Ca sĩ hải ngoại Trịnh Nam Sơn là cháu nội nhà thơ Nguyễn Khuyến
Ca sĩ nổi danh Trịnh Nam Sơn là cháu đời thứ tư của nhà thơ Nguyễn Khuyến, đó là sự thật; Nhưng vì sao anh mang họ Trịnh, cái họ anh mang đã làm nổi lên bao điều đồn đoán.
Trịnh Nam Sơn về Trường THPT Nguyễn Khuyến
Ngày 12 tháng 01 năm 2015 trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam, Trịnh Nam Sơn đã có dịp ghé qua thăm trường THPT Nguyễn Khuyến, anh đi cùng cô em họ là bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền (Hiện cư ngụ tại Lạch Tray – Hải Phòng). Tôi rất ấn tượng về chàng nghệ sỹ dáng dỏng cao, lịch thiệp. Tại đây anh không nói nhiều về âm nhạc, khi ngắm cảnh trường anh tâm sự: Mình thấy trường rất đẹp, rất ấm áp đặc biệt khung cảnh giống như ngôi trường mình học hồi còn ở Đà Lạt. Anh kính cẩn trước tượng đài Nhà thơ Nguyễn Khuyến trong khuôn viên trường, đôi tay dâng hương và mắt rớm lệ xúc động. Có cảm giác như anh thu mình lại, thành kính và nhỏ bé trước tầm cỡ của người Cụ mà anh chưa một lần biết mặt. Trịnh Nam Sơn khoe các ảnh anh chụp tại khu di tích Nguyễn Khuyến, cả những ảnh anh bắt chước dáng tượng Cụ - bức tượng đặt trong ngôi nhà thờ và cười thích chí vì cháu giống hệt Cụ. ( Ảnh: Nhà thơ Nguyễn Đình Minh và ca sĩ Trịnh Nam Sơn: thứ 2,3 từ trái sang và Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền: ngoài cùng bên phải)
Trịnh Nam Sơn là cháu đời thứ tư của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền, cũng là cháu đời thứ tư và là em họ của anh cho biết: Cuối năm 1976 Trịnh Nam Sơn qua Mỹ và sống tại California. Tại đây anh vừa phải đi làm kiếm sống vừa học đại học. Ít ai biết anh vốn là kỹ sư công nghệ, nhưng niềm đam mê với nhạc đã giúp anh có quyết định táo bạo. Anh đã bỏ tất cả để theo học âm nhạc tại trường Dick Grove School of Music. Tốt nghiệp trường nhạc năm 1986, Trịnh Nam Sơn bắt đầu có một số sáng tác ghi dấu ấn như Dĩ vãng, Về đây em, Nuối tiếc, Con đường màu xanh… và nhanh chóng được biết đến như một cá tính âm nhạc riêng với những giai điệu đầy lãng mạn và rất Tây, nhưng cấu tứ vẫn thấp thoáng bóng dáng nhạc Việt.
Tài năng, sự nổi tiếng… của Trịnh Nam Sơn đã được giới âm nhạc và công chúng công nhận. Chỉ có duy nhất một điều về thân thế của anh là ít người tỏ tường. Câu hỏi đặt ra cho những người mến mộ anh là: Vì sao chấu đời thứ tư của Nhà thơ Nguyễn Khuyến lại mang họ Trịnh? Đã có không ít trang mạng đưa ra những căn nguyên hết sức võ đoán là: do mê nhạc Trịnh Công Sơn và sáng tác cũng theo gu này nên anh tự đặt “Bút danh” mang họ Trịnh để tưởng nhớ đến nhạc sỹ lớn của Việt Nam. Cũng có tin đồn đoán cha mẹ Sơn có vấn đề ly thân nên Sơn mang họ mẹ…
Vì sao ca sĩ Trịnh Nam Sơn mang họ Trịnh?
Từ những tâm tình của hai anh em Trịnh Nam Sơn chúng tôi dần hiểu cái nguyên nhân căn cốt của vấn đề.
Cụ Nguyễn Khuyến có 7 con trai: Nguyễn Hoan, Nguyễn Thuần, Nguyễn Điềm, Nguyễn Doãn Đôn, Nguyễn Khác, Nguyễn Hữu Lộc và Nguyễn Cát.
Trong đó, Nguyễn Thuần là ông nội của Trịnh Nam Sơn ( TNS).
Ông Ấm Thuần là một người văn võ song toàn, học hành thông tuệ hơn cả phó bảng Nguyễn Hoan, nhưng không theo con đường khoa cử mà theo nghĩa quân Đề Thám chống Pháp. Có lần Pháp lùng bắt phải về xin Cụ Nguyễn Khuyến che chở. Trong thơ văn, Cụ Nguyễn Khuyến cũng từng viết: “ Ngô tử như Thuần hiếu hi tai / Nhất niên tam độ hóa binh lai ( Con tớ như Thuần hiếu lắm thay/ Một năm ba bận lính còng tay). Để tránh những hiểm họa, con cháu của Ông Ấm Thuần lưu lạc khắp nơi tránh nạn, chỉ có con cả là Nguyễn Văn Ty ở lại làng An Đổ với mẹ và ông nội là Nhà thơ Nguyễn Khuyến. Trong số này người con thứ 2 là Nguyễn Văn Ân (1902-1982) đi làm con nuôi ông đồ họ Trịnh ở làng Văn Ấp xã Ngọc Lũ - Bình Lục - Hà Nam nên đổi tên là Trịnh Công Hạnh (còn gọi là Ký Hạnh), ông này cũng giỏi văn chương, bôn ba khắp nơi kiếm sống hết làm cho ông Bạch Thái Bưởi rồi lại đi làm thầu khoán khắp xứ Đông Dương. Ông rất thành công với nghề thầu khoán, trở giàu có và về định cư tại Hà Nội. Năm 1954 Ông và gia đình di cư vào Nam, hai năm sau, năm 1956 Trịnh Nam Sơn ra đời tại Sài Gòn.
Ông Nguyễn Văn Ân ( tức Trịnh Công Hạnh) là người gia phong nề nếp và nặng tình, bởi vậy các con cháu trong đó có Trịnh Nam Sơn, dù sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng vẫn được cha mẹ luyện nói giọng Bắc. Và vì mang ơn ông Đồ họ Trịnh nuôi dưỡng nên ông Ký Hạnh vẫn mang họ Trịnh kèm theo tên là Nguyễn Văn Ân, các con ông đều mang họ Trịnh trong đó có ca sĩ Trịnh Nam Sơn.
Chúng tôi chợt nhớ ra, chàng nhạc sỹ này ngay từ đầu câu chuyện toàn nói giọng Bắc đặc sệt!
Trịnh Nam Sơn trước khi lên xe vẫn còn nhìn hút lại phía tượng đài Nguyễn Khuyến. Tôi là dân ngoại đạo về nhạc, sự nổi tiếng của Trịnh Nam Sơn, chỉ biết đến qua báo chí; ngay cả việc anh về thăm trường bất chợt cũng không được báo trước. Tuy nhiên qua tâm tư và hành động của “Người nổi tiếng “ này, tự nhiên trong tôi ngân lên một câu hát “Thiếu quê hương, ta về đâu”?
Nguyễn Đình Minh