Motif người hóa đá/ đá hóa người trong truyền thuyết dân gian Việt Nam - Nguyễn Thị Quỳnh Hương
Motif người hóa đá/ đá hóa người là một trong những motif phổ biến của biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam.Tuy nhiên, bên cạnh hai motif người hóa đá, và đá hóa người, truyền thuyết dân gian Việt Nam còn xuất hiện dạng thức người hóa đá và chính đá đó lại hóa thành người. Dạng thứ ba này đã tạo ra một vòng tròn luân hồi của con người.
Hai dạng motif đầu tiên của biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam có sự ảnh hưởng từ nghệ thuật hóa thân của truyện cổ tích. Chúng tôi cho rằng đây là dấu ấn đậm chất giao thoa giữa các thể loại của tự sự dân gian.
Trong bài viết này, chúng tôi xem motif người hóa đá/ đá hóa người như là dạng thức được lặp đi lặp lại nhiều lần và tiềm tàng những giá trị, những lớp nghĩa riêng của biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam. Bởi lẽ, “có thể ví biểu tượng với một khối tinh thể phục nguyên theo cách khác nhau, nguồn sáng tùy theo từng mặt tinh thể tiếp nhận sáng” [3, XXV]. Như vậy, theo chúng tôi, mỗi motif của đá trong truyền thuyết đều là những mặt khác nhau của một khối tinh thể, mỗi mặt đều tiếp nhận ánh sáng và có cách hồi quang tương ứng. Hay nói cách khác, thông qua các mặt tinh thể là motif, khối tinh thể biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam có thể được phục nguyên các lớp nghĩa và các mối quan hệ.
1. Người hóa đá
Trong motif này, đá mang ý nghĩa biểu trưng quan trọng. Bởi lẽ đá có tính chất bền vững với thời gian, và trong khi đời người bị hạn định thì đời đá là vô hạn. Và nếu như gắn đời người hạn hẹp vào đời đá thì đó chính là một sự cơi nới vô biên cho đời người.
Hay nói cách khác, sự gắn kết người và đá/ hóa thân người thành đá đồng thời là phương thức để bất tử hóa con người, dù có thể đời người đã khép lại. Cho nên đá là sự “không thể hư hại, linh hồn người quá cố phải tồn tại mãi mãi mà không phân hủy” [3, tr. 971].
Có thể khẳng định rằng phương thức hóa thân thành đá trong truyền thuyết dân gian là sự vay mượn đặc trưng bền vững của biểu tượng đá cho nhân vật của truyền thuyết. Đây như là một sự ghi ơn của người đời dành cho họ. Bởi lẽ những nhân vật hóa đá trong truyền thuyết đều có hành trạng xuất chúng hoặc có công lao to lớn đối với cuộc sống no ấm, yên lành của người dân.
Trong Truyện cái khiên, chàng Cả Lạn là người giỏi võ nghệ. Chàng vượt qua rất nhiều thử thách do các vị thần đưa ra. Đó là những cơ hội để chàng thể hiện tính nhân hậu của mình, ví dụ như Thần Hành thiện chuyên đi cứu nhân độ thế đóng giả người suýt chết đuối, Đức Phật giả làm người ăn mày, Thần Núi bày binh bố trận với một đàn mười con hổ. Chàng Cả Lạn không nề hà đầm sâu, không khinh người nghèo, không nhát sợ trước bầy hổ và luôn luôn đặt sự quan tâm, thương người lên trên hết. Vì vậy, các vị thần đã ưu ái, ban thưởng cho chàng những báu vật. Nhờ vậy, chàng có sức mạnh vô địch, trí tuệ hơn người và khiên quý để hộ thân khi chiến đấu. Sau đó, nhân vật Cả Lạn đã chiến thắng Thần Gió, Thần Mưa để thiên nhiên thuận hòa, cuộc sống người dân no ấm hơn. Hơn thế nữa, chàng còn giúp vua đẩy lùi giặc Hán. Tuy nhiên, vì tính cách khẳng khái, quý người, chàng rơi vào bẫy của kẻ thù. Giận dữ trước sự phản trắc của người em kết nghĩa (do kẻ thù đóng giả để lấy lòng chàng), chàng đã vái trời nguyện rằng: “Nếu trời bắt ta chết, hãy để cho ta chết đứng thế này” [12, tr. 131]. Và lời khấn nguyện của chàng đã trở thành hiện thực, “chàng hóa thành một hòn núi lớn sừng sững giữa trời” [12, tr.131].
