Có thể bạn quan tâm
Tối và sáng trong thơ Nguyễn Đình Minh - TS Văn học Nguyễn Thị Nhàn
(Đọc tập thơ “Ở đây, lúc này”, NXB Hội nhà văn 2022)
Đọc Ở đây, lúc này, độc giả bị cuốn ngay vào không/ thời gian hiện sinh của nhân loại đầy bóng tối bao trùm, bủa vây khắp hành tinh. Tuy vậy, xuyên qua vùng tối dày đặc đó là nguồn sáng, ánh sáng, vùng sáng, vừa song hành, vừa tương phản gay gắt. Hai vùng tối sáng đó làm nên cấu trúc thẩm mỹ độc đáo thơ Nguyễn Đình Minh. Những âm bản và dương bản; đêm và ngày; ác và thiện; hủy diệt và hồi sinh; tuyệt vọng và hy vọng; giá trị và phi giá trị, nhân tính và phi nhân tính;…, khiến Ở đây, lúc này, như hành trình của những đối thoại, phản biện không dứt giữa hai thế giới đối cực.
1.Ở đây, lúc này là diễn ngôn thế sự nhân sinh trực diện, là diễn ngôn chấn thương khẩn thiết, thống thiết về vấn đề sinh tồn của nhân loại, của sinh thái văn hóa… Tất cả đang cần được cứu rỗi. Đối tượng/ khách thể thẩm mỹ được nhà thơ lựa chọn là những biến thiên dâu bể khủng khiếp: hồng thủy covid, chiến tranh, tốc độ đô thị hóa và nền văn minh kỹ trị. Bóng tối trong thơ Nguyễn Đình Minh chính là những cơn địa chấn nhân họa ấy. Chúng đã và đang hủy hoại những giá trị nhân bản, nhân văn, những giá trị văn hóa do con người kiến tạo hàng ngàn năm. Đặc biệt, môi trường sinh thái đó đã và đang tha hóa con người về phía phi nhân tính. Tối và sáng trong Ở đây, lúc này được tri nhận trên bề mặt con chữ và tiềm tàng trong những hình tượng/ biểu tượng văn chương đa điệu thức, những ẩn dụ, phúng dụ thâm trầm.
Tối, trước hết là đêm tối, bóng tối, những không/ thời gian chết. Mở đầu tập thơ là một “ngày vụn vỡ”. Ngày đã vụn vỡ rồi còn đâu ánh sáng! Ngày đã bị xóa sổ, ngày thành đêm, đêm giữa ban ngày (Ngày vụn vỡ).
Tác giả tái hiện một không/thời gian chết, đầy xác người và máu. “Trong mắt bão”, cơn lốc covid quét qua, cái chết và tang tóc ở lại. Cả hành tinh úng ngập, chìm trong tối tăm, hoang lạnh. Đường nhân loại đi qua, đâu đâu cũng sặc mùi tử khí và máu: “Cánh đồng thời gian, thây người như ngả rạ” (Loài thú đội lốt người); “mảnh thời gian đều thấm nỗi thương đau…/Tất cả các chân trời mây giăng ảm đạm/… Nhìn máu loang trên da thịt con người” (Nghĩ trong đêm đại dịch); “Đầy trời mây xám màu tang/… Những vũng đèn mờ xác người nhầy nhụa (Trong gió tử thần); “Trên từng kinh vĩ độ máu loang buồn” (Ngày vụn vỡ); “Covid loài thú ma tắm máu con người” (Chủ nhân).
Tất cả, tất cả đã trở thành nỗi ám ánh mạnh mẽ, tạo hiệu ứng, rung động nghệ thuật sâu sắc.
Những nguồn sáng, những vùng sáng thế gian cũng trở thành vùng chết. Chết chóc tràn ngập bao tối những vùng thiêng. Tôn giáo vốn nhân danh nguồn sáng, nguồn thiêng, hóa giải, cứu rỗi con người, giờ đây bất lực, chỉ não nuột cầu hồn. Đất thánh, đất phật trở thành vùng chết: “Tiếng mõ u trầm rơi xuống sông Hằng/ Vùng đất của Lạt Ma oan hồn giăng mặt đất…/ Khói phủ đen trên nóc nhà thiêu xác/ Tiếng chuông nức nở gửi trời xanh” (Viên đạn buồn thứ nhất).
