Đề dẫn hội thảo “Nguyễn Đình Minh một chặng đường thơ”
Thơ Nguyễn Đình Minh – Con chữ và con người thời hội nhập
Nhà thơ Thi Hoàng (Nguyên Ủy viên Hội đồng thơ – Hội Nhà văn Việt Nam)
Kính thưa:
- Các đại biểu tham dự Hội thảo
- Các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình
- Các bạn yêu văn học
Thế giới phẳng trong thời kỳ đầu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để không ai bị bỏ lại phía sau thì đấy là định hướng rõ ràng của khoa học công nghệ. Còn khoa học nhân văn? Dù ở bình diện đồng đại hay lịch đại, không gian hay thời gian. Người nghệ sĩ vẫn là kẻ cô đơn ăn nằm với số phận mà sinh hạ những đứa con tinh thần. Tiện nghi và bữa ăn đang làm phồn tạp cơ thể vật chất. Còn hồn vía tinh thần phải chăng đang bị bỏ đói? Điều này cắt nghĩa phần nào sự xuống cấp của văn hóa, sự tha hóa của đạo đức, sự vô cảm của nhiều người trong đời sống hiện tại.
Con người dưới trần gian làm sao khuây khỏa thật lòng để những con chữ đươc viết ra trong văn chương như những sinh thể sống được và sống lâu cùng đời sống con người. Từ mênh mông…mà dần thu vào cái gì thiết thực cụ thể.
Vậy thì hôm nay và ở đây chúng ta cùng nhau trao đổi về văn chương, thu hẹp nữa lại là bàn về thơ và lại thu hẹp nữa để nét ra là trao đổi cùng nhau về thơ Nguyễn Đình Minh.
Trước mặt thì Hải Phòng là cảng hàng không, cảng biển quốc tế…mở ra mà hội nhập. Sau lưng Nguyễn Đình Minh thì miền quê sinh ra là hơi hướng hồn vía trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tư cách con người thì anh là con cháu cụ. Còn chữ nghĩa thì sao? Nhiều kiến giải, mà ở đây hôm nay chúng ta sẽ gặp những nhận thức ở cả từ kinh nghiệm lẫn có thể đột biến ngỡ ngàng. Từ bề rộng những tập thơ của Nguyễn Đình Minh như “Ủ ấm trái tim”,“ Mắt cỏ”, “Thức với những tập mờ” “Lặng lẽ đời cây” …mà lần vào bề sâu những câu thơ của anh buổi đầu là : “Nở hương thơm của trái ca dao/Trĩu nặng cành cây lục bát”…cho tới gần đây: “Cúi đầu vái một làn hương”, để thấy ở Nguyễn Đình Minh từ vô thức đến ý thức đã hướng về nhân sinh và lại trầm xuống tự lắng nghe mình mà ngộ ra là phải đổi mới. Nhưng đổi mới thế nào để thơ vẫn là thơ chứ đừng quá ra để đến nỗi nó không còn là nó nữa. Và anh càng thấm thía hình thức là cần song chỉ là thứ yếu. Chủ yếu vẫn là nội dung tư tưởng. Còn tài năng ư? Đấy là điều kiện tiên quyết đương nhiên mà chúng ta đều thừa nhận rằng phải có nó đã còn bàn gì hãy bàn.
Vâng! Vài lời thưa trước thế này nửa như để dẫn lại, nửa như tâm sự giãi bày đặng có cớ để mà yên lặng cùng nhau lắng nghe những tham luận, ý kiến chắc chắn là có nhiều thú vị bất ngờ để hướng tới một mục đích là làm sao cho thơ hay hơn, có ích hơn từ nhưng cơ sở lý luận cho đến tình cảm đời thường với nhau như những tri âm tri kỷ.
Xin được cảm ơn tất cả đã bỏ ra một chút thời gian lắng nghe!