Liệu có thể nói “không” với dạy thêm, học thêm?
Kỳ 1: “Thị trường” dạy thêm học thêm, ai tạo dựng?
Dư luận xã hội, báo chí… chưa bao giờ nguôi bàn chuyện dạy thêm, học thêm trong những năm gần đây. Câu hỏi đặt ra là: vì sao nó vẫn tồn tại, và có thể loại trừ nó ra khỏi đời sống học đường?
Những nhu cầu khó cưỡng
Khi nhìn dưới góc độ phân tích tác hại của dạy thêm, học thêm (DTHT), người ta chỉ ra hàng loạt những nội dung sai phạm, phi lý, có người còn cho đó là một “vấn nạn” trong dời sống xã hội hiện nay. Tuy nhiên không chỉ Hải Phòng mà hầu hết 63 tỉnh thành ở đâu có nhà trường, ở đó có DTHT, ngoại trừ các trường vùng dân tộc thiểu số đặt trên những địa điểm hẻo lánh. Vậy thì đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng DTHT tổn tại?
Gặp gỡ nhóm công nhân tại công ty TNHH Sao Vàng, thị trấn Trường Sơn, An Lão, chị Đoàn Thị Lệ tâm sự: hai vợ chồng tôi đều làm công ty, cho con đi học thêm là an tâm nhất, các cháu được thêm chữ và được bảo vệ trong trường học, do vậy có tốn chút tiền cũng đáng. Có lẽ nhiều gia đình công nhân ở thành phố có tâm sự giống như chị Lệ. Tuy nhiên không chỉ có công nhân, tại xã Vĩnh Long (Vĩnh Bảo) ông Trần Tăng Thắng bộc bạch: làm ruộng thì các cháu nhỏ quá, nếu để lêu têu vào quán Game thì hỏng ngay, thành ra cho con học thêm là lựa chọn tối ưu. Trong nội thành, các phụ huynh vẫn cho con đi học thêm. Chị Phạm Thị Hạnh, phố Trần Hưng Đạo cho biết: ở thành phố thường xuất hiện tình trạng “con gà tức nhau tiếng gáy”, khi con về nhà không có điểm giỏi thì bố mẹ không vui, con người giỏi hơn con mình là quyết không chịu. Mặt khác nơi đây có lắm thông tin hình thành nên một thị trường, một diễn đàn ngầm về giáo dục nên mọi người đua chen cho con đi học thêm… mục đích cần đạt là con học ở lớp chọn, học được điểm cao và thi vào 10 hay đại học phải được vào trường danh giá, riêng với đại học nhất thiết phải đạt được. Ở phố tôi chưa bao giờ nghe việc phụ huynh bàn nhau cho con vào trường dân lập hay đi học trung cấp, cao đẳng - chị Hạnh nói thêm.
Ngoài tất cả những điều nêu trên, có một câu hỏi đặt ra là, giả sử ngành giáo dục không tổ chức DTHT nữa, thì ít nhất trong ngày có một nửa số thời gian học sinh sẽ làm gì? Bao nhiêu trong số ấy các em đủ bản lĩnh và năng lực tự học, bao nhiêu các gia đình tự quản được con em? Bao nhiêu phụ huynh có đủ tiền và thời gian cho con em mình vui chơi ở các điểm giải trí, học tập khác? Và có bao nhiêu trung tâm đón nhận đáp ứng các nhu cầu này theo hình thức miễn phí hoặc thu phí rẻ?
Có cả ngàn lẻ một nguyên nhân có khi từ quan niệm “con cái là của để dành” nên tất cả tốt đẹp dành cho chúng, đến những quan niệm phải tạo cho con những cái danh hơn bè bạn và cho gia đình mình “đẳng cấp” hơn người khác… các bậc phụ huynh đã tự thiết lập nên một thị trường nhu cầu đông đúc và sôi động thúc ép bên “cung” là ngành giáo dục phải giải quyết.
Người trong ngành giáo dục nói gì?
