Nén tâm nhang tiễn biệt một người mẹ anh hùng - Nguyễn Văn Quảng

      Thân mẫu của hai anh em nhà thơ  rất nổi tiếng Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa  ( mà tôi xem như một Bà Mẹ Anh Hùng) vừa rời xa Cõi tạm. Ngày 6.2.2020. Ở tuổi 102. Chúng tôi chợt nhớ ngay mấy lời mà chúng tôi thường lặng lẽ tự thưởng, của bậc trưởng lão thơ Huy Cận (1919 – 2005), - người phát ngôn chí lý của vũ trụ hài hòa , trên tạp chí Côn Sơn số 16 tháng tám năm 1999:

                             

                                                       

                       Đọc Nhuận Minh giữa biển trời     

                    Cảm thương thân phận những người trong thơ

                           Cho hay tự cổ tới giờ

                           Thơ là nhân bản, là tơ nhựa đời

                           Làm thơ đâu phải trò chơi

                           Chơi văn, chơi chữ, lừa người, dối ta…

 

                           Mừng Nhuận Minh, mừng Đăng Khoa

                           Hai chàng thi sĩ một nhà, hiếm thay !

 

    Mấy lời đó ứng nghiệm kỳ lạ với thực tế nhân quả giữa tấm lòng người mẹ và tiếng thơ của hai đứa con thi sĩ. Hẳn không vô cớ, cụ thân mẫu của hai nhà thơ họ Trần được đặt tên là Sen, Trần Thị Sen, loài hoa có thể coi là quốc hoa của người Việt, biểu tượng của tâm hồn dân tộc, từ ngàn xưa: Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, cho tới bây giờ: Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ…Chùa Một Cột ở thủ đô Hà Nội là hình ảnh đài sen đỡ nâng Đất nước. Vâng, hồn dân tộc là nền móng, là trụ đỡ, là đôi cánh cho Đất nước bay lên !

   Càng không vô cớ, dù không biết chữ, cụ thuộc lòng cả Truyện Kiều, kết tinh lộng lẫy nhất của đạo đức và đạo lý Việt Nam. Luân lí cốt lõi ấy được cụ cảm nhận và thực hiện vô cùng khoa học, và hiện đại, đến không ngờ. Bất ngờ hơn nữa, sự chuẩn xác biện chứng ấy là hồn cốt của Truyện Kiều, hồn cốt mà bao thế hệ những người chân lắm tay bùn, như cụ Trần Thị Sen, tiếp thu được và đưa vào cuộc sống một cách thiết thực. Chính giữa Truyện Kiều (3238 câu thơ), sau bao khốn đốn vì bán mình chuộc cha, sau bao thổn thức và dằn vặt, Thúy Kiều như ngộ ra, ngay trước khi bị Hoạn Thư bắt, rằng điều quan trọng nhất của Cõi đời là cái tâm (hai câu 1637 và 1638): Đêm thu gió lọt song đào/ Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời. “Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời” chính là chữ TÂM, tiếng Hán. Không hời hợt chút nào, đúc kết của Nguyễn Du, khi ông khép lại Truyện Kiều: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. “Tài” được hiểu là : 1. thời xưa, sự cao cường về cung kiếm, thao lược, cai quản…; 2. thời nay, tân tiến về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, tổ chức và vận hành xã hội…”Tâm”, thời xưa, yêu quý đồng loại; thời nay, yêu quý mọi thực thể cùng tồn tại trong vũ trụ. Vũ trụ là hài hòa. Hài hòa có được là do cái tâm. Tâm èo uột – do xem nhẹ hay lợi dụng nó…- , thì hài hòa chống chếnh. Tức vũ trụ rạn nứt, và tự hủy diệt …Đây là luật của mọi luật đời. Cụ Trần Thị Sen thấu tỏ luật ấy lắm, hẳn trước hết từ Truyện Kiều: Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ…Cụ dặn Trần em đêm ra hái trầu, nhớ đánh thức trầu dậy, hỏi xin đường hoàng rồi mới hái. Cụ luôn nhắc nhở con cháu không được bẻ ngọn cây non, bắn chim đang bay, đập gãy chân chó chân gà. Làm thế sau dễ ác với đồng loại. Ngày Tết, cụ sai con cháu quét vôi trắng các gốc cây, coi như sắm áo mới cho chúng. Gia súc gia cầm, theo chỉ dạy của cụ, cũng được ăn đầy đủ các món của cỗ tân niên…Ngày bà ngoại hai thi sĩ qua đời, cụ bảo Trần em đem hàng chục mảnh vải trắng nhỏ, đeo cho tất cả cây cối trong vườn ngoài ngõ. Ấy là chúng được để tang bà…Suốt đời lam lũ, cụ cùng chồng, cụ Trần Lẫm, thọ 93 tuổi, một Thợ cày anh hùng(*) vượt qua đói nghèo gian khổ, nuôi dạy các con khôn lớn, là nhờ sự thấu hiểu và trân trọng mọi thứ xung quanh, chuyện đáng kinh ngạc, ở thời đại đạn bom tàn khốc rồi đồng tiền khuynh đảo tất cả. Ra Tết Canh Tý, cụ biết mình sắp đi xa, dặn con cháu đừng báo tin cho ai, vì dịch tả (!) đang rình rập…Nhưng nhiều bè bạn người thân, trong đó có người nước ngoài, đã về Điền Trì đưa tiễn Người Mẹ Chân Đất Việt Nam vĩ đại về Cõi cực lạc…

