Có thể bạn quan tâm
Thơ Nguyễn Đình Minh – Con chữ và con người thời hội nhập
Thơ Nguyễn Đình Minh – cái gạch nối giữa thơ truyền thống của Đồng Đức Bốn và thơ cách tân của Mai Văn Phấn. Đó là đánh giá của Chủ tịch Liên chi Hội NVVN các tỉnh/thành phố phía Bắc – Nhà văn Đình Kính, ông đồng thời là người chủ trì Hội
thảo “Nguyễn Đình Minh – Một chặng đường thơ” (Diễn ra tại Họi trường Nhà khách UBND thành phố Hải Phòng ngày 25.10.2018). Đây là cuộc Hội thảo thơ quy mô với 23 tham luận của các Nhà văn tên tuổi đương đại, các nhà LLPB, các GS, PGS, TS tại các trường đại học và các Nhà báo… với nhiều độ tuổi khác nhau và ở nhiều vùng miền toàn quốc.
Các tác giả được mời tham luận từ tháng 4.2018; bài tham luận được tập hợp từ tháng 9. 2018. Nội dung mời tham luận là đánh giá tự do về thơ Nguyễn Đình Minh trên cơ sở tài liệu gồm 06 tập thơ của tác giả và những tài liệu đã viết về ông trên báo chí. Các tham luận (có phần nói thêm tại Hội thảo), đã làm sáng rõ hơn và trên cơ bản đồng nhất về đánh giá những thành công của Nguyễn Đình Minh trong việc tạo dựng phong cách nghệ thuật bằng hướng đi riêng trong khai thác nội dung và kết hợp hài hòa giữa tính truyền thống và sự cách tân hiện đại.
Có một vài tranh luận về quan điểm ca ngợi hay không 2 nhân vật (vịnh) trong 2 bài thơ “Thị Mầu” và “Hồn Trương Ba”. Sự lo lắng về khai thác đề tài nông thôn cần trường vốn (Vũ Quần Phương – Văn Chinh- Trần Ninh Hồ); cũng như xếp Nguyễn Đình Minh là nhà thơ có thế mạnh về trữ tình hay lý trí?- (Nguyễn Đức Thuận – Văn Chinh – Đặng Huy Giang). Bên cạnh đó là một số tham vấn nghề cho Nguyễn Đình Minh của Trần Nhuận Minh, Nguyễn Việt Chiến: cần viết giản dị, tăng cường tính lý trí chọn nó làm hướng đi “cốt lõi”…
Để thông tin về kết quả Hội thảo này chúng tôi xin được trích các ý kiến ( nguyên bản). Tuy nhiên để bạn đọc dễ theo dõi, chúng tôi tạm xếp theo trình tự các vấn đề: Những thành công về nội dung và đặc điểm nghệ thuật thơ Nguyễn Đình Minh.
Nhà thơ Thi Hoàng (Đề dẫn): Trước mặt thì Hải Phòng là cảng hàng không, cảng biển quốc tế…mở ra mà hội nhập. Sau lưng Nguyễn Đình Minh thì miền quê sinh ra là hơi hướng hồn vía trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tư cách con người thì anh là con cháu cụ. Còn chữ nghĩa thì sao? Nhiều kiến giải, mà ở đây hôm nay chúng ta sẽ gặp những nhận thức ở cả từ kinh nghiệm lẫn có thể đột biến ngỡ ngàng. Từ bề rộng những tập thơ của Nguyễn Đình Minh như “Ủ ấm trái tim”, “ Mắt cỏ”, “Thức với những tập mờ” “Lặng lẽ đời cây” …mà lần vào bề sâu những câu thơ của anh buổi đầu là : “Nở hương thơm của trái ca dao/Trĩu nặng cành cây lục bát”…cho tới gần đây: “Cúi đầu vái một làn hương”, để thấy ở Nguyễn Đình Minh từ vô thức đến ý thức đã hướng về nhân sinh và lại trầm xuống tự lắng nghe mình mà ngộ ra là phải đổi mới. Nhưng đổi mới thế nào để thơ vẫn là thơ chứ đừng quá ra để đến nỗi nó không còn là nó nữa. Và anh càng thấm thía hình thức là cần song chỉ là thứ yếu. Chủ yếu vẫn là nội dung tư tưởng. Còn tài năng ư? Đấy là điều kiện tiên quyết đương nhiên mà chúng ta đều thừa nhận rằng phải có nó đã còn bàn gì hãy bàn.
