Điểm đầu vào ngành sư phạm thấp không phải là điều đáng lo.

Hiện tại “chuẩn đầu vào” trong quá trình tuyển sinh ở các trường chuyên nghiệp hầu hết được dựa trên tổng điểm thi cao hay thấp so với điểm “sàn” mà Bộ Giáo dục quy định. Tuy nhiên với ngành đào tạo sư phạm thì điểm thi của thí sinh không phải là yếu tố quyết định chất lượng đầu ra.

Tổng điểm 3 môn thi liệu có phải “chuẩn” đầu vào?

Dư luận xã hội đều cho rằng hiện tượng giáo viên có chất lượng tay nghề không đáp ứng với yêu cầu hiện nay là do chất lượng đầu vào thấp. Trao đổi về nội dung này, nhà báo Phạm Huế (Tạp chí Doanh nghiệp & Thương mại) cho biết, chị đã phỏng vấn 10 nhà quản lý, 5 nhà giáo ưu tú ở tỉnh Hưng Yên, tất cả đều cho rằng, điểm chuẩn đầu vào của sinh viên ngành sư phạm những năm gần đây là quá thấp, những sinh viên như vậy khó có thể đào tạo thành những nhà giáo giỏi.

Tuy nhiên, nếu chuẩn đầu vào của ngành sư phạm chỉ nhìn vào tổng điểm thi 3 môn như vậy có phải là “Chuẩn”? GSTS Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Nguyên hiệu trưởng trường ĐHGD-ĐHQG Hà Nội) trong một bài giảng tại lớp cao học quản lý tại Hải Phòng, nói: Tôi cho rằng, điểm đầu vào không nói lên tất cả; có những em không có điều kiện học thêm nên điểm thi vào đại học không cao, nhưng khi vào đại học lại có thành tích tốt. Ngược lại, một số em có điểm thi cao hơn nhưng chưa chắc đã giỏi hơn. Điều này cho thấy việc tự rèn mình trong đào tạo là vô cùng quan trọng.

Khi xét ở phạm vi rộng hơn thì “chuẩn đầu vào” của sinh viên ngành sư phạm phải được thiết lập bởi nhiều yếu tố khác nữa như hình thể, ngôn ngữ, năng khiếu nghề nghiệp…khi chọn điểm thi 3 môn làm chuẩn đầu vào, mới thỏa mãn yếu tố “ cần” mà chưa có yếu tố “đủ”.  Bởi nếu chỉ như vậy, sẽ ra sao khi một giáo viên dù có đạt điểm đầu vào cao nhưng bị dị tật hình thể,  nói ngọng, không có khả năng diễn thuyết, không yêu nghề… và có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, lối sống?

Chú trọng năng khiếu sư phạm

Thi tuyển sinh ngành sư phạm là chọn người để đào tạo họ làm nghề dạy học chứ không phải chọn đào tạo một nhà nghiên cứu, một người chuyên giải các bài văn bài toán… Do vậy cần nghĩ đến một “chuẩn” tuyển sinh mang đậm yếu tố nghề sư phạm. Thực tế, một người học nghề sư phạm phải trau dồi kiến thức trình độ chuyên ngành hẹp như toán, ngữ văn, vật lý… nhưng phần quan trọng khác là phải học và rèn luyện phương pháp giảng dạy và các nhóm kỹ năng giáo dục khác vô cùng phức tạp, hội tất cả những điều ấy lại mới tạo thành người có nghề. Một nhà giáo giảng dạy ở các ngành học dưới bậc đại học không phải mang tất cả những kiến thức anh ta học được để truyền thụ; lượng kiến thức cần dạy chỉ cần đạt ngưỡng phổ thông, hoặc dưới phổ thông yêu cầu. Ví dụ ta có chuyên ngành đào tạo Đại học tiểu học, người học buộc phải học các loại kiến thức toán, văn…ngang trình đại học, nhưng không phải đem kiến thức ấy dạy cho học sinh tiểu học. Cũng theo GSTS Nguyễn Thị Mỹ Lộc thì “Chương trình đại học tạo cho nhà giáo có một “thế năng” cao hơn về kiến thức để rồi tự nghiên cứu áp dụng vào nghề”.

Bản chất của nghề dạy học đòi hỏi nhà giáo có phương pháp giỏi, điều ấy được thể hiện bằng năng lực “làm dễ cái khó”, biến những điều hàn lâm trong sách giáo khoa thành những điều gần gũi dễ hiểu cho học sinh nắm bắt thông qua hệ thống các thủ pháp dạy học linh hoạt và tinh tế. Và đây chính là yếu tố căn cốt nhất để nhận biết một nhà giáo giỏi (xét riêng lĩnh vực dạy kiến thức). Tất nhiên một nhà giáo được coi là giỏi toàn diện theo “Quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học”, thì việc dạy giỏi chỉ đạt 1/5 tiêu chuẩn và chiếm 8/25 tiêu chí quy định mà thôi. Vì vậy một sinh viên với điểm đầu vào cao có thể tiếp thu kiến thức khoa học bộ môn tốt, nhưng chưa chắc đã tiếp thu tốt các kiến thức khác thuộc chuyên ngành sư phạm vốn hàm chứa những kỹ năng thuộc phạm trù xã hội là chủ yếu, để tiếp thu  những kiến thức này đòi hỏi người học phải có năng khiếu nghề nghiệp.

Từ đây, có thể thấy rất rõ, điểm thi đầu vào hoàn toàn không phải là yếu tố quyết định tạo ra đội ngũ giáo viên giỏi. Thiết nghĩ việc quan niệm đầu vào thấp dẫn thới giáo viên có tay nghề yếu là chưa hoàn toàn đúng, ngành giáo dục đào tạo, các trường sư phạm, trong đó có Đại học Hải Phòng nên sớm có biện pháp tham mưu xây dựng một “chuẩn đầu vào” thích ứng để tìm ra những nhân tố hội đủ các nhóm năng lực đặc trưng ngành sư phạm để có thể đào tạo thành giáo viên giỏi đáp ứng nhu cầu xã hội./.

Bài đã đăng trên Báo HP cuối tuần

Nguyễn Đình Minh