Nguyễn Đình Minh với “ Mắt cỏ”
Nhà LLPB Nguyễn Trác - Nguyên TBT tạp chí “Nhà văn và tác phẩm”
Trong số các nhà thơ Hải Phòng mà tôi có hân hạnh quen biết thì Nguyễn Đình Minh là nhà thơ tôi mới được làm quen sau những tên tuổi như Thanh Tùng, Thi Hoàng, Trịnh Hoài Giang, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Tùng Linh, Dư Thị Hoàn, Kim Chuông, Mai Văn Phấn, Tô Ngọc Thạch hay Đồng Đức Bốn .v.v . Chúng tôi cũng ít có dịp gặp nhau - nói như ngôn ngữ nhà Phật-chưa có duyên. Chưa có duyên thơ nhưng chúng tôi lại có duyên cùng là nhà giáo nên lần này được đọc liền một lúc mấy tập thơ của anh tôi rất vui và thấy dễ đồng cảm.
Trong cảm thụ văn chương tôi nghĩ cái duyên là vô cùng quan trọng.
Nguyễn Đình Minh đã có 6 đầu sách xuất bản, mà tập nào cũng trên trăm trang chững chạc. Đó là “Người hát quan họ đêm Tây hồ” - ( 2004), “Câu hát ngày xa” ( 2005), “Ủ ấm trái tim” (2011), “Mắt cỏ” ( 2013), “Thức với những tập mờ” ( 2014) và “Lặng lẽ đời cây” (2016).
Thơ Nguyễn Đình Minh giản dị mà không dễ dãi. Giọng thơ khi tha thiết sôi nổi khi lại trầm buồn suy tưởng. Thơ giầu cảm xúc hình ảnh nhưng không thiếu trí tuệ, hiện đại tìm tòi mà vẫn không xa truyền thống. Nói đến một chủ đề hay một đề tài nào là chính, là bao trùm thơ Nguyễn Đình Minh cũng thật khó. Bởi anh không bó mình vào một chủ đề hay đề tài cố định nào mà trải rộng trên tất cả các mặt của đời sống. Từ hiện thực đến tâm linh, có hôm nay hôm qua và có cả tình yêu lẫn thế sự…Nhưng sau hết, nổi lên vẫn là những băn khoăn trăn trở trước cuộc đời.
Đọc Nguyễn Đình Minh biết anh đọc nhiều và tính hay cả nghĩ. Đó là cái bệnh của những người luôn nặng lòng với cuộc sống
“Mắt cỏ “ NXB Văn Hoc in năm 2013 có 56 bài với lời giới thiêu của nhà thơ Kim Chuông là tác phẩm được Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Sách đẹp với 120 trang in dày dăn . Bìa bốn có ba câu Nguyễn Đình Minh trích ra từ bài thơ được chọn làm tên toàn tập :
Trong vườn địa đàng xưa tràn đầy tình yêu và ánh sáng
con người vẽ thành đêm
và ươm cỏ giữa lòng mình
Nội dung ba câu thơ không khó hiểu nhưng nó liên quan gì đến “Mắt cỏ” và nội dung tập thơ thì lúc đầu đã khiến tôi bối rối. Tôi luôn thích sự giản dị và cho rằng đạt tới sự giản dị là khó hơn nhiều so với những tìm kiếm khác.
“Câu chuyện hoa sen” là một trong những bài tôi thích, nhất là khổ đầu :
Mẹ ơi hương thơm của hoa sen và lòng mẹ
các nhà thơ đã kịp viết rồi
vua đưa hoa về giếng ngọc
thành truyền thuyết một thời
nhưng con không hiểu
trong giếng ngọc hoa sen liệu có còn thơm ?
