Tác giả bộ tiểu thuyết đạt giải Nobel “Sông Đông êm đềm” bị nghi là kẻ đạo văn?
Sông Đông êm đềm ( Тихий Дон, Tikhy Don) là bộ tiểu thuyết vĩ đại nhất của nhà văn Nga Sholokhov . Năm 1965, bằng tác phẩm này, Sholokhov đã được tặng Giải Nobel văn học. Những gì làm nên Giải Nobel của Sholokhov? Đánh giá về nó, Hội đồng trao giải đã khẳng định "Sức mạnh nghệ thuật và sự chính trực, mà với nó, trong cuốn sử thi sông Đông, ông đã biểu hiện cả một giai đoạn lịch sử của người dân Xô viết” và chính UB giải thưởng Nobel, trong trang Website của mình đã so sánh Sông Đông êm đềm với Chiến tranh và Hòa bình của L.N.Tolstoy. Bộ sử thi này một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của trường phái Hiện thực XHCN, mà trong đó Sholokhov đã hợp nhất được những di sản nghệ thuật của Tolstoy và Gogo.
Những giá trị của bộ sử thi đồ sộ này đã được khẳng định, Nó là niềm tự hào của văn học Liên xô cũ. Giải Nobel cũng đã được trao, và theo Điều lệ của Giải “Đã trao là không bị tước lại”; điều này nói lên sự nghiêm túc của một Giải quốc tế danh giá. Nhưng “Sông Đông êm đềm” hòa vào dòng chảy từ mãi năm 1928, đến nay vẫn cuộn sóng không yên bình. Trung tuần tháng 3/2011 nước Nga đưa tin tái bản bộ tiểu thuyết này trên cơ sở những chi tiết viết tay từ bản thảo của tác giả mà trước đây khi xuất bản đã bị kiểm duyệt cắt bỏ. Thông tin trên lại thổi bùng lên những quan điểm cho rằng tác phẩm này là do Sohlokhov đạo văn của một người khác; đồng thời cũng xuất hiện những quan điểm bảo vệ tác giả mạnh mẽ kéo theo cả tổng thống, và Thủ tướng Nga vào cuộc.
Vậy tầm cỡ tác phẩm ấy như thế nào? Và diễn biến của cuộc tranh luận có tính lật đổ này là gì? Trên cơ sở tổng hợp và phân tích và bình luận thêm các thông tin, chúng tôi cố gắng giúp các bạn hình dung lại vấn đề.
1- Tóm lược bộ tiểu thuyết theo bản dịch của Nguyễn Thụy Ứng.
Sholokhov trở về quê, một làng Cossak thuộc trấn Veshenskaya vùng sông Đông (nay là tỉnh Rostovsky, Liên bang Nga) năm 1924, sau khi tham gia cuộc Nội chiến ở phía Hồng quân. Ông viết Sông Đông êm đềm từ năm 1925, tác phẩm được chia thành 4 phần, lần lượt được in và công bố.
Sông Đông êm đềm miêu tả một giai đoạn lịch sử mười năm từ1912 đến 1922 trong phạm vi địa lý rộng lớn: mặt trận miền Tây nước Nga trong Thế chiến 1, Ukraina, Ba Lan,Romania cho đến Sankt, Moskva nhưng chủ yếu diễn ra ở hai bờ sông Đông và tập trung vào một làng Cossack ven sông. Gregori là nhân vật chính của bộ tiểu thuyết với số phận thăng trầm khốn khổ. Dũng cảm, nhân hậu và yêu quê hương, nhưng Gregori vẫn bị kéo vào cuộc chiến tàn khốc vùng Sông Đông. Anh như kẻ mộng du trôi dạt và lầm lẫn không phân biệt được chính tà, có lúc phản bội lại nhân dân. Những cuộc chiến đẫm máu này đã biến Gregori. và những người dân lương thiện trung hậu nơi đây thành những bi kịch sống. Sau khi bị trôi dạt trên các mặt trận, bị săn đuổi anh không còn gì, Gregori đã đem tất cả vũ khí thả xuống sông Đông như một hành động giã từ vũ khí. Trở về vùng sông Đông, anh gặp lại con trai. Lúc ấy gia đình anh cũng đã xảy ra bi kịch: bố mẹ đã mất, anh trai ( lính bảo hoàng) bị em rể ( hồng quân) giết. Tất cả những gì còn lại của Gregori trên đời là đứa con trai duy nhất. Hình ảnh cuối cùng của bộ tiểu thuyết là cảnh Gregori bồng đứa con về nhà.