Hình thức “chết đứng” này vừa là sự chứng giám của ông trời cho lòng trung kiên của Cả Lạn, vừa là một chứng tích lưu lại cho hậu thế về tinh thần quả cảm của chàng. Bằng sự hóa thân thành núi, các tác giả dân gian đã để chàng Cả Lạn trường tồn mãi với thời gian.
Truyện cái khiên thuộc dạng truyền thuyết về các địa danh, và hòn núi do Cả Lạn hóa nên chính là núi Nhân ở Tây Nam làng Bồng Lạng. [Qua việc tìm hiểu thực tế thông qua địa danh cụ thể mà truyền thuyết đã giới thiệu, chúng tôi đã xác định thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghi, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam hiện nay là một thôn nhỏ với diện tích đất tự nhiên 1,1 km2. Và phía Tây Nam của thôn có một dãy núi đá vôi trải dài 3 km, khá tương ứng cho vị trí mà truyền thuyết đề cập đến. Do vậy, mặc dù truyền thuyết không chỉ rõ đặc thù địa chất núi đá của núi Nhân, song chúng tôi xếp sự hóa thân của nhân vật Cả Lạn trong Truyện cái khiên vẫn thuộc motif người hóa đá - NTQH].
Tương tự câu chuyện trong Truyện cái khiên, các nhân vật chính trong Sự tích núi Sầm Sơn và Núi Bà đội om cũng hóa thành núi. Tuy nhiên điểm khác biệt là các nhân vật này không có những vật thần kỳ hỗ trợ.
Người con gái đứng đầu trong làng của Sự tích núi Sầm Sơn không quản ngại mưa gió dữ dội và đang mang thai, “quyết đội mưa, rẽ gió ra biển thăm dò tình hình” [15, tr. 224] và nhìn thấy “thần sóng như một dãy núi khổng lồ đang ập tới”. Nàng định quay về báo cho dân làng nhưng không kịp, nên đành “nằm sấp xuống duỗi dài người ngăn sóng che chở cho dân làng” [15, tr. 224]. Và điều thần kỳ đã xảy ra, “nước dâng lên đến đâu thì thân thể nàng cũng dài ra và cao lên đến đó” [15, tr. 224] và “chỗ người con gái nằm ngăn sóng thần đã biến thành dãy núi hùng vĩ” [15, tr. 224 - 225]. Người con gái đó đã hóa thân thành dãy núi để bảo vệ, che chở cho xóm làng thân yêu của mình. Truyền thuyết kể rằng về sau, bãi biển dưới chân núi phát triển rất sầm uất nên người dân đặt tên cho dãy núi là núi Sầm (tức là núi Sầm Sơn ngày nay).
Còn nhân vật người vợ trong Núi Bà đội om lại có hoàn cảnh rất khác. Người phụ nữ này có chồng ra chiến trận phải tránh giặc trong hang núi xa, một lòng một dạ nuôi con, nuôi mẹ, chờ chồng. Năm ấy hạn hán, mấy tháng trời không có một cơn mưa, khe suối đều cạn khô. Mọi việc trong làng đều phải trông nhờ vào mấy giếng nước nhỏ trên núi, do đó mỗi gia đình chỉ có được một, hai cà om nước mỗi ngày. Chị nhường phần lớn nước cho mẹ và cho con. Nhưng rồi rất nhiều ngày, cả ba người đều không có một giọt nước nào. Chị trở về làng để lấy nước nhưng lúc thì phải lủi vào lùm cây tránh giặc, khi thì bị giặc đuổi theo, phải vứt cả cà om. Thiếu nước dài ngày, ăn uống cũng không đủ, chị “nhẹ tênh như chiếc lá, lúc nào cũng chực quỵ xuống đường” nên cuối cùng, khi cơn mưa đến, chị không còn sức để vui mừng, “niềm đau đớn cùng cực lan khắp thân người lạnh cứng như băng” [15, tr. 261]. Và thế là chị cứ đứng mãi, tựa sát người vào vách đá và tay vẫn cố giữ cà om nước cho mẹ, cho con như thế cho đến tận bây giờ.
