Có thể bạn quan tâm
Một ngày Kim Lân - Trần Ninh Hồ
27/12/1969 được tin nhà văn Kim Lân trên đường từ Hà Nội về thăm ông bạn Nguyên Hồng ở Yên Thế đang tạm nghỉ ở nhà ông em rể Phương Minh Nam chủ tịch tỉnh Hà Bắc, anh Đỗ Cường tổ trưởng tổ sáng tác Ty Văn hóa Hà Bắc vội kéo chúng tôi đến thăm, với hai ý định quan trọng: Một là để được tâm sự về sáng tác văn chương với một nhà văn có cỡ, tuy là người đồng hương, nhưng chưa bao giờ cánh trẻ chúng tôi được gặp. Hai là, cũng giống như đối với những nhà văn tên tuổi mỗi khi có dịp may thấy các ông ghé qua tỉnh nhà, chúng tôi thường tranh thủ xúm nhau đến "gò" cho bằng được những cuộc nói chuyện văn học hay thời sự cho đông đảo bạn đọc thư viện thị xã.
"Tớ sẽ hỏi ông ấy về cách thức kết cấu một truyện ngắn". "Còn mình, mình sẽ hỏi về kinh nghiệm quan sát và ghi chép". "Không, theo tớ thì cái quan trọng nhất là một phương pháp tư tưởng. Tớ sẽ hỏi ông ấy về các mặt lý luận văn học!". "Thế còn buổi nói chuyện tại thị xã? Tớ tin là sẽ rất tưng bừng, rất nổi đình đám!..." Chúng tôi bảo với nhau như thế và nhất tề háo hức kéo nhau đi.
Nhưng rồi khi đi háo hức bao nhiêu thì khi về chúng tôi uể oải chừng ấy. "Diễn thuyết ấy à? Ừ kể ra mà nói được thì còn gì bằng! Nhưng tớ thú thật với các cậu là về cái khoản này tớ bét hạng... nhất! Ấy cứ ngồi một mình mà ngẫm ngợi thì thấy trong bụng có khối điều hay. Viết ra giấy có khi được ít dòng. Nói chuyện tầm phào dăm ba anh em thế này, có khi vui, nghe được. Nhưng cơ mà ra trước đám đông thì thôi! Các cậu tha cho tớ!". Đấy là câu trả lời của ông về nhu cầu diễn thuyết của chúng tôi.
"... Còn lý luận về nghiệp vụ văn chương ấy à? Nhiều, nhiều lắm! Bao nhiêu là chủ nghĩa ấy chứ!... Kể ra thì nghề gì cũng vậy, được học hành cho có lớp lang, bài bản thì còn gì bằng. Nhưng với việc văn chương, nói ra nó có vẻ là giọng cái anh "văng tê", nhưng tớ thấy là nó "đếch" có thành nghề được đâu các cậu ạ! Hình như cứ mỗi cảnh, mỗi việc, mỗi người nó lại đòi mỗi truyện có cách viết khác, không cái nào được giống cái nào, mới bỏ bố cho mình chứ! Hì hì... Mà cái khác ấy nếu như nó có được còn là do ở như cái tính, cái nết của mỗi người viết nữa cơ đấy! "Sống mỗi người mỗi nết/ Chết mỗi người mỗi mồ" mà lị! Hì, hì... Mà thôi, các cậu uống nước đi. Hay là rét mướt thế này, mỗi cậu làm hớp rượu với tớ nhá! Hì hì... Tớ không uống được nhiều rượu nhưng uống tý vào, nó ấm thật lực đấy!".
Tôi nhớ là bữa rượu ấy uống với lạc rang rất ròn, thơm sực mùi húng lìu. Chắc là trong khi chúng tôi còn đang mê mải vào những sự lục vấn văn chương thì ông đã kịp sai thằng bé con ông Chủ tịch tỉnh chạy ra tận phố Đạo Đường mua lạc của mấy nhà Hoa Kiều để đãi các nhà văn tương lai...
Về cái sự đọc văn, thưởng thức văn, nhiều khi nó cũng lạ lắm. có những ngày, do một nỗi niềm riêng, hay do một thời tiết nào đó, ta bỗng thấy cần đến với những trang của Nam Cao, Sê-khốp, Lỗ Tấn hay Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Tản Đà...
Kim Lân cũng là một nhà văn thường đến với ta trong những khoảng chợt nhớ của đời người rất khó diễn đạt thành lời ấy.
