Những bài học từ cuộc chiến tranh biên giới 1979
Chúng ta cần có những sự vinh danh và tri ân các liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi mà đằng đẵng đó. Chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm xương máu từ thực tế lịch sử của dân tộc mình khi hoạch định đường lối đối ngoại trong một thế giới hiện đại đang thay đổi từng ngày, lợi ích các bên đan xen nhau cực kỳ phức tạp. Cần hiểu rõ bạn – thù và phải đặt quyền lợi của dân tộc lên trước hết và trên hết thì mới có chính sách đúng được.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, chính ủy sư đoàn 308 anh hùng, nhiều năm là viện phó Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng) đã cuộc trả lời báo chí về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc từ ngày 17/2 đến 5/3/1979:
- Thưa ông, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra đến nay đã được 34 năm. Ông nói về sự kiện này như thế nào?
– Cuộc chiến tranh biên giới không chỉ bắt đầu từ ngày 17/2/1979, không chỉ bắt đầu sau câu chuyện “nạn kiều” 1978, cũng không chỉ bắt đầu từ những rạn nứt trong quan hệ Việt – Trung sau chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1975, một chiến thắng mà một số nhà sử học trên thế giới đã cho rằng Trung Quốc không mong muốn. Cũng không phải hoàn toàn như vậy mà nó có gốc rễ sâu xa từ những tính toán trong lợi ích chiến lược của cả Liên Xô và Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu chứ không chỉ với một nước nhỏ như Việt Nam.
Sai sót lớn là chúng ta đã nhận ra quá muộn bản chất của chế độ Pol Pot. Năm 1977, đồng chí Lê Trọng Tấn được Quân ủy Trung ương cử vào biên giới Tây Nam nghiên cứu tình hình xung đột biên giới với Campuchia trở về, khi trở ra Hà Nội đã bức xúc khẳng định: “Đây không còn là xung đột nữa. Đây là một cuộc chiến tranh biên giới thật sự”. Lúc đó, chúng ta mới tìm hiểu đằng sau Pol Pot là ai, là rất nhiều cố vấn nước ngoài từng giúp chúng ta trong cuộc kháng chiến trước đó.
Khi chúng ta tổ chức phản kích, tiến vào giải phóng Phnom Penh ngày 7/1/1979, giúp dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh thì đúng 40 ngày sau, Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới, với chiêu bài “dạy cho Việt Nam một bài học”. Quân chủ lực Việt Nam lúc đó đã tăng cường cho chiến trường Campuchia, Trung Quốc hi vọng Việt Nam sẽ gục ngã vì bất ngờ.
Quân và dân Việt Nam bị buộc phải cầm súng một lần nữa, đã chiến đấu kiên cường trước một đội quân đông hơn nhiều lần, trên một phòng tuyến biên giới dài gần 600km và đã đánh bật được quân Trung Quốc về bên kia biên giới sau khi làm tổn thất đáng kể sinh lực đối phương.
- Liệu việc bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh có làm chúng ta chịu những thiệt thòi nhất định như những điều kiện đi kèm thường thấy trong các hiệp định mà nước lớn thường áp đặt cho nước nhỏ?
– Cuộc chiến tranh biên giới chính thức kéo dài chỉ 17 ngày, từ 17/2 đến 5/3/1979 nhưng những cuộc xung đột còn kéo dài đến tận năm 1988. Trong suốt 9 năm, một phần đáng kể nhân tài vật lực của chúng ta đã phải dồn cho biên giới phía Bắc, trong khi Mỹ cấm vận, viện trợ của Liên Xô cắt giảm so với trước và Trung Quốc thì từ bạn thành thù. Có thể nói Việt Nam đã hao tốn nhiều sức lực vì cuộc chiến biên giới đó. Nếu căng thẳng tiếp tục kéo dài, Việt Nam càng ngày càng bất lợi.
Chính vì vậy, năm 1988, khi Việt Nam chủ động rút quân chủ lực lùi xa biên giới 40km, tình hình biên giới lắng dịu ngay và đến năm 1991 thì Việt Nam và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước ở Thành Đô, Trung Quốc.
Là một người nghiên cứu lịch sử nhưng cũng là một người lính, tôi xin nói thẳng là dù bất cứ hoàn cảnh nào thì hòa bình vẫn là quý giá nhất. Chiến tranh biên giới kết thúc thật sự, chúng ta mới có thể tiếp tục sự nghiệp đổi mới, có những chính sách lâu dài và bền vững để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân, để có một vị thế mới trong bản đồ ngoại giao thế giới như hôm nay.
Nhưng như vậy không có nghĩa là trang sử về chiến tranh biên giới đã khép lại. Lịch sử bản chất là sòng phẳng, khách quan, cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt lại trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau.
Chúng ta cần có những sự vinh danh và tri ân các liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi mà đằng đẵng đó. Chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm xương máu từ thực tế lịch sử của dân tộc mình khi hoạch định đường lối đối ngoại trong một thế giới hiện đại đang thay đổi từng ngày, lợi ích các bên đan xen nhau cực kỳ phức tạp. Cần hiểu rõ bạn – thù và phải đặt quyền lợi của dân tộc lên trước hết và trên hết thì mới có chính sách đúng được.
(Theo TUỔI TRẺ)