Có thể bạn quan tâm
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn nơi ngõ nhỏ, đời thường - Dương Thị Nhụn
Trong dòng hồi ức tiếc thương nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa ra đi về cõi vĩnh hằng, chúng tôi trân trọng giới thiệu ông với góc nhìn về nhà văn trong đời sống thường nhật bình dị và mối quan tâm của anh chị em văn nghệ sỹ Hải phòng với ông, người đàn anh của mình qua lời kể và nghĩ suy của Nhà văn Dương Thị Nhụn. Bài đã dăng trên vanhaiphong.com và Báo Văn nghệ số cuối tháng 12/2014
Tôi biết nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua chị Dung là hàng xóm cũ của tôi những năm 90 của thế kỉ trước. Chị Dung là cháu ruột lại gần nhà ông ở phố Điện Biên Phủ nên rất thân thiết với ông. Tôi chỉ nghe chuyện và đọc truyện của nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua chị Dung. Mãi sau này khi chuyển về làm biên tập văn xuôi tại Tạp chí Cửa Biển tôi mới được gặp ông thường xuyên. Con người ông bao năm vẫn ân cần, nhiệt tình cho đến khi ông không thể đến Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng được nữa vì căn bệnh ung thư phổi quái ác.
Căn nhà nhỏ ở gác 2 trong ngõ 10 phố Điện Biên Phủ luôn mở rộng cửa đón khách, bất kể khách là ai, làm gì và ở đâu, bởi nhà dù hẹp nhưng hai ông bà già lúc nào cũng muốn có tiếng người. Nhiều khi con ngõ nhỏ có hàng bánh đa quá chật chội vì đoàn khách từ xa đến là các cháu sinh viên. Họ ríu rít đứng ngồi rồi bày biện ăn uống ngay tại nhà ông. Đọc tác phẩm của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, họ muốn được ông kí tặng làm kỉ niệm. Ông có nhiều người bạn tri âm tri kỉ song không ít những người mới quen, và bất kể là ai cũng nhận được ở ông sự thân ái. Cuộc đời hơn tám mươi năm theo ông là có lãi, bởi qua bao nhọc nhằn, ông vẫn đứng vững và ngày càng khẳng định tên tuổi của mình trên văn đàn. Bạn văn và độc giả hâm mộ có khi lặn lội vài trăm cây số tới thăm ông, được gặp con người ông bằng da bằng thịt mới thỏa, và rồi họ lại vội vã ra đi. Những lần được khách tới thăm, ông luôn hể hả vui cười, có gói chè chai rượu ngon đều đem đãi khách. Ông đã cười tít mắt kể chuyện có lần được một người hâm mộ biếu nước mắm, trong đó có phần của dịch giả Dương Tường, ông đã nói với dịch giả là không đem nước mắm đi được, để lại. Thế là ông được hai phần. Không ai có thể quên nụ cười đôn hậu trên khuôn mặt khắc khổ của ông. Lối kể chuyện rủ rỉ hàng tiếng đồng hồ không làm khách mệt, khách chán, vì nỗi vất vả cơ cực, cả những nỗi đau tinh thần như được ông nén chặt lại, lấy ra dần dần, từ từ từng tí một.
Mấy anh em văn nghệ Hải Phòng hay rủ nhau đến nhà ông chơi. Ông gọi điện nhờ lấy hộ Tạp chí Cửa Biển. Đó chỉ là cái cớ để anh em bác cháu ngồi hàng giờ đồng hồ chuyện trên trời dưới biển, và rồi cuối cùng vẫn là chuyện văn chương. Mỗi khi có truyện được in, được dịch ông bảo muốn khoe với các em. Hôm mua được căn phòng bên cạnh, ông cười nói, đi lại và khoe đám cây cảnh xung quanh. Sim là giống dại, thế mà được thuần chủng khi về nhà ông, nở hoa to và đẹp hơn sim dại. Thiết mộc lan, mai chiếu thủy, vạn niên thanh, ngâu…đua nhau mọc. Ông không tỉa tót cầu kì mà để chúng phát triển tự nhiên. Để chúng được tự do, ông bảo thế.
