GIẢI THƯỞNG BÁCH VIỆT NĂM 2008 “MA THUẬT NGÓN” LÀ THẦN CHÚ HAY THƠ ?

                                               Trần Mạnh Hảo

      

mathuat_ngon2

      Ông ( hay bà?) chủ công ty Bách Việt quả là người tốt hiếm có, đã bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng trích trong phần lợi nhuận khiêm tốn của mình để làm giải thưởng văn học cho tác phẩm thơ nào xuất sắc nhất trong năm.Việc xuất hiện  một vị mạnh thường quân của nền thơ ca Việt Nam như ông chủ Bách Việt là tin vui lớn cho người cầm bút, báo hiệu một thời đại mới của văn chương nước nhà; rằng từ nay tư nhân cùng được ra cáng đáng với nhà nước trọng trách trao giải thưởng văn học, khiến sự vinh danh tài năng thi ca không còn bị độc quyền như xưa nữa. Tấm lòng của ông chủ Bách Việt với thi ca nói riêng, với văn hóa nước nhà nói chung, quả bội phần đáng trân trọng, đáng ghi công.
     Chính vì vậy mà chúng tôi đã phải mất công và nhọc lòng tìm đọc tác phẩm thơ “ Ma thuật ngón” của nhà thơ Trần Tuấn – một đồng tộc của chúng tôi vừa được vinh dự nhận giải thưởng thơ Bách Việt năm 2008, đặng đóng góp ý kiến để giải thưởng thơ năm 2009 sẽ trao vào đầu năm 2010 được tốt hơn .ma Trong số năm nhà thơ uy tín, khá nổi tiếng chấm giải thưởng này gồm : Giáng Vân, Ý Nhi, Thi Hoàng, Phùng Tấn Đông, Nguyễn Bình Phương thì có hai vị chúng tôi từng được vinh dự làm bạn thơ là anh Thi Hoàng và anh Nguyễn Bình Phương.
     Nhà thơ Phùng Tấn Đông đã rất ưu ái viết lời tựa cho “Ma thuật ngón”, bằng những lời khen ngợi có cánh như sau : “Chữ hiện diện một cách điềm đạm mà riết róng cái ý hướng làm mới, ngôn từ mang một sắc thái mới,khi thơ mang một tiết nhịp mới, hình ảnh âm thanh mang một ám ảnh mới. Từng câu từng bài của “Ma thuật ngón” như chuyển động theo một giục gọi ngấm ngầm rằng đã đến lúc phải thay đổi cách viết, cách cảm,cách nghĩ về thơ một cách quyết liệt hơn nữa ( cả cách đọc nữa, hiển nhiên)”( Ma thuật ngón với Trần Tuấn)
        Phùng thi nhân còn dành cho “Ma thuật ngón” nhiều lời khen gấp ba lần đoạn vừa dẫn, nhưng sợ quá dài nên chúng tôi chỉ trích ra mấy ý mới lạ trong bài tựa này mà thôi : “ …gợi tưởng đến Hoa nghiêm của nhà Phật…”Đỉnh rỗng” gợi đến Khải huyền của Ki-tô giáo.”Ma thuật ngón” cũng gợi đến tranh siêu thực của S.Dali…”Ma thuật ngón” là sự làm mới tự bên trong…dấu hiệu tân hình thức”
      Như vậy, Phùng Tấn Đông đã thay mặt ban chấm giải thơ Bách Việt, choàng lên cổ thi sĩ Trần Tuấn vòng nguyệt quế của một thi hào “tân hình thức” với tác phẩm đỉnh cao có ý thức mở đường. “Ma thuật ngón” được ví với những kiệt tác nhân loại như kinh “Hoa Nghiêm” của nhà Phật, kinh “Khải Huyền” của Phúc Âm, lại được ví với tranh của đại họa sĩ Tây Ban Nha S.Dali, người mà thiên tài Picasso cũng phải coi như bậc thầy.
