Đổi mới là hơi thở - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Hội nhập, trong cách nhìn mang tính hình tượng thi ca của mình,  tôi cho đó là sự trao đổi và chuyển hóa năng lượng để làm ra sản phẩm riêng biệt của chủ thể. Một dòng sông hội nhập với mọi nguồn nước để duy trì sự tồn tại của chính nó và từ đó chuyển động như là sự phát triển và tạo ra vẻ đẹp cũng như tạo ra ảnh hưởng của nó. Một cái cây đón nhận các chất dinh dưỡng khác nhau trong đất cùng nắng, gió, oxy...để làm ra hoa trái. Một cái cây không nhận được các nguồn dinh dưỡng và xúc tác khác nó sẽ chết. Nhưng nếu nó nhận mà không có khả năng chuyển hóa, nó sẽ trở thành một cái cây quái dị, rối loạn và bệnh hoạn. Nó vẫn ra hoa, ra trái nhưng mang nguyên mùi vị, màu sắc của bùn, của phân bón. Cái chết thứ hai có nguy cơ tồi tệ hơn cái chết thứ nhất. Hơn nữa, mỗi cái cây có một chức năng chuyển hóa khác biệt. Vì thế, sản phẩm của sự chuyển hóa đó cũng khác biệt. Nó tạo nên sự đa dạng, phong phú và kỳ diệu. Và văn học cũng giống một cái cây như thế.

Trên thế gian này có hàng triệu các loài thảo mộc khác nhau. Chúng chỉ có một điểm chung là đều hấp thụ nước, muối, ánh sáng và các chất dinh dưỡng. Nhưng mỗi một loài thảo mộc trong triệu loài ấy đều sinh ra một loại hoa trái khác nhau. Cái gì làm nên sự kỳ diệu này? Đó chính là bản chất khác nhau của mỗi loài thảo mộc. Tôi nghĩ, nếu qui vào các dân tộc trên thế giới thì bản chất ấy chính là nền tảng văn hóa của mỗi dân tộc đó. Văn hóa của mỗi dân tộc chính là hệ thống kỳ diệu và tinh vi nhất để chuyển hóa những nguồn dinh dưỡng, những chất xúc tác mà nó nhận được từ mọi dân tộc khác để làm ra sản phẩm của chính nó. Nền văn học Việt Nam đã tiếp nhận nhiều nền văn học lớn trên thế giới như văn học Trung Hoa, văn học Pháp, văn học Mỹ, văn học Mỹ La tinh… nhưng nó vẫn là nền văn học Việt đặc trưng với tất cả những gì chứa đựng trong văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội, thiên nhiên của dân tộc Việt. Chúng ta không thể nói thơ tứ tuyệt Việt Nam là bản sao của thơ Đường, thơ mới là bản sao của thơ Pháp, thơ văn xuôi là bản sao của thơ Mỹ hay thơ siêu thực là bản sao của thơ Mỹ La tinh. Nó là thơ Việt với những phẩm chất mang tính thời đại và nhân loại đồng thời lại chứa đựng toàn bộ những vẻ đẹp của văn hóa Việt, thiên nhiên Việt, tình cảm Việt, tư duy Việt và cả nỗi buồn Việt.

Nếu một cái cây không có hệ thống nền tảng bên trong nó như một cái “máy cái” thì mỗi lúc nó sinh ra một loại hoa khác, một loại quả khác trong sự rối loạn và vô định của nó. Một nền văn học không đứng trên nền tảng văn hóa của dân tộc đó thì nó sẽ lạc đường và không thể định hình, không thể làm ra vẻ đẹp có giá trị cho dân tộc ấy và sau đó là cho nhân loại, vì nó không có gì của chính nó, nghĩa là nó không làm được bất kỳ một bản sắc nào. Nó không có sáng tạo. Nó chỉ là một bản sao chép đơn điệu và méo mó. Nhưng nếu nó chối từ sự hấp thụ nguồn dinh dưỡng từ mọi nguồn quanh nó thì nó sẽ trở nên tàn lụi. Nền văn học Việt trong toàn bộ lịch sử của nó chưa bao giờ sống trong biệt lập. Nó luôn luôn có sự xúc tác và giao kết với mọi nền văn hóa, văn học trên thế giới cũng như luôn luôn phải chịu thử thách từ chất thải độc của thế giới như một đời sống không tránh khỏi quanh nó. Nó tiếp nhận một phần nguyên liệu từ Thanh Tâm Tài Nhân của Trung Hoa để làm ra Truyện Kiều vĩ đại. Nó tiếp nhận một vài thể thức của Đường Thi để làm ra Hồ Xuân hương đặc sắc có một không hai. Nó tiếp cận cách nhìn và lối khai thác ngôn từ của chủ nghĩa lãng mạn thi ca Pháp để làm ra Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận...Đây là những ví dụ thuyết phục nhất.

