Thời khắc lịch sử trong "Hai ngày và mãi mãi"- Lương Kim Phương
Đọc Hai ngày và mãi mãi- NXB Hội nhà văn năm 2014) - Tham luận Hội thảo về Tiểu thuyết "Hai ngày và mãi mãi của nhà văn Cao Năm tại Hải Phòng ngày 23 tháng 6 năm 2015")
Cuộc đời, sự nghiệp và chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ. Các tác phẩm thơ ca, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, điện ảnh hay những công trình nghiên cứu về chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng phong phú và đa dạng. Song, các tác phẩm văn xuôi viết về Hồ Chủ tịch bởi các nhà văn tên tuổi thì khá ít ỏi và sự thành công không nhiều.Tiểu thuyết về Hồ Chủ tịch gây được chú ý đến nay mới có Sơn Tùng với Búp sen xanh, Hồ Phương với Cha và con, Hoàng Quảng Uyên với Giải phóng. Nhà văn Sơn Tùng đã phải gần như dành cả cuộc đời mình sưu tầm, kiếm tìm và kiểm chứng những nguồn tư liệu một cách rất công phu để có thể phục dựng, sáng tạo các tác phẩm văn xuôi, kịch bản phim về Người. Chính vì thế mà tác giả của hàng loạt truyện kí, tiểu thuyết về Bác Hồ như: Búp sen xanh, Bông sen vàng, Trái tim quả đất, Mẹ về đã từng tâm sự rằng: "Phải thật tỉnh táo và say mê để chọn cho được giữa biển người mênh mông kia đâu là những chi tiết đắt giá, đâu là những hành động, lời nói có ý nghĩa để tô đắp thành hình tượng nghệ thuật đặng qua đó mà gửi chí mình, mà góp phần làm sáng đẹp cho đời"(*). Do đó, thiết nghĩ, viết về lãnh tụ không phải vài dòng mà là cả cuốn tiểu thuyết hơn 200 trang với nhà văn Cao Năm là một thử thách không đơn giản.
Năm 1946, trước gần 3 tháng cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp, Hồ Chủ tịch từ Pháp trở về nước bằng đường thủy qua cảng Hải Phòng. Đó là lần đầu tiên Người đến Hải Phòng trong giai đoạn căng thẳng khởi sự cuộc cách mạng dành độc lập dân tộc. Vốn là một nhà báo giàu kinh nghiệm, nhà văn Cao Năm đã nhận ra lần Bác về Hải Phòng ấy, tuy ngắn ngủi nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa và bộc lộ rất rõ nét nhân cách đức độ và tài năng vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam.
Nhà văn Cao Năm đã khai thác tư liệu từ nhiều nguồn và "tiểu thuyết hóa” những tư liệu ấy để trở nên sinh động hình thành cuốn tiểu thuyết "Hai ngày và mãi mãi".
Cuốn sách với cốt truyện được men theo hồi ức của ông Tự kể cho cháu trai về lần Bác Hồ đến Hải Phòng năm 1946 khi ông Tự chỉ là cậu bé nhỏ tuổi được ông ngoại (ông Mai, người từng giới thiệu chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu của hãng "Vận tải hợp nhất") dẫn đến gặp Bác Hồ. Câu chuyện khá sinh động khi tái hiện được không khí lịch sử của Hải Phòng năm 1946 khi Bác Hồ về thăm. Thành phố công nhân thợ thuyền với những người lãnh đạo còn rất đỗi bình dị, những thủy thủ mộc mạc, những bà con nặng nghĩa tình đã tiếp đón Người, dù trong hoàn cảnh thiếu thốn khó khăn nhưng đầy long trọng và ân tình. Những nhân vật có thực trong sử sách Hải Phòng như: Chủ tịch ủy ban thành phố, bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên, phó chủ tịch ủy ban hành chính kiêm chủ tịch Ủy ban bảo vệ thành phố Vũ Quốc Uy, cảnh sát trưởng Trần Thành Ngọ, thương gia Nguyễn Sơn Hà, hội trưởng Hội phụ lão Lý Thi Sơn, nhà thơ Lê Đại Thanh, và ông Mai - theo tác giả là ông già Thuyết, người bạn của Bác Hồ đều được xây dựng khá chân thực. Các nhân vật được hư cấu như: vợ chồng đội Muôn, bà Láng, thủy thủ Luân, thầy giáo Hào, cô Thanh chợ Sắt, chị Vân nhân viên ủy ban... mỗi người mỗi vẻ nhưng đều gặp nhau ở lòng ngưỡng mộ, sự chờ đón, kính trọng thiêng liêng dành cho lãnh tụ.