    Như vậy, khoa học, công nghệ, kiến thức, tiền tài…chỉ là phương tiện. Động lực của xã hội là nhân tính và tình người, hòa hợp thành hồn dân tộc. Duy trì và phát triển động lực này đắc lực và hiệu quả nhất là văn nghệ. Văn chương, nhất là thơ ca, là chủ lực. Nói như Huy Cận, thơ là những dòng nhựa bất tận cho Cây đời mãi mãi tươi xanh. Do bản tính người tiêu biểu, vợ chồng cụ Trần Thị Sen đã tất yếu tham gia một cách mỹ mãn vào sứ mệnh tạo ra dòng nhựa ấy. Trần Nhuận Minh, sinh năm 1944, từ nhỏ đã học thuộc toàn bộ Truyện Kiều. Nỗ lực học tập, ông thành thầy giáo, xung phong ra vùng mỏ Quảng Ninh giảng dạy. Rồi lao động thực sự như một ngư dân, một thợ mỏ. Vẫn tự học miệt mài, chủ yếu qua tác phẩm văn học đông tây kim cổ. Lần hồi trở thành nhà thơ đích thực hàng đầu. Nhạy bén, sâu sắc và mạnh mẽ hơn người, ông “khai quật” thơ thật trúng  ở mọi nơi mọi lúc. Ở ngóc ngách nào của xã hội, của lòng người…, mà ông hăm hở đi vào, ông cũng hái được những bông hoa thơ ngát hương mới lạ. Mỗi bài thơ của ông là một tỏa sáng bất ngờ. Thơ thế sự của ông, đỉnh cao là tập Nhà thơ và hoa cỏ, tái bản hơn hai mươi lần, gióng lên dồn dập những hồi chuông báo động về sự vi phạm và hủy hoại nhân cách và đạo lý, nền tảng của lành mạnh xã hội và yên ấm công dân. Hơn thế nữa, và đây là một kỳ tài, tập thơ đa giọng điệu hiếm thấy khẳng định hùng hồn và xúc động cuộc chiến đấu âm thầm và bền bỉ nhằm bảo vệ hồn cốt dân tộc, mà trung tâm là nhân phẩm. Cuộc chiến đấu do những người lao động bình thường tiến hành. Trần anh tri ân và sùng kính họ thật chuẩn, khi ví họ với cỏ, cỏ ở Cà Mau, cỏ ở khắp nơi. Biểu tượng của nhân dân vô địch và bất tử ! Ông cúi đầu vái lạy Cỏ, chuyện chưa từng có bao giờ ! Trần anh còn đạt nhiều thành tựu rực rỡ ở mảng thơ chính luận, không dễ làm và đang có phần mai một. Băn khoăn về những hoang tưởng, thảng thốt về những buông xuôi, trây ì và lạm dụng,…ông nhấn mạnh đến trách nhiệm của cá nhân và tập thể: một em bé bị đói, ấy là lỗi của mọi người; hãy lên cao bằng bậc - thang – mồ - hôi (của mình), chứ không phải bằng bậc - thang – máu (của đồng loại)…Đặc biệt, xin chia tay vô cảm:

 

                                     Mái nhà tôi chụm giữa dốc Bồ Hòn

                                     Bao đắng ngọt một đời, tôi đã trải

                                     Đi trắng tóc chưa qua miền thơ dại

                                     Yên làm sao ?...

                                                         Thăm thẳm gió thu ơi !....

 

                                                (Trần Nhuận Minh, trường ca Đá cháy, 1985)

 

        “Bác làm bông lau ngàn/Thả hồn vào hoang vắng” (Gửi bác Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa). Nhận định như thế về thơ Trần Nhuận Minh là “chuẩn không cần chỉnh”. Tiếng thơ “đau đời” và “yêu người” của Trần anh vang lên thắm thiết giữa khi thực dụng lên ngôi, văn hóa bị xao lãng, vô cảm lan tràn,…Sự đón nhận nó của công chúng cho thấy nhu cầu của Nhân Dân tôn vinh điều hay lẽ phải vẫn da diết vô cùng, vai trò của thi ca trong xã hội vẫn to lớn biết bao. Hiện tượng thơ Trần Nhuận Minh góp phần lý giai hiện tượng thơ Trần Đăng Khoa – một binh nhì xuất chúng, không chỉ của một thời: xưa nay, chưa ở đâu trên thế giới này, một thần đồng thơ xuất hiện lừng lững giữa bom rơi đạn nổ mù mịt, như biểu tượng của một dân tộc yêu đời, yêu hòa bình và bao dung tuyệt đỉnh, một dân tộc vô địch vì tự tin, đằm thắm, tôn quý mọi cộng đồng dân tộc. Đáng mừng hơn, biểu tượng - báu vật ấy càng ngày càng chói lọi huy hoàng, như một tượng đài của thi ca, văn hóa, lịch sử và nhân loại. Đặc sản của thi ca dân tộc ấy là bài ca sự sống an bình bất hủ của Đất nước Việt Nam mà đồng quê là thiên đường duy nhất của toàn vũ trụ:

 

                                                   Bỏ làng ra thành phố

                                                   Hai anh em thợ cày

                                                   Thân cũng như Hoa Cỏ

                                                    Hồn gửi vào gió mây

                                                                      

                                                   ………………..                                                             

 

                                                   ………………..

                                                   Lại áo tơi nón lá

                                                   Ta về với luống cày

                                                               

 

                                                  Đất trời thì chật hẹp

                                                  Làng quê thì mênh mông

                                                  Thung thăng em với bác

                                                  Ta cưỡi thơ ra đồng… (**)

                                                                             Hà Nội,  4/3/2020  

-------------------------      

(*) “Bố em đi cày về / Đội sấm/  Đội chớp/ Đội cả trời mưa”

(  Mưa, thơ Trần Đăng Khoa, 1969)            

(**) Gửi bác Trần Nhuận Minh ( thơ Trần Đăng Khoa, 1986)