Những biểu tượng thiêng liêng ngạo nghễ bị covid đem ra giễu cợt dưới trời, quốc kỳ rũ màu quốc tang: “Những lá quốc kỳ buông ủ rủ” (Ngày vụn vỡ); “Trăm sắc cờ bợt bạt ngừng bay” (Nghĩ trong đêm đại dịch).
Trạng huống nhân thế biến dạng, đổi màu. Có một dòng sống bị chặn lại, ngừng trôi chảy - một cuộc sống chết: nhịp sống thường nhật ngưng trệ, mọi sinh hoạt cộng đồng bãi bỏ; con người không giao lưu không giao cảm, con người ly xa nhau.
Đây là những đường phố chết, hoang phế như thời viễn cổ: “Xe hơi dòng sang vứt chật lề đường/ Nhện thả lưới tơ đan xuyên mặt phố” (Trong gió tử thần). Trường học chết: “Sân trường lạnh tanh, phượng nghẹn ngào ứa lá/ Mặt trống nghỉ trái mùa” (Tháng tư đợi…học trò).
Ở đó, hội hè bãi bỏ. Ngày hội thơ, Văn Miếu trong dáng vẻ tủi buồn: “Giờ Văn Miếu then cài lạnh lùng bia đá/ Đào rầu rĩ phai…/ Kinh thành vắng thi nhân, nàng thơ khép cửa” (Tháng Giêng, ngày 16).
Những ngôi nhà như ốc đảo giữa cô đơn. Cuộc sống sau cánh cửa ấm áp rộn rã kia, giờ âm u câm lặng. Sống chết mong manh ký thác vào may rủi: “Sau cánh cửa im lìm “là những cơn đau bám vào viên thuốc” (Trong gió tử thần).
Mỗi yêu thương cũng tự phải co mình, cách ly người thương mến. Sự giao cảm gieo mầm chết cho nhau: “Tình yêu cũng rời ghế đã/ Nụ hôn bây giờ thành vũ khí sát thương” (Trong gió tử thần).
Cứ như thế, như thế, Ở đây, lúc này chỉ có những vùng chết câm lặng dưới trời: những thành phố chết, những công viên chết, những thánh đường chết, những ngôi chùa chết, những trường học chết, những cánh đồng chết, những con đường chết, những xóm làng chết, Văn Miếu chết...
Không chỉ nhân thế hoảng loạn, biến dạng, covid có sức mạnh vô hình, nó khiến quy luật, bản thể tự nhiên cũng lỗi nhịp vòng quay, nhịp sinh học con người chối từ lối cũ: “Trái Đất hình như quay lệch trục/ Tất cả văng ra khỏi trái tim mình” (Viên đạn buồn thứ nhất).
Tối trong Ở đây, lúc này còn là nỗi kinh hoàng khác mang tên nhân họa: chiến tranh. Chiến tranh duy nhất do con người gây nên. Chỉ con người đóng vai kép trong thảm kịch đó. Chiến tranh hủy diệt hành tinh, con người là tội nhân. Cũng vì vậy, con người lại là nạn nhân thê thảm nhất.
“Chiến tranh tại sao?”, tác giả đặt ra câu hỏi lớn mà dường như bị lảng tránh, chưa có lời giải đáp. Hàng ngàn năm qua, câu hỏi đó vẫn nhức nhối trên mảnh đất người đời? Những đối thoại, phản biện gay gắt với các ác đã lên tiếng.