     Xin quý vị đọc một đoạn thơ trong bài thơ “Đỉnh rỗng” của ‘Ma thuật ngón”, với những câu thơ thiên tài được Phùng Tấn Đông sánh ngang với Kinh Thánh : “Xác của yêu thương của mùa thu lá cây âm thầm chết cô độc trên da trên mắt môi gương mặt trên từng ngón tay trên từng sợi lông mà tôi không hề hay biết không  hề đón nhận để dọn dẹp lại cho mình một mùa màng mới của thân thể mùa rỗng đầu tóc tai mắt mũi miệng răng lưỡi tròng trắng tròng đen con ngươi lông mi lông mày râu ria môi trên môi dưới cằm cổ bả vai lưng ngực bụng háng đùi hạ bộ cẳng tay cẳng chân bàn tay bàn chân ngón tay ngón chân móng tay móng chân lòng bàn tay lòng bàn chân đường chỉ tay đường chỉ chân mu bàn tay mu bàn chân lông tay lông chân tim óc gan cật mật phổi ruộtnon ruột già ruột thừa lá lách bao tử thận trái thận phải bóng đái…” ( Đỉnh rỗng tr. 112)
“Đỉnh rỗng” còn dài nhưng chúng tôi ngán, chưa dám trích hết, vì nó không có dấu chấm dấu phảy, sợ bạn đọc đứt hơi mà chết, lại đi kiện chúng tôi phải bồi hoàn nhân mạng thì nguy. Đọc xong bài “Đỉnh rỗng” có đoạn vừa trích, chúng tôi hết hồn, toát mồ hôi hột vì “kiệt tác” ngang với kinh “Khải Huyền” này sao như có ma quỷ trong đó thế ? Kẻ yếu bóng vía như chúng tôi tí nữa xỉu hoặc chuồn lẹ đặng thoát khỏi những ám ảnh siêu hình nghiện ngập do tác phẩm này của Trần Tuấn gây mê.
Đọc đi đọc lại ngót một trăm lần chúng tôi mới phát hiện ra “Đỉnh rỗng” và nhiều bài khác nơi tập thơ này không phải là thơ, mà là một cái gì cao hơn thơ, khiếp hơn thơ, thần bí hơn thơ, ví như sấm truyền, ví như thần chú, ví như lời khấn niệm của các thầy cúng trong đền chùa miếu mạo. Hơn hai phần ba tập thơ, Trần Tuấn viết bằng bút pháp thần chú bắt quyết này.
     Dứt khoát “Ma thuật ngón “ như tên gọi của nó, không nằm trong thể loại thi ca mà chính là lời ma thuật của một thầy pháp, thầy cúng, thầy địa lý chuyên bói toán bắt ma tà, vừa bắt quyết vừa lảm nhảm những lời ma mị bí hiểm mà người trần mắt thịt là chúng tôi không thể nào lãnh hội được.
Có thể những câu thần chú trong “Ma thuật ngón” rất cao siêu, rất thần bí, rất thiêng liêng như là sự đóng góp lớn của Trần Tuấn cho ma thuật quỷ thuật thánh thuật Việt Nam, cho khoa ma học, quỷ học, thần học, thông thiên học, bủa ngải học, phi nhận thức học…nên nó không dính dáng họ hàng gì với thi ca cả. Có lẽ tác phẩm này của Trần Tuấn viết cho tương lai, khi mà tôn giáo, tâm linh học với thi ca khoa học nhập lại làm một, cỡ một ngàn năm sau nữa chăng ?
       Xin trích một đoạn thơ khác của tác phẩm “ Ma thuật ngón”, ở trang 56,57 bài “Bàn chân mọc tóc”, được Ban chấm giải thơ Bách Việt sánh với kinh “Hoa Nghiêm” là một đại kiệt tác nhân loại :
…tóc luồn lách tóc khóc lóc nước mắt đen tuôn từ cặp móng đen sì tôi sợ hãi thét lên bây giờ thì không phải bằng tiếng của lớp da gót chân nhớp nhúa sần sùi mà là những kẽ ngón chân đang thi nhau ngoác miệng tôi không biết tóc mọc ngược về trái đất khốn khổ tôi đang giẫm lên lan lan theo đường kinh tuyến vĩ tuyến như sợi máu khô đen không ngắt đoạn kìa loài người khốn khổ hãy chạy thôi lần này thì cục yết hầu mắt cá chân ngọ ngoậy….”
