Thơ Nguyễn Đình Minh đang vươn tới những biểu tượng nghệ thuật của thi ca đương đại.

Thời gian trước đây, thú thực tôi ít đọc thơ Nguyễn Đình Minh và không có ấn tượng gì nhiều về anh. Chỉ đến lần này, khi đọc một cách tổng thể và nghiêm túc 3 tập thơ: Mắt cỏ, Thức với những tập mờ và Lặng lẽ đời cây của anh, tôi mới thấy hiện lên một chân dung đời-sống- thơ khá đặc biệt và đẫm chất thơ Hải Phòng nơi Nguyễn Đình Minh.Vậy, phải chăng thời gian này, ngay cả những người làm thơ chuyên nghiệp như chúng ta cũng rất ít khi đọc thơ nhau một cách cẩn trọng và nghiêm ngắn? Có lẽ vì thời gian sống của con người đương đại đang bị đời sống đô thị, đời sống công nghệ - điện tử nghiền thành những mảnh vụn nên đời sống ký ức thi ca của người viết cũng bị nhấn chìm trong những mảnh vụn ấy?

 

Điều rất may, trong hành trình viết của mình những tháng năm này, tuy không được dư luận thi ca và dư luận phê bình nhiều chiều nhắc đến như những hiện tượng thi ca nổi trội khác, nhà thơ Nguyễn Đình Minh vẫn lặng lẽ thể nghiệm thơ mình ở các chiều kích khác nhau của ngôn ngữ thơ với sức viết khá bền bỉ, càng viết càng đào sâu tới được các vỉa tầng đời sống của thi ca đương đại. Một trong các biểu tượng nghệ thuật chính làm nên gương mặt thơ Nguyễn Đình Minh là không gian văn hóa, hơi thở đời sống của các vùng đất mà anh từng sống, từng đi qua. Tôi khá ấn tượng với bài thơ “Khèn Mèo nghe dưới đêm trăng” của Nguyễn Đình Minh với những câu thơ:

Những âm thanh u uẩn ở lưng núi

Cô độc lang thang

Theo những nẻo đường mòn…

Chảy trắng tóc sương thẫn thờ trôi nổi

Đầm đìa ngực đỉnh Hà Giang.

 

Vắt âm thanh vào ngàn năm thời gian

Phiêu lạc mây bay cuốitrời run rẩy

Xao xác vàng phai mùa lá

Tướp máu bước chân Mèo.

Có gì như tứctưởi không gian

Niềm hoài vọng ngàn xa mây mù che xứ sở

Nỗi tha hương nẫu bầm ruột đá

Dội buốt lòng thác đổ

Tiếng hồn tê tái Hmông…

 

Có những ngàynắng đồ chín mùa nương

Sắc Mèo nở muôn màu xuống chợ

Chung chiêng yên ngựa

Nhấp nhánh sợi cầu vồng

Hoa nhờ gió gửi hương tìm bạn

Rủ tiếng khèn dìu dặt đi theo.

 

Đêm hồi hộp, thầm thì, sao cài ngang tóc núi

Chân cầu thang mòn gót trai Mèo

Cây khuya rừng kết cầu ân ái

Túi hạt tình trong tiếng khèn anh để lại

Trăng đã vẹt rồi

Em có nhận ươm gieo?

 

Chập chùng Hà Giang những đỉnh đá tai mèo

Có giai điệu mê lòng và vực âm xót buốt

Hồn mây bay,

Xác núi chìm,

Tiếng khèn thì trầm đục

Dấu những điều gì day dứt không nguôi?

Bài thơ này như một khắc họa trên đá núi Hà Giang, một khắc họa về không gian sống của người H’mông đã hiện lên trong tiếng khèn u uẩn cô đơn đã cả ngàn đời nay phiêu bạt trên vùng cao nguyên đá nhọc nhằn và nghèo khó.Và qua bài thơ “Khèn Mèo nghe dưới đêm trăng”, Nguyễn Đình Minh với trái tim thi sĩ đầy duy cảm và duy mỹ của mình hình như đã rung động được tới bề sâu cái vẻ đẹp cô độc- du mục của văn hóa H’mông.

 

Cũng với biểu tượng nghệ thuật trong trường thẩm mỹ ấy, ở một bức tranh khác là“Trà đêm hồ Núi Cốc”,Nguyễn Đình Minh lại dẫn chúng ta đi qua những thao thức, trăn trở của miền chè Thái Nguyên khi tình yêu và cái đẹp lên hương như những búp trà non tươi phải trải mình qua lửa nóng, qua chà xát, bầm dập của nỗi đau chè để được hồi sinh:

 

 

Đất uống trăng và đắng chát nhuộm lá chè màu lục

Nắng sương chan nỗi cơ hàn đọng vị kết hương

Em hoá than hồng, đêm rét thấu Thái Nguyên

Ta lãng đãng say hương chè

Để tự giắng tơ tình Hồ Núi Cốc…

 

Những lá chè mọc sóng đôi bị ngắt

Đâu lá chồng, lá vợ ?

Đâu chàng Cốc, nàng Công?

Thân xác rã rời, nát tan vì chà xát.

Những mơn mởn vón đen thành khô đét

Bao căng tràn thiêu lửa hoá quằn queo…

 

Em tủm tỉm chế trà, nước ấp úng sôi theo

Chút bùa mê lúng liếng vào trong ấy

Đêm đỏ má, làn hương thơm sống dậy

Bầm dập nỗi đau chè

Tan thành nước ngát xanh trong

 

Một chút chát bâng khuâng,

Một chút đắng buồn thương

Còn vị ngọt đê mê đọng nơi cuống lưỡi

Ta uống lửa nồng, uống giọng em cười nói

Hồn trà phiêu diêu mặt đất hóa thiên đường.

