Đồng Đức Bốn “Văn chương lấm láp…”

 

Ngày 15/5/2011 có hội thảo thơ Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn tại Hải Phòng, từng dự nhiều hội thảo nhưng với tôi một hội thảo thơ như vậy là lớn; bởi có tới mấy trăm bài tham luận từ Trung ương đến các địa phương xa xôi, từ nhà thơ lớn của Hội nhà văn đến các đơn vị ngoài văn chương, từ một bạn sinh viên đến ông tiến sỹ văn học… cuối cùng trong nhiều cái thu lượm được, trong tôi lại bùng phát hai câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm viết về Đồng Đức Bốn:  Bạn giờ đóng gạch nơi nao/ Văn chương lấp láp vêu vao mặt người

Tôi đem câu chuyện này kể với mấy anh bạn ngoại đạo văn chương, họ hỏi “Thế nhà thơ Đồng Đức Bốn đóng gạch thật à?” Tôi bèn kể những điều đã biết về anh để minh họa cho hai câu thơ kia thì tất cả lặng đi. Cái nghiệp của người theo văn chương là vậy. Cho đến bây giờ tôi mới thấm cái chân lý giản đơn mà trước nay vẫn biết nhưng không đủ sức lý giải tại sao, đó là đã là nhà thơ thì cứ phải nhọc nhằn phải đau khổ giữa bể đời. Đời sống Đồng Đức Bốn và văn chương anh đặc biệt trong nhóm những bài lục bát nổi tiếng, sự “lấm láp” ấy khá rõ, có điều vượt lên hiện thực nghiệt ngã, những sự thật đời sống đi vào “mắt xanh” của anh và cất cánh thành vần điệu lục bát. Trong số những bài cất lên từ lám láp bụi đời, từ kiếp ăn mày ấy, có  bốn câu hình hài lục bát mà ý tứ sâu sắc triết lý hiện đại:Đang trưa ăn mày vào chùa/ Sư ra cho một đạo bùa rồi đi/ Lá bùa chẳng biết làm gì/Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày -(Vào chùa).

Bốn câu thơ, hai nhân vật và một sự hụt hẫng lạnh người của thế sự. Đây là sự trôi dạt gặp gỡ và va đập của hai kiếp ăn mày Đạo và Đời. Sự thật thì nhân vật sư cũng chỉ là kẻ ăn mày nơi cửa Phật cho nên kẻ ăn mày trần thế đến gặp một kẻ ăn mày khác báo hiệu rất rõ cái không được gì: Sư ra cho một đạo bùa rồi đi

Sự lạnh lùng vô cảm diễn ra trong hai khía cạnh. Sư (với ý nghĩa trần tục là con người) thì quá vô cảm, bởi sư phải biết ăn mày cần gì? một người tu hành luôn thấu kiếp nhân gian và nỗi khổ của chúng sinh mà như vậy rõ ràng gợi ra sự hoang mang trong tâm thức của con người với những người dẫn đường (sư sãi) luôn hướng đạo thiện tâm. Bởi rõ ràng, ở đây hoàn toàn không có sự giao cảm gì nên mới có kết cục cái mong mỏi của kẻ ăn xin được đáp lại bằng cái cho vô nghĩa.

Ở khía cạnh thứ hai, xét riêng về góc độ Đạo; Sư là biểu tượng của Đạo và là kẻ ăn mày cửa phật, nên cái mà sư có chỉ là lá bùa – một biểu tượng về tinh thần mà thôi. Nhà sư cho cái tinh thần trong khi kẻ ăn mày mong đón nhận cái vật chất thành ra không có sự gặp gỡ. Cái khát vọng, nỗi đau của chúng sinh cần giải cứu, độ trì trước nhất và hiện hữu là bát cơm manh áo cơn đói hành hạ, cơn khát dày vò thì cửa thiền bất lực. Đau hơn, khi con người thất bại ở cõi nhân gian, muốn tìm đến, muốn đặt cả hy vọng vào cửa Phật thì kết cục là vô vọng.

Dường như có chút gì phảng phất câu chuyện “con sãi ở chùa lại quét lá đa”, kiếp ăn mày vì thế vẫn là kiếp ăn mày. Cầm đạo bùa nhét túi, dù biết là vô nghĩa người thất vọng lại quay lại con đường hành khất như hạt bụi đời, và không biết cái đạo bùa ấy có đủ phát sáng một chút mong manh yếu ớt ánh sáng của hy vọng hay không?

Bốn câu lục bát có cấu tứ phảng phất của bài tứ tuyệt:  Khai –Thừa – Chuyển –Hợp. Mở đầu bằng ăn mày kết thúc vẫn ăn mày. Có hai thế giới mà người ăn mày gõ cửa, cả hai thế giới đều im ỉm đóng . Câu thơ cuối mở ra con đường của người hành khất ra đi nhưng chân trời đã khép lại, và cái nắng trưa oi ả (hoặc cái lạnh gào thét) ở bậc mạnh nhất không chỉ xoáy vào cái dạ dày trong thời điểm gào thét miếng ăn, mà còn nhói vào nỗi đau tinh thần bất lực, tuyệt vọng của họ.

Dùng hình hài của lục bát mà viết được ý vậy không mấy ai làm được. Có nhiều nhà phê bình, nhà thơ kể cả thần đồng Trần Đăng Khoa, cho rằng thơ Đồng Đức Bốn chỉ là “óng ánh trang kim, nhưng nhẹ thếch chẳng có gì”; Lại có nhiều nhà thơ lớn, đánh giá cao về anh và coi cái tên của thi sĩ “Bốn” (Đồng Đức Bốn) như một tiền định trong tứ trụ dòng thơ lục bát Việt Nam gồm : Nguyễn Du (1), Tản Đà (2) và Nguyễn Bính (3); tôi không nghĩ vậy, nhưng chắc chắn tôi biết một điều những vần thơ anh làm không phải từ tri thức văn chương văn hóa, mà nó thoát ra bay bổng bởi từ chính cuộc đời “lấm láp” mà  anh bươn trải, tích tụ được, rồi ở một "thời điểm thơ" phát tiết mà thăng hoa.