Người viết bài này toan đọc to lên những câu thần chú trên xem nó có phật phật ma ma trong đó hay không; nhưng lại sợ thằng con đang học bài bên cạnh tưởng bố ấm đầu bị bệnh thần kinh hoang tưởng (!) Chẳng lẽ những lời lảm nhảm này lại có họ hàng với kinh Hoa Nghiêm nhà Phật hay sao ?
      Hơn hai phần ba cuốn thần chú “Ma thuật ngón” được viết với lối văn xuôi không chấm phảy như trên. Những phần còn lại được viết với lối xuống dòng kiểu như thơ vậy . Xin dẫn nguyên bài “Ma thuật ngón” ở trang 24,25 :
mathuatngon3“Một ngón ma thuật
Một ngón im lặng
Một ngón kiếp trước
Một ngón đốm lửa
Một ngón tàn tro
Ngón tay ma thuật đốm lửa
Ngón tay đốm lửa kiếp trước
Ngón tay kiếp trước tàn tro
Ngón tay tàn tro ma thuật
Ngón tay ma thuật im lặng
Kiếp trước của lửa hát về kiếp trước của tàn tro
Lửa của tàn tro hát về tàn tro của lửa
Phải mất đi bao nhiêu ngón
Mời đủ một bàn tay”
Bài này giống kệ hơn kinh, thầy pháp Trần Tuấn chuyển từ bắt quyết sang chuông mõ. Nghe âm âm u u hồn vừa thoát xác vật vờ niệm lửa cúng tàn tro. Thật là mê cung và diệu vợi, thần bí cao cả thung thăng, thi ca cứ phải gọi bằng cụ.
Có khi thầy pháp Trần Tuấn niệm bùa trừ tà bằng những câu sau :
“ Cột điện gập lưng
Bò lê
Nôn mửa
Bên hài cốt nhà
( lưỡi bão, tr.35)
Đúng là trong thế giới ma thuật, cột điện biết ói mửa, nhà là bộ xương,con rùa biết xỉa tăm, cái lưỡi gõ mõ, cái bụng hình vuông…
Trong bài :” ma thuật lỗ” tác giả tả con ma đang núp trong con người có cái tai thứ ba nghe ghê như hú hồn người đọc, làm kẻ viết bài này nổi cả gai ốc :
“ Bày ma trận
Lỗ tai thứ ba
Cười
Hút
hút”
     Khiếp, chúng tôi không dám trích nữa, sợ bạn đọc bị ma thuật đuổi ù té mất.
     “Ma thuật ngón” của thầy pháp Trần Tuấn do đó không thuộc thể loại thi ca. Nó là thể loại thần chú, bùa ngải xua tà… thì đúng hơn. Chúng tôi ngờ rằng ban chấm giải thưởng thơ Bách Việt đã lầm lẫn thể loại khi trao giải thưởng thơ cho “Ma thuật ngón” chăng ? Xin quý ban chấm giải thưởng thơ thương xót chúng tôi cùng; vì chúng tôi không có con mắt thần minh nhìn xuyên áo quần, xuyên tường, xuyên âm dương sống chết như quý vị, mà hạ cố chỉ giáo cho chúng tôi tác phẩm này thơ ở chỗ nào ạ ?
Sài Gòn 13-01-2010
T.M.H.