1. Những thành công về nội dung
1.1. Không gian văn hóa và chất trữ tình thấm đẫm trong cảm thức “làng” bằng lối viết tự do phóng khoáng hiện đại, khác biệt.
Đây là mảng đề tài lớn trong thơ Nguyễn Đình Minh. Hầu hết các tham luận đều tập trung xoáy sâu hoặc đề cập. Trước hết là những thông điệp văn hóa trong các bài thơ này làm nên đặc trưng của thơ ông.
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Ngay từ tập thơ đầu, nhà giáo Nguyễn Đình Minh đã bộc lộ một phẩm chất trữ tình làng quê khá sâu đậm. Vào tập thơ thứ sáu xuất bản năm 2016, chất tâm hồn ấy đã thành một đặc trưng của thơ anh… Tình người chất phác sâu đằm, cảnh thiên nhiên đẹp và gợi.
“Anh là người có ý thức trong chọn lựa không gian văn hóa cho thơ làng quê của mình”. “Trong năm tập thơ Nguyễn Đình Minh tôi được đọc, tập đậm văn hóa làng quê truyền thống nhất là tập Mắt cỏ. Không phải cả tập viết về làng nhưng những bài về làng thì duyên dáng và đậm đà hơn cả.” “Anh không thơ mộng hóa quá khứ như Nguyễn Bính mà anh nhặt lại những nét xưa hợp với tạng hồn mình và rồi như mê đi trong cảnh sắc ấy. Cảm xúc đắm đuối lo âu trước cảnh xưa tình cũ tạo nên tình cảm của bài thơ, gây xúc động lòng người. Hướng tìm này cũng là một hướng nhiều thử thách, không tinh tế và trường vốn làng quê quá khứ sẽ không tung hoành được.”.
Nhà thơ Ngô Xuân Hội:Minh sở trường thơ tự do, nhịp điệu bài thơ đi khoan thai, biên độ câu thơ nhiều khi được mở rộng, vụ về câu mà ít vụ về bài: “Lòng người hình như có bão/ Con trâu cũng trở mình nằm nhai khúc canh khuya” (Tháng năm quê nội). Trâu bò thuộc bộ nhai lại. Hình ảnh những con trâu nằm trong chuồng nhai lại những gì gặm được trong ngày thân thuộc với mỗi cư dân nông nghiệp, nhưng từ đó tới trở mình nằm nhai khúc canh khuya như một triết nhân đang nghĩ cách chia sớt nỗi âu lo với con người thì chỉ những ai gắn bó máu thịt với đồng quê mới có thể viết được. Câu thơ thể hiện sự minh triết của tâm hồn. Những câu thơ như thế trong thơ Minh không hiếm.
Đọc những tập thơ trên, thấy rõ Nguyễn Đình Minh là nhà thơ của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Cảm xúc thơ anh gắn liền với đồng quê, mái rạ, với những cơn nắng sớm mưa chiều, những phận người như cò vạc sau lũy tre làng. Trong đó hình ảnh những người phụ nữ hiện lên bao giờ cũng đẹp và lành, mang nhiều tính biểu tượng: “Họ bay qua cuộc đời như những áng mây/ Rồi lại hóa thành mưa trở về với đất/ Hóa những bông sen sống vùi trong nước/ Vươn nở ở giữa trời/ Và cứ thế mà thơm. (Những bông sen nước).