Người không trong cuộc, khó có thể hiểu một thực tế với cấu tạo chương trình như hiện tại. Nhiều bộ môn có lượng kiến thức hàm chứa trong 1 bài dạy không tỷ lệ thuận với thời gian quy định. Thạc sỹ Hoàng Roãn Tuấn (THPT Nguyễn Khuyến) chia sẻ: “ về độ dài, nhiều bài văn quy định 1 tiết dạy, nhưng nếu chỉ đọc 1 lần văn bản đã hết cả tiết; nhiều tiết có các đơn vị kiến thức với độ khó cao, giáo viên buộc phải giảng giải nhiều lần trong khuôn thời gian hạn hẹp. Nhà giáo Đức Lộc (THPT Lê Quý Đôn), nói; tôi đã ở Pháp, chương trình đúng nghĩa là “phổ thông”, chỉ khi vào đại học phân luồng chuyên sâu học sinh mới bắt đầu học nâng cao. Điều này khác biệt với ở ta, chương trình nhiều và nặng. Bên cạnh đó, công tác thi và kiểm định chất lượng vẫn chưa thay đổi nhiều, việc lựa chọn đầu vào của các trường đại học vẫn theo hướng tuyển lựa “đại học tinh hoa”, nghĩa là chỉ chọn các học sinh giỏi thành ra không luyện thi thì khó có thể đỗ được. Minh chứng cụ thể thêm, nhà giáo Nguyễn Văn Ước, một người chuyên luyện thi đại học nổi tiếng của huyện Vĩnh Bảo nhận xét: “ Đề thi THPT môn Toán năm nay, với 3 câu cuối (8, 9, 10), nếu không đi học thêm học sinh sẽ rất khó làm được, ngay cả với em khá giỏi, bởi nó đòi hỏi vừa phải có tư duy logic lẫn tổng hợp xâu chuỗi nhiều kiến thức và tinh nhạy kỹ năng tính toán bằng máy tính. Điều này cần tới thày hướng dẫn rèn luyện liên tục”.
Mặt khác sự đổi mới phương pháp của giáo viên cao đến bao nhiêu thì cũng phải dựa vào năng lực, phương pháp học tập của học sinh, bởi quá trình dạy học như một vở diễn có 2 nhân vật là thày và trò. Tuy nhiên, phương pháp học tập đã theo vết mòn, không bỗng chốc có thể thay đổi ở lứa tuổi học sinh. Cần hiểu rằng độ tuổi dân số học đường theo cấp học thì bằng nhau, nhưng năng lực học tập thì có sự phân loại lớn. GSTS Nguyễn Đức Chính, nguyên Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết: chỉ số trí lực tiếp nhận tri thức ở dân số lứa tuổi học đường Việt Nam, chỉ có khoảng 20% xếp loại khá giỏi đúng nghĩa. Kết luận này của giáo sư có thể minh chứng rất rõ theo bảng phổ điểm mà Bộ GD tổng hợp cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, theo đó số điểm xuất sắc (9 -10 điểm) chưa có bộ môn nào đạt được 1,0%, điểm trung bình các bộ môn chỉ từ 5-6 điểm (cá biệt môn ngoại ngữ đạt 3 điểm).
Từ đây cho thấy, với học sinh khi năng lực chưa đủ độ trong khi sức ép “tâm lý bằng cấp” tồn tại trong mỗi gia đình, thì nhu cầu học thêm của cả phụ huynh và học sinh xuất hiện với mong muốn “cần cù bù thông minh”, để có khả năng giải được những bài thi có độ khó cao.
Bên cạnh đó những phong trào thi đua của ngành giáo dục căn cứ trên các chỉ số là tỷ lệ học sinh giỏi các cấp, tỷ lệ vào đại học… và đòi hỏi của xã hội về tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ đi chuyên nghiệp đã vô hình chung tạo nên những áp lực cho các nhà trường. Phạm Văn T, một cán bộ quản lý giáo dục, than thở: Nếu không có giải học sinh giỏi cấp thành phố xếp hạng thi đua sẽ kém hẳn, còn nếu ít học sinh vào đại học năm sau khó mà tuyển sinh. Chết nỗi, nếu không học thêm thì khó có thể đạt được 2 yêu cầu này. Khi phong trào DTHT như một thị trường, phụ huynh yêu cầu và chấp nhận “mua hàng”, thì trường của anh không thể tự đóng cửa. Bởi nếu anh “không bán”, họ sẽ sang trường khác, anh vừa mất uy tín, vừa không quản lý được chất lượng./.