Nhân danh khát vọng hòa bình, tác giả đối thoại với các yếu nhân lịch sử - những bạo chúa bày ra trò chơi vương quyền. Trò chơi đó tắm máu nhân loại. Đen tối và cái ác “đùn ra” từ “vực thẳm” của “những chiếc lỗ đen” – những não bộ của các bạo chúa. Họ mộng tưởng toàn cầu. Trong họ chỉ tích tụ, chỉ ủ những mầm độc để rồi thoát thai, gieo chết chóc cho nhân loại: “Quyền lực mang dã tâm mặn tanh mùi máu/ Khát khao tự lập một thiên đường” (Tản mạn trong những tập mờ).
Chiến tranh điêu linh, hủy diệt. Khủng khiếp nhất là, nó đẩy nhân loại quay về vạch xuất phát ban đầu - thuở hồng hoang: “Máu ròng ròng trên nhãn mác văn minh/ Không ai tin châu Âu thời 4.0/ Có những tháng ngày đang trở về nguyên thủy…/ Văn hóa của nghìn năm chỉ sau một đêm/ Biến thành miền hoang phế” (Thời thiếu lửa, thừa bom).
Bom đạn ngừng rơi, nhưng dư chấn hậu chiến âm thầm, dai dẳng và mạnh mẽ. Rất ít nụ cười thời hậu chiến! Sau chiến tranh, con người lắng lại, nhìn thật sâu vào mất mát, thương đau hôm qua. Những sự thật tàn khốc chỉ có thể lên tiếng khi khói lửa qua đi: “Những sự thật trần trụi của dư chấn chiến tranh/ Có thể âm vang tiếng thơ thời hậu chiến” (Những câu thơ im lặng).
Cuộc chiến thầm lặng mới lại bắt đầu với phần đời còn lại của những người đi qua thời bom đạn. Đó là những vùng tối, những vũng tối nhân gian sang chấn tinh thần. Trong nỗi người nhức nhối ấy, nhà thơ tập trung vào người nữ. Họ là những phận người âm u nhất. Con người đã kéo lê một cuộc sống chết! Họ quên sống. Những phận người cứ héo đi: trinh nữ buồn, sương phụ vật vã, mẹ khổ đau.
Đó là một cuộc sống hao khuyết, què quặt. Dưới những mái nhà không chồng vợ, không có chàng, không có thiếp, không có tiếng trẻ vui cười: “Anh dâng máu cho quê hương/ Rồi về làm cây cỏ/ Em vì anh chịu một kiếp đắng cay” (Bài thơ trong ngăn kéo). Họ là những chinh phụ hóa đá thời hiện đại. Lính trận không về, người đàn bà trở thành vợ liệt sĩ - một danh thơm cợt trêu của tạo hóa. Những quan niệm tiết hạnh rêu phong mà nghiệt ngã ngàn đời đã trói chặt người đàn bà vào màn khói hương hư ảo: thờ chồng. Và dĩ nhiên, con người quên sống. Họ tự du ca trong khúc ai vãn “tiết hạnh khả phong”.
Những người con gái đã “đợi thuyền”. Bao mùa chiến chinh qua đi, họ chỉ chờ có một mùa vui hợp hoan, nhưng mùa ấy không bao giờ có thể. Những cô gái như bến đợi thuyền. Từ lúc tóc còn xanh đến khi mái đầu trắng thời gian, họ vẫn nguyên màu trinh nữ. Những bến đợi thành “bến không chồng”. Biết bao vùng hương trinh nữ như thế khắp các vùng quê Việt: “Đất nước có những nốt trầm rả rich mưa ngâu, nhiều cô gái không một lần mang áo cưới” (Đất nước toàn những dòng sông cái).
Xét từ góc độ diễn ngôn đạo đức, người nữ là tấm gương thủy chung son sắt, hy sinh vì nghĩa lớn. Họ được dân tộc tôn vinh. Dưới cái nhìn nhân văn về quyền sống con người, họ bị tước đoạt quyền sống.
