Ngọc Châu và truyện viết cho tuổi học trò
Bài viết của nhà văn Đình Kính
Quen với Ngọc Châu đã lâu, từ ngày cùng là sĩ quan Hải Quân, nhưng tôi luôn bất ngờ với người này.
Tôi thuộc dân "văn chương biên chế", còn Ngọc Châu là kĩ sư công binh, công binh Hải quân. Ngỡ rằng con người củ mỉ cù mỳ này chỉ quen với bom mìn, đất đá và thuốc nổ, đâu ngờ, năm 1986 lão lặng lẽ dịch cuốn "Mũi Tên Đen" của Robert Louis Stevenson, và được nhà xuất bản Hải Phòng xuất bản, số lượng tới bốn vạn bản; ( năm 2000, nxb Văn hóa Thông tin in lại). Với một cuốn ấy thôi, tôi và bạn bè đã nhìn lão bằng con mắt khác! Kế đó lão dịch tiếp ba cuốn Jana và Jan, Rời bỏ quá khứ, Cuộc phiêu lưu của Arbudic... và một số cuốn khác đều được các nhà xuất bản đón nhận. Vậy là, vẫn sỹ quan công binh, lão có thêm danh mới: dịch giả văn chương.
Bén duyên văn chương bằng khả năng ngoại ngữ bẩm sinh của mình, nhưng thứ đó không đủ nuôi thân và nuôi gia đình, vậy là lão đành bươn trải làm thêm các nghề khác, kể cả làm việc cho người nước ngoài.
Văn chương là ma túy, một thứ đạo, biết không thể kiếm sống bằng nghề này, song đã trót dính vào, rất khó dứt. Năm 2005 khi đời sống đã tàm tạm, Ngọc Châu quay lại với văn chương. Lão không những vẫn dịch, mà còn viết truyện ngắn, truyện thiếu nhi và… làm thơ. Và cũng giật được một vài giải ở địa phương
Tiếp bộ truyện PHÍA NGOÀI CỔNG gồm ba tập (MÈN VÀ TRŨI, MÀI SĂT, BACH DƯƠNG) - nhà xuất bản Văn Học ôm trọn gói, lão viết thêm cho nhà Văn Học in cuốn NGƯỜI MẸ VÀ CON QUỶ rồi viết tiếp BÉ MÂY, LŨ QUỶ và được nhà xuất bản Thanh Niên hồ hởi đón nhận. Chỉ vài năm, viết được bấy nhiêu cuốn, cũng là gớm.
Đang mạch, lão viết cuốn HANG MA và gửi nhà xuất bản Kim Đồng .
Ngọc Châu không được đào tạo ngành văn. Lão học Đại học Xây dựng. Nhưng trời phú cho lão bộ nhớ tốt, cộng chút năng khiếu nên thành thạo hai ngoại ngữ, lại chịu khó lùng sục, tra cứu trên mạng, nên những điều lão viết đầy ắp kiến thức. Truyện viết cho thiếu nhi của lão, tất nhiên là hư cấu, nhưng có “chất”. Lão khá am tường tâm lí trẻ con, ngôn ngữ trong sáng, công thêm chất hài, chất thơ trong cách thể hiện nên dễ đọc, và khá hấp dẫn. Sách mang tính giáo dục nhưng không khiên cưỡng.
Để khép lại đôi dòng sơ lược này, xin mượn nhận định trên báo Hải Phòng cuối tuần của đọc giả TH về truyện Mèn và Trũi của Ngọc Châu, nhằm thay cho lời kết: "Cái hấp dẫn trẻ em trong "Mèn và Trũi" không phải là lối sắp xếp tình tiết ngẫu nhiên đầy chủ ý, mà bởi những chi tiết đưa vào truyện khiến các em say mê với chuyến phiêu lưu, rồi gián tiếp có được những nhận xét về chung quanh, và cả những bài học, kinh nghiệm đầu tiên về cuộc sống. Là truyện mà cũng là thơ, bởi cùng với văn kể, các em còn được đọc một "truyện thơ" song hành trong suốt 11 chương. Câu chuyện thơ khởi đầu cũng đầy hứng khởi: "Các bạn ơi/ Xuất hành là đi chơi/ Xuất hành là không phải ngồi/ Coi nhà như cún xích/ A ha! Thật là thích..." rồi dẫn dắt các em rong ruổi chơi cùng mùa hè phóng khoáng: "Xuất hành, xuất hành/ Gập ghềnh, dập dềnh /Ơi mây lãng đãng/ Ơi ngọn gió lành..." vui với cỏ cây thiên nhiên: "Bay, bay, bay, bay/ Cao hơn ngọn cây / Ơi con chuồn ớt/ Ơi gió heo may/ Nào, cùng bay nhé/ Đuổi theo bóng mây". Câu chuyện thơ giúp em "ngộ" ra đôi điều về thế giới: "Đất thì lạ, đường thì xa/ Chả ai quen, toàn người ta/ Lưỡi em hỏi điều không biết/ Phải nghe nhiều, tai ù ra/ Xuất hành dù rằng khoái chí/ Chẳng dễ đâu, chuyện xông pha..." và giúp bạn nhỏ hiểu hết giá trị của tình yêu gia đình, tình bạn: "Lúc hiểm nguy/ Em mới hiểu/ Mẹ và cha/ Anh với em/ Không thể thiếu/ Lúc hiểm nguy/ Em càng hiểu/ Bạn là gì/ Đối với em/ Không thể thiếu" để rồi cần hiểu cuộc chơi nào cũng có lúc dừng: "Thế đấy, bạn ơi/ Còn dài, rất dài/ vì còn ngày mai.../ Buồn thật, chán thật/ Nhưng mà thứ hai/ Lại phải đến lớp/ Lại phải học bài/ Phải làm khối thứ/ ngày mai, ngày mai..."
Hy vọng HANG MA cũng sẽ là cuốn sách lôi cuốn, không chỉ tuổi học trò, mà mọi lứa tuổi đều đón nhận.
Ngày 10-4-2011
Đình Kính