PGSTS Cao Thị Hồng: Cảm thức về làng quê trong thơ Nguyễn Đình Minh vì thế là một thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc làm nên một giá trị riêng có của thơ ông đóng góp đối với thi ca đương đại Hải Phòng nói riêng và thơ ca cả nước nói chung.
Trong cảm thức của Nguyễn Đình Minh, văn hóa làng hiện hữu trong những hình ảnh rất gần gũi và thân thương. Trải qua bao năm tháng, văn hóa làng với sức trường tồn mãnh liệt đã kết tinh trong những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần làm nên những tinh hoa của dân tộc.
Vì vậy, vẫn là những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc: cánh cò, con thuyền, bến sông, vó bè, chân bèo, ao làng, sáo diều, trăng, sương, đom đóm, dế, cóc, tre làng, ao sen… như đã gặp trong ca dao, hoặc trong thơ Nguyễn Khuyến, Anh Thơ, Nguyễn Bính. Nhưng đến Nguyễn Đình Minh những thi liệu ấy lại dung chứa một mỹ cảm riêng, khác lạ nhưng không xa lạ. Bởi tất cả hình ảnh ấy là những hình ảnh quen thuộc gần gũi với người nhà quê mà nhà thơ là một chứng nhân. Thế nên, cảm thức về thiên nhiên làng quê của Nguyễn Đình Minh rất tinh tế, chân thành. Ông sáng tạo thi ca bằng tất cả những gì thuộc về tiềm thức và tri nhận được bằng mọi giác quan, Những hình ảnh thân quen, giản dị, mộc mạc của thiên nhiên trong thơ Nguyễn Đình Minh là những tiếng gọi thiêng liêng đưa ta trở về với không gian độc đáo của những ngôi làng cổ xưa, thanh bình như cổ tích mà ở đó thiên nhiên còn nồng nàn mùi vị nguyên sơ, trong trẻo.
Một trong những yếu tố nữa tạo nên sự khác biệt của thơ Nguyễn Đình Minh về đề tài này là thơ ông gắn với hơi thở cuộc sống hiện đại biến chuyển với số phận con người làng quê.
Nhà thơ Ngọc Bái:Không còn cái cảm thức “hương bùn quê đã làm ta tồn tại”, mà là những suy ngẫm trải nghiệm đã được thời gian kiểm định. Vẫn viết về làng quê, nhưng Nguyễn Đình Minh đã ở một thực tại mới, nỗi niềm mới, tâm sự lắng lại trước hoàn cảnh làng lên phố.
Phố mới lên tầng mất dấu những bờ tre
Ruộng đã bán không còn tên làng cũ
Chợp mắt qua đêm biến thành người phố
Tỉnh dậy còn mơ… cót két vó bè!
(Ngơ ngác… phố)
PGSTS Cao Thị Hồng: Song, chính vì nâng niu, trân quý vẻ đẹp thuần phác của làng quê nên thơ Nguyễn Đình Minh còn là tiếng lòng khắc khoải, đau đớn trước sự xâm thực của đời sống công nghiệp đang dần dần làm biến dạng gương mặt làng quê: Trẻ buông bút trước đề văn tả bông lúa uốn câu/ Dù ngày nào cũng no nê cơm trắng/ Chim di trú ngàn dặm bay về tìm hơi ấm/ Đành rẽ cánh ngang trời. Là một nhà thơ sinh ra và lớn lên trong sự vang vọng của những câu ca dao, truyện cổ tích, ở một làng quê yên bình nên hơn ai hết, Nguyễn Đình Minh càng thấm thía hơn trước những sự biến đổi mang tính tất yếu này cũng như những hệ lụy của nó đối với sự phát triển tâm hồn và nhân cách của con người khi chúng ta cố tình lãng quên giá trị đó.