Khúc bi ca người phụ nữ Việt hay những người đàn bà xứ khác trong chiến tranh trên Trái Đất này cũng chỉ chung một cung trầm não nuột. Hình tượng “những người đàn bà Trung Đông” trên hoang mạc cát mênh mông nhuốm màu liêu trai u uẩn. Họ vật vờ như những bóng ma đen, biểu tượng đen. Họ “nháo nhác chạy…Gió tung bộ váy màu đen như một cánh diều/ Chao đảo mơ hồ giữa mênh mông sa mạc…/ Thành lá phiêu diêu/ Rơi rụng xuống các lối mòn về ngõ cụt/ Những người đàn bà lầm lũi kéo đời mình trên sa mạc/ Bộ đồ màu tang đang dần hóa khói mây” (Những người đàn bà Trung Đông).
Chiến tranh mềm lại hủy hoại tâm hồn con người, tâm hồn dân tộc, tha hóa văn hoa nội sinh. Đồng tiền ngoại quốc, mộng ước công dân toàn cầu đã mê dụ con người về phía bờ xa ảo. Người Việt quên lối về làng, quên lối về ngày giỗ Tổ. Nhà thơ thường trực, đau đáu nỗi âu lo về tương lai văn hóa Việt sẽ đi về đâu? Đó là nỗi âu lo vong bản văn hóa: “Dẫu vẫn còn đây đất đai và núi rừng song bể/ Nhưng hồn nước Việt đâu rồi?” (Chiến tranh mềm).
Câu hỏi lớn dội lên từ sáng tác Nguyễn Đình Minh: “Hay chúng ta đã chết?” Chúng ta chết vì dịch bệnh, vì chiến tranh, vì nền văn mình kỹ trị… Con người đã và đang suy tàn. Con người đang xê dịch về phía “bê tông hóa”, “số hóa”, “kim loại hóa”, “dã thú hóa”. Viễn cảnh tăm tối đó khiến ta không thể không hoảng hốt: “Nếu bỗng một ngày loài người hóa vàng ròng/ Thì thế giới thành lặng câm đá sỏi/ Trái Đất xoay buồn trong gió hồng hoang” (Tâm hồn). Nếu ngày đó đến thật thì chỉ có một nhân loại chết!
2. Sáng trong “Ở đây, lúc này” là nguồn sáng, ánh sáng, vùng sáng, như một “nguồn thiêng, vùng thiêng”, đối lập tương phản chống lại bóng tối.
Nguồn năng lượng sáng ấy, trước hết là tâm lượng từ chủ thể trữ tình. Ngọn lửa đã ấp iu, nuôi dưỡng, thắp sáng trí tuệ tâm hồn nhà thơ để có một hồn thơ, khỏe khoắn, bản lĩnh.
Sinh quyển văn hóa làng quê, những nghiệm sinh cuộc đời, một năng khiếu thi ca thiên phú, một quá trình tự tích lũy tri thức nhân loại đã cộng hưởng làm nên một gương mặt tác giả riêng. Nguyễn Đình Minh như “lặng lẽ đời cây” mà lên xanh, mà trổ hoa, mà đơm quả chín dâng hương cho đời.
Có một ý thức trữ tình công dân, cái tôi tự nhiệm, tự nguyện dấn thân gánh lấy phần khó khăn của thi ca vị nhân sinh đã quyết định phong cách nhà thơ. Bởi thế, tác giả đã lao vào những tâm chấn thời đại (lên trên bài viết đã tri nhận).