Không khí lịch sử Hải Phòng năm 1946 được phục dựng gắn liền với những địa danh: sông Cấm, bến Sáu Kho, trạm thuế Tam Bạc, nhà hát Lớn, "vườn hoa đưa người", đồi Thiên Văn, đền Nghè nơi thờ nữ tướng Lê Chân… Không gian Hải Phòng gần gũi thân thuộc trong một thời gian lịch sử thiêng liêng được Cao Năm kể lại không chỉ bằng tư liệu mà bằng cả sự tưởng tượng, sự trải nghiệm của một người sống và gắn bó với đất Cảng dành tình yêu cho thành phố quê hương của mình. Cuốn tiểu thuyết giúp người dân Hải Phòng, nhất là thế hệ hậu sinh, biết và sẽ mãi nhớ những thời khắc lịch sử trọng đại của tổ quốc.
Những tư liệu mang tính diễn giải cụ thể các sự việc giúp người đọc dễ hiểu, dễ gần hơn. Như nơi Bác ở khi về thăm đất Cảng là Ủy ban hành chính thành phố, năm xưa từng là trường nữ sinh, bây giờ là trường tiểu học Minh Khai. Vì sao lại không thể bố trí Người nghỉ ngơi ở một biệt thự yên tĩnh lúc đó thì tác giả đã có những lí giải khá thấu đáo. Hầu hết tất cả những nơi gọi là sang nhất, đẹp nhất đã phải nhường cho quân Tưởng, quân Pháp trong thời kì tạm hòa hoãn trước khi toàn quốc kháng chiến diễn ra. Mặt khác, nghỉ ngơi tại đó, an ninh bảo mật tốt hơn, Người tiếp các đoàn thể đến thăm hỏi cũng tiện lợi hơn. Riêng vợ chồng tùy phái viên Tuy- tan, người đại diện cho chính phủ Pháp hộ tống Người về nước thì được bố trí ở trong dinh thự của gia đình ông Nguyễn Sơn Hà, nhà tư bản nổi tiếng của Hải Phòng thời đó.
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm là một nhà ái quốc vĩ đại, luôn thiết tha với nguyện ước cháy bỏng là làm cho dân ta được yên bình, no ấm. Người là tinh hoa của trí tuệ và tấm lòng yêu thương nhân dân, luôn dành cho nhân dân một tình cảm thắm thiết và chan hòa, trong sáng. Người bồi hồi trong buổi chiều xuôi dòng sông Cấm cập cảng Bến Ngự Hải Phòng. Người xúc động nhận ra người bạn bồi tàu năm xưa với mình là ông Mai khi ông đến trụ sở Ủy ban hành chính thành phố xin gặp. Hoặc chi tiết Người thao thức trong đêm rồi nhờ hai đồng chí Vũ Quốc Uy, Trần Thành Ngọ đưa sang thắp hương trong đền Nghè, ngôi đền linh thiêng tôn thờ vị nữ tướng của vùng đất Hải Tần phòng thủ. Người đứng vẫy nhân dân tại ga tàu hỏa sau buổi mit tinh nồng nhiệt. Những chi tiết này được tác giả viết khá tỉ mỉ, kĩ lưỡng chứng tỏ sự am hiểu và khả năng tạo dựng nhân vật lịch sử. Tất cả đã ghi đậm ấn tượng đẹp đẽ về lãnh tụ Hồ Chí Minh trong lần về Hải Phòng dù hai ngày thôi, thời gian ít ỏi nhưng là sự kiện mãi mãi không quên của người dân thành phố. Hình tượng về vị lãnh tụ vĩ đại mà giản dị, toát lên cốt cách thanh cao, khiêm nhường đại diện cho cả dân tộc. Nhà thơ Xô viết Ôxip Man-đen-sơ Tan, từng gặp Bác vào năm 1923, đã nói cảm tưởng của mình đối với Bác Hồ khi ấy còn mang tên là Nguyễn Ái Quốc, và dân tộc Việt Nam: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và lịch sự. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”.
Viết tiểu thuyết lịch sử, truyện dã sử nói chung tác giả thường cho mình quyền hư cấu cấu về nhân vật, những sự kiện phụ trợ theo ý tưởng và quan điểm riêng của mình. Chúng ta đều biết rằng, với các nhân vật nổi tiếng thường có những truyền thuyết, huyền thoại và cả những giai thoại thông tục. Trong số đó khó tránh khỏi những giai thoại ảo do người đời thêm thắt. "Hai ngày và mãi mãi" tuy viết về sự kiện ở một thời cách đây 70 năm, khá xa nhưng lại là lịch sử hiện đại liên quan tới nhân vật lịch sử quá đỗi quen thuộc là Hồ Chủ tịch nên chúng tôi tin rằng những tác giả nghiêm túc sẽ lúng túng khi phải cân nhắc giữa sự thực lịch sử và những giai thoại. Và sẽ rất khó tránh khỏi những chi tiết chưa thật thuyết phục độc giả về tính lôgic.