Vì vậy, cảm thức làng quê trong thơ Nguyễn Đình Minh là một dòng suối mát trong rì rầm thổn thức những thanh âm tình tự dân tộc và vang lên một thông điệp nhân sinh đầy tính nhân bản: Làng quê – cội nguồn văn hóa dân tộc bao giờ cũng là điểm tựa của niềm tin để cho mỗi người tìm về như một nơi chốn bình an cho tâm hồn.
Nhà văn Văn Chinh (trao đổi trực tiếp):Về đề tài nông thôn, thơ Nguyễn Đình Minh có gốc gác hơi thở từ Nguyễn Khuyến, song không phải “ vùng quê tĩnh” như thơ Đoàn Văn Cừ, không là “nông thôn mịn” như trong thơ Nguyễn Bính. Nông thôn, làng quê trong thơ Nguyễn Đình Minh vẫn có dáng vẻ ấy, nhưng khác biệt và nổi lên ở sự gồ ghề, chuyển vần, xung đột cả những nhức nhối, đau khổ…đậm hơi thở của thời kỳ “mở cửa”.
Nhà báo Cù Thị Thương:Nguyễn Đình Minh họa lại bức tranh làng quê bằng những ngôn từ giản dị nhưng đầy hàm súc của mình như chàng trai 18 lần đầu yêu và đầy tôn thờ tình yêu ấy nhưng cũng như trưởng lão đã qua những trải nghiệm yêu ghét cuộc đời để chưng cất những vần thơ như mật, như rượu từ những mảnh hồn quê: “ Hoa gạo chỉ ngó môi con gái làng mà hóa lửa/ Tiếng sáo cũng cất mình bay ngơ ngẩn dọc triền sông” (Tháng ba ơi) hay “ Trâu nghỉ việc đồng nằm nhóp nhép nhai rơm/ Nải chuối vào mâm xòa tay ôm bầy quả/ Cơm ủ ngấm chín men, trở mình dậy rượu/ Mưa tìm nhau lất phất chạy bên thềm” (Tết giữa nôi quê).
TS Bùi Hải Yến:Bao nhiêu lần hình ảnh của một làng quê thuần nông vùng đồng bằng Bắc Bộ được tái hiện trong thơ Nguyễn Đình Minh là bấy nhiêu lần trái tim của những người con xa quê thổn thức, đặc biệt, với những người đi lên từ đồng đất. Chắc hẳn, mỗi người sẽ đều tìm thấy làng mình trong những miêu tả của Nguyễn Đình Minh bởi ông đã tạo lập một mẫu số chung bất biến, dẫu tử số có nhiều thay đổi.
1.2. Những suy cảm nhân văn thế sự và triết lý mang đặc trưng thơ
Nguyễn Đình Minh đã thể nghiệm thành công ở nhiều đề tài khác nhau những đặc điểm nổi trội trong thơ ông là những suy cảm thế sự đầy chất nhân văn, đặc biệt năng lực khai thác những đề tài ẩn khuất trong đời sống.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến:Qua 3 tập thơ, nhất là cuốn “Thức với những tập mờ”- một tựa đề khá mới và hiện đại, ta có thể thấy đề tài lịch sử và nỗi đau của đời sống con người hôm nay luôn trở đi, trở lại và là mối quan tâm lớn trong nhiều bài thơ của Nguyễn Đình Minh. Qua đó, ta nhận thấy sức vóc của một năng lực thơ muốn vươn tới, muốn khái quát hóa những chuyển động đang còn khuất lấp đâu đó trong dòng chảy của thi ca đương đại.
Nhà thơ Đặng Huy Giang: Đi xa hơn trong mạch suy tưởng, trong mạch “đào sâu xoáy mạnh” (theo cách nói của Chế Lan Viên), độc giả còn bắt gặp những câu thơ mang giá trị cảnh tỉnh, cảnh báo, trong mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa được và mất thật xót xa, đau đớn của một nhà thơ vừa có tình yêu thương, vừa trách nhiệm trước thời cuộc vốn mang trong lòng nó sự trả giá và đe dọa tiềm ẩn.