Hai người phụ nữ trong Sự tích núi Sầm Sơn và Núi Bà đội om đã hóa thành núi bởi những nguyên nhân khác nhau.
Người phụ nữ của Sự tích núi Sầm Sơn không màng đến cái thai đang lớn, dùng chính thân thể của mình để “trị thủy” nhằm bảo vệ xóm làng và những người thân yêu. Phương thức trị thủy này mang âm hưởng chiến thắng của Sơn Tinh trước Thủy Tinh (nước càng dâng cao thì núi lại càng cao hơn), thể hiện rõ tinh thần đoàn kết của nhân dân và ước mơ chiếm lĩnh tự nhiên.
Còn trong Núi Bà đội om, người phụ nữ chịu thương chịu khó, nhận phần thiệt thòi về mình để chăm lo đủ đầy cho con và mẹ. Cả một quá trình dài đằng đẵng với nhiều thử thách đã bào mòn tinh thần và sức khỏe của chị. Vì vậy, cơn mưa mát lành, mong chờ bấy lâu cũng không đủ sức cứu rỗi cuộc sống của chị, thậm chí còn là giọt nước tràn ly, bung tỏa những mệt mỏi, đớn đau vốn được chị nén chặt, giấu kín. Trong bất kỳ cuộc chiến nào, mất mát không chỉ ở những người trực tiếp ra trận mà còn có sự hy sinh thầm lặng của người ở hậu phương. Và người phụ nữ ở đây là một trong số đó. Cái chết đứng, hóa thành núi chính là hiện thân cho sự kiên cường của chị.
Dẫu với nguyên nhân hóa thân nào, điểm gặp gỡ của cả hai truyền thuyết là nhân vật hóa thân đều là phụ nữ và cùng hóa thân thành núi. Nếu chàng trai trong Truyện cái khiên còn có tên Cả Lạn thì hai người phụ nữ này không có tên riêng, họ dường như vừa đại diện cho người đàn bà Việt vừa in đậm tâm thức trọng tính nữ của dân tộc Việt. Và núi không phải được liên hệ với đặc tính “chân yếu tay mềm” của người phụ nữ mà gắn kết chặt chẽ với sự kiên cường và hy sinh của họ, dù trong bất kỳ mối quan hệ gia đình hay dân tộc. [Trường hợp núi trong hai truyền thuyết trên có nét giống với Truyện cái khiên, nghĩa là hai ngọn núi này trong đời thực đều thuộc dạng núi đá. Do đó, sự hóa thân trong Sự tích núi Sầm Sơn và Núi Bà đội om vẫn nằm trong motif người hóa đá - NTQH].
Cả ba truyền thuyết đều cho thấy chính con người đã hóa thân để tạc nên dáng hình của xứ sở. Mỗi ngọn núi đang “trơ gan cùng tuế nguyệt” đều ngầm chứa sức mạnh tinh thần của người dân Việt.
2. Đá hóa người
Motif đá hóa người tuy không có tần số xuất hiện dày đặc trong truyền thuyết dân gian Việt Nam nhưng motif này lại có sự gặp gỡ và đồng điệu với các truyền thuyết trên thế giới.
Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Jean Chevalier và Alain Gheerbrant đã hệ thống trường hợp người sinh ra từ đá trong các truyền thuyết và huyền tích trên thế giới như sau:
“Ở Hy Lạp, sau trận đại hồng thủy, loài người lại sinh ra từ những hòn đá mà Deucalion gieo ném. Trong các truyền thuyết của người Sesmites cũng nói con người sinh ra từ đá, thậm chí một số huyền thoại trong đạo Kitô cũng nói là Chúa Kitô sinh ra từ đá” [3, tr. 269].