Nhà rộng hơn, ông có thể ngắm được mặt trời, được đón ánh sáng chan hòa từ phía. Cuộc sống của ông bà không dư dả gì, thu nhập lương hưu hàng tháng hơn 3 triệu bạc phải co kéo rất khéo, nếu ốm đau hay có gì đột biến là phải nhờ đến con. Thỉnh thoảng ông bà lại có cuộc “Nam tiến” để thăm con cháu, cũng là để chữa bệnh. Ông bị khớp nặng, nhiều khi không đi lại được. Qua chị gái tôi biết ở Vĩnh Bảo có ông thầy thuốc chữa khớp giỏi, tôi nhờ lấy thuốc cho ông. Uống thuốc thấy dễ chịu, ông phấn khởi lắm, khi thì trực tiếp đạp xe đến Hội chơi, khi thì gọi điện chuyện trò rất lâu. Tôi nói bác cứ uống thoải mái, thuốc Nam ấy mà. Sau nhờ nhà thơ Nguyễn Đình Minh, quê Vĩnh Bảo, cứ khi nào ông cần là anh Minh lại cho anh em mang đến. Song bệnh khớp đã mấy chục năm không khỏi được, nó cứ dai dẳng hành ông. Những lần vào thăm con gái về, ông bà cũng khỏe hơn được một thời gian rồi đâu vẫn hoàn đấy.
Bệnh khớp không làm ông gục ngã trên giường bệnh mà lá phổi mới là vấn đề. Những ngày cuối cùng ông đau lắm. Nhưng cơn đau vừa dứt, có ai đến thăm là ông cố gắng trò chuyện. Ông nói với chúng tôi, giờ mới biết ung thư là thế nào, tại mình viết về ung thư nhiều quá.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Thủy Nguyên, Hải Phòng. Vùng đất địa linh nhân kiệt đã sinh ra một người con yêu nơi chôn rau cắt rốn của mình tha thiết. Tham gia vào đoàn quân tiếp quản Thủ đô 1954, là phóng viên Báo Tiền Phong sau đó ông trở lại quê nhà và mãi gắn bó với mảnh đất đầu sóng ngọn gió. Cuộc đời ông không chỉ những người yêu văn chương biết, hiểu, thông cảm và chia sẻ. Nhưng bất chấp tất cả, ông vẫn đứng dậy và ngày càng được mọi người yêu mến. Điều đó được ông giãi bày trong văn học.
Văn chương là nghiệp, đã dính vào là không bỏ được, ông đã tâm sự như thế. Một số tác phẩm ra đời sau hơn 20 năm “tạm nghỉ” đã đánh dấu một Bùi Ngọc Tấn khác. Độc giả tìm đọc văn Bùi Ngọc Tấn ngày càng nhiều, vì nhân vật và tác giả không cần phải tương tác, mà gần như đồng nhất. Ông viết vì tình yêu con người, yêu cuộc đời và khát vọng sống trong con người bệnh tật đầy mình. Đọc Viết về bè bạn, tác phẩm tập hợp hai cuốn hồi kí Rừng xưa xanh lá và Một thời đã mất, Bùi Ngọc Tấn đã làm sống lại bức tranh văn học nghệ thuật một thời tưởng đã lùi vào dĩ vãng. Thời bao cấp với “khẩu phần tinh thần, khẩu phần vật chất đều được tiêu chuẩn hóa và phân phối….Một thời mà khi nhớ lại, bỗng thấy mình đã là những anh hùng, đã vượt qua quãng đời tưởng như bịa, không thể nào tin được”. Cuộc sống dù khó khăn đến mấy song vẫn qua đi, chỉ có tình người còn lại. Từng gương mặt bạn bè hiện lên với những góc khuất đầy khó khăn gian khổ nhưng vẫn ngời sáng nhân cách làm người. Và họ vẫn sống mãi, cho dù không ít người trong các trang sách đã an nghỉ cõi vĩnh hằng. Với tiểu thuyết Biển và chim bói cá lại là cách kể chuyện hiện thực mà ông một thời gắn bó. Đời sống của