( Xem tiếp kỳ 2)
Nguyễn Đình Minh
Liệu có thể nói “không” với dạy thêm, học thêm?
Kỳ 2: Cấm dạy thêm học thêm chuyện “lấy thúng úp voi”
Dưới góc nhìn đa chiều, "dạy thêm học thêm” chứa trong nó cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Trong bối cảnh hiện thời của giáo dục cần bình tĩnh nhìn nhận nó thật khách quan và thay đổi dần về nội hàm cho phù hợp.
Ở Mỹ cũng dạy thêm
Đến tận bây giờ hình như chưa ai đặt ra câu hỏi: nếu được học thêm mà không mất tiền thì dư luận có phản đối không? Trong tập hợp những nguyên nhân DTHT bị phản đối, thì nguyên nhân tài chính vẫn xếp hàng đầu; vì tham gia học thêm phụ huynh sẽ phải gánh thêm một khoản chi phí khá nặng, trong hoàn cảnh thu nhập thấp. Bên cạnh đó, không ít người dạy và cả các đơn vị tổ chức đã thực hiện “tràn lan” với nhiều mô hình biến tướng (đặc biệt các lớp không do nhà trường quản lý) so với quy định về cả nội dung và định mức thu /tiết dạy. Những cách tổ chức dạy này đi trái với thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo về DTHT. Đây chính là 2 nguyên nhân căn cốt nhất tạo ra sự phản ứng của xã hội.
Đặt vấn đề như vậy để thấy nếu DTHT đúng cách (trong hoàn cảnh giáo dục hiện nay) vẫn là hướng đi đúng và dược xã hội chấp nhận. Nhà báo Nguyễn Văn Mạnh (báo Bảo vệ Pháp luật) trao đổi: Mặt tích cực của dạy thêm học thêm góp phần giải quyết nhu cầu nâng cao kiến thức của học sinh và mong mỏi của gia đình họ, đồng thời là nhu cầu thu nhập chính đáng từ chuyên môn của giáo viên. Hiện tại, tất cả các ngành đều kiếm thêm thu nhập từ chuyên môn của mình bằng cách làm thêm giờ.
Bài phát trên Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) của tác giả Hoàng Hiệp thông tin: “Học thêm không phải "đặc sản" riêng của Việt Nam. Học sinh các nước châu Á khác, mà tiêu biểu là Hàn Quốc và Trung Quốc cũng phải học thêm và nếu so về thời gian và cường độ thì ở Việt Nam còn chưa là gì”. Cần nói thêm rằng tại nước Mỹ, đất nước có nền giáo dục tiên tiến nhất, câu chuyện DTHT vẫn diễn ra bình thường. Năm 2014, đoàn cán bộ nghiên cứu ngành giáo dục Hải Phòng đã có dịp trực tiếp trên đất Mỹ. tại một trường tiểu học ngay trong Washington, D.C, gặp cô giáo Mỹ Dung (gốc Việt) đang dạy thêm một trẻ thiểu năng, cô cho hay: ở Mỹ trẻ thiểu năng vẫn học chung trường để hòa nhập, em này phải học thêm, khi nào em đặt được 21 lần liên tiếp mảnh gỗ tròn vào hình tròn trên trang bìa thì buổi dạy thành công. Còn cô giáo Đinh Thu Hồng, trường tiểu học Mount Zion Primary (bang Georgia) chia sẻ: Khi học sinh yếu kém, bố mẹ đăng ký với trường để gia sư đến nhà kèm. Gia sư thường là thầy cô, được vụ, sở giáo dục chọn. Những người tham gia hoạt động gia sư sẽ có thêm khoản thu nhập do Vụ, Sở Giáo dục địa phương trả.
Như vậy câu chuyện DTHT không phải là “vấn nạn” như chúng ta hay nói quá lên, nó chỉ khác biệt ở cách tổ chức đối tượng học và chủ tài khoản chi trả phí là ai và mức phí có phù hợp hay không mà thôi.
