Có một ánh trăng tình bạn nơi đêm thế sự

Nhân đọc“Đêm trăng chơi cờ một mình nhớ bạn”
( tập thơ “Bến xưa” của Trần Nguyên Thạch- Nxb Hội nhà văn)

co1

  Ai đó đã nói “Mất tiền bạc là không mất gì, mất tình yêu là mất một nửa và mất bạn là mất hết”. Tình bạn chân tình là một phạm trù cao thượng trong đời sống tinh thần con người, nó là đề tài vĩnh cửu sánh ngang với đề tài tình yêu lứa đôi, nó lấp lánh trong những câu truyện đời đã thành truyền thuyết Bá Nha -Tử Kỳ, Lưu Bình - Dương Lễ…
Theo dòng tư duy ấy, tôi đã đến “Bến xưa” của Trần Nguyên Thạch  và chạm vào trong cõi hoài niệm tràn ngập tập thơ, trong những cung bậc thương nhớ đang hiện hình day trở, có một mỗi nhớ bạn vơi đầy: “Đêm trăng chơi cờ một mình nhớ bạn”
Cuộc chơi cờ nào cũng phải có hai người, thậm chí hai phe mới hứng, dù kỳ tài đến mức chơi cờ miệng trong lúc đi đường, hoặc nằm trên giường... Đặc biệt, chơi cờ phải có đối thủ, tức là nói đến tính tương đương về sự am hiểu nhau, cái thắng bại chỉ diễn ra ở một nước bất ngờ mới tạo được dư vị khoái cảm. Trần Nguyên Thạch, trong một đêm trăng bày quân chơi cờ một mình, có lẽ chơi cờ chỉ là cái cớ để anh hồi ức suy ngẫm. Trước tiên, Anh nhìn vật mà nhớ người với một kỷ niệm xa ngái một thời về người bạn có lẽ tâm trạng đang như anh bây giờ:
Mấy chục năm rồi
Nào có gặp nhau
Mày còn nhớ?
Tao nhớ mày
Bày một thế cờ
Ngồi một mình chơi trong đêm trăng khuya.

       Đêm trăng thường là thời điểm khơi gợi nhiều xúc cảm, nhưng đêm trăng của Nguyên Thạch là đêm trăng khuya. Cái thời khắc tĩnh tại nhất, trăng sáng nhất và cũng lạnh nhất tạo ra sự cô đơn. Đối diện với trăng có biết bao điều muốn giãi bày. Với nhà thơ, thời khắc ấy, vụt hiện dậy dòng hồi ức về tuổi trẻ một thời, cái tuổi đầy nhiệt huyết mạnh mẽ quyết liệt đam mê, khát khao chiến thắng. Hai người với hai cách chơi khác nhau nhưng đều chung cái vòm trời khao khát ấy. Cái hay của ý thơ ở chỗ nó nói được cái ý ấy qua cách tư duy, phương án chơi cờ:

co4

Tao biết mày mê pháo
Châm ngòi
Nổ tung trận đối phương
Tao thích đánh xe chồng
Vỗ mặt
Song xa hội chiến.
      Cái quyết liệt ở đây, dường như có vương một chút mộng, một chút bồng bột của một thời tuổi trẻ, có lẽ là thời sinh viên chăng?
Bỗng tiếng cười trong miền nhớ thẳm xa ấy chợt tắt, mà thay vào là một suy ngẫm. Cái suy ngẫm ấy không phải chỉ còn từ nỗi nhớ về một kỷ niệm nữa. Nó chắt ra từ những cay đắng cuộc đời mà đôi bạn đã trải. Đoạn thơ như một nốt trầm:
Tao với mày chơi tốt chẳng hề hay
Tiếc con tốt cờ phương Đông không hóa Vua hóa Hậu
                                   Thương con tốt chẳng đi lùi chỉ ngang và tiến
                                   Bao trận cờ tàn tốt đã chết từ lâu.
Cuộc đời là một ván cờ thế sự, ai cũng phải chơi. Nỗi buồn của những quân tốt là nỗi buồn muôn thưở của kiếp người. Điều này, có lẽ ở  phương Đông “nồng độ” cay đắng nhiều hơn mà thôi.
Nhưng nốt trầm lắng vẫn không cản cái dòng nhớ, mạch nhớ ào ạt tuôn chảy, nó cứ hiện hữu. Thi sĩ khao khát níu kéo “bạn”:
Mày hãy thức cùng tao chút nữa
Cơi ván cờ thương nhớ
Tao lại bày đây…
Và rồi dù bạn không có, tiếng gọi không được trả lời cái khao khát nhớ thương vơi đầy vẫn sống trong thi sĩ như một sinh thể tồn tại vô hình. Nhơ bạn như một nhu cầu, như chẳng thể nào quên. Anh đã viết điều này bằng một khúc thơ đầy tâm trạng u uất cô đơn:
Một mình lặng phắc
Dưới trời khuya
Ánh trăng giọt lệ
Thấm bàn cờ thế sự
Như giọt rượu
Vỡ tan rồi.
    Thì ra những đắng cay, những mất mát có đau nhức, có thể làm thành một miền đen tối, nhưng từ cõi sâu hoài niệm ấy vẫn có một “ánh trăng” tình bạn vẫn thắp sáng. Ánh trăng ấy lung linh và đẹp đẽ dù nó đang rơi lệ xuống cuộc chơi của một kiếp người.Cái hạnh phúc mà anh có được giữa những tháng năm bươn trải, giữa bời bời thế sự chính là có bạn, một người bạn đúng nghĩa để mà nhớ.
co3Tôi đã đọc Trần Nguyên Thạch trong tập “Bến xưa” của anh; mấy chục bài thơ gom lại như một tài sản tinh thần. Tiếng thơ anh có lúc gắn với những chuyến đi gửi lòng mình với ngoại giới để suy ngẫm; có lúc hoài niệm về dĩ vãng với một vẻ đẹp buồn. Và trong số ấy, bài thơ “Đêm trăng chơi cờ một mình nhớ bạn” gọi trong tôi một sự đồng điệu đắng đót chênh chao.