những anh chàng thủy thủ tại Liên hợp đánh cá Biển Đông vừa bi vừa hài, những nghịch lý cuộc sống được mặc nhiên thừa nhận khiến độc giả vừa thích thú vừa day dứt, và những ai đã sống vào thời ấy mừng, mừng vì đã chứng kiến và vẫn sống để được hồi tưởng lại. Vẫn là thói xấu của thời bao cấp, khi mà mọi thứ đều được tiêu chuẩn hóa và phân phối, từ cách làm đến cách nghĩ. Xin trích một đoạn: Thuyền trưởng Mây nói với Cương: “Giá mày đi với tao, hai thằng bổ sung cho nhau. Một thằng kinh nghiệm, một thằng lí thuyết…” Cương cười: “Lý thuyết học nhanh thôi. Nhưng kinh nghiệm của anh bạc đầu mới có được.” Cương tự trách mình đã có thói xấu ấy. Thói xấu do gần như cả đời làm thuyền phó dự bị, nên không tự tin, cứ dựa theo “thời tiết” của người đối thoại. Thói xấu nói lấy lòng người khác. Lý thuyết học nhanh thôi. Phải cày cuốc năm năm. Phải trực chiến nhà trường tuần này sang tuần khác. Phải ăn đói đến run chân run tay và khi đi qua cổng bảo vệ chớ có hát “cuộc đời vẫn đẹp sao tình yêu vẫn đẹp sao”, bởi vì rất nguy hiểm, nhà trường cho là mỉa mai châm chọc, có thể dẫn đến bị đuổi học. Phải có tài cho vào mồm cái bánh rán bà Miêng căng tin vừa vớt từ chảo ra rá, mỡ còn sôi xèo xèo mà bà ấy không biết. Hay lấy trộm của nhà bếp cái chân giò vừa luộc xong cũng nóng như vậy nhét vào cạp quần ung dung thong thả đi về kí túc xá như chẳng có gì phải vội vàng để mấy anh em cùng buồng lấy manh xơ lam xẻ ra chấm muối uống rượu thưởng thức chiến công”. Mỗi chi tiết được viết ra với giọng văn khi thản nhiên, khi dí dỏm để đằng sau đó là quan điểm sống của một thời hiện ra. Bùi Ngọc Tấn là thế, ông cứ thâm trầm hiền lành trong cuộc sống, để ngẫm ngợi cho những trang sách. Không ngạc nhiên khi các tác phẩm của ông được tái bản nhiều lần, cả trong và ngoài nước, và khi Biển và chim bói cá được giải thưởng Henri Quefenlec tại Liên hoan sách và biển diễn ra tại Pháp năm 2012.
Các tác phẩm của nhà văn Bùi Ngọc Tấn từ năm 1995 đến nay: Một thời để mất (1995), Những người rách việc (1996), Một ngày dài đằng đẵng (1999), Chuyện kể năm 2000 (2000), Rừng xưa xanh lá (2002), Biển và chim bói cá (2008), Viết về bè bạn (2014). Về giải thưởng Henri Quefenlec đã nói, còn của Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm… Và giải thưởng lớn nhất là của độc giả. Ông đã, đang và còn sống mãi.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã ra đi vào 6 giờ 15 phút ngày 18/12/2014 giữa ngày đông giá. Dòng người đưa tiễn ông dài tới nửa cây số trong không khí trang nghiêm và thành kính. Đám tang ông không kèn đồng, trống phách ồn ào, tiếng khóc than của con cháu dường như cũng được nén lại. Chỉ biết người rất đông, ngoài thân bằng cố hữu, còn cả những người hâm mộ ông từ khắp nơi. Nếu đọc được những chia sẻ của mọi người trên các trang mạng xã hội, chắc ông sẽ rất vui, vì ai cũng tiếc thương một con người. Đó là Bùi Ngọc Tấn.