Sức hút của Giáo dục Singapore nhìn từ thực tiễn trên đất Đảo Quốc
Đã đăng trên Tạp chí khoa học Giáo dục & Đời sống - tháng 3 năm 2012
Theo singaporeedu.gov.sg công bố, hệ thống Giáo dục quốc dân của đất nước Đảo Quốc gồm 4 bậc Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học, Dự bị đại học và Đại học; trong đó lại chia ra thành 9 loại hình trường bao gồm: Mẫu giáo, Trường tiểu học, Trường trung học;. Học dự bị đại học, Các trường Bách khoa, Các viện giáo dục kỹ thuật (Institute of Technical Education - ITE), Các trường ,đại học và đại học quốc tế tại Singapore , Các trường tư thục, Các trường quốc tế khác.
1.Giáo dục Trung học phát huy tối đa năng lực cá nhân học sinh.
Nội dung và phương pháp
Các trường trung học tại Singapore có 2 hệ thống Công lập (được chính phủ chi phí, hỗ trợ ) và hệ thống trường Tư thục. Học sinh học 4 hoặc 5 năm giáo dục trung học theo các khoá học đặc biệt, cấp tốc hoặc bình thường.
Về chương trình của THCS, THPT được thiết kế theo 3 nhóm môn chủ yếu: Các môn học về thể lực, cá nhân và xã hội như: Giáo dục y tế và thể dục thể thao; Phát triển sự giao tiếp; Học tập cá nhân; Giáo dục công dân và bổn phận công dân.
Để tạo điều kiện cho những môn học này, hệ thống CSVC các trường tại Singapore đạt tới tiêu chuẩn như mơ ước. Các nhà trường đều có nhiều sân tập thích ứng với từng loại hình thể thao, ngay cả những lối dẫn lên cầu thang các nhà, cũng được thiết kế có dụng ý, bằng cách kẻ làn phân luồng phải trái hướng dẫn học sinh đi đúng luật…
Các môn học truyền thống: Nghệ thuật; Anh ngữ; Nhân văn- Kinh tế; Nhân văn - Địa lý; Nhân văn- Lịch sử; Ngôn ngữ khác ngoài Anh ngữ; Toán; Khoa học.
Các môn học không truyền thống: Truyền thông; Thiết kế - sáng tạo và kỹ thuật; Kỹ thuật thông tin và truyền thông; Tiến trình tư duy.
Nhìn chung chương trình được thiết kế theo hướng phát huy tối đa năng lực của cá nhân học sinh nên phần tự chọn được rất coi trọng, học sinh THPT có thể chọn học từ 7-8 môn trong tổng số từ 40- 50 môn học trong nhà trường để thi tốt nghiệp.
Nội dung các môn học tỷ lệ tri thức hàn lâm được cân đối hài hòa với thực hành, trong đó các nội dung thực hành được đặc biệt coi trọng.
Từ cách thiết kế chương trình như vậy, có thể dễ nhìn nhận thấy sự khác biệt với Việt Nam ở 2 điểm, Singapore coi trọng giáo dục thể chất, gắn kết cá nhân với xã hội và bộ phận các môn thích ứng nhu cầu hội nhập với sự phát triển đương đại. Trong khi Giáo dục Việt Nam tập trung chủ yếu vào học các môn truyền thống, làm cho sự năng động trong nắm bắt sự phát triển các vấn đề xã hội và khoa học của học sinh rất yếu. Do quá tập trung vào bài vở chỉ trong sách giáo khoa, và làm việc trong khuôn viên bó, nên đặc biệt khả năng hòa hợp, liên kết nhóm của các cá nhân với cộng đồng trong công việc là một vấn đề quá yếu với học sinh Việt.
Phương pháp giáo dục trung học được đổi mới hiện đại. Tại những lớp học, số học sinh không vượt quá 35 em. Học sinh được tự do phát biểu quan điểm, thậm chí cả tự do đi lại trong lớp… Thực tế tại Singapore, không ít nhà giáo dục phải “hoảng hồn” khi thấy học sinh đi lại và đối đáp với cô như “bằng vai phải lứa”. Khi được hỏi về vấn đề này, Hiệu trưởng một trường THPT đã nói “ Khi học sinh muốn đứng dậy là nhu cầu tự nhiên cần đứng để tự do thoải mái rồi học tiếp. Vấn đề là nhà giáo có điều chỉnh cho học sinh đó học tiếp được hay không?”. Trên những bức tường tại lớp học, học sinh tự vẽ, hoặc tự viết lên đó (theo góc quy định của mình), những vấn đề tâm đắc hoặc bức xúc… dựa vào đây mà giáo viên có thể thêm một kênh thông tin, để điều chỉnh các hành vi hoặc giúp đỡ, bồi dưỡng nhân cách tài năng học sinh.
