Tầm nhìn chiến lược về biển đảo của Trạng Trình từ 500 năm trước - Nguyễn Đình Minh

Nhân đọc bài thơ “Cự ngao đới sơn ” trong "Bạch Vân am thi tập" của danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm

Khi nói về Nguyễn Bỉnh Khiêm có một nội dung bây giờ người ta hay đề cập tới đó là khả năng tiên đoán. Nếu bóc đi cái vỏ duy tâm kỳ bí thì thấy Trạng Trình đã  dự báo rất nhiều điều bằng tư duy logic dựa căn cốt trên những tri thức học thuật về địa lý, lịch sử và cảm quan chính trị. Điều này được thể hiện rất rõ trong  “Cự ngao đới sơn ” (Con ngao lớn đội núi ) Không trong “Sấm trạng”, mà ở “Bạch Vân am thi tập”; bài thơ là cái chí của cụ Trạng Trình, nhưng lại hàm ẩn trong đó một tư tưởng chiến lược một dự báo thiên tài. Và nói như Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam, Nguyễn Khắc Mai bài thơ trên có tuổi đã 5 thế kỷ mà bây giờ càng đọc càng thấy rất… thời sự, tưởng như “cụ Trạng Trình đang nói với chính chúng ta hôm nay”.

Đây là một bài thơ Đường luật, thuần tuý chất thơ, không có hàm ẩn yếu tố “sấm”, do vậy có thể kết luận ngay nội dung bài thơ vẫn là gửi gắm tình cảm nghĩ suy, bình luận… của một thi sỹ trước một thực thể khách quan. Phần đề của bài thơ lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ Trung Quốc: Sách Liệt tử, trong thiên Thang vấn có chép rằng ở biển Bột Hải có năm ngọn núi, chân núi không dính vào đâu cả, núi cứ theo nước thủy triều mà lên và xuống lênh đênh trên mặt biển. Thượng đế sợ các ngọn núi ấy trôi về Tây cực bèn sai con ngao thần rất lớn lấy đầu đội và từ đó năm ngọn núi ấy mới đứng vững ở một chỗ.

Các thư tịch cổ của ta, không thấy ghi lại việc Nguyễn Bỉnh Khiêm  kinh lý trên biển, nhưng từ hai câu đề có thể thấy, tác giả đã từng đi biển và ông có thời gian rất lâu trước biển không chỉ để ngắm nhìn mà còn cảm nhận và suy ngẫm. Cảnh sắc được miêu tả rất tươi đẹp, nước non quyện hoà. Ở đây, ngọn núi (đảo đá) lung linh soi bóng trong biển trong biếc như ngọc. Chúng nương tựa vào nhau tồn tại quần tụ như sinh thể được sinh ra từ tạo hoá. Cảm xúc này của Nguyễn Bỉnh Khiêm cho thấy rất rõ tính chất chủ nhân của người Việt trước non nước của mình và một tình cảm yêu mến tự hào về biển cả quê hương.

Hình ảnh “con ngao” được miêu tả  trong những câu thực: “Ngoi đầu lên, đá có sức vá trời/Đặt chân xuống, sóng không có tiếng cuốn đất”. Con Ngao là một hình ảnh ẩn dụ nhiều sức ám gợi, nhưng nghĩa trung tâm vẫn là chỉ con người. Nếu bỏ qua những bình giá về cách thức miêu tả trong phần nổi của bài thơ: tả thế tĩnh, động của “con ngao”, thì có thể nhìn thấy tầng ngầm của bài thơ. Tại đây Trạng Trình thấy rõ vị thế chiến lược của những hòn đảo trên biển Đông, từ chính những hòn đảo này có thể nắm giữ chủ quyền một cách chủ động tất cả (bầu trời, mặt nước, lục địa và hải đảo). Hoạt động của con Ngao được thể hiện bởi hai yếu tố quan trọng : giữ vững đất trong yên bình và chống lại nguy cơ trời sập. Ngụ ý làm những việc lớn cao rộng sâu xa, mạnh mẽ, hiên ngang; Kết hợp hai trong một và không thể tách rời hai hoạt động giữ trời và đất. Câu thơ có âm có dương, có cương (vá trời), có nhu (không có tiếng cuốn đất); Đồng thời có Thiên- Địa - Nhân hoà hợp: trời cao đất thấp và Ngao ở giữa.  Sự đứng vững của “non tiên”  không bị trôi dạt, hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động của con Ngao. Phải chăng đây chính là những bài học mà người xưa muốn nói với hôm nay?