Hãy tưởng tượng, có một ngày nào đó chợt nhớ quê nhà, lại có trong tay truyện Làng hay Ông lão hàng xóm; Ông cả Luốn gốc me mà đọc thì có lẽ khó có cái thú nào ý vị hơn.
Bố con ông lão gác máy bay trên núi Côi-kê, có cái gì mà viết ngoài cái việc đánh kẻng báo động, báo yên giữa những đợt oanh tạc của máy bay giặc thời chống Pháp? Cùng lắm thì là một thiên phóng sự nói về lòng can đảm, trí nhẫn nại... Vâng, với nhiệm vụ báo chí thì như thế dường như đã đủ. Nhưng với nhà văn thì không được quyền nghĩ giản đơn thế. Xung quanh tiếng kẻng của sự yên và động ấy có bao nhiêu kiếp người, có bao nhiêu tâm trạng, có bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, niềm hy vọng, lo âu, nỗi nghẹn ngào... Kim Lân đã viết thế nào mà khiến người đọc cứ bị cuốn đi như một ma lực vậy nhỉ?
Trai gái phải lòng nhau, mê nhau quá, nhưng không có tiền để lo cưới xin mà lại muốn sống với nhau, thì không có cách nào khác là "khăn gói gió đưa" bỏ làng đi nơi khác. Cảnh cơ cực ấy, người đàn bà suốt đời còn phải mang cái tên gọi đau đớn là "vợ theo". Thế còn "Vợ nhặt" - tên một truyện ngắn của Kim Lân - nó là cái cảnh ngộ nào mà đến như hai tiếng "vợ theo" cũng không đủ để nói? Nó là cái tận cùng của cơ cực mà con người còn có thể vẫn yêu thương, và chỉ có Kim Lân mới nhìn thấy được chăng?...
Năm mươi năm, một nửa thế kỷ cầm bút mà chỉ vẻn vẹn có chừng ngót chục truyện ngắn thì quả là quá ít ỏi. Nhưng cũng kỳ lạ thay, mỗi khi lần mở những trang văn ít ỏi ấy, ta lại cảm thấy không có một bước ngoặt, một chặng đường lớn nào của con người Việt Nam trong gần nửa thế kỷ qua mà Kim Lân không đả động tới. Nỗi cay đắng tột cùng của những kiếp người để dẫn đến sinh lộ là cuộc Cách mạng Tháng Tám ư? Phải rứt ruột rời bỏ quê hương, tự đốt cháy quê hương làm "vườn không nhà trống" để đánh giặc; thủy chung hay phản bội cuộc chiến đấu giành độc lập ư? Cải cách ruộng đất, rồi sửa sai, rồi phong trào hợp tác hóa ư?... Tất cả, tất cả, dường như đã được ghi lại bằng những thân phận, những tâm trạng sắc sảo, đến cốt đến lõi, một cách lạ lùng. Nếu như cho rằng văn chương chính là lịch sử tâm trạng của con người thì Kim Lân quả là một nhà văn đích thực trên cái ý nghĩa ấy. Ông sẽ còn được đọc lại. Là một nhà văn được đọc lại thật chẳng dễ dàng gì!
Trong những trang văn nên đọc lại ấy, sẽ là thiếu sót nếu chỉ nói tới những thiên truyện ngắn. Ông còn hai cuốn "dài hơi" in riêng thành từng tập trên dưới 30 trang khổ 13x19, ấy là truyện Chàng hiệp sĩ gỗ (1957) và Ông Cản Ngũ (1984). Đấy cũng là hai cuốn thường được trở đi trở lại trong tuổi thơ của những người sinh ra và trưởng thành trong những thập niên cuối thế kỷ này ở nước ta. Chàng hiệp sĩ gỗ chuyên đi san bằng những bất công ngang trái trong thế giới những con rối trên sân khấu. Việc làm ấy khiến chàng luôn luôn được hiện ra trước những con mắt thơ ngây đầy khâm phục của các em bé và cũng khiến chàng ta cảm thấy đắc ý vô cùng. Nhưng rồi trong một lần lưu lạc, chàng chợt nghe được những con người khốn khổ kể về những nỗi bất hạnh của họ. Chàng cảm thấy thì ra những đau khổ bất hạnh mà lâu nay chàng phải chứng kiến trên sân khấu rối chẳng có nghĩa lý gì! Chàng mong được thành người để có thể đi cứu khổ cho con người. Một mụ phù thủy biết ý định ấy, vờ biến thành bà tiên, hứa sẽ dùng pháp thuật biến chàng thành người với điều kiện chàng phải giết một người con gái lương thiện!
