Ba Nho sinh Hải Phòng làm chấn động kỳ thi đại khoa 1502
Các kỳ thi Nho học ở Việt Nam bắt đầu có từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông và chấm dứt vào năm 1919 đời vua Khải Định Lịch sử khoa bảng của người Hải Phòng nay và Xứ Đông xưa, đã từng lừng lẫy trong suốt 845 năm thời nho học; và trong đó có ba kỳ thi (2 kỳ thời Lê sơ và 1 kỳ thời Mạc), nho sinh của đất cảng đã chiếm bảng vàng Trạng nguyên.
“Ân vinh ban theo thứ bậc”
Nghiên cứu 82 văn bia tại Văn Miếu, có tấm ghi bài “Bài ký bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất - Niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502) do Lễ bộ thượng thư Đàm Văn Lễ soạn và dựng bia ngày 10 tháng 11. Đây là bài ký thông tin toàn bộ kỳ thi Đình, thời vua Lê Hiển Tông (1461-1504). Trong biaxác nhận một kết quả gây “chấn động” kỳ thi, bởi Hải Phòng có 3 Nho sinh dự thi đều đạt giải cao trong đó có một thủ khoa.
Khoa thi ấy, được mở vào mùa xuân năm 1502, “Bộ Lễ theo lệ cũ, mở khoa thi Hội các Cử nhân trong nước, số dự thi đông đến 5000. Qua bốn trường lấy trúng cách được 61 người, đưa tên dâng lên. Hoàng thượng đích thân hỏi thi ở sân rồng”. Có thể hiểu rằng 61 người này đỗ trong kỳ thi hội tại các trường thi, và đủ điều kiện được tham dự kỳ thi Đình; nhà vua trực tiếp ra đầu đề, và sau khi hoàn thành việc chấm bài, dựa theo điểm sổ, chính nhà vua tự tay phê và xếp loại thứ bậc cho người đỗ. Thực tế, tại kỳ thi đình vẫn có thí sinh bị hỏng thi vì “phạm huý”, hoặc điểm thấp và mức điểm của thí sinh không đạt trần điểm quy định của bậc được phong thì bậc đó sẽ để trống; trong lịch sử có trường hợp Lê Quý Đôn dù đỗ đầu kỳ thi nhưng chỉ được phong Bảng Nhãn.
Kết quả cuộc thi nghiêm cẩn đó đem đến cho các nho sinh đất Cảng một kết quả mỹ mãn. Tường thuật của Văn bia ghi rõ có 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, 24 người đỗ Tiến sĩ xuất thân và 34 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân. Các sĩ tử đỗ đại khoa được trăm quan mặc triều phục chúc mừng. Tên tuổi quê quán của họ được bộ Lễ rước bảng có trống nhạc dẫn trước, đem treo ngoài cửa nhà Thái học, “cốt khiến cho sĩ tử nhìn thấy mà thêm phần khích lệ. Ân vinh ban theo thứ bậc, thảy đều theo lệ cũ”.
Với kết quả này, 3 nho sinh đất cảng đã vượt lên gần 5000 cử nhân đã đỗ tại 4 trường thi về tham dự thi Đình, chiếm bảng vàng ngay giữa “Sân rồng” bằng trí tuệ siêu việt của mình. Các Nho sinh đã làm rúng động khoa thi năm ấy, bởi trong danh sách đỗ, Hải Phòng có tới 03 người. Đặc biệt, trong vị trí tốp đạt điểm cao nhất (Tam khôi) thì có tới 02 người Hải Phòng, đó là Trạng nguyên Lê Ích Mộc và Thám hoa Nguyễn Văn Thái; đồng thời thêm 1 tiến sĩ đỗ trong nhóm “Tiến sỹ đồng xuất thân” đó là Nguyễn Kim. Và đây cũng là đỉnh cao nhất mà người Hải Phòng chinh phục được trong các kỳ thi đại khoa thời Nho học.
