Có thể bạn quan tâm
Phượng đỏ có là “Quốc hoa” của thành phố cảng?
Đã đăng trên Báo Hải Phòng cuối tuần số ngày 8 tháng 6 năm 2012
Trên thế giới, nhiều quốc gia lựa chọn 2-3 loài hoa làm quốc hoa, giới chuyên môn và những người yêu hoa còn nêu ra một đề nghị khá thú vị, đó là ngoài quốc hoa, mỗi tỉnh thành chọn một”quốc hoa” riêng làm biểu tượng. Nếu điều này xảy ra, hoa phượng đỏ có là “quốc hoa” của Hải Phòng?
Tiêu chí của loài hoa mang sứ mệnh “quốc hoa”
Từ tháng 8/2010, Bộ VHTT đã chính thức thực hiện đề án quốc hoa để trình Chính phủ xin quyết định, và trải qua nhiều lần bình chọn qua Intenet và trên thực tế, Năm 2011, hoa Sen hồng đã được lựa chọn làm quốc hoa Việt Nam và là loài hoa đầu tiên trên thế giới được lựa chọn làm quốc hoa cho một quốc gia.
TS Nguyễn Trung Nhật Phó cục trưởng Cục mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, người trực tiếp làm thường trực Ban soạn thảo đề án này đã khẳng định, mặc dù Việt Nam là khu vực đa dạng sinh thái và có rất nhiều hoa đẹp như Đào, Mai… nhưng ưu thế nổi trội so với tiêu chí vẫn là hoa Sen hồng. Cái ưu thế mà TS Nguyễn Trung Nhật đề cập chính là căn cứ trên những tiêu chí được công nhận theo các phạm trù văn hóa của loài hoa Sen. Theo đó, loài hoa mang sứ mệnh quốc hoa phải đảm bảo được nhiều yêu cầu. Loài hoa ấy phải dễ trồng, có mặt từ lâu đời ở nhiều vùng miền của quốc gia; mang cốt cách tinh thần của dân tộc; Hoa phải có sắc màu đẹp, hương thơm, có giá trị mang lại lợi ích nhiều mặt trong đời sống xã hội. Mặt khác hoa phải được chọn làm biểu tượng có tính lịch sử trong các công trình kiến trúc, nghệ thuật và văn chương. Đặc biệt hoa phải được nhiều người yêu thích và tôn vinh.
Vậy, nếu Bộ VHTT&DL có tổ chức xây dựng chương trình bình chọn “quốc hoa” cấp tỉnh thành, thì Hải Phòng sẽ chọn loài hoa gì? Chắc chắn người đất Cảng sẽ chọn Hoa phượng vĩ.
Sức sống mãnh liệt , sắc màu giàu tính biểu trưng
Nếu so sánh với các tiêu chí về quốc hoa nêu trên , Hoa Phượng đỏ có nhiều ưu (trên thực tế còn có phượng tím và vàng). Trước hết phượng có miền sinh trưởng rộng khắp trên thế giới, tại khu vực châu Phi, Trung Đông, Mỹ, Châu Âu và rất nhiều nước Châu Á… tại Việt Nam hoa ở khắp vùng miền đặc biệt các tỉnh miền Nam TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà nẵng... Tìm hiểu mới thấy phượng co sức sông mãnh liệt và mang nhiều giá trị cho cuộc sống con người. Cây tái sinh từ hạt và chồi đều mạnh, có thể phát triển tốt trên mọi loại địa hình: ven biển, đồi núi, trung du. Cây thuộc loại ưa sáng, mọc khoẻ, phát triển nhanh, không kén đất, rất dễ gây trồng. Quả phượng vĩ được sử dụng tại khu vực Caribe trong vai trò của bộ gõ âm nhạc với tên gọi: shak-shak hay maraca. Gỗ dùng trong xây dựng,đồ gỗ dân dụng, đóng hòm, xẻ ván. Cây cho vỏ và rễ làm thuốc hạ nhiệt, chống sốt. Vỏ cây có thể sắc nước uống trị sốt rét, đầy bụng, tê thấp, giảm huyết áp,lá trị tê thấp và đầy hơi.
Sống ngàn năm nơi miền đất sóng, cây phượng vĩ mang đậm cốt cách của người đất Cảng, bền bỉ hiên ngang ngay trước bờ bão táp. Khi sức nóng của thiên nhiên làm khô cháy nhiều loài sinh vật thì cây phượng xòe tán chở che bao dung xanh mát và trổ hoa rực trời như thách thức với bạo liệt của mùa hè.