- Phần một, (1928), viết về giai đoạn 1912 đến 1916: nhân vật chính Gregori Melekhov mới bắt đầu lớn lên, gia nhập quân ngũ và tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
- Phần hai (1929), viết về giai đoạn 1916 đến đầu 1918, giai đoạn cuộc Cách mạng tháng Mười nổ ra, hoạt động của đội quân Bạch vệ của tướng Cornhilov, khởi đầu cuộc Nội chiến Nga.
- Phần ba (1933), viết về giai đoạn đầu 1918 đến tháng 5 năm 1919, giai đoạn cuộc nội chiến diễn ra khốc liệt.
- Phần bốn 1940, viết về giai đoạn từ tháng 5 năm 1919 cho đến khi cuộc nội chiến kết thúc năm 1922.
2- Khái lược những giá trị nội dung
Bộ tiểu thuyết là sự khẳng định dòng chảy bất tận của cuộc sống, và trước hết trong tác phẩm đó là cuộc sống của con người vùng Sông Đông:
“ Mảnh đất thân thương, mảnh đất vinh quang của chúng ta được gieo những cái đầu Cossack
Điểm trang sông Đông êm đềm của chúng ta có những nàng gái góa trẻ măng
Hoa nở trên sông Đông êm đềm, cha của chúng ta là bầy trẻ thơ côi cút
Sông Đông êm đềm đầy nước mắt những người mẹ, người cha …”
(Lời bài hát dân ca Cossack)
Ngay từ chương mở đầu tác phẩm đưa đã đưa độc giả vào cuộc sống của những người nông dân Cossack vùng sông Đông trước CM10 với nếp sống phong kiến gia trưởng nghiệt ngã, cùng những xung đột căng thẳng trong những quan hệ gia đình, sinh hoạt.
Từ chương 2 hành động của tiểu thuyết mở rộng dần sang những vấn đề xã hội nóng bỏng gắn liền với những biến động của lịch sử diễn ra trên đất nước: những định kiến của người dân Cossack, vốn trước kia được Nga hoàng ưu đãi đặc biệt nhằm mua chuộc, sử dụng để chống phá mọi phong trào đấu tranh của nhân dân, sự phân hóa xã hội trong cộng đồng Cossack, cuộc đấu tranh giai cấp đặc biệt phức tạp và ác liệt vùng sông Đông.
Trong các tập 2, 3 và 4, tác phẩm tập trung miêu tả bối cảnh lịch sử những năm nội chiến, những xung đột gia đình gắn với xung đột xã hội.
Cũng như các tác giả kinh điển của trường phái hiện thực, Sholokhov đã viết Sông Đông êm đềm với tất cả sự thật dù tàn nhẫn nhưng là lô-gíc tất yếu của hoàn cảnh, tác động xã hội. Mặc dù rất đáng yêu, đáng được hưởng hạnh phúc nhưng số phận của Gregori, Aksinia, Natalia và nhiều nhân vật khác nữa đều bi thảm trong dòng chảy khốc liệt của những biến động xã hội lớn lao ở nước Nga thời kỳ Nội chiến.
Bộ sử thi đồ sộ với trên 100 nhân vật diễn ra trong 10 năm trên một không gian rộng lớn, với những sự kiện dồn dập nhưng được kết cấu vô cùng chặt chẽ. Mỗi nhân vật đều được mô tả với đặc điểm tâm lý, tính cách và cả thể hình rất riêng biệt, từ người nông dân bần cùng nhiệt tình đi theo cách mạng đến bọn phú nông chống phá cách mạng với lòng hằn thù sâu sắc, từ những đảng viên trung kiên đến bọn chỉ huy, binh lính trong các đạo quân bạch vệ liều lĩnh và tàn bạo, từ những chàng trai Cossack bộc trực và quả cảm đến những cô gái Cossack yêu thương say đắm và giàu lòng vị tha.
Tính hiện thực sâu sắc của Sông Đông êm đềm thể hiện rõ nét ở từng hình tượng nhân vật với tất cả những gì tốt đẹp, bình thường, thậm chí xấu xa như cuộc đời vẫn luôn là như vậy.
Aksinia hấp dẫn, mãnh liệt, chiến đấu đến cùng để giành giật tình yêu nhưng cũng không vượt qua nổi những phút cô đơn, tuyệt vọng và cả bản năng rất đàn bà. Natalia thủy chung, hiền dịu nhưng nhẫn nhục, cam chịu và yếu đuối. Với tình yêu và hấp thụ được cái hồn của vùng đất sông Đông Sholokhov đã đưa vào Sông Đông êm đềm cảnh vật quê hương, những tập tục, những bài dân ca một cách nhuần nhuyễn, hòa quyện với con người.