Nguon theo trannhuong
Đôi điều bàn thêm
“Ma thuật ngón” đạt giải thơ Bách Việt năm 2008, xung quanh tác phẩm rộ lên những khen chê. Tôi cũng đã được nghe bàn với 2/5 nhà thơ  là Ban giám khảo. Cái lạ của BGK cuộc thi Bách Việt là Ông giám khảo nào không bầu thì ghi thẳng tên mình vào. Tuy nhiên, cứ 3/5 phiếu là trúng giải, và cũng chỉ có 1 giải duy nhất cho năm mà thôi. Chúng tôi không mạn đàm vào sự khen chê vốn rất đau đầu và đau tim, nhưng lại rất cần này ,về tác phẩm của Trần Tuấn, nhưng muốn nêu một vài mong mỏi của riêng mình.
Quan niệm về thơ có cả đống, mỗi người một vẻ. Gần đây có người nêu quan điểm thơ có bạn bè và thơ có độc giả. Nếu để thơ có bạn mà không độc giả liệu có được không? Đành rằng đã làm thơ chân chính nhà thơ nào cũng mong muốn cống hiến sáng tạo. Vấn đề ở chỗ sự sáng tạo, cống hiến ấy mang lại giá trị đích thực đến mức nào? Thế giới con người (hiện tại)là thế giới giao tiếp, phương tiện giao tiếp phổ thông và hữu hiệu nhất là ngôn từ. Nếu ngôn từ của anh làm người ta không hiểu thì cuộc giao tiếp không có ý nghĩa. Nếu chỉ có một nhóm bạn bè hiểu được, thì cuộc giao tiếp ấy có phạm vi quá hạn hẹp và tác phẩm viết ra chỉ để nhóm bạn hữu chơi cho sướng vậy.
Những xu hướng thơ mới khác cũng xuất hiện nhiều, nhưng có nhiều quan điểm lạ, nó cũng chẳng phải “Vị nghệ thuật” như trước kia một thời ta phê phán; mà rất lạ, ví như thơ được cắt dán từ bài này sang bài khác, ngôn ngữ dùng "thoải văn mái" chẳng cần chọn lọc gì, kể cả từ tục tĩu cũng xài . Quan điểm của nhóm này cho rằng thơ là cuộc sống, nên cuộc sống có gì thơ cứ việc đưa "nó" vào. Thơ dùng xong vứt bỏ, nếu thích thì lại xài tiếp, giống y như sử dụng hàng hóa...Cái lạ không phải bao giờ cũng hay, cái lạ chưa kiểm định có khi còn có độc. Gần đây khi xem một luận văn tiến sỹ của một người bạn; Tác giả đã lý giải vì sao thịt chó, thịt hổ hay hươu nai không được người Việt thờ cúng vì nó lạ và nghi có độc, hoặc vì sự hoang dã chưa kiểm định…Những loài cá sống dưới bùn nhơ, hoặc có mùi tanh tưởi cũng không được thờ cúng. Câu chuyện này không có ý ám chỉ việc thờ THƠ truyền thống mà muốn nói đến việc tiếp nhận sự sáng tạo thơ hậu hiện đại.
Điều băn khoăn nhất của giới sáng tác và yêu thơ trẻ là khó biết tin ai. Tác phẩm có lúc khen hết lời, sau đó lại chê hết lực. Giới trẻ chưa đủ cái tầm để thẩm định, chưa đủ uy để đánh giá nên diễn ra cảnh  Băn khoăn “đứng giữa đôi dòng nước”! Chúng tôi cũng đã học và nghiên cứu khá kỹ lưỡng các trào lưu thơ phương tây nở rộ giai đoạn trước và sau đại chiến thế giới 2. Có rất nhiều trào lưu đã cáo chung, nhưng lại ồ ạt vào đất Việt thời mở cửa. Ngành văn hóa kinh tế đã quá nhọc lòng với xử lý rác thải nước ngoài đang nhòm ngó đất việt như bãi rác lớn đầy tiềm năng! Vậy thơ có thế không?Chúng tôi mong chờ lý luận phê bình và những nhà quản lý văn chương sớm nêu lên một ngọn cờ giữa vùng thơ mịt mù như trận đồ bát quái hiện thời.
NĐM