Việt Nam có 1000 năm dưới ách đô hộ của phong kiến Trung Hoa, 100 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Cả hai đội quân xâm lược phải nói là khổng lồ này đã tìm mọi cách đồng hóa dân tộc chúng ta. Bởi hai đội quân xâm lược này hiểu rõ rằng : chỉ khi một dân tộc hoàn toàn bị đồng hóa thì dân tộc ấy mới hoàn toàn trở thành nô lệ. Nhưng cả hai đội quân xâm lược khổng lồ này đã thất bại.. Hệ thống tiếp nhận và chuyển hóa kỳ diệu nhất, tinh vi nhất của văn hóa Việt đã lựa chọn những gì giá trị nhất của nhân loại kể cả từ những nước thù địch để làm nên vẻ đẹp và minh triết Việt. Ngôn ngữ Việt đã phát triển không ngừng và tạo ra những vẻ đẹp mới và chiều kích mới trong văn học, chính trị, triết học, tôn giáo, khoa học, kinh tế.... Và bây giờ, trong việc mở cửa với thế giới, chúng ta đã bắt đầu sống trong một thế giới phẳng. Vì vậy, chúng ta phải sống trong những cơn lũ của mọi lối sống, mọi cách tư duy, mọi tôn giáo, mọi tư tưởng và mọi nền văn hóa trên thế giới. Cho dù hệ thống luật pháp của chúng ta tối ưu đến mức nào thì chúng ta cũng không thể ngăn cản hết mọi sản phẩm xấu của thế giới quanh ta tràn vào đời sống của chúng ta. Chỉ có một cơ chế làm được điều kỳ vĩ đó. Đấy chính là nền tảng văn hóa dân tộc. Nhưng cũng đến lúc chúng ta phải mở rộng định nghĩa về văn hóa dân tộc. Mở rộng chứ không phải là thay đổi. Nghĩa là mở rộng chiều kích của nó. Nếu không chúng ta sẽ khu biệt hóa, bất động hóa nền văn hóa của mình. Theo tôi, văn hóa dân tộc là một thể thức sống kỳ vĩ. Nó luôn mở ra, luôn chuyển động, luôn cộng vào chứ không phải là một cái gì đó bị “đông lạnh”. Nếu không nó sẽ trở thành một thứ tách rời khỏi đời sống và chỉ tồn tại trong ký ức và một vài nghi lễ. Nó phải cụ thể hóa trong ánh mắt, giọng nói, trong hơi thở, trong buồn vui của đời sống trong mọi ngôi nhà, ở mọi thời đại, mọi lịch sử. Và một trong những yếu tố hệ trọng nhất đối với việc mở rộng chiều kích của văn hóa chính là giao thoa, hội nhập.

Khi một cá thể nghệ sỹ không có nền tảng văn hóa dân tộc hay chỉ có một nền văn hóa dân tộc bằng ký ức, bất động chứ không phải là một đời sống anh ta đang sống ngày ngày thì anh ta sẽ không có sáng tạo thực sự. Anh ta sẽ không làm ra bất kỳ sản phẩm mới nào hoặc chỉ là nơi chứa những sản phẩm thô, nguyên khối của các nền văn hóa khác hay của những lối sống khác mà anh ta tiếp nhận hoặc bị tác động. Đó là lúc anh ta bắt đầu bị đồng hóa. Trong hiện thực của đời sống thơ ca Việt Nam mà tôi quan sát, thấy có ba nhóm nhà thơ. Nhóm thứ nhất: yêu văn hóa dân tộc nhưng phần lớn chỉ hiểu văn hóa dân tộc trên bề mặt hình thức chứ không phải là bản chất. Vì vậy sản phẩm của họ khó hòa nhập vào đời sống dân tộc đang sống và ít có khả năng làm ra những giá trị mới của thời đại. Họ dần dần trở nên xa cách với đời sống con người đương đại. Nhóm thứ hai: không có nền tảng văn hóa dân tộc như là “máy cái” hoặc nhìn nhận sai lầm về văn hóa dân tộc. Vì thế mà sản phẩm của nhóm này xa lạ, vô nghĩa  với đời sống dân tộc và thường rơi vào vô định.  Nhưng nhóm này chỉ là một số ít ỏi. Nhóm thứ ba: Hiểu đúng bản chất của văn hóa dân tộc và bản chất thời đại và đang từng bước làm ra những sản phẩm mang tính thời đại trên nền tảng văn hóa dân tộc. Với nhóm này, trong các sáng tác của họ vẫn thiên nhiên Việt, vẫn con người Việt, vẫn phong tục Việt, vẫn nhân nghĩa Việt, vẫn xã hội Việt... nhưng được hiện ra trong một ngôn ngữ mới, hình tượng mới, biểu tượng mới... Họ đã và đang khám phá ra những vẻ đẹp Việt còn ẩn giấu để làm giàu thêm văn hóa dân tộc. Một điều tôi rất muốn nói rằng: những nhà thơ nhóm này nằm ở các thế hệ nhà thơ khác nhau chứ không chỉ ở những nhà thơ trẻ như một số người nhìn nhận hoặc chính họ ngộ nhận. Có nhiều lý do, nhưng lý do cơ bản là: đổi mới là bản chất của nghệ thuật, là như cầu tự thân của hầu hết các nhà thơ và là hơi thở. Vì là hơi thở nên nó vừa là một quy luật vừa là lẽ tự nhiên. Ta chẳng mấy khi để ý là mình đang thở. Cũng như nhiều nhà thơ không chăm chăm đổi mới. Nhưng những gì họ viết ra đang mang lại vẻ đẹp mới cho thơ ca và đồng hành với cảm xúc, với suy ngẫm, với khát vọng và với hành động của con người đang sống trong thời đại họ sống./.