Cách đánh giá
Hệ thống đánh giá, kiểm tra của họ áp dụng theo chuẩn Anh quốc, tại một số trường chất lượng cao (trường thông minh) bài kiểm tra của HS được chuyển về một trung tâm nào đó của Anh để chấm và xử lý kết quả. Tuy nhiên, đó chỉ là những bài kiểm tra thuộc nhóm môn truyền thống. Giáo dục Singapore coi bài kiểm tra chỉ là một “lát cắt”. Một học sinh được đánh giá đủ tiêu chuẩn là người phải đảm bảo sự phát triển toàn diện, nghĩa là phải hội đủ các yếu tố về sức khỏe, giao tiếp, có những suy nghĩ nhân văn, biết làm việc theo nhóm…
Chương trình thi học sinh giỏi của Singapore không thiên lệch về lý thuyết như ở Việt Nam mà đòi hỏi sự ứng dụng thực tiễn cao. Ví dụ tại một cuộc thi bộ môn Vật lý, một nhóm học sinh cắm trại và được lựa chọn những thiết bị do Ban giám khảo cung cấp như quả chanh, cốc nước, cái đinh, bóng điện, dây dẫn… để tạo ra nguồn điện cháy sáng.
Từ đây có thể thấy các nhà giáo dục đất nước Quốc Đảo nhắm vào mục tiêu sản phẩm họ tạo ra hướng tới mục tiêu con người đủ các năng lực hội nhập xã hội ngay ở lứa tuổi vị thành niên, tạo ra một cơ sở nền tảng cho con người trưởng thành sau này. Đây là quan niệm khá khác biệt với Việt Nam, khi mà Giáo dục của chúng ta thiên về đánh giá năng lực học sinh chỉ qua một chỉ số là điểm các môn thi. Bởi vậy, nếu một học sinh THPT muốn có năng lực phát triển toàn diện thì cả thời gian học đại học phải rất vất vả, nhưng đó cũng chỉ là số rất ít. Thực tế cho thấy, phần lớn sinh viên Việt Nam chỉ hoàn thiện hội nhập được với cuộc sống, khi đã ra trường và làm việc thực tiễn 5 năm trở lên. Đây là khoảng thời gian tốn phí không cần thiết vì lẽ ra chất lượng này đã phải được đào tạo ngay từ khi học sinh ngồi trên ghế nhà trường trung học.
Mục tiêu - Nội dung – Phương pháp của chương trình giáo dục trung học Singapore được công nhận trên thế giới bởi khả năng giúp học sinh phát triển cách nghĩ phê phán và kỹ năng tư duy. Từ năm 1990, tại đây đã xây dựng “100 trường thông minh” với mục tiêu không dấu diếm là chỉ cần đào tạo ra một vài nhân tố trở thành các nhà bác học, số đông trong phần còn lại là những kỹ sư có trình độ thượng thặng.
Theo thống kê của Giám đóc Trung tâm phương pháp Sao Khuê (Hải Phòng), Thạc sỹ Nguyễn Thị Minh Hòa, hiện đã có gần 20 trường phổ thông ở Singapore chấp nhận có học sinh nước ngoài. Nhiều học sinh Việt xuất hiện trong các trường bậc phổ thông, ở trường Trung học Temasek là 1 ví dụ. Tất cả các em đều có chung một nhận xét: điểm khác biệt rõ nét nhất với học ở trong nước là lượng kiến thức rất thực tế, thực hành thí nghiệm nhiều và ngoại khóa rất đa dạng. Không thể gặp sự tự tin, chững chạc và ăn nói, giao tiếp lưu loát ở các em học sinh đang học trong nước hiện nay như ở những học sinh phổ thông Việt Nam đang học Singapore.
2. Giáo dục Đại học : Đổi mới và coi trọng tính đáp ứng nhu cầu xã hội.
Singapore có 2 trường đại học công lập lọt vào top 100 trường đại học tốt nhất trên thế giới là Trường đại học Quốc gia Singapore xếp thứ 12 và Trường đại học Công nghệ Nanyang xếp thứ 61. Tiêu chuẩn của một trường đẳng cấp Quốc tế hội đủ các yếu tố như chất lượng giáo viên, hệ thống cơ sở vật chất, ngành học phù hợp nhu cầu xã hội, sinh viên tốt nghiệp có khả năng làm việc tốt ở các công ty.
Đổi mới giáo dục đại học
Trong nhiều thập niên cuối thế kỷ XX, Giáo dục đại học tại Quốc đảo đã có những chuyển biến đổi mới quan trọng. Singapore xác định đổi mới GDĐH là tất yếu, là nhu cầu tự thân để phát triển kinh tế xã hội. Để hỗ trợ quá trình đổi mới đầy cam go này, nhà nước có cơ chế chính sách bảo lãnh, bao gồm các chính sách khuyến khích, thúc đẩy và bảo vệ với GDĐH. Nhà nước Singapore đã khuyến khích đổi mới bằng giải pháp đặt hàng đối với các trường ĐH trong các lĩnh vực mà họ có năng lực đảm nhận theo những nguyên tắc chặt chẽ.