Sáng trong thơ Nguyễn Đình Minh là ánh sáng đánh thức trí tuệ và tâm hồn, lương tri và trái tim con người. Nhà thơ và chúng ta cùng nhập dòngvăn hóa thức tỉnh”. Chúng ta cần thông minh tỉnh táo để nhận diện cái ác, đối thoại và phản biện cái ác. Tác giả cật vấn các yếu nhân bạo chúa, soi thấu những góc tối tăm của con người; lật tẩy chiêu bài dụ ngôn mê hoặc con người; bản lĩnh bóc trần tư tưởng bá quyền, tranh đoạt cưỡng bức thiên hạ: “Con tàu sơn bản văn mình chạy trên đường ray Trung cổ/ Đại dương của nhân gian, be lại nhận ao làng (Đọc sấm Trạng ngày biển động). Với “Chiến tranh tại sao?”, nhiều đối thoại gay gắt đặt ra trước số phận nhân loại? Tại sao không trả lại cho bầu trời “những miền bát ngát xanh và chim bồ câu trắng” (Bầu trời Pi-cát-xô của em). Tại sao “mặt trời thảng thốt hóa màu đen” (Thơ và súng)? Tại sao thiếu bếp lửa yêu thương sưởi ấm nhân loại nhưng đạn bom thừa thãi (Thời thiếu lửa, thừa bom). Tại sao những vùng đất giàu có, những quốc gia giàu có thành vùng đất chết (Những người đàn bà Trung Đông)? Tại sao cũng con người, lại có thể gieo tình yêu nơi này, gieo bạo tàn nơi khác (Gửi ông Obama, Cuộc chiến thời văn minh, Mạng nhện)? Chúng ta cũng cần ngộ ra câu chuyện ngàn đời trong mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên. Con người ảo vọng, ngạo cuồng cho mình là chúa tể, nhưng dường như, con người vô cùng bi thảm. Trước thiên nhiên vĩ đại, hóa ra, con người chỉ là cát bụi, yếu ớt đáng thương, mê ảo: “Những bầy kiến mang tên nhân loại/ Dưới đáy giếng sâu vẫn giương mắt nhìn trời” (Chủ nhân); “Chối bỏ mẹ Thiên nhiên, ngỡ mình hóa thánh”/ Vẫn nhỏ bé mong manh…/ Và vẫn chỉ con người” (Nghĩ trong đếm đại dịch). Chúng ta hãy hòa đồng với thiên nhiên, hãy trân quý món quà mẹ thiên nhiên đã ban tặng con người. Chúng ta hãy đừng làm tổn thương thế giới tự nhiên này thêm nữa: “Huyễn hoặc với những chân trời ảo/ Mà quên trên đầu rờ rỡ mảnh trời xanh” (Ta là ai?).
Đâu đây, lời khuyên của bậc hiền triết xưa dường như vọng lại: thuận theo tự nhiên mà sống! Thông điệp tưởng chừng giản dị đó, nhưng nhân loại đã bước qua, bỏ lại sau lưng mấy ngàn năm. Nay, người ta muốn quay về, cần quay về. Biết bao sâu xa, sâu sắc trong mệnh đề giản dị đó. Không chỉ là quan hệ ta với tự nhiên mà còn là ta với ta giữa nhân loại: “Thuận theo tự nhiên thong thả sống/ Như sóng sau nổi lên/ Bình thản sóng trước chìm” (Nghĩ trong mùa lá rụng).
Gột rửa, “giặt giũ” thanh tẩy tâm hồn mình, đã nhiều lần nhà thơ tự vấn. Chỉ có tự thức tỉnh, tự nhận thức, con người mới quay về đường sáng không mê lạc. Gạt bỏ, buông bỏ, tham, sân, si, sống với trái tim biết rung cảm trước thiên nhiên, vạn vật và với con người… lúc đó, con người sẽ nắm tay nhau ca khúc hòa bình.
Dù Ở đây, lúc này đầy bóng tối, song cuối con đường kia, nhân loại đã nhìn thấy ánh sáng đang tràn về. Tác giả có niềm tin vào một tương lai sáng. Như quy luật đắp đổi, vận hành của bản thể tự nhiên, đêm tàn, bình minh ló rạng. Và sớm mai, “mặt trời vẫn thức gọi Sài Gòn”. Một hành trình, một nhịp sống mới sẽ bắt đầu; trong họa có phúc, trong âm đã có mầm dương, trong suy tàn đã có mầm hồi sinh, trong đêm đại dịch có em bé cất tiếng chào đời: “Lẽ sinh sôi tự nhiên vốn đất trời…/ Như nguồn sáng thiêu tàn đêm đại dịch” (Tiếng chào đời đêm đại dịch); có những sự ra đi về cõi vĩnh hằng ở phía bên kia, cho phía bên này “sự sống tái sinh” (Để sự sống tái sinh, Khói hương Đồng Lộc)… Cứ như thế, muôn đời cho vòng quay sinh nở không ngừng tuôn chảy, cho dòng sống trường tồn: “Hoa rơi, nhưng gốc hoa lại tái sinh” (Cây hoa và cây thập tự); “Giữa hoảng hoải úa tàn giá lạnh/ Nghe lộc biếc hẹn xuân đang cháy ruột cựa mình” (Nghĩ trong mùa lá rụng).
