Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020

Sáng 5-5, tại phiên họp Chính Phủ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo một số nội dung liên quan đến kỳ thi THPT năm 2020. Sau phiên họp này Bộ GD&ĐT đã chính thức chốt phương án thi; tuy nhiên việc xét công nhận tốt nghiệp theo phương pháp nào vẫn chờ Quy chế thi chính thức ban hành. Dưới đây là những điểm chính cần lưu ý.

1. Mục đích của kỳ thi

Sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT  mục đích chính là xét tốt nghiệp. Trong trường hợp này thì kỳ thi năm nay sẽ được đổi tên là "kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020" thay vì "thi THPT quốc gia.".Việc tổ chức Kỳ thi để đánh giá mặt bằng chung của giáo dục phổ thông toàn quốc.

Kết quả kỳ thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Học sinh học hết chương trình nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được Hiệu trưởng trường THPT hoặc Giám đốc trung tâm GDTX cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

2. Thời gian của kỳ thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng 8/8/2020. 

          Dự kiến Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày với 4 buổi thi.

3. Đề thi

Dự kiến sẽ gồm 03 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 02 bài thi tổng hợp KHTN và bài thi tổng hợp KHXH.

Trong đó, Bài thi KHTN gồm tổ hợp của 03 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học; Bài thi KHXH đối với thí sinh THPT gồm tổ hợp của 03 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân; đối với thí sinh GDTX gồm tổ hợp của 02 môn Lịch sử, Địa lí.

Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Thời gian làm bài thi cụ thể như sau: Ngữ văn: 120 phút; Toán: 90 phút; Ngoại ngữ: 60 phút; bài thi KHTN và KHXH: 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần. Kỳ thi được tổ chức trong 02 ngày với 04 buổi thi: 01 buổi thi bài thi Ngữ văn, 01 buổi thi Toán, 01 buổi thi Ngoại ngữ và 01 buổi thi bài thi tổ hợp.

Vẫn giữ nguyên 3 đầu điểm đối với bài thi tổ hợp. Thời gian làm bài sẽ đảm bảo đánh giá năng lực học sinh ở các môn thành phần.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ra đề thi thống nhất trong toàn quốc (1 đề chính, 1 đề dự phòng); với các môn thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có 1 mã đề thi riêng; đảm bảo chất lượng kỳ thi và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

4. Nội dung thi

Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp nội dung tinh giản chương trình học kỳ 2 đã được Bộ GD-ĐT công bố; nội dung đề thi sẽ dễ hơn. Đề thi năm nay sẽ theo nguyên tắc "Học gì thi nấy, giảm độ khó, độ phân hoá" để đánh giá toàn diện chất lượng đào tạo, bảo đảm phân luồng trong định hướng giáo dục nghề nghiệp, có tính đến việc giảm tải nội dung (giảm độ khó, độ phân hóa của đề thi) cho phù hợp với hoàn cảnh của giáo dục trong điều kiện đất nước phải phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Bộ Giáo dục sẽ công bố đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chậm nhất vào giữa tháng 5/2020.

5. Công tác tổ chức thi

UBND các tỉnh, thành phố sẽ được giao chủ trì tổ chức kỳ thi cho học sinh của từng địa phương. Hội đồng thi của các tỉnh thành sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi như: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Cán bộ coi thi là giáo viên của tỉnh và có sự đổi chéo giáo viên coi thi giữa các trường với nhau, bảo đảm giáo viên không coi thi học sinh của trường mình.(Không có sự tham gia coi thi của cán bộ, giảng viên các trường ĐH).

Các môn thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình giám sát chặt chẽ (bản chất là chấm tập trung trong toàn quốc). Các địa phương tổ chức chấm các bài thi tự luận như những năm trước.

Để tránh tiêu cực, Bộ GD-ĐT tiếp tục xây dựng những giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát chất lương, tính trung thực của kỳ thi như thực hiện mỗi thí sinh một mã đề riêng; áp dụng thiết bị giám sát và công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ; tiếp tục tổ chức thi trắc nghiệm để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào các khâu coi thi và chấm thi.

Đặc biệt, năm nay các tỉnh sẽ phải công khai phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của các thí sinh qua hệ thống dữ liệu điện tử để Bộ GD-ĐT lấy đó làm căn cứ đối chiếu với kết quả bài thi.

5. Về tuyển sinh vào các trường Đại học - Cao đẳng

Các trường Đại học - Cao đẳng sẽ được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Các trường có thể lên phương án tuyển sinh phù hợp với tình hình của mỗi cơ sở để đảm bảo được chất lượng sinh viên đầu vào.

Bộ GD-ĐT sẽ sớm công bố quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chậm nhất vào ngày 10/5.

*Các hình thức tuyển sinh:

  • Tuyển thẳng
  • Xét học bạ.
  • Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
  • Tổ chức thi riêng
  • Phối hợp nhiều phương án tuyển sinh.

* Thời gian tuyển sinh: nhiều đợt trong năm.