Hậu truyện về ba nhân tài
Trạng nguyên Lê Ích Mộc (1458 - 1538) sinh tại làng Ráng, Thuỷ Đường, Thuỷ Nguyên. Khi duyệt bài văn của Lê Ích Mộc, nhà vua vô cùng sửng sốt khen ngợi và mến phục tài văn chương của ông. Lê Ích Mộc làm quan đến chức Tả thị lang, ông bước vào cuộc đời làm quan trong giai đoạn thịnh trị của thời Lê sơ không còn nữa. Năm 1527 nhà Mạc lên ngôi. Lê Ích Mộc trao ấn từ quan về trí sĩ tại quê nhà. Nhớ thủa hàn vi, Lê Ích Mộc bỏ tiền ra tu sửa mở mang chùa Ráng. Lấy tên chữ là Diên Phúc Tự và mở trường dạy học đào tạo nhân tài cho quê hương đất nước. Ông cùng với dân làng Ráng khai phá vùng đầm lầy ven sông, trồng cây gây rừng. Ngày 15/2/1538, Lê Ích Mộc qua đời tại nhà hưởng thọ 80 tuổi.
Thám hoa Nguyễn Văn Thái (1479-?). Người xã Tiền Liệt, huyện Vĩnh Lại ( Vĩnh Bảo), ông đỗ khoa thi này khi mới 24 tuổi. Thời Lê, ông từng được cử làm phó sứ sang nhà Minh, thăng đến chức học sĩ, tước Xuyên Đạo Xuyên Bá. Sau này, ông làm quan cho triều đình nhà Mac đến chức Thượng thư, tước hầu. Đi sứ phương Bắc hai lần. Đáng tiếc lấn thứ hai đi sứ, ông bị Vua Trung Quốc giữ lại. Tư liệu “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” của Ngô Sĩ Liên có ghi lại những câu chuyện đi sứ. Theo đó, người đi sứ Trung Quốc bao giờ cũng có tài năng học vấn siêu việt, đặc biệt có khí tiết, có tài ứng đối để ngăn chặn những mưu mô của triều đình Trung Quốc, thể hiện đượcchí khí của dân tộc Đại Việt. Nhiều người được trở về, có người bị chém (Thám hoa Giang Văn Minh) và rất nhiều người bị giữ lại và Nguyễn văn Thái là một trường hợp. Ông đành lấy vợ người Trung Quốc, sinh con là Ngạn Xán, theo họ mẹ là họ Trương. Trương Ngạn Xán sau này cũng đỗ tiến sĩ.
Theo “Thần phả họ Tam tiến sĩ”, Nguyễn Kim - sinh năm 1470, người làng Thạch Lựu (An Thái, An Lão). Ông đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, lúc 33 tuổi, làm quan đến chức Hiến Sát sứ, khi mất được tặng hàm Hữu Thị lang. Hai con trai ông là Nguyễn Chuyên Mĩ, Nguyễn Đốc Tín cùng đỗ khoa Hồng Thuận thứ 6 khoa thi năm Giáp Tuất (1514) đời Lê Tương Dực; ở quê ông, người ta vẫn còn lưu truyền đôi câu đối: Đồng thế đồng triều tam tiến sĩ / Nhất gia nhất nhật lưỡng vinh quy. Nghĩa là: Cùng một đời, cùng một triều đại có 3 người đỗ tiến sĩ. Cùng một nhà, cùng một ngày có hai người được vua phong cho vinh quy.
Các Trạng nguyên, Thám hoa và Tiến sỹ trong kỳ thi năm ấy, sau này, mặc dù có số phận khác nhau, nhưng có một điều chắc chắn: họ là những tài năng kiệt xuất một thời và dùng tài trí của mình cống hiến cho đất nước. bản thân mỗi người đã tự tạo ra cho mình một vùng văn hóa riêng và góp phần làm tăng thêm bản sắc văn hóa thành phố Cảng. Họ là những tấm gương lớn về ý chí và nghị lực học tập cho các thế hệ người Hải Phòng tự hào và noi theo.
Nguyễn Đình Minh