Ở đây, lúc này có nhiều vùng chết lặng lẽ chìm trong tối tăm, nhưng “chân dung quê mẹ” vẫn lấp lánh những ánh vui, nguồn sáng dẫn lối ta về.
Đọc Nguyễn Đình Minh, có một tình yêu thiết tha văn hóa Việt, một dòng văn hóa Việt thao thức, mải miết chảy dưới trời quê. Sinh thái văn hóa làng quê trong thơ Nguyễn Đình Minh như một “nguồn thiêng”, “vùng thiêng” tựa hồ như một thứ tôn giáo được tôn thờ. Tôi tri nhận như vậy liệu có cường điệu quá chăng? Chưa bị bụi bặm, chưa bị ô nhiễm, miền xanh thẳm đó luôn là một vùng trong. Suối nguồn trong trẻo ấy nuôi dưỡng “hồn rơm, vía dạ”. Đó là hồn quê – căn cốt văn hóa nội sinh.
Cũng bởi thường trực, đau đáu nỗi lo vong bản văn hóa, thơ Nguyễn Đình Minh có ý thức sâu sắc thức tỉnh văn hóa truyền thống. Ở đâu, lúc nào, tác giả cũng canh cánh nỗi niềm quê mẹ. Nếu thời Nguyễn Bính, chỉ có chút “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” thì thời nay, vía hồn văn hóa đã đang phai nhạt, xa lạc nơi đâu? Nếu hồn vía bay đi, chỉ còn văn hóa chết! Văn hóa đang dần vơi cạn, mòn vẹt, biến dạng. Nó bị lãng quên hay ngủ vùi đâu đó? Nhà thơ trước đây đã từng thảng thốt và luôn nỗ lực, muốn “chấn hưng” nền văn hóa dân tộc: “Tôi cố căng hết cả hồn ra níu hồn rơm rạ/ Nhưng bọn trẻ lại nhào theo vùng sáng lập lòe”(Ghi trong tour du lịch).
Khúc vĩ thanh, nhà thơ tặng độc giả nhiều thi phẩm đẹp về làng quê. Dẫu vẫn nhiều nốt trầm trong những du ca đồng nội đó, song vẫn là vùng bình yên để tâm hồn “đậu xuống quê hương”.
Chính sinh quyển văn hóa thôn làng đã thay đổi sắc màu không/ thời gian thơ Nguyễn Đình Minh. Khúc xưa gợi đường về miền văn hóa hiện hữu những giá trị chân, thiện, mỹ.
Chủ thể văn hóa đó chính là người nữ thôn quê. Người Việt có một Đạo Mẫu. Người Việt tôn thờ các Mẫu/ Mẹ: Mẹ Trời – Mẫu Thượng Thiên; Mẹ Núi Rừng – Mẫu Thượng Ngàn; Mẹ Nước – Mẫu Thoải (Mẫu Thủy); Mẹ Đất – Mẫu Địa. Trong tâm thức Việt, mẹ là quê hương, mẹ là Tổ quốc. Tâm hồn mẹ làm nên tính cách người Việt, bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng ta có một cái nôi văn hóa mẹ, dòng văn hóa mẹ, văn hóa in đậm tính nữ: “Đất nước toàn những dòng sông cái”.
“Ánh quê” bao đời vẫn lấp lánh những buồn vui thương khó của nhân dân, của mẹ, của chị, của người vợ, của người em gái quê mùa lam lũ, hy sinh, nhẫn nại, nhân hậu, vị tha, chung thủy một đời… Ở nơi ấy cho ta sức mạnh niềm tin không quỵ ngã, cho ta nuôi mơ ước giữa mịt mù gian khó: “Mẹ thân cò lặn lội đêm sông…/ Những lam lũ đói nghèo, vo lửa thành hạt đỗ/…Giữa bóng tối chân mây vẫn có một ngọn đèn” (Ánh quê).
