Ai gỡ rối cho rối nước Nhân Hòa?
Rối nước dân gian Nhân Hòa một thời lừng danh sân khấu toàn quốc và nước ngoài, sau nhiều lần củng cố khôi phục…vẫn đang có nguy cơ không trụ vững. Bài toán duy trì vốn cổ truyền ở nơi đây còn loay hoay tìm cách giải.
Niềm vinh quang đã ngả màu quá khứ
Trong cuốn “Nghệ thuật múa rối nước” – NXB Văn hóa 1976, nhà nghiên cứu Tô Sanh cho biết nghệ thuật múa rối Nhân Hòa (gồm cả múa rối cạn và múa rối nước), bắt đầu từ múa rối cạn, do gia đình cụ Ngại thành lập năm 1921, sau khi tiếp thu môn nghệ thuật này và được sự giúp đỡ của các nghệ nhân phường Nguyễn. Ban đầu, người gia nhập hội góp 5 đồng và 3 cân gạo để “thầy ăn đục quân rối” trong 3 tháng. Từ đây phường rối Nhân Hòa trưởng thành, đến năm 1961 đã xây dựng được 22 tích diễn. Ông Trần Văn Đôn nguyên trưởng ban văn hóa xã Nhân Hòa, cho biết: từ những năm 1960, Phường rối chuyển sang chuyên diễn tích rối nước và đã có 2 lần tái thành lập vào các năm 1978, củng cố khôi phục năm 1991 và là 1 trong 14 phường rối nước toàn quốc trở thành thành viên của ULIMA (Tổ chức Múa rối nước) Việt Nam. Đến nay Phường có 20 người (gồm cả diễn viên và ban nhạc), đều là con em trong làng, hiện đã có hơn 100 con rối to nhỏ các loại, diễn được hơn 30 trò múa rối... độc đáo, mang đậm chất làng quê vùng biển sôi động.
Phường đãtham dự khá nhiều chương trình biểu diễn trong nước, quốc tế từ những năm 70 của thế kỷ 20 và sở hữu nhiều bộ huy chương vàng, bạc, đồng và bằng khen. Mới đây, Phường vẫn thu hái được nhiều thành tựu: Huy chương vàng Liên hoan nghệ thuật Rối nước dân gian Festival Huế 2004, Hai Huy chương vàng và Bạc; Liên hoan Rối nước không chuyên toàn quốc Phú Thọ 2005… Và tại Liên hoan múa rối dân gian toàn quốc (6-2011) do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) tổ chức, trong số 15 phường múa rối của 7 tỉnh thành phố, phường múa rối nước Nhân Hoà đoạt 2 giải A (chương trình múa rối và trò diễn hay).
Một đoàn nghệ thuật của một làng quê có bảng tổng sắp thành tích tầm quốc gia như vậy, nhưng lại đang có nguy cơ tan rã. Trưởng phường, ông Trần Văn Phước nay đã ở tuổi ngoại thất thập than thở: “Chỉ 5- 10 năm nữa thôi, khi lớp chúng tôi không đủ sức để xuống nước được nữa, nghề múa rối Nhân Hòa không biết sẽ ra sao?”. Sự thật đúng vậy. bởi các nghệ nhân phường rối là những đại úy quân đội phục viên giờ đã cao tuổi như ông Trần Đức Tụ, Ông Trần Đức Thịnh và những cô thợ thêu, thợ cấy như cô Liên, cô Miên, cô Xuyến tuổi ngoại 40... trong khi lớp trẻ không mặn mà với nghề mà phải dầm thân dưới nước dù nóng hay lạnh nhưng mỗi tua diễn gần 2 tiếng cũng chỉ được khoảng 40 ngàn đồng!
Đành rằng ai cũng biết làm nghệ thuật nhờ vào cái tâm, cái tài, nhưng cái tâm cái tài ấy phải sống được bằng những thứ quyết định sự tồn tại của nó đó là cơ chế hoạt động tầm vĩ mô, là sự đầu tư bằng tiền, bằng vật chất.
Nghệ nhân diễn vì…lòng yêu!
Ông Nguyễn Viết Bính, Trưởng phòng văn hóa huyện Vĩnh Bảo từng trăn trở: làng rối nước Nhân Hòa là một điểm đến trong tuyến du khảo đồng quê của TP.Hải Phòng nhưng lại phải “tự sản tự tiêu”; còn ông Phạm Đức Quang Sở VH-TT-DL Hải Phòng cũng thừa nhận, phường rối nước Nhân Hòa là điểm đến hấp dẫn của du lịch Hải Phòng nhưng không có sự đầu tư kinh phí để bảo tồn và phát triển. Rồi tất cả cũng chỉ dừng lại ở sự chia sẻ.
Người của Phường trong lúc đợi chờ một cơ chế vẫn lam lũ làm các nghề khác và cùng nhau biểu diễn để thỏa lòng yêu, để cố níu giữ lấy chút lửa văn hóa đặc sắc cổ truyền. Song trong khi cơ chế thị trường khắc nghiệt chi phối, việc lấy lòng yêu mà giữ nghề thì quả là chưa đủ. Muốn phát triển Rối nước Nhân Hòa cần sự đầu tư không chỉ về kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, kinh phí chi trả hoạt động biểu diễn… mà còn phải được đầu tư nâng cao tính nghệ thuật chuyên nghiệp (Kịch bản, đạo diễn, diễn viên); và gắn với tuyên truyền quảng bá thương hiệu, hợp tác như những thương vụ làm ăn kinh tế với các tuor du lịch lữ hành. Mặt khác để tạo các chương trình diễn ổn định cần nghiên cứu hợp tác với ngành giáo dục đào tạo, Thành đoàn, xây dựng những xuất diễn cho học sinh trong chương trình học tập trải nghiệm…
Sự thật cho thấy các xuất diễn đã thưa vắng dần. Nhà thơ Triệu Thị Huệ (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Hồ Chí Minh), khi xem có nhận xét: con rối cần phải cách điệu cho đẹp và kích cỡ lớn mới hợp với sân khấu là cái ao rộng hoang sơ; có mấy chục phút mà diễn tới 5-6 tích trò thì chỉ để nhìn vui mắt chứ không kịp cho ta thấy các chức năng nghệ thuật. Còn kỹ sư Romain Rolland (Tulon – Cộng hòa Pháp) tâm sự: “rất sinh động, rất lạ, nhưng tôi không hiểu gì vì chẳng nghe thấy và nhiều nội dung vụn vặt quá không liên kết được”.
Từ tâm sự của khách có thể thấy rõ việc giữ “hồn cốt dân tộc” không nhất thiết là giữ các bản diễn thô mộc ngày xưa; Cần phải có sự sáng tạo thích ứng phù hợp với tiết tấu cuộc sống mới mà vấn đề tối quan trọng là đẹp, hay, nắm bắt và thỏa mãn nhu cầu của khách. Và nếu không muốn mất những tua diễn có khách nước ngoài thì buộc phải có đội ngũ làm phiên dịch với những phương pháp phục vụ tối ưu.
Tuy nhiên, trở lại vấn đề đặt ra ban đầu thì để những giải pháp trên đi vào đời sống thực tiễn thì chỉ các nghệ nhân làng rối Nhân Hòa không thể nào đủ sức. Và câu hỏi treo trên mảnh sân khấu đình làng Nhân Mục vẫn bời bời day trở?
Bài đã đăng trên báo cuối tuần HP
Nguyễn Đình Minh