Những con rắn gần 300 năm tuổi trong thơ Lê Quý Đôn

ran1

Số báo xuân Quý Tỵ 2013- Báo Hải Phòng

Lê Quý Đôn (1726 - 1784), tên thật Lê Danh Phương , làm quan thời Lê Trung Hưng - chúa Trịnh. Lê Quý Đôn là nhà văn hóa nhà bác học lớn, ca ngợi học vấn uyên bác của Ông, trong nhân dân lưu truyền câu “ Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn “; ý nói: dưới gầm trời này cái gì không biết thì đến cứ hỏi Bảng Đôn là khắc biết. Ông sinh tại làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hà, nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Giai thoại về Lê Quý Đôn kể lại lúc nhỏ vốn thông minh nhưng mải chơi lười học, nghịch ngợm. Cha ông  gọi con ra quở mắng và phạt quỳ đánh đòn. Đúng lúc Quan Thượng thư đến thăm nhà. Cha ông phân trần với bạn rằng rất đau lòng vì đứa con trai rắn đầu biếng học.   Quan Thượng thư đã can ngăn và ra điều kiện phải ứng khẩu một bài thơ tạ tội. Cậu bé xin vâng theo. Quan Thượng thư nói: Phụ thân cậu đã bảo cậu "rắn đầu", ta ra đề “Rắn đầu biếng học” cho cậu? Và Lê Quý Đôn đã ứng tác bài thơ này ngay tại chỗ.

Trước hết đây là một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, bởi vậy dù là ứng tác nhưng  tài năng của nhà thơ vẫn đứng vững ở việc thi triển luật. Gieo vần “a” ở câu 1  (Câu khai đề) và tuân thủ đúng nguyên tắc để vần này xuất hiện trong các câu 2,4,6,8. Cấu tạo thi phẩm theo: đề, thực, luận, kết, cũng được phân định tường minh, có mối liên hệ chặt chẽ. Hai câu đầu nêu vấn đề tự nhận về sự biếng học, hai câu thực là nhận thức thực tại, sự biếng học làm đau lòng cha mẹ. Cặp câu luận chia ra 2 ý: tự luận về mình “tuồng nói dối” và ý cam chịu hình phạt rất đúng của cha. Hai câu kết là một khí phách: sẽ cố công học tập noi theo dòng dõi của gia tiên và xứng danh hai bậc tổ sư của Nho học. Bởi từ "Trâu" ở đây chỉ loài rắn hổ trâu, ngoài ra còn dùng để ám chỉ ấp Trâu, quê nhà của Khổng Tử và  nước Lỗ, quê của Mạnh Tử.

Về hệ thống thi ảnh, thi ngôn, do phải ứng tác theo phạm vi định sẵn là nói về loài rắn nên khó có thể dùng hình ảnh và ngôn từ bay bổng. Nhưng chính điều ấy lại tạo lên sự thú vị nhất của bài thơ này, bởi trong cả tám câu, tác giả đều tinh tế cho xuất hiện một loài rắn. Tám loài rắn được nhắc tên ấy gắn với đúng vị trí câu thơ, tinh thần ý thơ mà tác giả định thể hiện. Một độc đáo nữa là tác giả chỉ sử dụng có một từ "rắn"  còn lại không nói đến chữ rắn nhưng lại nói đến rắn bằng cách gọi tên chúng bao gồm: rắn liu điu, rắn đầu, rắn hổ lửa, rắn mai gầm, rắn ráo, rắn thằn lằn, rắn hổ châu, và rắn hổ mang.

Liu điu là loài rắn nước nhỏ hay tha thẩn trên cạn, xuống nước giống hệt trẻ con.  Từ “rắn đầu”, được dùng với dụng ý chuyển đổi nghĩa từ danh từ trỏ một loài rắn sang tính từ chỉ sự cứng đầu cứng cổ. Câu thơ “Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ” là sự vận dụng thông thái của cặp từ “đèn lửa”; từ “hổ” cũng chuyển nghĩa thành tính từ “xấu hổ”. Tương tự, loại rắn Mai gầm ( rắn Cạp nong -Danh từ), thì từ “mai” có nghĩa chỉ thời gian còn từ gầm trong từ ghép được chuyển thành động từ chỉ sự tức giận quát mắng của cha. Rắn ráo được dùng bằng “Ráo mép” là một sáng tạo tài tình giúp ta hình dung được hình ảnh cậu trẻ con láu lỉnh hay cãi chối tội. Rắn roi (còn gọi là rắn lằn lưng) , hổ trâu, hổ mang… cũng được sử dụng theo những phương thức như vậy kết hợp với điển tích, ẩn dụ tạo ra chiều sâu tứ thơ. Ở độ tuổi niên thiếu mà biết và hiểu được đặc tính của nhiều loài rắn đến vậy, đặc biệt vận dụng tên gọi, hay đặc tính của nó mà vận dụng mau lẹ tinh tế cho việc ứng tác một bài thơ giữa bối cảnh áp lực như đã nói thì quả là ít có trên đời.

Câu chuyện tương tự cũng chỉ xuất hiện một lần trong Hồi 79 bộ Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung đó là chuyện Tào Phi bắt em trai là Tào Thực khi phạm tội, ứng khẩu làm thơ đề tài tình anh em, nhưng không được dùng chữ anh em, nếu không sẽ chém đầu. Tào Thực đã đọc bài ứng tác: “Nấu đậu đốt cành đậu / Đậu ở trong nồi khóc / Vốn sinh cùng một gốc / Sao nỡ đốt thiêu nhau”. Bài thơ đã làm Tào Phi xúc động và tha tội chết cho em. Tuy nhiên điều khác biệt khẳng định thiên tài của Lê Quý Đôn ở chỗ, ông làm bài thơ “Rắn đầu biếng học” khi mới đang là đứa trẻ đang đi học, còn Tào Thực lúc ấy đã là nhà thơ và có tước vị Lâm Chi hầu.

Bài thơ đã được truyền tụng gần 300 năm nay, đủ thấy giá trị của nó rất lớn và được nhân dân coi trọng. Dù có những dị bản nhưng chỉ thay đổi lệch 1 vài chữ  cho nên tinh thần bài thơ vẫn trọn vẹn. Nhận biêt lỗi lầm, xây dựng ý chí và khát vọng vươn lên từ học vấn, đó không chỉ là của cậu bé thần đồng Lê Quý Đôn một thưở, mà cũng là bài học cho chúng ta noi theo./.

ran2Rắn đầu biếng học
Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà!
Rắn đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét, mai gầm rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo,
Lằn lưng chẳng khỏi vệt năm ba
Từ nay Châu Lỗ xin siêng học,
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia!
( Bài thơ ghi theo GS. Dương Quảng Hàm tại “Việt Nam văn học sử yếu”- Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1986)