Trong Sông Đông êm đềm hình tượng nhân vật Gregori tiêu biểu cho tầng lớp trung nông trải qua nhiều lầm lạc, dao động về tư tưởng chính trị trong những năm bão táp. Tính cách của Gregori phức tạp, mâu thuẫn. Đó là một con người chính trực, tự trọng, nồng nhiệt, mạnh mẽ và dũng cảm rất yêu làng xóm và quê hương, nhưng cũng có những mặt xấu như thô bạo, ít nhiều tàn nhẫn và tư hữu. Với những định kiến đã hình thành từ lâu trong cộng đồng Cossack, Gregori cho rằng cách mạng đã tước đoạt mất những quyền lợi của cộng đồng Cossack, xâm phạm vào truyền thống, danh dự của họ. Gregori muốn rằng những người Cossack không theo phe đỏ cũng không thuộc phe trắng, nhưng rồi cuộc đấu tranh quyết liệt diễn ra ngay trên quê hương sông Đông, ngay trong những người Cossack đã không cho phép họ lựa chọn con đường thứ ba.
Gregori đã rơi vào lầm lạc khi tách khỏi nhân dân, đi theo quân bạch vệ, phạm tội chống lại nhân dân, chống lại tổ quốc. Nhưng giữa những ngày tháng đó chàng vẫn không thôi dằn vặt, cảm thấy mình lạc lõng, đau khổ với những quyết định của mình. Gregori đã bỏ trốn về nhà mà trong thâm tâm vẫn chưa xác định được con đường tất yếu phải đi.
Những định kiến và tư tưởng cũ vẫn níu giữ Gregori trong tư thế bấp bênh, lưng chừng, có lúc chàng gia nhập hồng quân, có lúc lại bị cuốn về phe đối nghịch. Kết cục của sự lừng chừng giữa những dòng xoáy của xã hội đã khiến chàng không tìm được cho mình một con đường, không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, những người phụ nữ gắn bó với chàng phải chịu kết cục thảm thương và bản thân chàng rơi vào tình thế nguy hiểm khi mang trọng tội phản bội chính quyền Xô viết và bên mình không còn một ai thân thích.
Không chỉ những nhân vật được khắc họa tới mức điển hình, những vấn đề muôn thủa của con người như tình yêu, ý nghĩa cuộc sống, những quan hệ họ tộc và làng xóm được mô tả rất thành công, Sông Đông êm đềm còn biểu hiện một cách chân thực, sống động cuộc sống, số phận của cả một dân tộc, một vùng đất của người Cossack và của người dân Nga nói chung trong thời kỳ Nội chiến.
3.Nghi vấn về tác giả đạo văn
Sau khi Sông Đông êm đềm được xuất bản và kéo dài nhiều thập kỷ, trong tình trạng bản thảo bị thất lạc sau những năm phát xít Đức chiếm đóng Veshenskaya, đã dấy lên những cuộc tranh luận về việc Sholokhov đã viết tác phẩm này phần lớn dựa trên bản thảo của một nhà văn Cossack đồng hương, sỹ quan Bạch vệ Fyodor Kryukov (mất năm 1920). Nhà văn .I.Solzhenitsyn (Giải Nobel Văn học năm1970) là một trong những người ủng hộ tích cực nhất quan điểm này. Sự thật thì tin đồn về việc Sholokhov đạo văn xuất hiện từ năm 1928, ngay sau khi 2 cuốn sách đầu tiên của tiểu thuyết được công bố trên tạp chí “Tháng Mười”.
Quan điểm này tập trung vào các luận điểm chủ yếu sau:
1. Sholokhov là người ít học (ông chỉ học bốn năm cấp một ở trường làng rồi bỏ học đi làm liên lạc cho Hồng quân)
2.Sholokhov còn quá trẻ và thiếu trải nghiệm cuộc sống để có thể viết nên những áng văn như thế (khi phần đầu tiên của Sông Đông êm đềm được xuất bản năm 1928, Sholokhov mới 23 tuổi). Viết được một cuốn tiểu thuyết đồ sộ như vậy về ý tưởng, bút pháp, sự khái quát lịch sử và mức độ chi tiết hoá, ở một con người còn thiếu sự trải nghiệm về đời và nghề là không thể.
3.Các tác phẩm sau này của Sholokhov có chất lượng văn chương kém hẳn Sông Đông êm đềm.
Nhưng nhóm phản đối cũng bộc lộ những hạn chế trong quá trình phản biện của mình:
Trước hết những người phản đối giả thuyết truyền thống không tìm được sự đồng thuận. Họ cũng không có một quan điểm thống nhất về sự đóng góp của Sholokhov. Người cho cho rằng ông viết phần lớn cuốn tiểu thuyết, chỉ sử dụng tư liệu của kẻ khác. Kẻ khẳng định rằng trên thực tế Sholokhov không viết một dòng nào chẳng những trong “Sông Đông êm đềm” mà còn trong “Những câu chuyện sông Đông”, “Đất vỡ hoang” và “Họ chiến đấu vì Tổ quốc”. Thậm chí có người còn cho rằng Sholokhov chỉ là cái tên nguỵ trang cho một nhóm tác giả thật của Dân uỷ Nội vụ.
