Đề thi môn văn khối C, D – Những thay đổi cần lưu ý

Cấu trúc đề thi  môn ngữ văn cho thi tốt nghiệp THPT và thi đại học 2 khố C, D từ năm 2009 liên tục có sự thay đổi. Gần đây vào tháng 3 năm 2014, Bộ GD&ĐT đã quyết định thay đổi cấu trúc đề thi văn thêm một làn nữa.

Cần nắm rõ cấu trúc đề thi

Theo thông báo của Bộ GD về giới hạn nội dung chương trình thi môn Ngữ văn khối C, D  bao gồm cả phần kiến thức lớp 11 và 12, dung lượng bài học gần như tương đương nhau, nhưng thực tế và căn cứ các nhà quản lý công bố trên báo chí thường khẳng định, đề thi sẽ nghiêng về chương trình 12.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất cần chú ý tới cấu trúc đề thi. Theo đó, một đề thi đại học môn Văn hiện nay, theo quy chế của Cục khảo thí, Bộ GD&ĐT, luôn có hai phần chung và riêng với 3 câu hỏi. Phần chung bắt buộc gồm 2 câu: Câu 1 (2 điểm): Tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm Văn học Việt Nam. Câu 2 (3 điểm): Vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội ngắn (không quá 600 từ) với nội dung nhắm tới 2 mảng đề tài sau:  Nghị luận về một tư tưởng đạo lí và  Nghị luận về một hiện tượng đời sống.

Phần riêng tự chọn (5 điểm) có 2 câu (Câu III.a: Theo chương trình chuẩn (5 điểm) và Câu III.b: Theo chương trình nâng cao (5 điểm)). Tại phần  III của đề thi, học sinh chỉ được phép chọn một trong hai câu hỏi này: Vận dụng khả năng đọc hiểu và kiến thức văn học để viết bài nghị luận văn học. Học sinh chỉ được chọn 1 trong 2 đề; Nếu làm cả hai câu, thì bài thi coi như vi phạm quy chế và phần bài làm này sẽ không được chấm điểm.

Trưởng khoa Ngữ văn, Trường đại học Hải Phòng, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thuận khẳng định: Ở phần Nghị luận văn học, thí sinh phải có khả năng cảm thụ văn học chú ý 2 thể loại thơ và truyện, những bài có trong chương trình sách giáo khoa lớp 11, 12, thí sinh nắm được kỹ năng phân tích, giảng, bình thơ và phân tích tác phẩm truyện tìm giá trị nội dung, nghệ thuật. Thí sinh lưu ý trình bày sạch sẽ, hạn chế lỗi chính tả, diễn đạt câu trong sáng có chất văn. Nếu thí sinh chỉ trông chờ vào sự học thuộc lòng hoặc tủ một bài nào đó thì không thể có một kết quả thi như ý muốn”.

Những thay đổi liên quan đến nội dung đề thi

Bài liên quan đến câu hỏi 2 điểm có sự thay đổi gia tăng. Trước đây chỉ có 5 bài  tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp sáng tác (Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nam Cao, Nguyễn Tuân), nhưng nay đã tăng lên 16 bài học mới được đưa vào chương trình. Để biết cụ thể bài nào cần xem cấu trúc đề thi môn văn khối C, D năm 2014 để biết rõ thêm.

Bên cạnh đó, năm 2014, trong cấu trúc đề thi có một câu nghị luận xã hội, thuộc dạng bắt buộc (3 điểm). Chủ chương của Bộ GD&ĐT chọn hướng mở cho học sinh tự do phát biểu quan điểm ở câu này. Để giải quyết tốt các bài văn nghị luận xã hội thuộc dạng này, ngoài kiến thức được học trong nhà trường, học sinh còn phải tăng cường kiến thức bên ngoài, trên sách báo, trong cuộc sống, đặc biệt những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.

Tuy nói là “mở” nhưng học sinh cần phát biểu tự do trên khuôn khổ kiểu bài nghị luận xã hội có cấu trúc chặt chẽ. Đặc biệt lưu tâm tới viết đoạn, lượng từ quy định khoảng 600 từ, lỗi chính tả, lỗi câu… bởi chủ trương của Bộ GD&ĐT là sẽ chấm rất chặt chẽ về hình thức loại bài này. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý rằng, việc phát biểu tự do không đồng nghĩa với nói bừa bãi mà cần nói đúng, nói trúng quan điểm luôn ủng hộ cái đúng, lẽ phải và hướng thiện.

Thạc sỹ Hoàng Roãn Tuấn (Trường THPT Nguyễn Khuyến – Hải Phòng) cho rằng: Để có đủ kiến thức và lý luận thực hiện nó, các học sinh cần nắm chắc kiểu bài, cùng với đó là học từ các ví dụ thầy cô dạy trên lớp và tăng cường đọc báo chí thông qua các trang mạng bàn về các vấn đề thời sự nóng bỏng liên quan đến chính trị, đạo đức, nhân cách, xu hướng sống của lớp trẻ… Từ đây các học sinh mới có cái nhìn đúng để làm bài đạt trúng mục tiêu. Bởi vì bài làm có hay về hình thức diễn đạt, nhưng quan điểm sai trái, lệch lạc với đạo lý, chính trị xã hội thì vẫn không có điểm ở câu này.

Nguyễn  Minh