Viết về tập thơ “Người hát quan họ đêm Tây Hồ” - Nguyễn Đình Minh – Nxb Văn hoá Dân t ộc.

 

 

 

Nhà thơ Lê Lâm

Hội viên hội nhà văn Việt Nam

quan_ho

Gần mười năm sống ở miền núi với một thầy giáo trẻ lại là một người làm thơ đã in vào tâm khảm anh nhiều điều. Từ đấy không những anh hiểu thêm về con người mà còn thấy yêu thêm cảnh sắc thiên nhiên.

 

Đây là thị xã Lai Châu vào những năm 90 (Thế kỷ XX):

Thị xã nhỏ trong vòng ôm của núi

Dòng Nậm Na như mái tóc nàng tiên

Phía này núi mặt trời vừa khuất

Bên kia đầu non trăng đã lên.

(Thị xã cuối trời)

Cũng cái thị xã ấy, anh nhận ra hiện tại và quá khứ đang cùng cất lời trong nhịp sống mới với những con người sinh ra trong hoà bình trong đó có các học sinh của anh:

Đi trên đường Điện Biên hôm nay

Nghe âm vang của một thời quá khứ

Xôn xao đường phượng màu trổ lửa

Vòng đu quay ran ríu tiếng trẻ cười

(Trên đường Điện Biên)

Về đồng bằng lại là vùng lúa, quê hương của Trạng Trình, anh nhận ra khát vọng vươn tới của các em:

Học trò của vùng quê lúa

Ép vào trang vở một thời

Tựa lưng vào màu hoa đỏ

Căng buồm đè sóng ra khơi

(Hoa trạng nguyên)

Không chỉ ở vùng núi, ở đồng bắng, anh còn có dịp đi nhiều, mặc dù với một người làm quản lý, công việc rất bận rộn, thường là vào dịp nghỉ rất hiếm hoặc các đợt công tác, và điều này mới đáng nói, hình như đến đâu anh cũng có thơ mà không phải là những ghi chép vội vàng, thiếu lắng

đọng mà thơ đòi hỏi, chỉ được cất lên khi sự kiện, cảnh sắc đã trôi qua. Nghe hát quan họ ở Hồ Tây, anh cảm xúc:

Mặt trăng chìm xuống Tây Hồ

Làm thành câu thơ lung linh đáy nước

Bên anh, em khe khẽ hát

Người ơi, người ở đừng về

Đây Tây Hồ trăng mỏng mảnh lung lay

Không dám thở sợ làm tan vỡ

(Người hát quan họ dêm Tây Hồ)

Một đêm, thấm vào tâm hồn câu của miền tây Nam Bộ làm anh thao thức:

Sao vỡ vụn rắc lên mặt sóng

Gió run lên trong những sợi tơ dàn

Da diết thế điệu lý thương tìm bạn

Giữa ầm ào sông Hậu mênh mang

(Đêm Ninh Kiều nghe lý thương nhau)

Sống có kỷ niệm với nhiều vùng đất, hình như cũng làm anh các làn điệu dân ca, có những thể loại với người hiện đại hôm nay xem như đã cũ, với Nguyễn Đình Minh vẫn thấy mới mẻ vừa lắng đọng hồn đất nước vừa khiến người ta thấy mình trưởng thành lên, điều mà ở thành phố khó nhận ra:

Bao năm lạc vào trong phố

Hôm nay về quê theo mẹ xem chèo

Tôi cao lớn mẹ hình như nhỏ lại

Đêm trăng làng thì vẫn trong veo

(Đêm xem chèo quê nội)

Với Huế, vùng cố đô xưa, nơi có câu hò man mác nước sông Hương, nơi cũng có nhiều làn điệu dân ca cũ đến nay vần làm xao xuyến lòng người, Nguyễn Đình Minh dùng lời thơ lục bát để diễn tả tâm trạng mình, một thể thơ gợi lên sự êm đềm đến nhịp nhàng:

Thầm thì gió nói lời yêu

Không em có nói trăm điều bằng không

Một ngày lặn lội ngóng trông

Một đời bạc tóc vì mong nhớ người

Ai đem câu hát bẻ đôi

Để em thành cánh bèo trôi cánh bèo

(Huế thương tìm bạn)

Truyện cổ, ca dao, nơi chứa đựng một phần tâm hồn dân tộc, với Nguyễn Đình Minh đâu có cũ kỹ mà vẫn khơi dậy trong lòng lớp trẻ, là những học trò của anh sự cảm thông:

Bao giờ người hiền hết khổ

Cô ơi giảng nữa em nghe

(Truyện cổ em nghe)

Và với riêng anh, Nguyễn Đình Minh bộc bạch tâm trạng của mình dù có nói quá một chút mà người đọc vẫn thấy không có gì là “không thât”:

Hẹn người nếu có kiếp sau

Cho tôi xin một miếng trầu người têm

(Ca dao)

Thơ Nguyễn Đình Minh rất dễ đọc, gắn với sự giản dị, không chuộng sự “tân kỳ” mà không ít người đã hiểu sai, nghĩa là làm cho thơ thêm rối rắm khó hiểu.

Thơ anh vẫn biểu đạt được cuộc sống hiện tại vốn nhiều phức tạp và đầy khuất khúc mà không phải không có phát hiện, phải dẫm lên lối mòn của người đi trước. Và điều này vốn rất quan trọng với người làm thơ là sự chân thực gắn với cảm xúc khi nhìn vào con người và sự vật, Nguyễn Đình Minh đã tạo được bước đi riêng cho thơ mình.

Mùa thu, 2005

Lê Lâm