Thông điệp vì tuổi thơ trong thơ Lê Bá Bôn

Tôi rất bất ngờ và xúc động khi được một người bạn  thơ ở xa ghé thăm nhà, Anh Lê Bá Bôn ở Hoà Long, Bà Rịa, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đọc chùm thơ anh gửi và cảm nhận được ban đầu về anh một con người (có lẽ), đã phải trải qua những vật vã cuộc sống; bởi trái tim anh qua những vần thơ quằn quại nỗi đau nhức buốt tê, những khát khao hẫng hụt về một chút hạnh phúc bình thường mà lại không bao giờ đạt tới.
Chùm anh gửi tới, là chùm thơ “Vì tuổi thơ”- đúng như văn bản Lê Bá Bôn ghi . Tôi tìm thấy cái logic hạnh phúc nát tan trong những bài thơ này:
KỂ TỪ CÓ ĐÔI TA
tuoi_tho2Ađam gặp Êva
Cuộc đời thành oan nghiệt!
Kể từ có đôi ta
Xin… như là hiền triết
Cứ như là hiền triết
Để anh còn tiếng thơ
Cứ như là hiền triết
Để em còn ước mơ
Cứ như là hiền triết
Để con không bơ vơ./.
Bài thơ có 10 câu nói về cuộc tình khởi nguồn của loài người hay chính là khởi nguồn tình yêu của chính anh? Khi nhập hai làm một, lẽ ra cái hạnh phúc phải “Mười phân vẹn mười” trong cái vườn địa đàng của chúa, nhưng hóa ra chỉ là giấc mộng sự mơ ước. Hai câu đầu đã ầm ẫm dông bão còn tám câu sau là sự thật trụi trần khi cơn bão đi qua. Anh không còn làm thơ và con bơ vơ. Gửi trong đó là niềm mong mỏi cô đơn mỏng mảnh nhưng cũng chỉ là mơ ước mà thôi.
Cho nên cái mùa xuân hạnh phúc ấy sớm qua mau. Nhân vật người vợ- “Em” trong thi sĩ vẫn là “Xuân” nó có vị ngọt của mứt bánh rất vật chất và có mùi hương hoa, rất tinh thần. Nhưng đổi lại tình anh, tình của con trẻ “Em về mang cằn nhằn cau có…” và em “Sao vội bỏ quê nhà?
EM VỀ
Con đợi em về ngọt thơm mứt bánh
tuoi_tho3Anh đợi em về tươi đẹp nhành hoa
Em về mang cằn nhằn cau có…
Xuân
Xuân ơi
Sao vội bỏ quê nhà?
Và rồi cái đến sẽ phải đến mà trước hết là sự tan vỡ
TAN VỠ
Lọ hoa sững sờ
Chén li tức tối
Lũ trẻ nhà thút thít…
Chín chẳng làm mười, tan nát nhau!
Hình ảnh về một cuộc xung đột gia đình được Lê Bá Bôn diễn tả thật khéo qua thủ pháp nhân hóa. Cái mười phân vẹn mười biến thành số không “Chín chẳng làm mười, tan nát nhau! Hình ảnh tội nghiệp đáng thương, hình ảnh trung tâm nổi lên trên cái nền xung đột trong mái ấm ấy, là “Lũ trẻ nhà thút thít…” Một hình ảnh gợi nhiều sức lay động và ám ảnh.
Cái  kết cục bi đát nhất của một cuộc tình rồi cũng xuất hiện. Bộ mặt của ly hôn đầy bất hạnh cay đắng:
LI HÔN
Trái tim hoá thạch đã trừ nhau
Tuổi thơ ngồi cộng nỗi buồn đau
Nhân hoài điên đảo: trần thêm tục
Cha mẹ chia…, lòng con ở đâu?
        Bốn câu thơ tạo nên một bài tứ tuyệt đúng chuẩn : Đề - Thực – Luận – Kết. Chưa phải là ngôn từ trau chuốt, nhưng lại rất thật rất rõ ràng và có hình ảnh. Trái tim hóa thạch là căn nguyên tan vỡ dẫn đến một hiện thực đau lòng “Tuổi thơ ngồi cộng nỗi buồn đau”. Cái tuổi thần tiên của con trẻ, người ta còn ví như tuổi hoa tuổi ngọc. Ở đó là mênh mông bầu trời cổ tích là tràn ngập của ánh sáng tình yêu là đàm ấm của vòng tay chăm sóc chở che… nhưng ở đây chỉ có buồn đau đang được cộng dồn tích tụ. Cộng mãi đến lúc thành số không, thành khoảng vô định mịt mờ “Cha mẹ chia…, lòng con ở đâu?”  Đó chẳng phải là cái bi kịch đớn đau cho số phận tuổi thơ sao?
       Trên cái nền của đau đớn bi thương chia lìa ấy, nhà thơ hồi ức cái quá khứ êm đềm thấm đậm tình cha con. Hồi ức về một người cha hiền hậu nhân từ với trái tim dễ rung cảm yêu thương “chôn xác con chim nhỏ” để cậu bé không biết rằng chim bị mèo giết chết là một hình ảnh đẹp và đầy ấn tượng. Và đẹp vậy nên nỗi nhớ vẫn ghi trong ký ức gần nửa thế kỷ và có lẽ đến suốt đời cũng khó phai.
HỒN QUÊ
Cha đem chôn xác con chim nhỏ
Không để nanh mèo xé tuổi thơ…
Bốn mươi năm, tôi còn nhớ rõ
Hồn quê ngày ấy thắm nhân từ.
            Tuy vậy, đặt bài thơ này trong cái lo gic của cả chùm thơ, ta lại thấy nghẹn ngào hơn khi làm cái so sánh xưa và nay, quá khứ và hiện tại. Cái tuổi thơ xưa trong đói nghèo mà ám áp, và nay giữa cuộc sống đầy đủ khá giả hơn nhiều thì sự lạnh lùng lại ngự trị.
su_songTôi đọc cái logic như một thứ thông điệp của Lê Bá Bôn gửi trong chùm thơ và thấy yêu quý tâm hồn anh. Xin trân trọng giới thiệu với các bạn đọc trang Wb này.
Lê Bá Bôn,bút danh: Tuệ Thiền; Sinh ngày: 05 – 4 – 1951. Quê quán: Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị,Trú quán: Hoà Long, Bà Rịa, Bà Rịa-Vũng Tàu;
Tốt nghiệp đại học ngành Hành chính; Nghề nghiệp: Giáo viên (tiểu học) hưu trí; Tác phẩm xuất bản: Đường Về Minh Triết (thơ-văn-tư tưởng)- NXB Văn Nghệ, 2007; Điện thoại: 064 3821913; Email: lebabon04@gmail.com.