Khi đọc lại “Câu hát ngày xa” (NXB Hội Nhà văn 2006), “Ủ ấm trái tim” (NXB Hội Nhà văn 2011), “Thức với những tập mờ” (NXB Hội Nhà văn 2014) của Nguyễn Đình Minh, tôi nhận ra đây là một vệt thơ nối dài, là một mảng đề tài rất đáng kể mà nhà thơ đã quan tâm và theo đuổi từ lâu, trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong tâm thức, đôi khi trở thành tâm thế trong con người thi sĩ Nguyễn Đình Minh.
Đối với một người làm thơ, tâm thức trở thành tâm thế, là vô cùng quan trọng.
Đây cũng là một mảng đề tài lớn của nhiều nhà thơ và được trở đi trở lại nhiều lần trong nhiều bài thơ mang tính phát hiện và giá trị nhân sinh rất đáng kể của nhà thơ Nguyễn Đình Minh qua nhiều tập thơ đã xuất bản. Đó là khả năng phân thân trong thơ của Nguyễn Đình Minh. Đó là những câu thơ hữu ích. Đó cũng là đóng góp của Nguyễn Đình Minh trong làng thơ đương đại.
Nhà văn Văn Chinh:Ở Thức với những tập mờ, Nguyễn Đình Minh muốn khám phá đời sống, bày tỏ thái độ cũng như cảm thông chia sẻ với những mảnh đời ngang trái, nỗi éo le “cấy lúa thành năn, trồng lau ra mía” đang diễn ra trước mắt, hằng ngày.
Ngay sau bài “Lỗ đen” là bài “Nhân ngư” – tả con cá cảnh mang tên nhân ngư, cũng là một vùng mờ khác có sẵn trong thế giới người (…). Đặt cạnh nhau và hai bài trở thành song kiếm hợp bích: Cái ác và sự giả trá máu lạnh nhân danh những cái tốt đẹp như “tri kỷ”, như “mặt trời” như “công lý” chỉ còn như lưới kéo suông. Lưới kéo suông là một tập mờ xiết bao hàm chứa! Nếu không có sự dễ dãi liên tưởng gần (lạnh như máu cá) vốn là căn bệnh trầm kha và dai dẳng của thơ Việt, ta có thể nói đây là một bài thơ hay. Liên tưởng xa luôn tạo nên những bất ngờ mà bất ngờ là môi sinh của xúc cảm.
Nhưng Nguyễn Đình Minh vẫn là người tin yêu, là người hăm hở sống. Bởi, như nhà thơ xác định sẵn trong “tập mờ”, đối nghịch với ác không chỉ có thiện, nó còn có trạng huống buông ác tích thiện, bởi vì trong quá trình chuyển hóa âm dương, khi thiếu dương lúc thiếu âm; cuối ngày là rạng sáng, cuối đêm là sang ngày. Ông tin vào quy luật chuyển hóa – có lẽ vì vậy mà ông chuyên tâm làm thầy? Xin đọc bài “Ánh mắt” ngay sau song kiếm hợp bích trên đây. “Ánh mắt” lý giải về cái ác ngay cả khi nó được biện minh nhân danh cái thiện.
Và tác giả có cặp so sánh trác tuyệt về ánh sáng và bóng tối chuyển hóa lẫn nhau, trong “hộp đen” – tập mờ:
– Bóng tối nẩy mầm
Ngạo nghễ chiếm không gian
– Và đêm tối mỗi ngày
Lại gói cả trời xanh
Thức với những tập mờ nhắc nhở chúng ta rằng, cái tàng ẩn những dữ kiện số phận nén trong tập mờ kia rồi ra sẽ can dự vào cuộc sống chúng ta, len lỏi vào tận tâm can, mọi xó xỉnh của cộng đồng một khi mỗi chúng ta buông lơi cho quỷ dữ – những điều kiện mờ chồng tích tụ sẽ hiện rõ ngay khi chúng ta bất lực, buông lơi.
