiêm trọng nhưng sinh viên ra trường vẫn chấp nhận sống ở vùng đô thị. Phạm thị Thúy, một sinh viên Sư phạm văn của ĐHHP, tốt nghiệp đã 5 năm nói ráo hoảnh: “ Em ở thành phố, làm nghề gia sư,tiền công cũng được 5-7 triệu đồng/ tháng, trong khi bạn em về quê biên chế ở một trường THPT vẫn chỉ có 2,5 triệu đồng/tháng.”.

Vấn đề thu nhập của người được đào tạo bởi các ngành khoa học xã hội luôn là vấn đề bức xúc. Tại Mỹ, Trung tâm Giáo dục và Lao động của Đại học Georgetown đã xét 171 chuyên ngành khác nhau tại các trường đại học và phát hiện, chênh lệch về thu nhập tiềm năng giữa các ngành học lên đến hơn 300%. Tạp chí TIME liệt kê 10 ngành học có thu nhập thấp nhất tại Mỹ, tất cả là các ngành Khoa học xã hội. Tuy nhiên mức thu nhập bình quân của ngành thấp nhất cũng là 38.000 USD/người/năm. Ở Việt Nam mức lương bậc 1 dành cho người mới ra trường khoảng 30 triệu VNĐ/người/năm, tức là thấp hơn 250 lần so với ở Mỹ. Nhưng cũng ngay tại Việt Nam, theo điều tra của chúng tôi, một giáo viên Anh ngữ bậc tiểu học dạy tại trường Quốc tế Canada (CIS) tại TP. Hồ Chí Minh có mức lương 5000 USD/tháng. Và nếu so sánh với một tiến sỹ chuyên ngành khoa học xã hội dạy tại ĐHQG Hà Nội thì lương của giáo viên tiểu học này cũng gấp 5 lần.

Vậy vấn đề ở đây là chính sách tiền lương cho công chức viên chức không thu hút được nhân lực. Sẽ  chỉ có những người đam mê hoặc những người bất đắc dĩ mới dám vào học và làm việc trong các ngành KHXH&NV mà thôi.

Đương nhiên, người học các ngành khoa học tự nhiên ở Việt Nam không phải ai cũng có mức thu cao như ở Mỹ; điều khác biệt là họ được hưởng lương từ sản phẩm định được giá rõ ràng bằng tiền nếu tạo ra lãi xuất. Trong khi sản phẩm của các ngành KHXH lại không thể định lượng được. Một cô giáo dạy văn làm ra sản phẩm “Cao cấp nhất xã hội” đó là tâm hồn, lý tưởng sống cho học sinh, nhưng chưa có cơ quan nào định giá được nó đáng giá bao nhiêu, lãi xuất như thế nào để trả công cho cô giáo đó. Và vì vậy, lương của người học ngành kỹ thuật, kinh tế bao giờ cũng cao hơn người làm khoa học cơ bản nói chung và khoa học xã hội nhân văn nói riêng. Mặt khác, người làm các ngành kinh tế kỹ thuật hoàn toàn có thể thực hiện các công việc khác theo nghề mình để làm thêm, tăng thu nhập, trong điều kiện kinh tế thị trường bung ra mạnh mẽ. Ngược lại chuyên môn (Sản phẩm của người đào tạo ngành KHXH&NV) bị bỏ ế, những khả năng dôi dư của họ không có đất dụng võ.
 

Và góc nhìn người trong cuộc

kc2Thực ra, chúng ta đã biết từ lâu đó chính là nguyên lý “Vật chất quyết định ý thức” (Mac). Nói giản đơn hơn, Với một người chọn ngành nghề là làm nghề gì, cũng phải quan tâm đến vấn đề đầu tiên là thu nhập từ nó có đảm bảo nhu cầu an toàn về kinh tế hay không, trước khi nói đến những động lực khác.

Khi đến thực tế tại một trường THPT Dân lập ngoại thành Hải Phòng, chúng tôi được xem bảng trả lương cho giáo viên mời hợp đồng đủ định xuất, nhưng vẫn là mức 2,5 triệu. Khi nghe hỏi là trường dân lập sao không dung kinh tế kích cầu thu hút giáo viên? Hiệu trưởng – Ông Phạm Văn Đ, trả lời “Thu theo quy định, nên mức rất thấp 120 nghìn đồng/học sinh/tháng, nếu sai, thanh tra yêu cầu điều chỉnh ngay. Vả lại vùng quê nghèo lấy đâu ra tiền mà thu cao. Thực tế chỉ có vậy, chúng tôi chỉ đủ trả lương như mức nhà nước cho giáo viên mà thôi”.