 

Cứ ngỡ rằng tan chảy chẳng còn vương

Trong vòm họng sáng đèn xua bóng tối

Như nước chảy, mây bay, như gió thổi

Giữa cõi người

Từng chớp mắt hồi sinh?

 

Sở dĩ tôi trích nguyên văn 2 bài thơ “Khèn Mèo nghe dưới đêm trăng” và “Trà đêm hồ Núi Cốc” để chúng ta có thể cảm nhận hết được cái âm hưởng, cái hình tượng của thơ Nguyễn Đình Minh trong một vùng thi cảm và thi ảnh của không gian văn hóa đặc trưng của các miền đất đã được anh cất dựng thành biểu tượng nghệ thuật chính của thơ mình.

Trong thơ Nguyễn Đình Minh, ta có thể thấy ấn tượng thị giác luôn đi cùng ám ảnh thính giác khi nhà thơ quan sát và phát hiện những nỗi đau của con người trong đời sống hôm nay. Trong bài thơ “Tiếng nhị giữa Biển Hồ”là âm thanh xa xót của cây nhị trên tay ông già mù người Việt trên bước đường tha hương:

 

Thốt nhiên tiếng nhị cứa vào đêm
bóng ông già mù run run gầy guộc
chuốt những sợi âm thanh tê buốt
gửi Biển Hồ
hoang lạnh mênh mông…
Tức tưởi những giọt nước mắt
rỏ vào trăng bệch bạc khoang thuyền
chiết ra từ vòm ngực ly hương
nỗi lẻ loi tái tê người xa xứ
chìm nổi bọt bèo.
Tiếng nhị chạm vào tôi

Còn trong bài thơ “Đóm đóm đêm Cổ Loa” biểu tượng nghệ thuật của thơ Nguyễn Đình Minh lại là nỗi đau thăm thẳm ngàn năm của những vòng thành ốc với mối tình oan nghiệt “Mỵ Châu-Trọng Thủy” như bài học vỡ lòng của lịch sử dựng nước và giữ nước thuở xa xưa.

 

Những con đom đóm bay ngẩn ngơ đêm Âu Lạc

Đom đóm muốn tìm gì

Nơi thành Cổ Loa một thời tự đựng trong mình cơn bão

Hình xoắn ốc.

Nuôi một tình yêu mong manh như cầu vồng bảy sắc

Tan nhanh

Hóa thành những cơn mưa xác chết.

Tin một lời thề lọc lừa viết vào gió rỗng

Để ngàn năm đánh mất trời xanh?

Đất nghiêng xiêu những chiếc cờ tang bằng lông ngỗng

Phơ phất đêm đá không đầu

Vô hồn Bách Việt?

 

Đom đóm có phải hồn ngọc Mỵ Châu nát rã rời

Bay về từ đáy đại dương

Khi vó ngựa Triệu Đà chuyển binh đao theo hướng bể 

Hay những mảnh vỡ của trái tim An Dương Vương ứa lửa

Soi đọc lại bài vỡ lòng lịch sử

Thổn thức nỗi buồn

Dẫu nghìn kiếp hóa rồi vẫn u uẩn chưa tan ?

 

          Qua 3 tập thơ, nhất là cuốn “Thức với những tập mờ” - một tựa đề khá mới và hiện đại, ta có thể thấy đề tài lịch sử và nỗi đau của đời sống con người hôm nay luôn trở đi, trở lại và là mối quan tâm lớn trong nhiều bài thơ của Nguyễn Đình Minh. Qua đó, ta nhận thấy sức vóc của một năng lực thơ muốn vươn tới, muốn khái quát hóa những chuyển động đang còn khuất lấp đâu đó trong dòng chảy của thi ca đương đại mà bài thơ “Yên Tử mây trắng bay”là một ví dụ:

 

Nghìn thế đá xây đỉnh non Yên Tử

Một dáng thiền còn trụ giữa mây thiêng

Xuất thế hay nhập thế?

Vẫn “định sinh tuệ”

Để cỏ ảo huyền, xanh biếc Ngọa Vân Am

 

Nơi đây, người từ giã ngai vàng

Rũ bỏ quyền năng như là hư ảo.

Về với bản thể, nhất nguyên uyên áo**

Nghe tiếng đất quằn quại xé mình sinh hạt gạo

Nỗi nhân gian nát lòng vì dông bão táp xô.

 

Về với nguồn xưa,

Cửa Phật gõ mõ là tụng, thỉnh chuông là niệm

Kê dưới chân mình tham vọng quân vương

Gông một trái tim có thể bất ngờ thành núi lửa.

Tìm đức tụ sinh giữa cõi vô thường

Bỏ làm vua, nhất thời một việc chăn dân  

Chọn tâm Phật thu ngoại cảnh vào nội giới
Trăm năm, ngàn năm...

 

          Nguyễn Đình Minh đã bước đầu đã có những phát hiện mới lạ về mặt hình tượng thơ và lập ngôn về mặt tư tưởng. Điều quan trọng, trái tim duy cảm của anh ở không ít bài thơ lại lấn át phần nội quan duy lý- vô thức trong con người thơ nên còn thiếu sự phát hiện độc đáo về mặt ý tưởng thơ. Đây là điều mà thơ anh cần khắc phục trong thời gian tới để các bài thơ có sự cô đọng, hàm súc khi thi ca càng nén lại thì sự âm vang càng phát xạ, lan tỏa.