“Ở Trung hoa, Đại Vũ sinh ra từ một tảng đá và thái tử Kỳ (K’i), con trai của ông, cũng sinh ra từ một tảng đá, nứt ra ở mặt phía bắc” [3, tr. 269].
Đá trong trường hợp này mang ý nghĩa sinh sản với vai trò của người mẹ. Hay đá còn được gọi bằng một tên khác là Đá mẹ. Chính bởi lớp nghĩa này, theo Phân tâm học của Jung, đá trong truyền thuyết và huyền thoại có thể được xem là một cổ mẫu.
Motif đá hóa người lại không giống với các trường hợp người hóa đá ở trên, bởi lẽ trong truyền thuyết dân gian Việt Nam, đá được tác giả dân gian sử dụng nhằm tạo nên những nét dị biệt cho nguồn gốc xuất thân của nhân vật. Điều ấy đã phủ lên nhân vật một lớp huyền thoại, góp phần đặc tả sự xuất chúng của nhân vật trong truyền thuyết.
Truyện Sự tích Tiên Lạp Thạch tướng quân kể về Thạch tướng quân được sinh ra từ một tảng đá, sau khi bị rắn quấn. Điều kỳ lạ hơn nữa là đá mẹ thụ thai trong ba năm, và rồi “tách ra làm ba, lộ rõ một bé trai nằm bên trong” [11, tr. 209 - 210]. Ngay khi đó, một ông lão được thần báo mộng nên đem đứa trẻ về nuôi.
Đứa trẻ này chính “Hùng Thạch tướng quân giáng thế” [11, tr. 210] nên có những điểm dị thường: 7 tuổi chưa biết nói, nhưng khi nghe vua tìm người tài chống giặc Lục Đình thì đứa trẻ cất tiếng gọi sứ giả vào, và yêu cầu làm cho một con voi đá để giúp vua đánh giặc. Đứa trẻ vươn vai ba lần thì trở thành người cao lớn và cưỡi voi đá, phóng về hướng Cao Bằng để giết giặc.
Đây chính là nhân vật được sinh ra từ motif sinh nở thần kỳ, không thuộc dạng hôn phối giữa người và thần linh, mà là hôn phối giữa đá và rắn. Cần phải lưu ý điểm này bởi lẽ khi gặp sứ giả, nhân vật lại yêu cầu có một con voi đá để ra trận. Nghĩa là, chúng ta không thể tìm thấy một sự liên hệ nào giữa tảng đá sinh ra nhân vật với tính cách, hình dáng của nhân vật, đặc biệt ở thời điểm nhân vật mới lên 7. Trong khi đó, voi đá có thể được xem là một con vật thân thiết, kề vai sát cánh với nhân vật khi lâm trận. Đồng thời, ở một khía cạnh khác, con voi vừa mang sức mạnh hộ thân vừa tiếp thêm năng lượng cho nhân vật. Cho nên, theo chúng tôi, mặc dù tính chất đá không hiển lộ trực diện ở nhân vật nhưng dường như đá đã trở thành huyết tộc giữa nhân vật tướng quân và con voi. Và có thể nói liên kết kỳ lạ, thú vị này trong truyền thuyết Sự tích Tiên Lạp Thạch tướng quân đã có khả năng tạo ra một lớp nghĩa mới cho đá ở dạng đá mẹ.
Nhân vật Thiên Bồng trong truyện Sự tích Thiên Bồng nhà Lý cũng sinh ra từ một tảng đá. Ông bà Lương Ngọc sống rất hạnh phúc. Nhưng sau khi bà Ngọc bị Hà bá bắt, ông Lương thương nhớ vợ, “ngày ngày ra ngồi lên hòn đá mé sông, nơi vợ mất tích, ngóng chờ” [13, tr. 70].
Kỳ tích là “hòn đá kia cứ lớn dần” [13, tr. 70], một năm sau bị sấm nổ trúng, vỡ toác ra, và “người con trai từ trong chỗ đá vỡ đi ra” [13, tr. 70].