Nhà báo Cù Thị Thương:Những câu thơ không dành cho một số phận, một quốc gia mà dường như dành cho cả loài người trên trái đất này. Một câu thơ xóa nhòa mọi khoảng cách giữa các dân tộc, màu da, lãnh thổ để chạm đến những quan niệm sống nhân bản nhất. Triết lý của đạo của đời. Bằng trải nghiệm cuộc sống, bằng bản năng yêu thương, tầm cao trí tuệ, nhà thơ thoát ra để nhìn lại cuộc sống của những kiếp người bị cùm chân trên mặt đất. Những con người chậm chạp lê mình về phía huyệt thời gian bởi coi những giá trị nhân sinh là cỏ rác.
PGSTS Nguyễn Đức Thuận:Nguyễn Đình Minh, bên cạnh chất trữ tình đằm thắm của một hồn thơ vốn xuất thân và gắn bó với đồng quê, tôi cho rằng: còn có một dòng chảy lấp lánh chất triết lý trong thơ anh.
Nguyễn Đình Minh có một cách thể hiện giọng điệu triết lý riêng trong thơ. Khác với những nhà thơ như Trần Dần, Chế Lan Viên…thuở trước, chất triết lý trong thơ Nguyễn Đình Minh không biểu hiện ở những khái niệm triết học, mà thường ẩn trong những hình ảnh thơ và những ngôn từ thơ. Hình ảnh trong thơ anh đậm đặc và chúng đảm đương nhiệm vụ chuyên chở những ý nghĩa triết lý nhân sinh.
Đề tài thơ triết lý trong tập thơ Ủ ấm trái tim của Nguyễn Đình Minh khá rộng. Anh quan tâm tới những vấn đề chính trị lớn lao, như vấn đề chiến tranh trên thế giới và sự sống con người, vấn đề đồng tiền và nhân phẩm (Cuộc chiến sinh tồn), những tính toán sai lầm của các nhà chính khách có thể đem đến “vô cùng nhiều cái chết” và những “thảm họa dai dẳng kinh hoàng” cho con người (Cái chết). Anh “Thưa chuyện với Trạng Trình” về “đạo Thánh nhân”: “Dân vi quý”, “Dân vi bản” là điều luôn “được thắp sáng giữa đời”…Tuy nhiên, còn một vấn đề anh rất quan tâm, là vấn đề nhận diện “cái thật” và “cái giả”, “cái thiện” và “cái ác” xáo trộn trong cuộc đời.
1.3. Những góc nhìn khác về nội dung.
Nhà thơ Trần Ninh Hồ: Sau tất cả những gì đã dẫn, chúng ta còn thấy Nguyễn Đình minh gửi đến bạn đọc những trang thơ tình đáng yêu trong từng tập thơ, khiến chúng ta không thể không ghi nhận. Ông còn một mạch thơ khiến người đọc lưu ý nữa là mảng thơ “Nhân tình thế thái” trước tình người, tình đất nước và những nỗi niềm thế sự.
TS Bùi Hải Yến:Sáng tác thơ khi đã vào độ “chín” của tuổi đời và sự nghiệp, những xúc cảm về tình yêu trong thơ Nguyễn Đình Minh không có cái hừng hực, mê đắm, vồ vập như thường thấy ở những tác giả trẻ, thay vào đó là sự điềm đạm tuy vẫn rất “say”, vẫn “phiêu”.
