Có thể bạn quan tâm
Hiện tượng những bài thơ “bay” vào…ca dao
Đây là hiện tượng không hiếm gặp trong lịch sử văn học Việt Nam, sinh thời cố thi sĩ Xuân Diệu gọi đó là câu chuyện của “Những bài thơ bay đi”. Những câu chuyện như vậy đã trở thành những giai thoại văn chương đẹp và khi tìm hiểu về nó gợi nhiều điều thú vị.
Một trong những bài thơ bay đi để “hóa thân” thành mấy bài ca dao về cảnh đẹp Tây hồ Hà Nội, cố đô Huế thậm chí đến cả miền Nam vùng đất Khánh Hòa cũng có, tạo ra nhiều dư ba nhất, đó là bài thơ về hồ Tây (Hà Nội). Đây là phiên bản quen biết của bài ca dao “cảnh đẹp Hồ Tây":
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ
Nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, gốc của bài ca dao này bắt nguồn từ bài thơ có tên đề là Hà Nội tứ cảnh của tác giả Dương Khuê(Tiếnsĩ thời Nguyễn) với 4 câu thơ chữ Nôm, ý tứ hoàn toàn giống bài ca dao vẫn lưu truyền, chỉ khác một vài từ ngữ:“Phất phơ ngọn trúc trăng tà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Tiếng chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”.Căn cứ để đưa ra kết luận này là bài thơ nằm trong Tập thơ Vân Trì Thi Thảo của Dương Khuê (ký hiệu VHv. 2482. Viện Hán Nôm). Bên cạnh đó tập“Văn đàn bảo giám”, tuyển tập thơ ca do Trần Trung Viên sưu tập, xuất bản sau khi Dương Khuê tạ thế (1902) không lâu cũng khẳng định “Hà Thành tức cảnh” là của tác giả này. Cùng với đó, GS.TS Dương Thiệu Tống cháu nội của Cụ Dương Khuê cho biết: "Bài thơ này chép và chú thích theo Dương gia phả ký và Luận đề về Dương Khuê” (Nguyễn Duy Diễn: Luận đề về Dương Khuê. Nhà in Khai trí, Sài Gòn, 1960, trang 160).
Tuy vậy, ở Huế lại xuất hiện áng ca dao thứ hai do học giả Phạm Quỳnh đăng trên báo Nam Phong trong bài viết du kí “Mười ngày ở Huế”. Theo đó, tác giả đã nghe câu ca này từ “con trẻ hát”: Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”. Sau này, trong bài hát Thương về cố đô, tác giả Châu Kỳ đã sưu tầm được nửa cuối của bài ca: Thuyền về xuôi mái sông Hương/ Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay. Nhiều người phản biện cho rằng gốc bài ca dao ở Huế này bắt nguồn từ bài ca ở Hà Nội vì Huế không có địa danh Thọ Xương, song trong cuốn Sổ tay địa danh Việt Nam, tác giả Đinh Xuân Vịnh ghi “Làng Thọ Khang, Gia Long đổi là Thọ Xương. Năm 1824 đổi là Long Thọ…thuộc thành phố Huế” (trang 515). Rồi đến miền Nam cũng có câu ca tương tự. Nguyễn Đình Tư trong cuốn “Non Nước Khánh Hòa”(Nxb,Thanh Niên,2003) khi viết về Chùa Hải Đức tọa lạc ở số 51 đường Hải Đức Nha Trang có trích câu ca dao xứ này: “Gió đưa cành trúc là đà/ Tiếng chuông Hải Đức, canh gà bên sông”…
Có thể còn có những tranh luận, nhưng chúng tôi cho rằng, giống như truyện cổ có những dị bản thì ca dao cũng vậy. Riêng bài ca dao này chắc chắn có nguồn gốc từ bài thơ của thi sĩ Dương Khuê, bởi ông đã từng làm quan ở Huế và Hà Nội. Nhưng căn cứ vào văn bản thì thấy rõ, tính chất bác học của văn học viết được thể hiện ngay ở câu đầu bài thơ “Phất phơ ngọn trúc trăng tà”. Hình ảnh cây trúc luôn gắn với biểu tượng người quân tử nên các tác giả xuất thân từ khoa bảng hay dùng. Cách miêu tả chính xác ngọn trúc bị gió thu đẩy nhẹ “phất phơ” và thế mới là “trúc” (trúc cứng và thẳng và thấp) chứ “la đà” thì là tre và gió phải mạnh vào mùa hè. Đặc biệt hình ảnh “trăng tà” nói về thời gian, nó chi phối sương khói “mịt mù” đúng lúc xuất hiện trên Tây Hồ từ tiết thu, kiểu khí hậu đặc trưng vùng châu thổ sông Hồng. Tiếng chuông “nét’ hơn và cũng đúng giờ đánh chuông chùa (canh năm) và tiếng chày giã vỏ cây gió làm giấy của cư dân làng Yên Thái ven hồ Tây xưa cất tiếng.
Chúng ta đã từng gặp hiện tượng này rất nhiều, có thể điểm lại một số câu thơ tiêu biểu đã …bay vào ca dao. Từ rất lâu kho tàng ca dao của ta đã trân trọng ghi nhận hai câu ca dao: “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương…”, nhưng đó là hai câu thơ trong bài thơ 4 câu của cụ Á Nam - Trần Tuấn Khải. Một câu ca dao khác lung linh với thời gian “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” lại là hai câu thơ trong bài “Trăng quê” của thi sĩ tiền chiến Bàng Bá Lân (1912- 1988). Gần đây, ví như câu ca dao “Trên trời mây trắng như bông/ ở dưới cánh đồng bông trắng như mây” vốn ở trong bài thơ “Mây và Bông” của Ngô Văn Phú. Có những câu ca dao nổi tiếng hơn và chúng ta thường dùng“Tháp Mười đẹp nhất hoa sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” được chỉnh sửa từ bài thơ bốn câu có tên là “Đẹp nhứt” của Bảo Định Giang:“Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/ Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ/ Bông sen dành để lễ chùa/ Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tâm”. Thậm chí cả những câu được dùng như những “tiên đề” trong các bài nghị luận chính trị, quản lý nhà nước “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, chính là thơ của Thanh Tịnh trong bài "Dân no thì lính cũng no", sáng tác năm 1948 trong cuộc vận động nhân dân đóng thuế nông nghiệp…
Dẫu rằng những bài thơ bay đi để lại những giai thoại văn chương đẹp, nhưng thơ là sản phẩm của trí tuệ tâm hồn người viết, một thứ “bản quyền” bất khả xâm phạm. Bởi vậy trong những điều kiện có thể chúng ta cần phải làm một cuộc nghiên cứu trả lại các bài thơ cho chính chủ của chúng. Đồng thời để người sử dụng chúng biết được nguồn gốc để dùng đúng và tránh những tranh cãi đáng tiếc.
Nhà văn Nguyễn Đình Minh