Không gian văn hóa trong thơ Nguyễn Đình Minh - Nhà thơ Vũ Quần Phương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam

Ngay từ tập thơ đầu, nhà giáo Nguyễn Đình Minh đã bộc lộ một phẩm chất trữ tình làng quê khá sâu đậm. Vào tập thơ thứ sáu xuất bản năm 2016, chất tâm hồn ấy đã thành một đặc trưng của thơ anh. Đúng hơn, cùng với thời gian, thơ anh mở ra nhiều chủ đề, nhưng nền tảng của cảm xúc vẫn là nỗi nhớ thương lưu luyến những đường xưa nét cũ mang vẻ đẹp của truyền thống làng quê. Cả tình và cảnh. Tình người chất phác sâu đằm, cảnh thiên nhiên đẹp và gợi.

Trong nền thơ Việt Nam ta, mảng cảm xúc làng quê vốn chiếm một tỷ lệ khá đậm, và đã lưu giữ nhiều tuổi tên tác giả, tạo nên một đặc trưng thẩm mỹ, có thể nói là cố hữu trong thưởng thức và bình giá thơ ca. Ngay từ buổi đầu của văn học viết còn lưu giữ được, thời Lý thời Trần, những câu thơ neo trong tâm trí chúng ta đã là:

Thôn trước thôn sau tựa khói lồng

Bóng chiều dường có lại dường không

Gõ sừng mục tử trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng

 

Chỉ riêng hình ảnh các chú mục tử cưỡi trâu lúc chiều về, vốn quen thuộc với nghề nông cấy lúa nước, mỗi lần hiện là một lần ám ảnh, gợi thương gợi nhớ. Từ thơ bà huyện Thanh Quan đầu triều Nguyễn Gác mái ngư ông về viễn phố Gõ sừng mục tử lại cô thôn. Cho đến đàn trâu trắng qua sông chiều cuối năm trong thơ Nhuyễn Bính thời thuộc Pháp. Đẹp và buồn và phiêu dạt Có đàn trâu trắng lội ngang sông Có cô thợ nhuộm về ăn tết Sương gió đường xa rám má hồng. Làng quê, cả về chất liệu lẫn hồn vía đã như một thứ tế bào gốc trong cảm xúc các nhà thơ.Bậc khoa bảng Nguyễn Khuyến, suốt đời canh cánh một nỗi lòng trí thức trước thời buổi nhiễu nhương tao loạn Vua chèo còn chẳng ra chi Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề thì “làng cảnh”, theo cách nói định vị Nguyễn Khuyến của Xuân Diệu, vẫn cứ luôn luôn là nền tảng cuả cả hồn và ý trong thơ ông. Nguyễn Khuyến có hình hài ông quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu, nhưng trong gen cảm xúc ông, cái tế bào gốc nguyên khởi vẫn là quê hương làng cảnh. Cho đến lứađàn anh đàn chị của chúng ta, cùng thời với cơn gió Âu hóa đang thổi tung váy áo những bà Phó Đoan, những ông Typ phờ nờ hay Xuân tóc đỏ… thì một nền văn hóa làng quê truyền thống, tinh tế, sâu sắc trong thơ Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân…vẫn xuất hiện và chinh phục lòng người. Hiện nay, lứa bạn cùng thời vơi chúng ta: Phạm Công Trứ, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Duy, và điều này, mới nghe tưởng nghịch lý, cả Nguyễn Quang Thiều nữa...làm nên sức hấp dẫn của thơ các anh vẫn là tình cảm làng quê, là hồn vía ruộng đồng xóm mạc. Hôm nay tôi muốn bạn xét thêm một tác giả, anh: Nguyễn Điình Minh.