Khi lớn lên, Thiên Bồng xin tòng chinh đoàn quân của Đoàn Thượng để dẹp loạn giặc cỏ và giặc Hồ Tôn Tinh (Chiêm Thành). Chàng lập nhiều chiến công, được vua phong làm Huyện doãn huyện Diên Hà và thăng chức Sơn Nam đạo Chúa tể quan.
Khác với nhân vật Thạch tướng quân, Thiên Bồng cũng được đá sinh ra nhưng lại bắt nguồn từ hôn phối của mộng tương tư. Nghĩa là sự kết hợp hoàn toàn nằm trong tâm và trí của ông Lương [giữa hình ảnh của bà Ngọc trong trí nhớ của người chồng với nỗi nhớ thương, trông ngóng của ông Lương dành cho vợ mình - NTQH] đã tạo ra một nhân duyên sinh nở ở đá.
Ngoài ra, điểm khác biệt nữa so với tảng đá trong truyền thuyết Sự tích Tiên Lạp Thạch tướng quân, đá ở truyện kể này chỉ mang thai trong một năm và không tự nhiên nứt ra, mà cần có một trường lực từ bên ngoài tác động để đứa trẻ chui ra. Hơn thế nữa, đá có sự phát triển về hình dạng “hòn đá kia cứ lớn dần” [13, tr. 70]. Tất cả các chi tiết trên khiến người đọc dễ dàng liên tưởng đến quá trình mang thai và sinh nở của người mẹ. Và đương nhiên, việc hình dung vai trò của đá trong truyền thuyết ở vị trí người mẹ là điều dễ hiểu.
Đối với trường hợp Sự tích Thiên Bồng nhà Lý, chúng tôi cũng không tìm thấy một đường dây gắn kết nào giữa đá và nhân vật. Tuy nhiên, dựa vào sự miêu tả hành trình chuyển biến của đá mà chúng tôi đề cập đến ở trên đã cho thấy đá in đậm bóng dáng của người mẹ và chỉ mang ý nghĩa khởi sinh cho nhân vật.
Theo truyền thuyết, nhân vật Thạch tướng quân và Thiên Bồng đều là thần linh giáng thế, nhằm giúp vua dẹp yên giặc trong ngoài và đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân. Do đó, khi nhiệm vụ đã hoàn thành, họ bay về trời hoặc tự hóa. Và mối quan hệ giữa đá với nhân vật ở truyền thuyết là mẫu tử, dù đá chỉ là “bà mẹ nuôi/ mang tính tạm thời” của thần linh trước khi bước vào chốn trần gian.
Vậy nên, theo thiển ý của chúng tôi, nguồn gốc từ đá là một hình thức các tác giả dân gian lựa chọn để tô đậm thêm sự xuất chúng của nhân vật.
Như vậy, qua motif người hóa đá/ đá hóa người, nghệ thuật hóa thân trong truyền thuyết dân gian có những nét đặc biệt riêng. Thứ nhất, mối liên hệ giữa vật hóa thân và vật được hóa thân không hoàn toàn rõ nét, dễ nhận biết bằng hình dáng và tính chất. Thứ hai, việc hóa thân không tác động mạnh mẽ đến cốt truyện hoặc phần kết của truyện kể. Và thứ ba, với những motif liên quan đến đá, trong tương quan giữa vật hóa thân và vật được hóa thân, đá luôn có lực tác động ngược trở lại đối với nhân vật, tạo ra một liên kết ngầm về bản chất giữa đá và nhân vật. Có thể nói nghệ thuật hóa thân xuất hiện trong hầu hết các thể loại tự sự của văn học dân gian, tuy nhiên độ đậm nhạt và khả năng ảnh hưởng đến kết cấu truyện kể ở mỗi thể loại lại có những khác biệt riêng.