Hồn quê trọng tình người. Văn hóa Việt trọng tình làng nghĩa xóm, đùm bọc, chở che. Và mẹ đã không bao giờ vơi cạn nguồn thương yêu ấy: “Vẫn những cánh buồm trong bão táp trùng khơi/ Bất chợt mẹ cho chữ tình chắp cánh/ Để ta bay qua hiểm trở cuộc đời” (Neo đậu ở nhà mình). Đó còn là những người vợ luôn giữ bếp lửa ấm, luôn xây tổ ấm, rộn tiếng vui cười: “Em như loài chim chỉ trút hồn xây tổ/ Hót gọi mùa yêu thơm hương nở nhà mình” (Em là… trái tim anh); đó là những người con gái tuổi thanh xuân “gánh Tổ Quốc trên vai rồi ngã xuống” (Khói hương Đồng Lộc); đó là những chàng trai “dâng máu cho quê hương/ Rồi về làm cây cỏ” (Bài thơ trong ngăn kéo); đó là những người cha “đôi vay gầy gánh một thời lửa máu”, là “cây lúa ven đê, mùa lũ nổi chìm” (Chân dung quê mẹ)…
Có lẽ, rộn ràng mà bình yên, trong trẻo mà nhiều sắc màu mê dụ nhất là bức họa đồng quê diễm lệ. Ở đâu, ta cũng thấy thân quen mà vô cùng quyến rũ, mộc mạc mà lãng mạn, bay bổng: Có một “dòng sông dát nắng vàng trưa lấp lóa” ; có bầy trẻ thơ đuổi theo những đốm sáng, hạt đêm khi có “cơn mưa đom đóm” thắp đèn; tháng Ba ơi! Hoa gạo đỏ triền đê; mùa hè gọi “lửa phượng ngời” cho tiếng ve rộn rã; tháng Chạp, ven sông “hoa cải hẹn hò vàng”! “Bất ngờ hương ổi” chin, thơm ngọt cả vườn quê vời vợi hoài niệm tuổi thơ; những bông sen “từ bùn nước…vươn thắm nở” thanh khiết lạ thường; “những chú cá rô lách ngược dòng” trong mưa tháng Ba; vó bè ai cót két giữa khuya vắng, như lời tự sự buồn đêm trăng suông…
Một làng quê ăm ấp tình quê, giàu có vô cùng những sáng tạo văn hóa vật thể và phi vật thể hiện hữu trong thơ Nguyễn Đình Minh.
Tinh thần cố kết cộng đồng làm nên sức mạnh cộng sinh, giúp dân tộc ta chiến thắng kẻ thù ngoại bang và vượt lên thiên họa: “Tình quê kết muôn đời như dây mơ rễ má/ Hồn nước ủ trong ngàn câu chuyện cổ/ Và thơm hoài trong vuông bánh chưng xanh” (Đậu xuống quê hương). Ở đâu đó, “Nghe thì thùng trống hội”, trẻ con, người lớn háo hức tìm về; mẹ ta, chị ta, em ta “mang câu tục ngữ quấn lưng người đi cấy”!; bà ta “run run đỡ cả thời viễn cổ”; ở miền Kinh Bắc kia, các liền anh, liền chị cứ đến hẹn lại lên, cùng nhau ca “Năm canh quan họ”, để mãi còn khắc khoải câu giã bạn; những chàng trai, cô gái đi “Qua mùa hát đúm” để giao duyên, xôn xao những vùng hương trinh nữ; một đêm nghe trống chèo, ta vin áo mẹ đi xem; một bát nước chè xanh, một miếng trầu thắm lại, mát lòng quê khi trưa hè nắng, ấm khi đông về; những ông bồ rau chụm đầu giữ lửa…Một làng quê như thể, sao c&oac