Hư vô - Thơ Quang Huy, lời bình Ngọc Bái

 

Nhà thơ Quang Huy (tên khai sinh là Nguyễn Quang Huy), sinh ngày 05 tháng 06 năm 1936. Quê quán: Ngọc Liên, Cẩm Giàng, Hải Dương. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ đã để lại nhiều tác phẩm thơ giá trị: Sao và đất, Nơi giáp mặt; Gió từ đâu; Đêm mùa hạ; Kể chuyện chim; Dòng suối thức… Các tác phẩm của Ông cũng được ghi nhận bằng rất nhiều giải thưởng: Giải thưởng văn học: Giải thưởng thơ báo Văn nghệ 1961; Giải nhất Văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng năm 1968; Giải thưởng Trung ương Đoàn 1983.

Nhà thơ Quang Huy đã từ trần sáng ngày 19 tháng 02 năm 2015 (tức ngày mùng Một tháng Giêng năm Ất Mùi) hưởng thọ 79 tuổi.

Trân trọng giới thiệu một bài thơ đã tạo được ấn tượng trên văn đàn Việt; đây cũng là thi phẩm mà Nhà văn Ngọc Bái tâm đắc. Lời bình của người bạn văn về “Hư vô” đem đến cho người đọc cảm hiểu được điều “Bất hư vô” hàm ẩn trong lớp vỏ ngôn từ bài thơ, đó là “hạt nhân” tạo ra sức sống lưu tồn của thi phẩm.

 

QUANG HUY

 

HƯ VÔ

 

Cái gì cũng có một thời

Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban

Cái gì rồi cũng tiêu tan

Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ

Cái gì rồi cũng hư vô

Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi

Cái gì rồi cũng rụng rơi

Quả trên Vườn Cấm, hoa nơi Địa Đàng

Cái còn mãi với thời gian

Tình yêu từ thuở hồng hoang dại khờ

 

Gắng ngồi viết cạn bài thơ

Bài thơ rồi có hư vô như mình?

 

 

LỜI BÌNH CỦA NGỌC BÁI

 

Vẫn có thể phát hiện cái thâm thúy chí tình của mỗi câu thơ. Bài thơ đọc đã lâu lắm, nhưng còn như mới. Con người có thể “hư vô”, nhưng bài thơ của Nhà thơ Quang Huy đâu có “hư vô”?

Khởi đầu Nhà thơ đã nói sắc lạnh như không: “Cái gì cũng có một thời”. Chả thế sao? Thời của mỗi người thật hữu hạn. Điệp khúc “cái gì rồi cũng...” được Nhà thơ nhắc lại, mỗi lần mỗi cung bậc suy ngẫm. “Cái gì rồi cũng tiêu tan… Cái gì rồi cũng hư vô… Cái gì rồi cũng rụng rơi”! Cũng vẫn là quy luật của tạo hóa cả thôi. Rồi Nhà thơ khẳng định “Cái còn mãi với thời gian/ Tình yêu từ thuở hồng hoang dại khờ”. Cái mất và cái còn là hai vế của tự nhiên. Mất trong còn, còn trong mất, biện chứng vậy đó! Tình yêu là thứ bảo vật vượt qua thời gian. Mà sao “dại khờ”? Có ai dám nhận mình đã hết dại khờ? Hằng sống hằng yêu mách bảo con người điều ấy.

Chỉ có thời gian phán quyết. Dẫu là vua chúa danh gia vọng tộc truyền đời, hay chỉ là kẻ cùng đinh thảo dân truyền kiếp, cũng sẽ có ngày “hư vô”! Vậy thì cớ gì mà tham lam vô độ, lấn lướt thiên hạ? Ờ, đã là quy luật của đời người thì có loại trừ ai?! Nhà thơ không thể có ngôi nhà trăm gian như người xưa ao ước để cho người nghèo đến trú ngụ khi sa chân nhỡ bước. Họ chỉ có bài thơ làm tài sản tặng thế gian mà thôi. Quang Huy viết bài thơ này không nhằm đích lưu danh, nhưng giấy trắng mực đen, có sức sống trường tồn là vậy!

Ai cũng biết cuộc sống có kẻ giàu người nghèo. Nhưng thật sự bác ái, thì bất công sẽ ít đi, những người quá cơ cực sẽ bớt đi, người giàu biết thương đồng loại hơn. Đấy là mơ ước. Dân tộc nào, quốc gia nào thực hiện được điều ấy? Đáng buồn là loài người vẫn hăng máu tranh đoạt và gây hận thù.

 

Điều đáng nói ở bài thơ này chính là thái độ nhận biết quy luật cuộc sống một cách bình tĩnh. Lời thơ giản dị. Không khoa trương. Nói thẳng điều muốn nói. Nhà thơ không né tránh điều đau xót bởi quyền lực nghiệt ngã từ lâu đời đã không ít lần tha hóa con người. “Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban”? Chỉ một lời “vua ban” đối với con dân lại là “ân thưởng” mới lạ chứ?! Thế mà người làm dân vẫn ngoan ngoãn nghe theo! “Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung”! Phải chăng ngu tín đã ngấm vào đường gân thớ thịt của những người theo thuyết trung quân? Gươm kề cổ vẫn ơn vua. Cực kỳ vô lý! Rồi Nhà thơ nhấn thêm điều như thể nhỡn tiền: “Cái gì rồi cũng tiêu tan/ Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ”. Quyền lực tiền tài danh vọng… rồi cũng “tiêu tan”. Thông điệp nhà thơ gửi gắm là con người hãy sống tử tế, để không phải nói lời ân hận trước khi không còn trên đời. Thế cho nên, những người nắm quyền lực thời nay hãy nhìn tấm gương vua chúa quan lại xưa, làm thế nào để người đời  không còn lí do trách cứ và oán hận.

Những cảnh đời “tượng gỗ lên chùa ngồi chơi” thiếu gì? Ngôi cao ghế lớn đến đâu rồi cũng về với đất. “Cái gì rồi cũng rụng rơi”, chứ sao! Định luật vạn vật hấp dẫn là thế! Thanh thản sống giữa đất trời tự nhiên là diễm phúc rồi. Ngôn ngữ ngầm trong bài thơ này quả là sâu kín. Nó không chỉ để tả cảnh đã nhìn đã thấy. Mà đằng sau mỗi câu thơ là sự gửi gắm sâu xa của tác giả.

Chiêm nghiệm day dứt, dồn nén cảm xúc! Nhà thơ đã mang hết tinh lực của mình để trút vào câu kết:

Gắng ngồi viết cạn bài thơ

Bài thơ rồi có hư vô như mình?

Thơ đã vận vào số phận Nhà thơ. Ông đã lao động sáng tạo kiệt cùng, để lại nhiều câu thơ hay, bài thơ hay. Ông đã sống trọn vẹn với đời, với thơ (1936 – 2015}. Câu hỏi đã sẵn câu trả lời. Hư vô! Nhiều thứ sẽ hư vô! Bài thơ đã cạn (chấm hết), mà ý tứ thì chưa cạn!

 

20/4/2015