Tết Mèo xem “Tom & Jerry” suy ngẫm về hoạt hình Việt Nam.

Tình tiết chính của phim  trong mỗi tập, đều xung quanh việc một chú mèo tên là Tom cố tom_va_Jerryđuổi bắt chú chuột Jerry để rồi kết quả là sự đổ vỡ, ngổn ngang trong nhà. Lý do để Tom đuổi bắt Jerry là những mâu thuẫn “trẻ con” và những ứng xử ngây thơ ngộ nghĩnh giữa chúng. Về cách xử lý kết thúc một cuốn phim, hầu hết Mèo thua do thói tự cao, do đôi lúc ngô ngố và quan trọng nhất là do chuột tinh quái thông minh. Tuy nhiên nhiều tập Mèo chuột hợp tác ăn ý giúp đỡ nhau, cứu giúp nhau lúc nguy nan… rồi cuối cùng lại vẫn chơi trò “trẻ con” đuổi bắt nhau đúng kiểu  mèo với chuột!
Hoạ sỹ đã tạo dựng được những hình ảnh đồ hoạ về nhân vật và bối cảnh sắc nét với nhiều gam màu phối hợp thu hút trẻ em. Điều này khác hẳn với kiểu hoạt hình cắt dán, nhân vật cứng đờ trên một mặt phẳng dẹt. Tôi chợt nhớ Winsor McCay, cha đẻ của phim hoạt hình đã từng tiết lộ: “Để thành công trong lĩnh vực nghệ thuật không chỉ đòi hỏi tính sáng tạo mà còn cần sự kiên trì. Đối với phim hoạt hình, tính sinh động và hấp dẫn được đặt lên hàng đầu. Một nhân vật hoạt hình ra đời, người ta đánh giá cao vai trò của người họa sĩ hơn là đạo diễn, thực tế thì họa sĩ hoạt hình thường kiêm luôn vai của đạo diễn, nhà sản xuất. Họ không chỉ tạo ra mô hình nhân vật, mà còn là người thổi hồn cho nhân vật”. Kịch bản luôn tạo được tình huống khác biệt hẳn. Hầu như trong hàng trăm tập không có sự trùng lặp. Mỗi tập phim là một câu chuyện có cốt riêng, có tình huống độc đáo và kết thúc bất ngờ. Trên cơ sở đó, đạo diễn đã dàn dựng bối cảnh cho Mèo và Chuột diễn xuất ở nhiều không gian khác nhau Trong nhà, bãi biển, đảo hoang, khu nhà cao tầng… Nếu trong cùng một không gian thì bài trí cũng khác nhau.. Sự sáng tạo ấy xoá hẳn đi sự nhàm chán với tâm lý người xem. Những tiết tấu nhanh, ly kì, hồi hộp gay cấn : bay lơ lửng trên không, chui vào bụng cá mập… tạo nên sự thích thú. Quan trọng nữa là yếu tố công nghệ tham gia vào phim làm cho con Mèo khi bị dài như cái ống, lúc như cái bàn là khi lại dẹt xuống tấm thảm… tạo được sự khoái trá. Kết cục của mỗi bộ phim, dù mèo thua, hay chuột thua cũng là một bài học nhỏ về tỉnh táo, về chống thói kiêu ngạo, chủ quan về lòng yêu thương đoàn kết… Câu chuyện Mèo Chuột tưởng như là chuyện sinh tử hoá ra cuối cùng đều là tiếng cười. Thật nhẹ nhàng ý vị không chỉ với trẻ con mà cả người lớn nữa.
Tôi bắt đầu hiểu được vì sao cái bộ phim “Trẻ con” này đoạt tới 7 giải Oscar. Và chợt thấy buồn vì hoạt hình Việt Nam vắng bóng trên truyền hình và trong đời sống con trẻ. Tại sao vậy ?  Lần tìm lời lý giải từ nhiều nguồn tôi tạm dẫn ra những ý kiến của “Những người trong cuộc” trả lời vấn đề này. Trước hết về đánh giá chung, những nhà làm phim hoạt hình Việt đã tận tâm, sự tận tâm ấy là kết quả số lượng 300-400 phim đã được hoàn thành, nhưng thật đáng tiếc chỉ khoảng 1/10 số bộ phim đó được trình chiếu mà thôi. Trong một lần phỏng vấn, đạo diễn Hà Bắc nói “ Cách đây 2 năm, tôi có làm chương trình Đi tìm cội nguồn 50 năm điện ảnh Việt Nam, cũng là 45 năm điện ảnh hoạt hình, lùng sục khắp tìm những bản phim cũ và thấy nhiều bản phim mới nguyên nằm trong kho, khán giả thì chưa được xem”. Gần đây, do công nghệ tin học phát triển mạnh, Hoạt hình 3D Việt đã xuất hiện nhưng không để lại nhiều dấu ấn  trong khán giả. Đạo diễn Huỳnh Vĩnh Sơn, người từng giành giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 với phim Thỏ và Rùa, cho rằng  “nếu có một sự so sánh hoạt hình 3D của Việt Nam và thế giới, chỉ có thể nói ngắn gọn: Lợi thế - không, điểm yếu - quá nhiều “. Các phim hoạt hình 3D của ta như Giấc mơ của ếch xanh, Thỏ và Rùa, Chuyện hai chiếc bình...trở lên nhạt nhoà trước hoạt hình ngoại, vốn sinh động đa đạng với kỹ xảo ấn tượng.