Nhân tố con người, đặc biệt những cương vị lãnh đạo chủ chốt của giáo dục được đặc biệt coi trọng. Đó là là chọn người có năng lực và tâm huyết, dám thể hiên quan điểm cá nhân, và chấp nhận hi sinh cho sự nghiêp đổi mới. Hệ thống những nhân lực chủ chốt này bắt đầu từ những lãnh đạo cao nhất, vì đổi mới GDĐH liên quan đến toàn xã hội và thực chất là một cuộc đổi mới về xã hội. Nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, đã từng yêu cầu bộ trưởng Bộ Giáo dục “nếu anh thực hiện được như thế thì anh hãy nhận làm bộ trưởng”.
Một trong những phương pháp khiến công cuộc đổi mới của GD ĐH ở Singapore thành công là họ biết chọn từng điểm để thực hiện đột phá đổi mới, và trong quá trình làm họ thực hiện quyết liệt đảm bảo đến mục tiêu cuối cùng.
Để nhanh chóng đổi mới, các nhà giáo dục Đại học Singapore đã tìm cách “đứng trên vai những người khổng lồ”, họ thực hiện tiếp cận công nghê nguồn từ những mô hình quản lý tốt nhất thế giới, kiên quyết không theo công nghê thứ cấp. Họ đã đến thẳng 2 trường ĐH hàng đầu là Cambridge (Anh) và Harvard (Mỹ) để học tập, vận dụng sáng tao theo điều kiện Singapore.
Đổi mới, phát triển GDĐH Singapore coi trọng xây dựng đội ngũ. Đầu tư nguồn nhân lực cho giáo dục đại học được coi là đầu tư trọng tâm, cao độ nhất trong các nội dung đầu tư. Giáo viên Đại học ở Singapore được tuyển dụng phải là những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh giáo dục, đặc biệt phải có nhiều nghiệm sống, làm việc và học tập ở nước ngoài. Người làm nhiệm vụ quản lý, đặc biệt Hiệu trưởng được bầu cử theo khóa và chỉ được tái bầu khi hoàn thành sứ mệnh mục tiêu giáo dục được đặt ra trong khóa đã công bố. Nói cách khác một thành viên được tuyển dụng vào Đại học ở Singapore cần phải đạt 1 lúc 2 chuẩn : Chuẩn đào tạo (Bằng cấp) và chuẩn nghề nghiệp (Khả năng làm việc xuất sắc thực tiễn).
Đào tạo gắn với nhu cầu xã hội phát triển
Cũng như giáo dục phổ thông,Giáo dục Đại học Singapore được chia thành hai khu vực là trường công và trường tư. Các trường công thuộc sự quản lý của Bộ giáo dục và được hỗ trợ tài chính. Các trường tư tự túc về mặt tài chính. Việc mở ra những ngành học mới, thành lập những trường mới, các tổ chức giáo dục tư nhân phải nghiên cứu kĩ, thăm dò và dự đoán được những ngành học có khả năng thu hút sinh viên dựa trên nhu cầu của xã hội, của nền kinh tế và xu hướng giáo dục trong nước cũng như của thế giới.
Quá trình này luôn được tính toán và cân nhắc rất cẩn thận; khi mở là được xét trên nhu cầu thực tế của xã hội, vì vậy sinh viên tốt nghiệp rất dễ dàng tìm được việc làm. Mỗi trường đại học của Singapore, dù trường công hay trường tư, luôn có một trung tâm tư vấn việc làm và giúp đỡ sinh viên thực tập tại các công ty. Bản thân các trường đại học có sự gắn bó chặt chẽ với các doanh nghiệp, công ty liên quan đến ngành nghề đào tạo. Bên cạnh đó các trường thường xuyên có các hội thảo về việc làm để sinh viên tiếp cận dễ dàng hơn.
Jin Chwen Ong, , giám đốc khu vực Đông Dương, thuộc Tổng cục Du lịch Singapore cho biết: Ở mỗi giai đoạn, Singapore có một chiến lược phát triển giáo dục nhất định, nhưng giai đoạn nào thì cũng bám lấy tiêu chí nhu cầu của xã hội đối với đào tạo. Xã hội đang cần người làm công việc gì thì trường học đào tạo ngành nghề đó. Đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường thì trường đó cũng sẽ tạo được thế mạnh cũng như thương hiệu cho riêng mình.
Đây là một vấn đề căn cốt mà các trường Đại học tại Việt Nam mới chỉ chú đến trong những năm gần đây và đó là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng “thừa thày thiếu thợ”, hao tốn công của đào tạo mà lại tạo ra những vấn đề xã hội cần giải quyết.
Là một quốc đảo nhỏ bé, dân số ít 5,1 triệu trong đó chỉ có 3,2 triệu mang quốc tịch Singapore, đất nước này nổi lên như một cường quốc giáo dục tại khu vực Châu Á, đó là vấn đề chúng ta cần nghiêm túc xem xét. Không có lịch sử văn hiến ngàn năm, cũng không quá nổi bật về các thành tựu văn hóa KHKT như các nước tư bản trong thế kỷ trước; Với một thời gian không dài mà bước tiến của Giáo dục Singapore đạt được những thành tựu lớn có lẽ chính là ở đường lối giáo dục đúng hướng, và chính sách giáo dục gắn với hơi thở thời đại.