Có gì hơi Tagor nhưng là một giọng kể thuần Việt và cảm động. Còn đây là khổ đầu trong “Mắt cỏ “ :
Kinh Phật dạy hãy nhổ cỏ hoang đi để trồng hoa
nhưng cỏ cứ xanh trên núi cao như thách thức
cỏ rợn ngợp sinh sôi trong lòng biển biếc
cỏ che mặt đất ,thi sắc với trời
Và hai câu cuối khổ thứ hai :
và từ lúc Phật giác ngộ bên gốc bồ đề
cõi thế vẫn ít hoa…mà mênh mông cỏ
Cõi thế từ ngàn xưa vẫn ít hoa mà mênh mông cỏ ! Thực ra chủ đề này không mới nhưng là một chủ đề lớn , khó và luôn được nhiều nhà thơ quan tâm. Nguyễn Trãi cũng có câu thơ gần gũi “hoa thường hay héo cỏ thường tươi” .
Nếu thơ Nguyễn Đình Minh trong “Câu hát ngày xa” - như nhà thơ Kim Chuông nhận xét - là “ thơ của con mắt tươi xanh trong ngắm nghía trong” đối cảnh sinh tình khi bắt đầu sự nghiệp thì đến “Mắt cỏ” - theo tôi - câu thơ anh đã được mở rộng hơn về tầm vóc , già dặn hơn về tay nghề và sâu sắc hơn về cảm xúc. Câu thơ nhiều nghĩ ngợi hơn “ trên chặng đường mới ” nhưng vẫn giữ được những thi vị ngọt ngào của thời trẻ.
Hoa và Cỏ, như hai phạm trù triết học mà Nguyễn Đình Minh luôn canh cánh trong lòng. Chúng cũng đã từng xuất hiện ở những tập trước - tuy có khi dưới những góc độ và mang những ý nghĩa khác nhau. Hoa đại diện cho cái Đẹp cái Thiện. Ngay cả khi Hoa ấy không phải là một loài hay một bông cụ thể nào mà chỉ là sự tổng hòa của nhiều mùi hương hoa lá, của đất của nước của khí trời thành “mùi hương đồng làng ngai ngái” nó cũng đã mang ý nghĩa nhân sinh lớn lao vì “một chút hương bùn quê đã làm ta tồn tại” (Hương bùn) :
Nơi mồ hôi mẹ rơi xuống đất bạc màu
Nơi mảnh trăng cong em vín đợi bên cầu
Ở “ Mắt cỏ”, ngay từ bài mở đầu ta đã gặp hoa :
Hải Phòng
hương gió bể ùa đầy trong vành nón chao nghiêng
bài thở nở cùng em và hoa phượng
(Hải Phòng )
Và Nguyễn Đình Minh gọi nơi cuộc đời và hồn thơ anh gắn bó với loài hoa biểu trưng ấy là “Miền hoa phượng ” :
Dữ dội một miền cửa sóng
ngàn năm đi qua bão táp lỡ bồi
bầm dập đạn bom mấy mùa máu đổ
sáng một dải ven trời hoa đỏ
tiếng ve day dứt đầy vơi
Bên hoa phượng là sen, loài hoa mà tần số xuất hiện nhiều nhất và luôn gắn liền với quê hương, với Mẹ với tuổi thơ anh:
Bông sen nở giữa lòng phố cổ
mùi cơm thơm, bếp chiều đỏ lửa
mẹ ngóng ta về từ phía chân mây
là “hương sen khuya…ngơ ngẩn cả khoang thuyền” nơi rì rầm bến cũ , và cả bông sen Đại Việt (phiên bản Chùa Một Cột) trong Công viên Cửa sổ Thế giới ở Thâm Quyến Trung Quốc …
Còn nhiều loài hoa khác lại gắn liền với tình yêu :
Đã có một Lai Châu trong tôi như hơi thở
trời vắt chiều thành ngọc trăng vương hương rừng
lấp lánh khăn Piêu. Em. Mái sàn. Bếp lửa
hoa ban dâng mây trắng rưng rưng
Nhưng độc đáo hơn còn:
Hoa năm ngoái rụng vào chiều bối rối
vó ngựa mộng du khấp khểnh
ở bên trời
Chả biết “hoa năm ngoái “ là hoa gì mà làm khấp khểnh cả vó ngựa nhà thơ? Những câu Nguyễn Đình Minh viết về tình yêu về hoa về quê hương bao giờ cũng là những câu thơ gợi cảm và lãng mạn nhất, những câu thơ hay với nhiều say đắm .