3. Biến hóa “kép”: Người hóa đá và đá đó lại hóa thành người
Dạng thức xuất hiện đồng thời cả motif người hóa đá và đá hóa người này chỉ xuất hiện duy nhất trong truyền thuyết Lương Thế Vinh, phác họa trọn một vòng tròn luân hồi của đời người.
Nếu như Sự tích Tiên Lạp Thạch tướng quân và Sự tích Thiên Bồng nhà Lý ghi dấu ấn của đá như là một nơi tạm trú của các vị thần linh để thoát thai vào cõi hồng trần thì đá trong truyền thuyết Lương Thế Vinh cũng là nơi trú ngụ tạm thời, nhưng lại là của một con người [chính xác là phần tinh anh của một con người - NTQH].
Trong tác phẩm, Lương Thế Vinh sinh ra ở huyện Nam Xang. Cha ông vốn tính hiền lành nhưng khi biết sau này con trai sẽ làm quan to nên sinh “kiêu ngạo, thường hay tranh cạnh người ta” [14, tr. 110]. Vì lẽ đó, ông bảo với mẹ rằng “mẹ có đức hiền hậu mà cha thì kém đức. Con không ở đây nữa, xin từ đi chỗ khác đây” [14, tr. 110]. Ngoài ra, ông còn dặn thêm “cứ đến ngày ấy tháng ấy đến làng Cao Hương, huyện Thiên Bản thì biết, và dặn giữ lại các sách của mình học” [14, tr. 110]. Có một người khách Tàu xem thiên văn, thấy văn tinh giáng xuống nước Nam nên sang để trấn áp. Ông khách tìm đến Thế Vinh và đang nghĩ kế để trừ ông thì ông mất. Xem thiên văn, ông khách biết thần ấy chạy sang làng Cao Hương nên đuổi theo. Trước tình thế bị truy đuổi, thần Thế Vinh bèn “nhập vào trong hòn đá to” [14, tr. 111]. Ông khách xin mua hòn đá song bị từ chối vì việc mua bán này quá lạ thường. Đến khi thuận mua vừa bán, ông khách chưa kịp vui mừng, thần đã lại “đầu thai ngay vào người đàn bà” [14, tr. 111] đi đồng về, mới giẫm chân vào hòn đá. Ông khách “trông hòn đá, biết thần đã xuất mất rồi… không thể nào trấn áp được” [14, tr. 111] nên trở về Tàu. Lúc Thế Vinh sinh ra, ông chỉ khóc, cả ngày lẫn đêm, cho đến khi mẹ trước của ông tìm đến và bế, ông mới nín. Sau này, Thế Vinh làm chức Hàn lâm thị thư chưởng viện, soạn bộ Đại thành toán pháp. Khi mất, ông được phong làm Thượng đẳng phúc thần.
Theo quan niệm của người Việt xưa, con người tuy chết đi nhưng phần tinh anh/ linh hồn của họ vẫn tồn tại. Nghĩa là cái chết chỉ là thể xác, còn linh hồn thuộc một phạm trù khác, trong một thế giới riêng mà con người khó có thể nắm bắt. Chính bởi quan niệm này, người Việt ngày nay vẫn có lễ cúng cô hồn cho những vong linh sống vất vưởng không nơi để trở về, không đích để đến. Hay ông bà ta vẫn cho rằng những món ăn, sau khi cúng dường, hết tuần nhang, sẽ không còn đủ hương, đủ vị như thời điểm vừa nấu xong và trước khi cúng. Họ lý giải cho sự vơi hương và vị này là bởi những vị được thờ tự đã hưởng/ dùng món ăn trước. Vậy nên, trong cuộc sống hàng ngày của người Việt, phần tinh anh/ linh hồn giữ một vai trò quan trọng và ở một vị trí được “kính nhi viễn chi”.