Tôi có dịp đặt vấn đề này với Nhà thơ Thi Hoàng, người đã nhận Giải thưởng nhà nước về văn học năm 2009, anh buồn rầu nói : “Có một nguyên nhân là khủng hoảng tinh thần, thường xuất hiện trong xã hội công nghiệp đang phát triển. Con người không có nhận thức đầy đủ về giá trị tinh thần nên mọi người chạy theo các giá trị khác là đương nhiên”. Tôi hiểu cách nhìn của Anh mang tính kết luận về xu hướng lý tưởng của giới trẻ. Trước những áp lực, những chi phối của cuộc sống, giới trẻ bồng bột và xốc nổi khó có thể tư duy về sự sẵn sàng hy sinh cho những giá trị sâu xa. Với họ nhu cầu an toàn và xây dựng đời sống kinh tế cá nhân được ưu tiên hàng đầu. Thật ra khó có thể trách họ trong bối cảnh hiện tại. Nếu đặt ,một giả thiết mức lương của những người giỏi thật sự, hoạt động trên lĩnh vực xã hội nhân văn được nhà nước tăng lên vài lần so với mức lương hiện tại thì chắc chắn sẽ có đông người hơn thi khối C chăng?

Tôi cũng đã hàn huyên với  nhà thơ Kim Chuông, người đã được trao biệt hiệu “Vua thơ tình sông Hồng”. Nhìn anh cặm cụi viết trên chiếc bàn uống nước trong căn nhà nhỏ bé, sơ sài nội thất, nằm tút hút nơi ngõ sâu  vùng Cống Cái Tắt, rìa thành phố Hải Phòng, tôi thấy quá thương. Anh tâm sự “Duyên nợ với văn chương nên làm khổ đành chịu, bây giờ mình đang viết để nuôi con”! Một anh bạn thân là Thạc sỹ ngữ văn, giáo viên cao cấp buồn rầu “Tháng tớ được gần 4 triệu tiền lương, bằng nửa của vợ, toàn bộ gia tài này gần như của cô vợ Trung cấp bưu điện tạo nên. Do vậy kỳ thi đại học này có chết, tớ cũng bắt  con tớ  từ bỏ nghề cha ”. Đó là suy nghĩ  của những “tín đồ chân truyền” Khối C một thưở.

Sau mùa thi tốt nghiệp 2011, tôi lên Hà Nội gặp một nhóm học sinh cũ đã tốt nghiệp Đại học và hành nghề xích lô trong khi chờ việc đúng nghề đào tạo. Nhìn những gương mặt như thiên thần của các em, tôi kể một câu chuyện có ý trách. Đó là câu chuyện về chàng sinh viên đạp xích lô nghe một vị khách nước ngoài kể chuyện Sơn Tinh Thủy tinh xong vội khen “Văn hóa nước Ngài thật vĩ đại mới sản sinh được những truyền thuyết hay đén vậy”; và vị khách lắc đầu chán ngán. Nghe xong các em cười ồ cả lên. Một em nói “Thưa thày, câu chuyện ấy, chúng em học từ cấp 1, đến các bài thơ chữ Hán thày dạy chúng em còn thuộc nữa là. Bạn sinh viên ấy giả vờ lừa cha khách kia để lấy tiền thêm đó thôi”. Nghĩ lại quả cũng đúng, dân tộc mình ai cũng yêu thơ văn, người mù chữ còn đọc thuộc Truyện Kiều. Có ai không thích xem phim, nghe ca nhạc? Có điều yêu là yêu, nhưng yêu mà không sống với nhau được thì  tốt nhất từ chối kết hôn.

Mục tiêu  an toàn là mục tiêu đầu tiên trong 5 nấc mục tiêu của con người sống trong xã hội mà các nhà khoa học đúc kết. Tức là con người cần có việc làm, thu nhập ổn định. Điều này, trên thực tế tại Việt Nam đang là vấn đề nan giải, đặc biệt cho những người được đào tạo phục vụ những chuyên ngành Khoa học xã hội nhân văn. Từ những câu chuyện với người trong cuộc, ta đặt ra câu hỏi đây có phải là nguyên nhân chính, khiến học sinh nói “không” với thi khối C trong những mùa thi tuyển sinh chuyên nghiệp gần đây?Thực ra, chúng ta đã biết từ lâu đó chính là nguyên lý “Vật chất quyết định ý thức” (Mac). Nói giản đơn hơn, Với một người chọn ngành nghề là làm nghề gì, cũng phải quan tâm đến vấn đề đầu tiên là thu nhập từ nó có đảm bảo nhu cầu an toàn về kinh tế hay không, trước khi nói đến những động lực khác.