Nhưng như trên tôi đã nói hoa và cỏ như hai phạm trù triết học mà Nguyễn Đình Minh luôn canh cánh trong lòng khiến Nguyễn Đình Minh phát hiện :
Nơi hoa thơm vẫn có nhiều quả đắng
mưa táp ruộng lầy
nắng đốt đồng sâu
( Viết ở đồng)
Bởi những bông hoa hồn nhiên ấy đang bị bứt khỏi đời sống ngàn đời yên tĩnh của nó để ném vào một đời sống thị thành hiện đại
Phố có cần tre đâu ? Khi phố là sắt thép
những bông sen giữa vô hồn bê tông và gạch
làn hương ly quê vất vưởng nhạt lề đường “
(Chim ngói và những người đàn ông )
Hoa trong thơ Nguyễn Đình Minh đại diện cho cái đep cái thiện cái trong sáng đại diện cho một quê hương truyền thống còn cỏ đại diện cho cái xấu cái ác cái vô cảm thực dụng của đời sống thị trường. Chả thế mà anh viết trong “Bến cô đơn ” :
cỏ thản nhiên lấn vào thềm rêu mốc
hút máu chiều
nhện vàng hờ hững buông tơ
và : Có con đường đời chỉ một lần đi
ngoảnh mặt lại đã phủ dầy xanh cỏ
Nhưng cỏ - trong một ý nghĩa tượng trưng của thơ - còn là những bông hoa giả “cắm rễ trong tráí tim vô cảm “là những “con người thích đeo mặt nạ /Không chỉ trong vũ hội hóa trang “ và cả những câu thơ đánh phấn “được dìu đi trong tay phường đào kép “ (Nghĩ ở đêm thơ)…
Sau ngày thống nhất, với công cuộc đổi mới toàn diên đất nước ta ngày một giàu mạnh đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao nhưng những ảnh hưởng tiêu cực và khốc liệt của kinh tế thị trường của quá trình đô thị hóa cũng ngày càng phức tạp hơn khiến nhà thơ không chỉ “buồn cho những xanh tươi/ đang cô đơn reo hát giữa đời “ mà còn xa xót nhận ra :
Mặt nhân gian nát nhầu
bởi trong mỗi mái nhà cũng chao nghiêng chiến trận
(Mắt cỏ)
Có nghĩa cuộc chiến chống cái xấu cái ác cái giả cái vô cảm đã vào đến tận mỗi gia đình. Bởi: “Từ lúc Phật giác ngộ bên gốc bồ đề cõi thế vẫn ít hoa mà mênh mông cỏ”.
Một năm sau “Mắt cỏ” Nguyễn Đình Minh in tiếp “Thức với những tập mờ” ( 2014). Tập thơ mang tựa đề gắn với một thuật ngữ toán học.Trong phần tự bạch và trả lời bạn đọc trong ngày ra mắt sách, sau phần giải thích thuật ngữ toán Nguyễn Đinh Minh nói: “Khi viết tập thơ này, tôi những mong các bài thơ nhỏ bé của mình làm sáng lên được một vài những khuất khúc, sự tàng hình của đời sống nhân gian với những đạo lý, tổ quốc, tình yêu…”
Vâng. Vẫn là những khúc khủy quanh co trái khoáy của đời sống nhân gian mà Nguyễn Đình Minh từng trăn trở và muốn làm sáng tỏ ; là trong A có thể có cái không A mâu thuẫn với nó như lý thuyết tập mờ lập luận; là “Hồn Trương Ba da hàng thịt” như truyện cổ dân gian kể; là “ cỏ cứ xanh trên núi cao” như thách thức lời Phật dạy…
Cuộc sống vốn không đơn giản và để cái Đẹp cái Thiện thắng được cái Xấu cái Ác để hai chữ “yêu người “ như hoa nở là một cuộc đấu tranh còn lâu dài gian khổ.
Mong mỏi ấy của Nguyễn Đình Minh thật đáng trân trọng và đấy lại l