Cùng với hình ảnh làng và mẹ, hình ảnh “em” làm nên một mảng màu tươi tắn, sung mãn cho thơ Nguyễn Đình Minh, tạo nên sự đa dạng của bức tranh cảm xúc trong thơ ông. “Khèn Mèo nghe dưới đêm trăng”, “Trà đêm hồ Núi Cốc”, “Bên bờ sông quê nội”, “Phía Huế”, “Thong thả bên thềm em buông tóc chải”…đã ghi nhận nhiều hình ảnh về “em”. Khi thì là người vợ đầu gối tay ấp, khi là một bóng hồng thoáng gặp đã gieo tương tư, khi lại là một số phận gây ám ảnh thi nhân, hoặc giả cơ hồ chỉ là một phiếm chỉ nào đó… Nhưng dù ở đối tượng nào, em vẫn là nơi nương náu của mảnh hồn anh, là nơi thi nhân tìm được sự đồng điệu hay ký thác những yêu thương.
Nhà văn Văn Chinh (trao đổi trực tiếp):Chúng ta cứ đinh ninh anh là nhà thơ của văn hóa, của làng quê, của phụ nữ…thì đúng đấy mà cũng sai đấy. Bởi vì “Thức với những tập mờ”, lúc thì nó lộ lên cái này, lúc lại lộ lên cái khác, cũng như khi nhìn người chính diện khác, nhìn nghiêng lại khác…
Nhà LLPB Nguyễn Trác: Nói đến một chủ đề hay một đề tài nào là chính, là bao trùm thơ Nguyễn Đình Minh cũng thật khó. Bởi anh không bó mình vào một chủ đề hay đề tài cố định nào mà trải rộng trên tất cả các mặt của đời sống. Từ hiện thực đến tâm linh, có hôm nay hôm qua và có cả tình yêu lẫn thế sự…Nhưng sau hết, nổi lên vẫn là những băn khoăn trăn trở trước cuộc đời.
2. Những đặc điểm nghệ thuật thơ Nguyễn Đình Minh
2.1. Hành trình khám phá thể nghiệm tạo dựng sự khác biệt.
Nhiều bài viết tập trung vào con đường tạo dựng riêng biệt của Nguyễn Đình Minh bắt đầu từ việc coi yếu tố truyền thống như “cốt lõi” và sáng tạo nó phù hợp với biên chuyển của xã hội, kiên trì con đường của mình không bị hòa trộn với các xu thế cách tân.
Nhà thơ Trần Ninh Hồ:Với tình yêu thơ từ còn học phổ thông, tác giả đã “lặng lẽ ”làm thơ từ hồi còn đang là học sinh sinh viên. Tôi nói “Lặng lẽ” vì Hải Phòng, một đô thị lớn, trước một đại dương lớn và một đội ngũ văn chương nghệ thuạt đặc sắc đầy cá tính như ở cửa biển này, giữ được “lặng lẽ”, bình tâm không phải dễ. Nhưng Nguyễn Đình Minh đã làm được.
GSTS Bùi Quang Thanh: Cái cẩn trọng của nghiệp nhà giáo đã như điểm tựa cho những câu thơ, ý thơ được thể hiện của Nguyễn Đình Minh. Tôi tỷ mẩn ngồi thống kê: Hầu hết tên bài thơ ở các tập của Nguyễn Đình Minh đều được lựa chọn, cân nhắc cẩn trọng! Tên bài thơ vừa gợi, vừa tinh lọc và hàm chứa được cái cốt lõi của mỗi tứ thơ. Nó như lời “mời chào” đầy tiềm năng khơi gợi để người đọc có thể vì nó mà lần đọc cho hết bài thơ, hiểu thêm dụng ý gửi gắm/ký thác của tác giả trong/qua thơ. Không ít những tên bài thơ của Minh đã chạm được vào nỗi “ám ảnh” để rồi làm chất xúc tác, gợi tứ cho thi nhân tạo dựng được cái “ám ảnh” – như Trần Đăng Khoa tâm đắc về một bài thơ hay – cho cả bài thơ, thậm chí cho nhiều bài thơ trong các tập thơ của Nguyễn Đ&ig