Cần có giải pháp tích cực để chống tiêu cực
Gần đây Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định cấm DTHT ở nhà trường và chuyển sang DTHT ở các Trung tâm; tại Hà Nội Sở GD&ĐT thành phố cấm DTHT với bậc Tiểu học. Từ Thành phố Hồ Chí Minh cô giáo Thu Huệ, giáo viên của một trường THPT chuyên bàn luận qua điện thoại: “ Thành phố có 99 trường THPT với quy mô khoảng 230 ngàn học sinh, giả thiết chỉ một nửa có nhu cầu học thêm thì phải xây trên 40 trung tâm có quy mô tương đương trường học. Vậy tại sao cơ sở vật chất của 1 nhà trường hiện đại theo chuẩn lại không sử dụng? Nhưng vấn đề quan trọng nhất là ai chịu trách nhiệm về chất lượng những buổi học thêm của học sinh tại trung tâm, bởi cuối cùng người thày dạy trực tiếp và trường mà học sinh ghi danh vẫn là người gánh chịu cả”. Còn một nguyên nhân dẫn đến lệnh cấm DTHT với bậc tiểu học của ngành giáo dục Thủ đô, theo anh Nguyễn Văn Chung (Phường Đặng Thai Mai – quận Tây Hồ) phân tích là: lợi dụng hoàn cảnh của cha mẹ học sinh và tâm lý thích con phải có điểm cao, một số đơn vị trường tiểu học và giáo viên đã tăng mức giá học tập lên quá mức chịu đựng của số đông người lao động. Chi phí 1 năm học lớp 5 của con tôi mà gia đình lưu sổ là 115 triệu đồng – anh nói.
Tại Hải Phòng, tiếng trống khai trường đang chuẩn bị rung lên, nhưng câu chuyện DTHT chưa có chỉ đạo nào. Dường như thành phố vẫn giữ nguyên quan điểm quy định về việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Hải Phòng tại văn bản số: 2050/2012/QĐ-UBND ngày 13/11/ 2012, một văn bản căn bản đồng thuận với thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về DTHT của Bộ Giáo dục và đang được chấp nhận trong đời sống học đường thành phố Cảng.
Vậy DTHT sẽ đi theo hướng nào, hay nên chấm dứt? Từ những văn bản mang tính luật, tình tiết sự thật và bình luận của người trong cuộc như nêu trên đây cho thấy: trong hoàn cảnh hiện tại, không nên cấm học thêm vì đó là nhu cầu của học sinh. Cần phân biệt học thêm để nâng cao chất lượng, hoặc bổ túc yếu kém, khác với việc bắt buộc học sinh đi học khi không rõ mục tiêu trong những lớp học biến tướng.
Việc tiến tới triệt tiêu DTHT, hoặc thay đổi nội hàm mang tính khoa học, tích cực của nó (ví dụ: giảm một số môn học, hay số tiết/môn học thuộc nhóm môn không cơ bản; có một chương trình dạy kỹ năng sống, nghệ thuật, thể thao tự chọn…) là cả một vấn đề liên quan đến triết lý giáo dục của đất nước do cấp lãnh đạo tầm vĩ mô quyết định. Cần phải có giải pháp tích cực để chống tiêu cực thì mới mong giải quyết tận góc vấn đề. Nếu chương trình, cách kiểm định chất lượng, nhu cầu của một xã hội bằng cấp theo xu thế “ người người đại học, nhà nhà nhà đại học” như hiện nay vẫn tồn tại, khi tỷ lệ giáo viên/lớp còn quá ít mà đồng lương thu nhập còn quá hạn hẹp và đặc biệt môi trường hỗ trợ giáo dục ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu lứa tuổi học đường, thì việc DTHT vẫn tồn tại. Việc phê phán, hay điều chỉnh hiện tại về DTHT thực chất vẫn là câu chuyện “lấy thúng úp voi”./.
Nguyễn Đình Minh
Bài đã đăng 2 kỳ trên Báo Hải Phòng