Lại hỏi tại sao như vậy? Hầu hết các đạo diễn khẳng định không phải vì chúng ta không có người giỏi, mà trên thực tế, sau rất nhiều nỗ lực đóng góp cho phim hoạt hình 3D, những người làm phim vẫn chưa tìm được đầu ra cụ thể cho sản phẩm của mình để ổn định và yên tâm về con đường đang bước tới. Hiện nay, phim Hoạt hình Việt Nam nằm trong hệ thống quản lý của điện ảnh. Điện ảnh lại có sự quản lý tách biệt với truyền hình nên Hoạt hình Việt Nam không có sân để bộc lộ.  Theo NSƯT Hà Bắc “Hoạt hình cũng như phim, cần có khán giả. Sự thờ ơ của dư luận đã không tạo ra được sự tương tác. Không có giới phê bình đánh giá, sân chơi cũng không. Thành ra, người làm phim hoạt hình cứ một mình một cõi, ủ ê, khó phát triển”, Khán giả không được tiếp xúc với phim hoạt hình Việt Nam , vì phim không có chỗ chiếu thường xuyên.
Về nghệ thuật, có thể nói Hoạt hình Việt Nam vẫn còn “ẩn mình trong vỏ ốc” ít có sự chuyển biến trong sáng tạo nghệ thuật. Trên một lối mòn cũ kỹ hiện thực cuộc sống được “bệ nguyên xi” vào phim làm cho phim xơ cứng.  Xem phim hoạt hình ngoại nói chung Tom & Jerry nói riêng mới thấy được các tác giả làm phim đã kết hợp trí tưởng tượng phong phú với các yếu tố giả tưởng phi lý tạo ra những thuớc phim sinh động lý thú. Ví như Jerry ăn tham quả dưa thì người to phình ra hình quả dưa, Tom bị Jerry đánh phẳng lỳ như một tờ giấy rồi lại trở về hình hài cũ… Hoạt hình Việt Nam chưa chú ý đến đặc trưng thể loại mà ở đó, nhà làm phim có thể hiện thực hóa trí tưởng tượng bay bổng của mình một cách cao nhất nhờ các yếu tố phi lý, giả tưởng. Mặt khác, phim hoạt hình Việt Nam thường có dung lượng chiếu khoảng 30 phút, nhưng ý đồ nén chứa bài học giáo dục vào phim thì quá cao làm trẻ nhỏ chán nản bởi các lời thoại mà không có khoái cảm thưởng thức chức năng giải trí. Nói cách khác, một nguyên nhân quan trọng khiến các “khán giả nhí” quay mặt với Hoạt hình Việt chính là ở chỗ phim làm ra chưa phù hợp tâm sinh lý trẻ thơ.  Và các nhà làm phim vẫn nhắc lại cái nguyên nhân muôn thuở đó là “cái khó bó cái khôn, thiếu thốn đủ đường”,  mà những bộ phim dài hơi, tầm cỡ không thể ra đời.
70 năm trôi qua Tom và Jerry nhảy múa trên mọi nẻo đường thế giới và mang lại tiếng cười trẻ thơ đầy ắp quả đất; còn Mèo và Chuột Việt Nam vẫn nằm im trên các mặt phẳng dẹt của tranh Đông Hồ, Hàng Trống. Hiện tại, nước ta đang hội nhập, tiềm năng và khả năng công nghệ đang phát triển mạnh, nguồn nhân lực tài năng làm hoạt hình không hiếm, nhưng những bộ phim hấp dẫn khán giả nhỏ tuổi vẫn còn vắng bóng? Vậy nguyên nhân ở đâu, liệu có phải chúng ta thiếu một thứ quan trọng là khâu quản lý tổ chức một cách chuyên nghiệp?
---------------------------------------------------