Làng quê vốn là nơi lắng đọng, lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc. Viết về làng quê thực chất là một cuộc truy lĩnh văn hóa quá khứ. Nhưng cách truy lĩnh ở mỗi nhà thơ một khác biệt tạo nên phong vị khác biệt của phẩm chất trữ tình từng tác giả. Nguyễn Nhược Pháp truy lĩnh một không gian văn hóa cổ đại, khi sông núi còn vang um tiếng thần thời Sơn Tinh Thủy Tinh, nhưng cái duyên của nhà thơ này là ông đan được vào văn hóa xưa, những nét, dù rất mảnh, nhưng hóm của tư duy hiện đại, mang dấu vết của văn hóa đương thời. Như khi tả nhan sắc Mỵ nương đẹp như tiên trên trần Tóc xanh viền má hây hây đỏ, ông viết tiếp, liền mạch trong giọng kể Mê nàng bao nhiêu người làm thơ. Không gian văn hóa của câu này cách câu trên nó phải hơn hai mươi thế kỷ. Ai lưu tâm đến lối sống thành phố thời 30-45 sẽ nhận ra cái biểu hiện si tình của đám sính văn chương háo hức và kiêu hãnh làm thơ ca ngợi những người đẹp đương thời, mà phần lớn không quen biết gì với họ, là một chứng bệnh tội nghiệp mà lại hay lây. Câu thơ này không dính gì đến thời Mỵ nương mà là một nét cười diễu của người bây giờ. Vua Hùng thứ 18 phân vân không biết gả con gái cho ai, Thần Sơn hay thần Thủy. Nguyễn Nhược Pháp nhẹ nhàng và kính cẩn chia sẻ với nỗi lo đại sự của nhà vua:Vua nghĩ lâu hơn bàn viêc nước Lao lung lắm mới dẫn đến kết luận:Nhưng có một nàng mà hai rể Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều (!). Nguyễn Bính thì dựng nên những cảnh quê trong cõi mộng. Làng quê Nguyễn Bính rất khác với làng quê ở các nhà thơ đồng thơi như Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ... Ba nhà thơ vừa dẫn  hiện thực hơn Những câu kỳ ảo (Lặng lẽ nhất có vài người thầy bói Bước gậy lần như những bước chiêm bao - Anh Thơ - Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau - Đoàn Văn Cừ - ) có chăng, chỉ là điểm xuyết. Làng quê trong thơ Nguyễn Bính, nhất là ở giai đoàn đầu, rất thơ, rất đẹp, đẹp như trong cổ tích Sáng trăng chia nửa vườn chè Một gian nhà nhỏ đi về có nhau HayTrai hiền bạn với gái đồng trinh RồiMột đôi công chúa đều hay chữ Hoàng hậu nhu mì không biết ghen. Đó không phải hiện thực nông thôn thời ấy hay thời xa xưa nữa. Nó lãng mạn nhưng không xa đời. Đấy là tinh hoa của thơ Nguyễn Bính và cũng là tinh hoa của cảnh quê dưới bút ông. Cùng thời với chúng ta, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ… cũng gạn từ hiện thưc quá khứ những nét đẹp truyền thống xen với  những chất thơ trong chi tiết đời sống hiện nay.

Nguyễn Đình Minh thì sao?

Anh là người có ý thức trong chọn lựa không gian văn hóa cho thơ làng quê của mình. Ở tập thơ đầu, từ tên tập, chúng ta đã thoáng nhận ra Câu hát ngày xa (2006). Đó là không gian của ngày xa, của hoài niệm. Bài thơ đầu tập, thể lục bát như lời tự bach của tác giả  về lòng yêu văn hóa dân gian và ý định dùng cả đời  mình để ngợi ca không gian văn hóa ấy. Xin dẫn trọn vẹn bài thơ, kể cả hai câu ca dao cổ như một dòng lạc khoản ngay sau đề bài, bởi nó là nguyên ủy để có bài thơ: “ Gió sao gió mát sau lưng /  Nhớ sao lại nhớ người dưng thế này”

Chỉ mười bốn tiếng ấy thôi

Mà em vương vấn mà tôi nặng lòng

Bao lần đã nhủ rằng không

Mà sao cái mối tơ hồng cứ đeo

Nổi lênh mặt nước cánh bèo

Câu ca dao ấy mang theo một đời

Cứ thương cứ nhớ đầy vơi

Dù cho em ở khoảng trời cách xa

Tầm xuân mấy lượt đơm hoa

Hình như ngần ấy lần cà đơm bông

Ai mang con sáo sang sông

Để cho cây cải lên ngồng già nua

Tóc xanh bac bởi nắng mưa

Vì sao nỗi nhớ lại chưa phai màu

Hẹn người nếu có kiếp sau

Cho tôi xin một miếng trầu người têm

 

Thế là rõ, không phải dành trọn kiếp  mà còn muốn dành cả kiếp sau, nếu thật  có kiếp sau. Chất liệu, hơi thơ và cả nội dung của bài đã nói đủ, nói thấu lòng yêu, niềm say đắm và sự tận hiến của tác giả  với văn hóa truyền thống dân tộc. Trong năm tập thơ Nguyễn Đình Minh tôi được đọc, tập đậm văn hóa làng quê truyền thống nhất là tập Mắt cỏ. Không phải cả tập viết về làng nhưng những bài về làng thì duyên dáng và đậm đà hơn cả, tôi tựa vào đấy mà khảo sát cách tìm chất thơ trong vạt làng quê của anh:

...Vó bè cất áng mây sa

 

dế lang thang giữa mượt mà cỏ tơ

cánh sen lần giở tuổi thơ

mặt ao đựng bóng cả bờ tre xanh

 

Ngoại cười ấm mái nhà tranh

chè tươi ngọt nước chum sành ngày xưa

miếng trầu têm đỏ nắng trưa

chung chiêng keõkẹt võng đưa gió vờn

 

Bồ rau chụm lửa ba hòn

bánh chưng vuông bánh dày tròn ở đây

bao phen bão táp vần xoay

làng tre vẫn ở chân mây cuối trời?