Với tiểu thuyết "Hai ngày và mãi mãi", người đọc có thể sẽ có những băn khoăn. Ví dụ chi tiết chiếc áo ba-đờ-suy: Anh Mai, tức ông già Thuyết (theo lí giải của nhà văn Cao Năm trong truyện) là người đã giúp anh Ba xuống tàu của hãng buôn “Vận tải hợp nhất”. Khi tàu cập cảng Pháp, hai người từ biệt nhau khi tàu cập cảng bên Pháp, anh Ba đã tặng chiếc áo khoác ba-đờ-suy của mình, chiếc áo rất quý ở thời điểm đó, khi thấy Mai không có áo rét. Chi tiết này chưa thật thuyết phục, tuy tác giả Cao Năm có thể đã sưu tầm được ở đâu đó. Thiết nghĩ, trước khi anh Ba xuống tàu làm phụ bếp, anh Mai đã là một bồi tàu chuyên nghiệp tức là đã có công việc, thu nhập ổn định, nên chắc chắn hoàn cảnh Mai khá hơn anh Ba. Còn anh Ba, một thanh niên nghèo ở xứ nóng khó có thể có chiếc áo ba-đờ suy (cũng không thấy nói ai cho anh Ba chiếc áo ấy) đem xuống tàu để sau đó tặng cho anh Mai vì thấy Mai không có áo rét. Thêm nữa, khi đó anh Ba chưa có danh phận gì, cũng chưa hứa hẹn một tên tuổi lừng lẫy để anh Mai đoán định đó sẽ là kỷ vật của một vĩ nhân ngày sau để rồi Mai không dám mặc mà nâng niu cất giữ như báu vật trong chiếc rương, sau mỗi mùa lại đem ra phơi phóng, bảo quản suốt 35 năm bôn ba khắp thế giới, để rồi khi Hồ Chủ tịch từ Pháp trở về, ông Mai mang ra mặc chiếc áo đó để đón Người. Có lẽ tác giả của "Hai ngày và mãi mãi" cũng giống khá nhiều tác giả các tác phẩm văn học nghệ thuật khác thể hiện về Hồ Chủ tịch thời kỳ còn là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc hoặc thời kỳ đầu tiên Người mới về nước nhen nhóm phong trào cách mạng, là thời kỳ cần bí mật về hành tung và nhân dạng nhưng họ lại cho Bác đã phát lộ tác phong lãnh tụ và luôn được quần chúng ngưỡng mộ cảm mến, như sau này khi đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể do quá kính yêu lãnh tụ mà nhà văn Cao Năm và không ít tác giả khác dễ bị lạc bút ở đây. Hoặc vài chi tiết về sự đón tiếp Bác có lẽ chưa thật thích hợp với hoàn cảnh thành phố Hải Phòng khi đó đầy rẫy các thế lực thù trong giặc ngoài thuộc quân Pháp, quân Tưởng Giới Thạch, Quốc Dân đảng rồi Anh, Mỹ... rất phức tạp về an ninh chính trị, và không khí nóng lên từng ngày về một cuộc chiến ác liệt sắp bùng nổ sau đó chưa đầy hai tháng vào cuối năm 1946.
Tất cả những khó khăn trong việc tái tạo lịch sử ấy rất cần đến năng lực sáng tạo và lao động nghệ thuật khoa học và công phu của nhà văn. Và trong một chừng mực nào đó có thể cần cả đến sự cảm thông của người đọc.
Dù còn vài điều băn khoăn cần được xem xét tu chỉnh, nhưng với tiểu thuyết Hai ngày và mãi mãi, nhà văn Cao Năm đã chứng tỏ sự nỗ lực trong sáng tạo nghệ thuật, với tâm huyết tôn vinh sự cao thượng, tính Thiện, vẻ đẹp tâm hồn của một vĩ nhân. Đó chính là điều đáng quý của một người cầm bút viết văn xuôi phải vượt qua khá nhiều rào cản trong sáng tạo với những tác phẩm đi trước. Tác phẩm đã xứng đáng được nhận giải cao trong cuộc thi viết “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Hải Phòng giữa tháng 6/2015
Lương Kim Phương.