Tuy nhiên, việc nhân tài xuất hiện vào tuổi trẻ không phải là hiếm gặp. Sholokhov là người dân Sông Đông, người tham gia trực tiếp vào hoạt động của Hồng quân trong cuộc nội chiến Nga; với những gì ông tiếp nhận suốt 23 năm từ ấu thơ đến trưởng thành về văn hóa, về hiện thực... và khả năng tự học hỏi thì câu chuyện về tuổi quá trẻ không thể viết được bộ tiểu thuyết dường như không đứng vững. Nếu Solokhov không viết được tác phẩm, thì hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng ra đời sau này của chính ông sẽ là chuyện không thể có. Quan điểm cho rằng “Sholokhov chỉ là cái tên nguỵ trang cho một nhóm tác giả thật của Dân uỷ Nội vụ” cũng chỉ là chuyện “duy tâm” mà thôi, bởi nhà văn luôn có phong cách riêng, có tính cá thể. Chuyện nhiều người viết cùng một phong cách chưa hề có trong văn chương. Vả lại nếu có thì chính những người tham gia này đã cùng lên tiếng tố cáo, bởi đó là công trình của họ. Măt khác chỉ căn cứ vào những tác phẩm sau này đuối hơn so với “Sông Đông êm đềm” mà khẳng định Solokhov đạo văn thì quả là chuyện hài ước. Những người phản đối cần phải rõ hơn ai hết, một tác phẩm nở hoa rực rỡ phải căn cứ trên nhiều yếu tố: Bối cảnh, xúc cảm, những chi phối khác, sức khỏe, điều kiện xã hội…Nhà văn không phải là một Robot sản xuất hàng loạt sản phẩm có cùng mẫu mã và chất lượng được. Bản thân các nhà văn nhà thơ trong ngăn kéo của họ ai cũng có hàng đống những tác phẩm mà họ tự loại thành phế phẩm. Cho nên câu chuyện tác phẩm trước xuất sắc, tác phẩm sau trung bình của cùng một người là chuyện bình thường của làng văn.
Năm 1984, một tập thể các nhà khoa học Bắc Âu đứng đầu là Geir Kjetsaa, Giáo sư trường Đại học Oslo đã áp dụng các phương pháp khoa học để dùng máy tính phân tích, so sánh văn bản của Sông Đông êm đềm với các tác phẩm khác của Sholokhov và đưa ra kết luận ủng hộ quan điểm ông chính là tác giả.
Năm 1984, một tập thể các nhà khoa học Bắc Âu đứng đầu là Geir Kjetsaa, Giáo sư trường Đại học Oslo đã áp dụng các phương pháp khoa học để dùng máy tính phân tích, so sánh văn bản của Sông Đông êm đềm với các tác phẩm khác của Sholokhov và đưa ra kết luận ủng hộ quan điểm ông chính là tác giả.
Tháng 11 năm 1999, Ủy ban Di sản văn học của Sholokhov, đã họp báo công bố tìm thấy bản thảo phần một và phần hai của Sông Đông êm đềm mà trước lúc mất (1984), Sholokhov tuyên bố rằng chúng đã bị thất lạc. Công việc thẩm định kết luận rằng các bản thảo nháp này do chính Sholokhov viết tay và một phần do vợ và các em gái ông chép lại sạch sẽ vào cuối những năm 1920. Điều đó cho phép những người ủng hộ giả thuyết truyền thống tuyên bố dứt khoát rằng chân lý thuộc về họ; các bản thảo được chụp và công bố trên Internet, càng góp phần khẳng định thắng lợi của giả thuyết về quyền tác giả của Sholokhov. Các công việc của ủy ban này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ, giúp đỡ. Những người chống đối, lại căn cứ một số từ dùng theo lối cổ trong văn bản chép tay không chính xác. Đặc điểm này càng chứng tỏ Solokhov chính là tác giả, bởi chính Slokhov (Còn trẻ) nên chưa thực sự uyên thâm, hoặc là vợ và em ông chép lại nên mới sai vậy.
Mặc dầu vậy, vấn đề về tác giả “Sông Đông êm đềm” cho đến nay vẫn chưa có hồi kết. Cuộc tranh luận có lẽ vẫn còn kéo dài. Bình luận về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng không thống nhất này, hầu hết các tác giả khách quan không đứng về phe nào đều có chung nhận định: các phía đối địch không muốn nói bằng ngôn ngữ thuần tuý khoa học, mà bằng ngôn ngữ của hệ tư tưởng.