Các hoa của phượng vĩ lớn, với 4 cánh hoa tỏa rộng màu đỏ tươi hay đỏ da cam, dài tới 8 cm, còn cánh hoa thứ năm mọc thẳng, cánh hoa này lớn hơn một chút so với 4 cánh kia và lốm đốm màu vàng phai. Phượng có sắc lửa cháy rực rỡ như phong cách sống khát khao cháy hết mình của người dân đất Cảng, đó cũng là màu của chiến thắng. Màu sắc ấy và cấu tạo của 4 cánh hoa nền đỏ ngoài với 1 cánh vàng bên trong tựa 5 ngón tay trên một bàn tay quấn quýt yêu thương. Đặc biệt sắc màu ấy tương đồng hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ Việt Nam gợi liên tưởng về một Hải Phòng luôn trong lòng Tổ quốc.
Gắn với nhịp sống của những miền văn hóa
Phượng vĩ có cả một miền văn hóa trong các câu chuyện cổ, ở đó phượng vừa thiết tha mềm mại sang trọng vừa quyền uy , đồng thời cũng là sự dũng mãnh chống cái ác. Tên "phượng vĩ" là chữ ghép Hán Việt -- "phượng vỹ" có nghĩa là đuôi của con chim phượng. Đây có thể là một hình thức đặt tên gọi theo cảm xúc vì các lá phượng vỹ nhất là các lá non trông giống như hình vẽ đuôi của loài chim phượng. Nhưng thực ttế nó đã gắn liền với truyền thuyết dân gian về chim Phượng, kể về con chim phượng hoàng bay đi để lại chiéc lông đuôi hóa thành lá phượng. Và biểu tượng chim Phượng không chỉ là biểu tượng của văn hóa Việt Nam mà còn là văn hóa Á Đông, Con chim phượng là loài tứ linh (Long ly, quy phượng) được tạo dựng trong các công trình điêu khắc cổ trên nhiều chất liệu Gốm đá… là tranh vẽ thủy mặc, và hội họa nói chung, đồng thời là biểu tượng của lứa đôi trong đó tượng trưng cho người phụ nữ. Bông hoa phượng với bốn cánh đỏ tươi gắn với câu chuyện cổ về sự tích hoa phượng, đó là hiện thân của bốn dũng sỹ vùng lên trong mâm xôi gấc khổng lồ phóng kiếm tiêu diệt tên tướng giặc giữ hạnh phúc cho dân lành.
Hoa phượng vĩ đã lựa chọn làm biểu tượng của nhiều công ty, nhiều con tàu hiện đại, là tên gọi cho nhiều cuộc thi nghệ thuật, in hình trên những tấm huy chương… với hàm ý tỏa sáng mạnh mẽ và sự chiến thắng. Nhưng thân thiết hơn, phượng vĩ là loài hoa báo hạ sang và luôn đồng hành với những kỷ niệm của tuổi học trò, tạo ra một miền văn hóa học đường thiêng liêng trong cuộc đời mỗi con người, đến nỗi nó được gọi bằng cái tên riêng “Hoa học trò”.
Phượng gắn liền với những ca khúc nổi tiếng, những bài hát đi cùng năm tháng như Thành phố hoa phượng đỏ (thơ Hải Như, nhạc Lương Vĩnh) Phượng Hồng, (Thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Vũ Hoàng) Thời Hoa Đỏ Thơ Thanh Tùng, Nhạc sĩ: Nguyễn Đình Bảng; Mùa hè ơi (Nguyễn Ngọc Thiện); Cải Lương Việt Nam soạn giả Hoa Phượng, có bài Tân Cổ Giao Duyên “ Dưới hàng phượng vĩ”, và Phượng như có hồn như sinh thể sống trong tác phẩm “Hoa học trò” của thi sỹ Xuân Diệu. phượng xuất hiện như một hình tượng đa nghĩa nơi hàng trăm bài thơ của Tế Hanh, Lưu Trọng Lư… và có mặt cả trong sách giáo khoa như “Hoa phượng” của nhà thơ Lê Huy Hòa.
Phượng vĩ là loài cây phổ biến của Việt Nam, Hải Phòng không phải là nơi duy nhất, song đây lại là nơi trồng nhiều phượng nhất cả nước, năm 2012 đường phượng Phạm Văn Đồng, là đường phượng dài nhất quốc gia tại Hải Phòng, đã được ghi vào sách Ghinet Việt Nam. Đó cũng là lý do nên chọn hoa phượng là loài hoa tôn vinh thành phố; bởi loài hoa này là cốt cách, linh hồn, sức trẻ của thành phố duy nhất trên thế giới có cái tên vô cùng thân thương: “Thành phố hoa phượng đỏ”. Có thể còn có những băn khoăn, nhưng để tạo ra cái khu biệt cái độc lập thì có lẽ Hoa phượng đỏ xứng đáng làm biểu tượng của thành phố Cảng thân yêu./.