Sự thật về bức tượng “hiển linh” mọc tóc
Ngôi tượng duy nhất ở miền Bắc có tóc
Chùa Quán Sứ những ngày đầu xuân nườm nượp khách, nhiều người từ các tỉnh tò mò đến xem thực hư chuyện tượng mọc tóc làm xôn xao dư luận. Theo chỉ dẫn của một nhân viên, chúng tôi đến căn phòng số 5, nơi có Ban đại diện của Nhà chùa trực hướng dẫn và giải đáp. Theo đó những nội dung cần biết về pho tượng đồng nhất với trả lời của Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu (Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Quán Sứ): Pho tượng được đồn thổi bỗng dưng mọc tóc, thực chất là tượng của vị sư cụ Thích Bình Lương. Ngay từ khi rước tượng về Pho tượng đã y nguyên vậy.
Pho tượng là bản “Poto Copi” tinh tế hình dạng vị sư mặc áo cà -sa màu vàng, ngồi xếp bằng, hai tay đặt thiền định phía trước. Chiều cao ước chừng 50cm, đặt trong chiếc tủ kính và vị trí đặt thờ ngay chính điện trong gian nhà thờ Tổ. Tác giả làm tượng đã đặc tả được toàn bộ thần thái của người thật vào bức tượng với tỷ lệ thu nhỏ. Đặc biệt chất liệu và bàn tay khéo léo của nghệ nhân đã làm cho bức tượng giống y hệt người thật tới mức kinh ngạc. Và quả nhiên bức tượng có…tóc. Đó là lớp tóc bạc ngắn, mọc lấm tấm trên đầu pho tượng.
Người được “đúc” tượng
Bức tượng này là chân dung Nhà sư Bình Lương, sinh năm 1882 tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tục danh là Phan Ngọc Đạt, tu và sau này trụ trì tại ngôi chùa trên đất Thái Lan có tên là Tử Tế.
Hòa thượng là người đã bảo vệ Bác Hồ khi Bác đang bị mật thám Pháp và Thái truy bắt trong thời gian hoạt động tại Thái Lan. Trong cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" (NXB Sự Thật- 1975) tác giả Trần Dân Tiên viết cũng đã thuật lại sự việc này.:
Tháng 3/1964, nhà sư bị bệnh nặng và có nguyện vọng được về nước để sống những ngày cuối cùng và gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi được sự chấp thuận của nhà nước đôi bên Hòa thượng đã được đưa về Hà Nội trên một chuyến chuyên cơ đặc biệt.
Tại Việt Nam, Hòa thượng Thích Bình Lương tu tại chùa Long Ân (Quảng Bá, quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Hòa thượng mất năm 1966 và an táng tại chùa này. Tại đây vẫn còn bảng ghi công của Hoà thượng , trong đó có ghi thời gian và các sự kiện tu tại chùa Từ Tế Thái Lan.
Năm 2008, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc được tổ chức ở Việt Nam, tham dự lễ có vị sư trụ trì chùa Tử Tế (Thái Lan) là đệ tử cũ của Hòa thượng Bình Lương. Nhà sư này, đã đặt làm một pho tượng Hòa thượng Thích Bình Lương, sau khi được phép của Nhà nước Thái và Việt Nam và sự đồng ý của Trụ trì chùa Quán Sứ Thích Thanh Tứ , bức tượng đã được rước về thờ tại đây.
Tượng “mọc” tóc vì sao?
Theo TS Phạm Văn Dần, Học Viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí Minh thì đạo Phật khi xuất khỏi Ấn Độ đi theo hai con đường truyền bá, tạo thành hai dòng phái Nam tông (Nam Việt Nam) và Bắc Việt Nam hình thành phái Bắc tông. Hai phái này có một số nội dung hoạt động khác nhau, trong đó có văn hóa sinh hoạt của đệ tử phái. Điều này xác định được bởi các nhà sư phía bắc thường mặc áo nâu thẫm màu lá cây huyết dụ và cạo trọc đầu tới mức hết chân tóc; trong khi đó phái Nam tông , các nhà sư lại mặc Cà sa vàng và khi cạo đầu không cạo hết chân tóc.
Từ nghiên cứu này, có thể dễ dàng thấy rằng bức tượng sư Bình Lương là mô phỏng chính con người thật của một vị sư theo phái Nam tông, nghĩa là bản thân khi sống, nhà sư này đã có “mái tóc” như vậy.
Cư dân miền Bắc theo đạo Phật thường hình dung một Nhà sư phải mặc áo màu huyết dụ và đầu cạo trọc, hình dung này đã trở thành ấn tượng hàng ngàn năm trong các thế hệ người Việt ở miền Bắc; do vậy khi nhìn thấy tượng có tóc (rất ngắn) mà lại được thờ phụng trang trọng thì khó hiểu. Từ đây mà những tin đồn thất thiệt vang xa.
Bức tượng Hòa thượng Bình Lương làm y hệt người sống không phải là điều gì kỳ bí. Thái lan vốn là nước có công nghệ làm tượng sap từ rất sớm, chỉ cần một bức ảnh, người ta cũng có thể tạo một khuôn âm bản và đúc sap là hình thành một khuôn mặt nguyên dạng người sống. Chính điều này tạo sự khác biệt với các bức tượng làm từ chất liệu gỗ theo phong cách truyền thống, thường để lại dấu vết gia công. Vả lại, khi làm tượng thờ, các nghệ nhân dân gian thường làm theo lối ước lệ, tượng trưng để biểu thị cốt cách nhân vật được thờ mà không nặng về tả thực con người ấy. Nhưng những bức tượng này lại quen nhìn và hình thành các ký ức trong người Việt miền Bắc.
Gần đây, có một số quan niệm cho rằng bức tượng Hòa thượng Bình Lương là người “Tây”, hoặc không phải chính ông vì căn cứ trên những nốt ruồi trong ảnh chụp so với tượng không có… có lẽ là những quan niệm phiến diện. Thực tế cho thấy quá trình làm tượng là một quá trình sáng tạo nghệ thuật. Nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Cường ( Công ty Phương Anh - HP), cho rằng “ Nghệ sỹ sáng tạo chỉ lấy cái căn cốt làm chuẩn sao cho bức tượng có thần thái của nhân vật, mọi thứ còn lại có thể sáng tạo, tượng không phải bản Pôtcopi thô thiển”. Như vậy, có thể thấy là các nghệ sỹ khi làm tượng Hòa thượng Bình Lương, có thể đã nhuận sắc thêm cho bức tượng và bớt đi những khiếm khuyết để tạo thành bức tượng đẹp với cả tấm lòng kính trọng và ngưỡng mộ.
Sau thời gian trùng tu bức tượng Hòa thượng Bình Lương sẽ lại được đặt đúng vị trí cũ. Và khi đến chùa Quán sứ thắp hương, chúng ta sẽ hiểu thêm nữa về bức tượng đẹp gắn liền với một Hòa thượng có công với cách mạng này.