Ngoài ra, theo chúng tôi, trong chi tiết tái sinh của nhân vật Lương Thế Vinh, thuyết luân hồi của Phật giáo cũng để lại dấu ấn khá rõ nét. Phật giáo quan niệm con người khi sinh ra đồng thời đã rơi vào vòng sinh tử và ngay cả khi chết đi, nghiệp lành/ dữ còn dẫn con người vào lục đạo luân hồi [sáu đường sinh tử luân hồi: ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), ba đường lành (người, a-tu-la, trời) - NTQH]. Việc đi con đường nào là do chính con người quyết định bằng quá trình tu thân và làm điều tốt. Nói một cách đơn giản và gần gũi, đó chính là quan niệm ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ, gieo gió gặt bão,… khá quen thuộc trong đời sống và văn học dân gian Việt Nam.
Tuy thế, với Lương Thế Vinh, việc luân hồi tái sinh là do ông quyết định và hoàn toàn chủ động, từ việc dự báo trước sự ra đi, địa điểm đến của “kiếp sau”, đến hành động tạm trú vào hòn đá và đầu thai vào người đàn bà đi đồng về. Tất cả là minh chứng cho hành trạng phi thường của nhân vật. Phải chăng trong cả nghệ thuật xây dựng nhân vật Lương Thế Vinh, tác giả dân gian cũng vay mượn tinh thần ngộ đạo trong kinh điển Đạo Phật để khắc họa Lương Thế Vinh có khả năng tường tận các kiếp nạn của đời mình nhằm dự báo và chọn kiếp luân hồi?
Và việc lựa chọn tảng đá để làm vật chuyển giao giữa hai kiếp, đồng thời chạy trốn sự truy đuổi của ông khách Tàu, chúng tôi thiết nghĩ, là một ẩn dụ của các tác giả dân gian. Và dưới đây là ba lý giải của chúng tôi cho sự lựa chọn đá này:
Thứ nhất, đá có tính chất bền vững nên nguy cơ bị xâm phạm từ phía ông khách Tàu sẽ được hạn chế và đương nhiên, tiềm năng thoát thân của Lương Thế Vinh sẽ cao hơn.
Thứ hai, đá thông thường được xem là vô tri vô giác, vì vậy, ngoài ông khách Tàu nắm được thiên cơ, hầu hết mọi người sẽ không ngờ hoặc và “hồn nhiên” trong những va chạm với đá [đặc biệt trước câu chuyện mua bán với cái giá ngất ngưởng quá lạ thường mà ông khách gây ra - NTQH]. Điều này tạo điều kiện “bước đệm” cho hành động đầu thai của Lương Thế Vinh được diễn ra thuận lợi hơn. Lưu ý ở cách lý giải này là khuynh hướng xem đá là sự vật vô tri chỉ càng làm tăng thêm giá trị của đá, vì cuối cùng đá đó vẫn là đá linh, có khả năng tạo ra điều thần kỳ - chi tiết đầu thai của Lương Thế Vinh [người đàn bà giẫm chân vào đá, sau đó về mang thai và sinh ra Lương Thế Vinh - NTQH].
Thứ ba, có lẽ có nét đồng điệu với văn hóa phương Tây trong sự lựa chọn này của cha ông ta. Bởi “theo truyền thống Kinh Thánh, vì đá có tính cách không biến đổi nên được coi như là tượng trưng cho tính khôn ngoan, anh minh” [3, tr. 273]. Hay nói cách khác, vỏ bọc trú ngụ mà tác giả dân gian dành cho Lương Thế Vinh cũng đồng thời ẩn dụ, ngầm ý về bản chất con người ông. Tức là giữa đá và nhân vật trong truyền thuyết có sự tương đồng về ý niệm.
Trong truyện kể, mặc dù đá chỉ xuất hiện ở chi tiết nhỏ nhưng nó đã góp phần thể hiện sự sinh nở thần kỳ của Lương Thế Vinh ở lần đầu thai, khẳng định hành trạng phi thường của nhân vật. Hơn thế nữa, đá được lựa chọn làm nơi trú ngụ cho phần tinh anh của nhân vật đã minh chứng cho niềm tin vào đá của nhân dân và quan niệm về “vạn vật hữu linh”.
*
Truyền thuyết là thể loại dung hợp cả yếu tố lịch sử và yếu tố hư cấu, cho nên motif người hóa đá/ đá hóa người chính là sự hư cấu của nhân dân dành ch