  

Tất cả các chi tiết trong bài thơ này đều thuộc về một đời sống quá khứ của làng quê, bây giờ hiếm gặp. Hiếm gặp nhưng từng là đặc trưng của đời sống làng quê. Nguyễn Đình Minh khéo chọn. Có thể coi là hiện vật của một giai đoạn văn hóa làng quê. Hơi thơ lục bát ngọt và xuôi dẫn ta vào hoài niệm đẹp và thơ. Tôi chú ý cái dấu hỏi cuối bài. Tác giả cũng biết những nét thơ và cũng rất thực mà mình yêu mến ấy của làng đang biến dần. Anh không thơ mộng hóa quá khứ như Nguyễn Bính mà anh nhặt lại những nét xưa hợp với tạng hồn mình và rồi như mê đi trong cảnh sắc ấy. Cảm xúc đắm đuối lo âu trước cảnh xưa tình cũ tạo nên tình cảm của bài thơ, gây xúc động lòng người. Hướng tìm này cũng là một hướng nhiều thử thách, không tinh tế và trường vốn làng quê quá khứ sẽ không tung hoành được. Mà lại dễ buồn. Không thể giăng lưới vớt ngày xưa mãi được. Ngay cả tiếng gọi đò khuya lay thức cả đôi bờ đầy gợi cảm và rất tốn thời giờ cũng hiếm lắm rồi. Người ta đi qua những cây cầu hiện đại. Cuộc đời tất yếu phải như thế. Nhà thơ thạc sĩ Nguyễn Đình Minh chắc hằn đã biết tình thế ấy. Anh đang mở rộng đề tài và tạo dựng cảm xúc mới, rộng xa hơn để ca ngợi biểu dương văn hóa truyền thống Việt Nam mình như trở về những di tích lịch sử của chiến công chống xâm lăng, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên đất nước, những nhân vật của huyền thoại của cổ tích...Những sự kiện của đời sống hiện đại cũng đã có nhưng còn rất ít. Hơi hướng cảm xúc và thi liệu vẫn thích tìm trong truyền thống. Khuynh hướng tìm thơ, tạo thơ ấy đã tạo thành một đặc điểm Nguyễn Đình Minh, một thi pháp có vị riêng góp vào sự phong phú của thơ bây giờ.

Tôi cảm phục và mến yêu sự can đảm “vượt lên tử giác“ ấy của Nguyễn Đình Minh. Quả thật tôi có hồi hộp khi gặp giọng nghị luận đại tự sự hoặc bút pháp vịnh sử vịnh cảnh trong một số  hướng tìm của anh. Hồi hộp vì lo cho mạch cảm xúc trứ tình trong vắt, đằm thắm, thấm thía nhân tình của anh bị hao hụt. Nếu được nói thêm, xin cho tôi được hỏi anh cụ thể vào hai nhân vật anh biểu dương từ tích xưa. Một là cô Thị Mầu hai là ông Trương Ba. Cô Thị Mầu thi không phải chỉ Ariêng anh, tôi còn đọc ở hai nhà thơ nữa, các anh đều biểu dương Thị Mầu sống thật, dám là mình khi tỏ tình với chú tiểu trước sân chùa. hỗ này thì tôi cũng biểu dương. Nhưng khi Mầu yêu người nhà chuà nhưng lại ngủ với anh giúp việc nhà mình thì có càn là bản lĩnh sống thật không. Lại khi bị làng phạt vạ, lại đổ oan cho người thất thế, tước đi danh dự và quyền sống của họ thì tráo trở, độc ác quá sao lại ca ngơi Mầu như biểu tượng của nhân cách cao cả được. Còn về mối tương quan giữa Trương Ba và anh hang thịt. Anh tiếc cho Trương Ba và lên án anh hàng thịt: hoa tươi phải cắm trên gỗ mục và hương thơm phải đựng trong chiếc đĩa sành. Tôi xin làm thày cãi cho anh hàng thị bằng bài thơ nhờ đọc Nguyễn Đình Minh mà có 

 

       Đọc lại chuyện cổ

 

Anh hàng thịt vũ phu

anh ấy vũ phu nên mới thành ra chuyện

trái tim anh ấy đập

nuôi sống hồn Trương Ba

chân anh ấy phải đi

cho ông Trương Ba đến

tay lam làm thức khuya dạy sớm

pha thịt làm lòng áo quần hô hám

cho hồn ông Trương Ba thảnh thơi

đủng đỉnh nước cờ lên xe xuống mã

 

Hồn Trương Ba ngào ngạt hương sen

anh hàng thịt thành bùn đen dưới đáy

 

Khổ đến cả vợ anh

vẫn nghe vẫn thấy

giọng nói câu cười anh ấy vào ra

mà mình góa bụa

thiên hạ khinh ông

chỉ bà ấy xót

 

Tôi muốn bài thơ như tiếng thét

đòi công bằng cho người mang thân xác

sống phải sống từng tế baò cơ cực

cung phụng thằng tầm gửi rong chơi

 

19-10-2018

 

Xin cám ơn

24-10-2018