Hải Phòng, nơi ánh điện đầu tiên bừng sáng xứ Đông Dương
Hải Phòng là thành phố đầu tiên ở Đông Dương có điện, đó là khẳng định của báo chí những năm gần đây. Tuy nhiên việc xuất hiện cuốn hồi ký Xứ Đông Dương của Paul Doumer - toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1897- 1902 lại nói “Hà Nội là thành thành phố châu Á đầu tiên có điện”, đã gây ra những tranh luận. Vậy thực hư câu chuyện này thế nào?
Xây dựng năm 1892 hoạt động năm 1894
Căn cứ theo nghiên cứu của PGS.TS Trần Hữu Quang trong cuốn “Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu” (NXB Tổng Hợp TP.HCM), 2016) thì trước đó Hải Phòng cũng như Hà Nội, Sài Gòn, người ta thắp đèn đường phố bằng những cây đèn lồng đốt bằng dầu dừa trị giá 24 franc/cây. Đèn được thăp từ 18h (mùa đông) và từ 18h30 (mùa hè) và được tắt khi có phát súng ca-nông báo hiệu buổi sáng, sau này ở Hải Phòng được thay thế bằng tiếng còi ủ. Thời đó, tại các thành phố của Pháp chỉ sử dụng đèn hồ quang, ra đời vào 1844 và do Dzan Bernar Fucô (người Pháp) sáng chế.
Cũng theo Trần Hữu Quang trong bài "Những bóng đèn đường dùng đầu tiên ở Sài Gòn", Thời báo Kinh tế Sài Gòn (1998) thì: “Ngay từ năm 1892, hai nhà kinh doanh người Pháp (Hecmenier và Plante) đã bắt tay thực hiện dự án chiếu sáng bằng điện năng tại thành phố Hải Phòng từ tháng 4 và sau đó tại Hà Nội từ tháng 12 cũng năm ấy chủ yếu chỉ bằng phân phối điện xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Có thể nói Hải Phòng là nơi ứng dụng điện lực đầu tiên ở Đông Dương”. Kết luận đó trùng khớp với các tài liệu công bố trên trang Website của ngành Điện lực Việt Nam: “Năm 1894: Hải Phòng là thành phố đầu tiên ở Đông Dương được thắp sáng bằng đèn điện với sự ra đời của Nhà đèn Vườn hoa”. Đây cũng là thông tin mà trang Website của Côngty Điện lực Hải Phòng xác nhận, theo đó, năm 1892 Pháp cho thành lập ở Bắc Kỳ Công ty Điện lực Đông Dương gọi tắt là (SIE). Ngày 12/4/1892, Đốc lý Hải Phòng đã ký hợp đồng với 2 nhà thầu Hermenier và Plante theo nội dung “Cam kết tiến hành việc thiết kế xây dựng cung cấp điện chiếu sáng cho Hải Phòng”.
Việc Hải Phòng dùng điện chiếu sáng (bằng bóng đèn sợi đốt do Edison sáng chế năm 1879) là một sự kiện nhiều ý nghĩa vì cùng thời điểm này ngay thủ đô Paris (Pháp), người ta còn coi điện là phương tiện xa xỉ tốn kém nên chỉ dám dùng đèn điện loại này để thắp sáng một số trung tâm hành chính.
Khẳng định của Paul Doumer là sai lầm
Cuối thế kỷ XIX, chính quyền Pháp đã có ý tưởng xây dựng Hải Phòng thành "thủ đô kinh tế" của Đông Dương. Toàn quyền Đông Dương J.L.De Lannessan chỉ thị: “Trong những công trình đã làm và sẽ làm phải chú trọng mở mang anh sáng điện và nước cho hai thành phố chính là Hà Nội và Hải Phòng để cải thiện sinh hoạt cho người Châu Âu ở Bắc Kỳ”. Thông tin này cho thấy chủ trương xây dựng nhà máy điện ở Hải Phòng được đưa ra là không phải của Paul Doumer - toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1897- 1902. Vì vậy khẳng định Hà Nội là thành phố có điện đầu tiên của Paul Doumer là không chắc chắn vì khi ông đến Việt Nam thì Hải Phòng và Hà Nội đã có điện rồi. Mặt khác Anh Hùng lao động, tiến sĩ Thái Phụng Nê người giữ chức Thường trực Ban Biên tập bộ sách “Điện lực Việt Nam - Quá trình phát triển” khẳng định: khi lần theo dấu vết lịch sử, đặc biệt là thu thập được chứng cứ quan trọng về bức ảnh Nhà đèn Vườn Hoa Hải Phòng được một thành viên của Hội Hữu nghị Việt - Pháp thành phố Hải Phòng tìm thấy tại Thư viện Lịch sử thành phố Paris – Pháp. Căn cứ trên các thông số từ bức ảnh thì Nhà đèn Vườn Hoa Hải Phòng (750kW) xây dựng tháng 4/1892, hoạt động năm 1894 mới là nhà máy nhiệt điện đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam.
Mặt khác ở thời điểm đó, khi nhìn nhận vấn đề dưới góc độ kinh tế thì Hải Phòng thuận lợi hơn Hà Nội trong việc khai thác than làm nhiệt điện, bởi việc vận chuyển than từ Hòn Gai về Hải Phòng bằng đường thủy vô cùng thuận tiện. Để cặn kẽ và xác thực thêm có thể minh chứng bằng nguồn “Lịch sử Nhà máy điện Hà Nội”; đây là tập tài liệu nội bộ của một cơ quan chuyên ngành điện ấn hành năm 1958 trong đó ghi rõ:“ Theo bản giao kèo ký kết với Tòa đốc lý thành phố Hà Nội ngày 6/12/1892. Hermenier và Planté (thành viên của SIE) đứng ra khởi công xây dựng nhà máy điện bên cạnh Hồ Gươm. Ngày 5/1/1895, Nhà máy điện Bờ Hồ bắt đầu chạy thử và phát ra dòng điện một chiều với công suất 500 cv (sức ngựa) thắp sáng được 523 bóng đèn phục vụ nhu cầu người Âu ở Hà Nội”.
Từ các thông tin này, hợp nhất lại có thể kết luận: Thành phố Hải Phòng xây dựng nhà máy điện tháng 4/1892, bắt đầu hoạt động năm 1894 trong khi Hà Nội xây dựng tháng 12/1892 và bắt đầu hoạt động năm 1895. Như vậy rõ ràng Hải Phòng là thành phố có điện đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương. Việc Paul Doumer - toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1897- 1902 khẳng định Hà Nội thành phố có điện đầu tiên là sai lầm; còn ý nói “sớm nhất châu Á” của ông có đúng hay không vẫn chưa có tài liệu nào công bố để đối chiếu.
Ths. Nguyễn Đình Minh