Giãn cách học sinh mùa dịch COVID: Nhiệm vụ bất khả thi

Ngày 23 tháng 4 Bộ GD&ĐT có công văn số 1398/BGD-GDTC gửi các cơ sở giáo dục toàn quốc về việc hướng dẫn các điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại và xử trí trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong trường học. Đây là một động thái tích cực trong thời điểm hiện tại với ngành giáo dục; tuy nhiên vẫn còn một số băn khoăn khi các nhà trường cho học sinh đi học trở lại.

Không có nhiều phòng học

Theo đó, về hướng dẫn giãn cách học sinh trong lớp học công văn yêu cầu tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19 tức là  bao gồm việc giữ khoảng cách ít nhất 02 mét giữa người với người và tránh tụ tập đông người thành những nhóm lớn. Để đảm bảo điều kiện này, các phòng học tại Hải Phòng xây dựng từ năm 2012 về trước rất khó đảm bảo diện tích để giãn cách. Thực tế hầu hết các phòng đều xây theo quy cách 9m x 6m với tổng diện tích là 54m2/phòng. Kỹ sư xây dựng Hoàng Văn Huy Công ty XDTM Sử -Tiến (Hải Phòng) tính toán như sau: Nếu thực hiện cách ly như vậy, mỗi học sinh phải có khoảng trước mặt là 2m, khoảng đằng sau 2m và bên tay trái, hoặc phải 2m ( trừ ngồi sát tường hoặc cạnh lối đi) cộng với diện tích chiếm chỗ của chính học sinh đó khoảng 0,5m thì tổng diện tích cần có là 9m2/ người. Như vậy, một phòng học hiện nay chỉ có thể bố trí được 06 học sinh/ca học. Để đáp ứng quy định, số phòng học phải tăng gấp 6 lần, thực tế tại Hải Phòng, không có bất cứ nhà trường nào có đủ số phòng học để thực hiện dù có bố trí 3 ca học/ngày.

 

Nếu thực hiện theo cách làm của các trường của thành phố và nhiều tỉnh bạn theo thông báo trên mạng giáo dục ngày 23/4 vừa qua thì đều chia đôi lớp học để dạy, cách làm này so với quy định thì vẫn vi phạm; Bởi định biên một lớp là 45 học sinh, để đảm bảo đúng giãn cách phải chia ít nhất thành 06 nhóm với điều kiện bàn ghế rời 01 bộ/học sinh.

Về yêu cầu tránh tụ tập thành đám đông cũng khó thực hiện. Một số trường áp dụng hình thức ra chơi lệch giờ, nhưng thực tế nó chỉ áp dụng được với trường có từ 2-4 lớp học, hoặc là trước không gian cửa lớp phải có hệ thống rào chắn và hiệu lệnh chỉ huy ra vào lớp phải rất linh hoạt.  Ông Phạm Văn Hiệu, một phụ huynh của trường THPT Hùng Thắng chia sẻ: học sinh rất hiếu động, sân trường thì nhỏ sao tránh khỏi chúng nô đùa cùng nhau. Vả lại nếu lớp này ra chơi mà lớp kia học thì chắc sẽ ảnh hưởng chứ. Còn thày cô sẽ có người không có giải lao trong ca dạy vì dạy lệch giờ …

Quản lý và chi phí bất khả thi

Để đảm bảo giãn cách đúng quy định rõ ràng mỗi lớp học theo cách tính trên phải chia nhỏ thành 6 lớp. Việc này đồng nghĩa với việc số phòng học của một nhà trường phải tăng 6 lần nếu dạy một buổi hoặc hơn 3 lần nếu dạy 2 buổi/ngày. Quan trọng hơn là số giờ công lao động của một giáo viên cũng phải gấp 6-7 lần bởi bình thường 01 tiết có thể dạy 45 học sinh , bây giờ chỉ dạy có 06 em. Theo hội thảo của các hiệu trưởng khối THPT trên mạng xã hội, tất cả đều lo lắng vì rằng sẽ không thể có đủ số giáo viên dạy bởi hiện tại các trường chỉ thiếu hoặc đủ số giáo viên định biên mà thôi. Bên cạnh đó không thể bố trí giáo viên dạy gấp nhiều lần như thế trong thời gian dài với nhiều khối lớp. Thày giáo Trần Công (THPT Nguyễn Khuyến) tâm sự: “Góp phần cùng cả nước chống dịch, chúng tôi có thể dạy tăng gấp 1,5 lần định xuất công việc trong vài tuần, nhưng nếu làm tăng gấp 6 lần và kéo dài hàng tháng thì không thể làm được, nếu  lãnh đạo nhà trường có bố trí thì phải được trả tiền tăng giờ để chúng tôi có điều kiện bồi dưỡng tái tạo sức lao động”. Đó là suy nghĩ đúng, nhưng thực tế mỗi tiết dạy tăng ngoài quy định phải chi trả 150% sẽ kéo theo số tiền trả tăng giờ khổng lồ. Một giáo viên phải dạy 17 tiết/tuần, khi dạy theo giãn cách sẽ gấp 6 lần nghĩa là 102 tiết/tuần và sau khi trừ tiêu chuẩn phải dạy sẽ có số giờ tăng là 85 tiết; đồng thời số tiền phải thanh toán chi phí gấp rưỡi sẽ phải là 127 tiết/tuần. Số tiền sẽ trở thành khổng lồ  bởi mỗi trường THPT đều có số giáo viên từ 60  đến trên 100 người. Mặt khác cần nói rõ là kinh phí chi trả cho các tiết tăng đột biến này chưa có cơ quan nào hướng dẫn chi trả, khi mà tổng kinh phí của từng đơn vị đã được chốt cứng từ tháng 01/2020. Hơn nữa nếu cứ thực hiện thì người quản lý còn phải chịu kỷ luật theo Luật lao động vì cho phép nhân viên làm quá 200 giờ/năm. Riêng đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập thì càng không thể thực hiện, bởi không có một hạch toán chi phí nào cho một lớp học chỉ có 06 học sinh gánh chịu.

 Những con số tính toán trên cho thấy tính bất khả thi nếu phải làm đúng quy định về giãn cách học sinh trong lớp học ở mùa dịch COVID-19 theo hướng dẫn hiện tại. Thiết nghĩ Bộ Giáo dục cần có tính toán cụ thể hơn sao cho chúng ta vừa làm tốt công tác chống dịch vừa tạo ra những hành lang pháp lý cho các trường học có thể vận dụng, động viên khuyến khích và trả công đúng cho đội ngũ giáo viên để họ vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị riêng của ngành vừa tham gia vào hoạt động chống đại dịch hiện nay.