Có thể bạn quan tâm
Vỡ Trận Lễ hội đền Trần 2013
Dự tính một Lễ hội đền Trần 2013 sẽ thoát khỏi 3 sự khủng hoảng của các lần tổ chức cũ, đảm bảo trang nghiêm và tính chất lễ hội được trả cho cộng đồng đã thất bại. Lễ khai ấn đền Trần 2013 đánh dấu sự hỗn loạn cũ và xuất hiện nhiều tiêu cực mới.
Trận vẫn vỡ đêm khai ấn
Trước khi lễ khai ấn đền Trần diễn ra, Ban tổ chức khẳng định có hàng loạt biện pháp hữu hiệu đảm bảo sự tôn nghiêm và “trả lại lễ hội cho cộng đồng” với hy vọng đúng với tính chất nguyên thủy của nó; nhưng điều ấy dường như vẫn còn là điều gì quá xa vời trong Lễ hội đền Trần 2013.
Những khác thường của lễ hội năm nay được thể hiện ngay từ cách tổ chức đêm khai ấn. Ban tổ chức hùng hồn tuyên bố, vào giờ thiêng để giữ sự tôn nghiêm, chỉ cho 1.000 người được vào bên trong khuôn viên đền để đảm bảo lễ rước, đóng ấn trong sự trang nghiêm, trật tự, nhưng vào thời điểm khai ấn, trong sân đền Thiên Trường, Cố Trạch có tới gần vạn người. Sở dĩ như vậy là bởi số lượng này gồm toàn khách VIP. Nhóm các phóng viên báo chí có mặt thay nhau xác nhận và thông tin cho nhau thì thấy tại sân đền có đủ lãnh đạo các ban ngành của tỉnh Nam Định, rất nhiều quan chức T.Ư và các địa phương khác và đi kèm là con cái cháu chắt người thân của họ. Chính vì sự “ưu đãi” này tạo ra nguyên cớ tràn vào sân của rất đông khách, làm cho số người vào giờ thiêng tăng đột biến. Và đây cũng là nguyên nhân tạo ra sự “vỡ trận” của lễ hội đền Trần năm nay . Cảnh ném tiền vào kiệu ấn, tranh cướp đồ lễ diễn ra trong sân đền Thiên Trường... tạo ra sự phản cảm của một lễ hội lớn.
Trước đó, Phó viện trưởng Viện Văn hóa dân gian, ông Dương Hồng Quang, người chủ trì đề án Tổ chức lễ hội đền Trần, cho biết lễ hội đền Trần đã thoát khỏi 3 khủng hoảng là khủng hoảng về hình ảnh, khủng hoảng về giá trị và khủng hoảng về trật tự lễ hội. Nhưng kết luận này trở thành võ đoán trước giờ khai ấn. Và khung cảnh từ thực tế cho thấy lễ hội Đền Trần 2013 không khác bao nhiêu so với các năm trước vào lúc giờ thiêng.
Đồng tiền chường mặt trong lễ hội
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay, ai cũng nghĩ Lễ hội sẽ giảm đi cảnh chi tiêu của người dân, nhưng ngược lại, người đến đặt lễ dày đặc tới mức không còn chỗ mà đặt lễ. Sự chơi sang của nhiều đại gia trong việc sắm mâm lễ đã chiếm những diện tích khá lớn của bàn bày lễ, có mâm lễ lên tới 50 triệu đồng. Sự kỳ công của những mâm lễ “độc” cũng được trưng bày, người ta dễ dàng nhìn thấy trên đó là những món đồ hoa quả quý hiếm được lấy từ nhiều miền của đất nước như Phật thủ, hoa cau…
Bắt đầu từ cách bố trí có chủ ý của BTC, khoảng 50 hòm công đức được đặt khắp nơi trong di tích đền Trần. Nhiều dãy bàn chạy dọc lối vào đền Thiên Trường, Cố Trạch với các chồng phiếu ghi công đức được in sẵn các mức đóng từ 50.000 đồng trở lên… Cũng tại đây, nhà đền bán ấn trấn trạch, lệnh bài và cả thẻ cầu may cho xe ô tô để thu thêm kinh phí. rất công khai.
Việc phát ấn cũng không như thông báo, mà có tiền mới mua được ấn. Buổi sáng giá bán là 10 nghìn đồng. Vào buổi chiều khách chen chúc như một biển người trước hai dãy nhà, nhiều cụ già và có cả nhà sư vẫn chen vào để lấy ấn. Người ta chồng lên nhau, bám cả vào mái nhà đu người để tiếp cận bên trong. Có lúc khách phải mua vé từ 1 nhà khác giá tăng lên 15 nghìn đồng và cầm vé vào lấy ấn. Anh Trần Thanh Hoài ( Lạc Tray Hải Phòng) rất ngỡ ngàng khi đưa ra 200 ngàn đồng mà cũng chỉ được có 2 phiếu lĩnh ấn, điều này chi Phạm Thị Liên chủ một quán hàng (tại Đền) giải thích, mỗi người chỉ được 2 vé, anh đưa vậy người ta mặc nhiên coi là tiền anh phát tâm công đức.
Ảnh: Ấn Thái Bình(màu nhạt) và Ấn Nam Định
Người lấy được ấn thì vô cùng hể hả, có nhiều người âu lo lắc đầu ngán ngẩm vì biển người ken chật không biết có lấy được không; Tuy nhiên cũng có những người ung dung uống nước. Hỏi một khách trung niên có vẻ từng trải, anh là Võ Đức Hồng từ hải Dương qua, anh cười “ chỉ mấy phút nữa sẽ có đầy ấn, tội gì mà khổ vậy”. Quả nhiên chỉ sau khi loạt vé đầu phát ra, người “cò ấn” đẫm mồ hôi cầm ra cho anh 10 ấn với giá 30 nghìn/ấn và hàng chục người khác nhờ đó mà mua được.
Sáng 16 tháng giêng những đoàn xe vẫn lũ lượt dồn về đền Trần, lực lượng công an, dân phòng vẫn phải căng sức hướng dẫn giao thông… Có lẽ để có một Lễ hội văn hóa và trả nó cho cộng đồng như đề án Tổ chức lễ hội đền Trần của Viện văn hóa Dân gian thì các cơ quan văn hóa quốc gia và UBND tỉnh Nam Định rất cần nghiên cứu và tìm ra những giải pháp khác có hiệu lực khả thi hơn.