Như một khẳng định theo logic : Điều kiện-kết quả, phần luận của bài thơ xác định: “Vạn dặm biển Đông quơ vào tay nắm/ Ức năm cõi Nam đặt vững cảnh trị bình”. Và câu chuyện truyền thuyết ghi trong Sách Liệt tử đã hiển diện thành câu chuyện của bờ cõi giang sơn Đại Việt, câu chuyện về việc phải nắm giữ “Vạn dặm biển Đông ”. và chỉ có như vậy thì “Ức niên Nam cực điện long bình”(Ức năm cõi Nam đặt vững cảnh trị bình). Tác giả đã chỉ ra một trong những điều tất yếu của sự bền vững muôn đời của giang sơn đại Việt chính là nắm giữ chủ quyền biển Đông. Trước đây khi đề cập đến lãnh thổ, chúng ta thường nói nhiều về sông núi, đất đai; chúng ta có nói về biển nhưng không nhiều, biển không là trọng điểm nhấn mạnh. Nhưng từ về 500 năm trước Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dự báo tầm quan trọng của biển đảo dẫn đến sự tồn vong thịnh trị của cả quốc gia; điều ấy cho thấy tầm chiến lược về bảo vệ của ông rất rộng lớn và toàn diện.

Bài thơ bỗng nhiên hầm hập tính thời sự. Tác giả như ở ngay thì hiện tại để nói việc giữ biển “trong bàn tay” nói sự làm chủ của của người Việt với Biển Đông. Tinh thần làm chủ của chúng ta là vừa biết kiên quyết bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, kiên quyết chống lại mọi sự xâm lăng.

Đặc biệt hai câu kết của bài thơ như một sự day trở, như một ý chí một quyết tâm của nhà thơ: “Ta nay muốn thi thố sức phù nguy/Lấy lại quan hà, thành xưa của nhà vua”.

Ngày giỗ Cụ Trạng Trình năm 2012, khi gặp đoàn cán bộ của Trung tâm Minh Triết Việt Nam tại Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, hỏi về ý nghĩa câu kết này, Ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam bày tỏ: Mỗi thời đại, người dân Việt phải biết cách, biết dùng mọi phương thức, phương pháp khác nhau. Phải vận dụng cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của thời đại mới, để giữ lấy cái phần chủ quyền của mình, trong mối tương quan với lân bang và thế giới. Cố nhiên “làm chủ biển Đông” có lý có tình và để khai thác mọi nguồn lợi của nó phải có chính sách đối nội, đối ngoại hợp lý, tốt đẹp.

Đó là câu trả lời và quan điểm riêng của một nhà nghiên cứu. Còn chúng ta với tư cách đọc giả khi đọc bài thơ này cần thấy rằng: Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ là một nhà thơ, ông còn là một nhà chính khách vương triều Mạc và trên hết ông là người vì dân vì nước;  bởi vậy tâm nguyện “lấy lại quan hà”, là việc trở nên đau đáu.  Tâm nguyện ấy của ông soi vào lòng người yêu nước hôm nay ai cũng có thể nhìn thấy chút bóng dáng nhói đau, cũng thấy có một phần trách nhiệm. Và nếu vậy, câu thơ đi qua nửa thiên niên kỷ vẫn sinh tồn và truyền lửa cho dân tộc hôm nay. Cổ nhân không có trách nhiệm phải chỉ dạy cho cháu con phải làm gì để giữ giang sơn bởi mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh lịch sử có những đặc điểm khác nhau, nhưng giữ gìn biển đảo để đảm bảo sự hưng thịnh của quốc gia thì mãi mãi chỉ có một. Đó là thông điệp mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đưa ra 500 năm trước như một mệnh lệnh  của trái tim.

NĐM

………………….

Tư liệu về bài thơ

Cự ngao đới sơn

Bích tẩm tiên sơn triệt để thanh,
Cự ngao đới đắc ngọc hồ sinh.
Đáo đầu thạch hữu bổ thiên lực,
Trước cước trào vô quyển địa thanh.
Vạn lý Đông minh quy bả ác,
Ức niên Nam cực điện long bình.
Ngã kim dục triển phù nguy lực,
Vãn khước quan hà cựu đế thành.

Dịch nghĩa:

Con rùa lớn đội núi

Nước biếc ngâm núi tiên trong tận đáy,
Con rùa lớn đội được bầu ngọc mà sinh ra.
Ngoi đầu lên, đá có sức vá trời
Bấm chân xuống, sóng cuồn cuộn không dội tiếng vào đất.
Biển Đông vạn dặm đưa về nắm trong bàn tay,
Muôn năm cõi Nam đặt vững cảnh trị bình.
Ta nay muốn thi thố sức phù nguy,
Lấy lại quan hà, thành xưa của nhà vua.

Rút từ : Bạch Vân am thi tập – Nguyễn Bỉnh Khiêm

* Bài đã đăng trên nhiều số báo xuân Giáp ngọ thuộc các báo trung ương và địa phương