Giết một người lương thiện để thành... người được ư?
Thế còn truyện Ông Cản Ngũ một đô vật, danh tướng của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy?
Tôi cũng định tóm tắt ít dòng để giới thiệu lại với bạn đọc cuốn truyện này như đã tóm tắt truyện Chàng hiệp sĩ gỗ ở trên, nhưng cảm thấy rất vô ích nên đành thôi. Tóm tắt lại những cuốn truyện bình thường thôi, đã khó. Tóm tắt lại truyện của những nhà văn có giọng điệu riêng biệt, không thể lẫn như Kim Lân thì lại càng dẫn đến gần sự vô nghĩa lý. Hình như với loại chuyện ấy thì chỉ có nhà văn ấy mới là người duy nhất có thể kể lại? Cái đó chính là nguồn gốc sự hấp dẫn độc đáo "bí hiểm" văn chương của mỗi nhà chăng? Và cái "bí hiểm" ấy, với Kim Lân, chúng ta chỉ giành ra một ngày đọc ông là hết chữ; nhưng để hiểu ông thì bao giờ cũng nên đọc lại nhiều ngày trong đời!
Chập cho đủ cả ba thẻ hương thành một nắm hương to ông mới châm lửa thắp.
Lắc cho kỳ nhìn thấy tăm nổi lên từ đáy chai rượu nửa lít trong suốt ấy, ông mới mở nút lặng lẽ đi quanh mộ dốc cho đến giọt cuối cùng xuống mộ.
Một chiều hè, một năm sau ngày Nguyên Hồng mất, Kim Lân lại lên Yên Thế viếng mộ bạn. Chúng tôi được ông rủ đi theo từ Hà Nội.
Kể cũng lạ. Một người cả thời trẻ ở mãi Bắc Ninh, chỉ quanh quẩn trong làng ít đi đến đâu như Kim Lân mà sao lại quen thuộc gắn bó được với một người ở mãi Nam Định lại lang bạt kỳ hồ như Nguyên Hồng? Thêm nữa, một người viết ngàn trang như không, kiểu Nguyên Hồng, sao lại thân thiết với một người có khi dăm năm mới ngẫm ra được một truyện ngắn, kiểu Kim Lân?
- Ấy ở đời nó cứ rất chi là nhiều cái sự tình cờ như vậy đấy! Người ta là thiên tài, mười sáu mười bảy tuổi, tiếng đã nổi như cồn với Những ngày thơ ấu, những Bỉ vỏ, mình mà tự kể mình thân người ta thì ra là cái sự nói phét! Nhưng cũng như ông ấy kể trong hồi ký, lần đầu gặp nhau ở đoàn kịch của Thế Lữ năm 1944 trụ ở Ngã Tư Sở, không hiểu thế nào mà hai thằng cứ xoắn lấy nhau... Thế rồi ông ấy rủ tớ tham gia Văn hóa cứu quốc, đi kháng chiến, làm báo Văn, làm nhà xuất bản Văn học... Làm gì, đi đâu ông ấy cũng rủ tớ, mà tớ thì có mạnh gì thêm cho ông ấy là bao nhiêu đâu! Mà ông ấy thì chẳng bao giờ có cánh có vế gì mà bảo phải lôi kéo, rủ ê cho nó... "mạnh"!...
Kể đến đây mặt Kim Lân chợt ràn rụa nước mắt. Ông lặng đi đến mấy phút khiến chúng tôi thảy đều im lặng, không ai dám nói gì thêm. Nhưng cũng chỉ sau mấy phút ngồi yên, lại thấy ông đứng bật dậy, bước đến trước mộ Nguyên Hồng chắp tay vái đủ ba vái tạ từ với lời khấn mà tôi có bịa cũng không thể nào bịa nổi:
- Tớ về nhá. Lần này thì lão có rủ, tớ cũng không thể theo lão được đâu! Giời còn cho sống thêm ngày nào, còn mạnh chân khỏe tay thì tớ sẽ lại lên đây thắp hương, uống rượu với lão...
Hà Nội, 1/8/1991
(Viết trong ngày mừng nhà văn Kim Lân 70 tuổi tại Tuần báo Văn nghệ)