Tố Hữu 1979 - Vương Trí Nhàn
Với mục đích có thêm tư liệu về một số tác giả và các sự kiện văn học liên quan để bạn đọc tham khảo, chúng tôi đăng lại bài viết của Nhà nghiên cứu Văn học Vương Trí Nhàn. Văn phong và quan điểm là của tác giả.
Nguyên là bài Ghi chép từ Hội nghị nhà văn đảng viên 6-1979 đã in trên blog này 5-2-2013 và 7-2-1913. Nhân thấy bạn đọc quan tâm nhiều tới bài Để hiểu thêm Tố Hữu, xin giới thiệu lại hình ảnh của ông trong một chiến dịch đặc biệt. Đây có thể xem như một chiến công hiển hách của nhà thơ – quan chức cao cấp này trong việc duy trì sự tồn tại ở đỉnh cao của mình những năm sau chiến tranh, trước khi bị phế truất 1986.
Xin lưu ý thêm đây là câu chuyện xẩy ra năm 1979, chứ không phải là các sự kiện liên quan tới công cuộc vẫn được gọi là Đổi mới, thường được xác định là sau 1986.
Lời dẫn
Sự vận động của đời sống văn nghệ luôn luôn diễn biến theo cùng một nhịp với sự vận động xã hội .
Sau chiến tranh, có việc thống nhất đất nước, việc sắp xếp người vào bộ máy mới. Trong văn nghệ cũng có việc sát nhập các tổ chức văn nghệ, việc kết nạp các hội viên hội văn nghệ giải phóng vào các hội TW…
Tuy nhiên, có tác động chi phối lớn nhất và chiếm vai trò chủ đạo của việc tái cấu trúc lúc ấy -- tái cấu trúc theo nghĩa dùng đầu thế kỷ XXI -- là việc sắp xếp lại những cương vị chỉ huy. Theo lô-gich thông thường, người từ mặt trận quay trở về phải được đền đáp bằng cách nắm các cương vị quan trọng hơn, có tầm tác động lớn hơn. Điều đó cũng phù hợp với một thực tế là bộ máy TW trong chiến tranh đã già cỗi và trở nên quan liêu. Mọi người hy vọng lực lượng từ chiến trường về sẽ mang lại cho sinh hoạt văn nghệ một nét mặt mới.
Trong chiến tranh, mọi việc ở Hội nhà văn quy tụ vào nhà văn Nguyễn Đình Thi. Từ đầu 1979, nhà văn Nguyên Ngọc được cử làm làm Phó Tổng thư ký, thay thế ông Thi, điều khiển công việc hàng ngày.
Trước đó, về phương diện Đảng, một Đảng Đoàn mới của Hội nhà văn được chỉ định, có Nguyễn Khải, Giang Nam…và Nguyên Ngọc được giao chức bí thư Đảng Đoàn. Chỉ chờ Đại hội nhà văn là ông sẽ trở thành Tổng thư ký.
Nhiều người rỉ tai nhau sẽ có ngày Nguyên Ngọc đóng vai trò của Tố Hữu.
Nhưng cuộc chuyển giao quyền lực không đơn giản.
25/5
Từ khi về nắm Hội, Nguyên Ngọc thường có mấy nhận xét tổng quát về văn học sau chiến tranh:
- quan liêu hóa, xa đời sống
- có xu thế lảng tránh, khiếp nhược
- Kết quả -- chúng ta có một nền văn học yếu kém. Vừa thiếu hiện thực, vừa thiếu lý tưởng.
Hôm nay họp nghe tình hình phê bình - lý luận, Nguyên Ngọc lại nói văn học ta không có tính tư tưởng. Lùi về mấy năm 1969-70, ông cho rằng hỏng từ đấy. Nên 1974 mới có vụ này vụ nọ và bây giờ mọi chuyện mới không ra sao.
( Một người như PTDuật bảo văn nghệ hỏng từ 1973-74 v.v…Có lẽ điều đó liên quan tới vụ Vòng trắng của Duật?)
Trong bụng tôi nghĩ, nhưng thấy nói ra không tiện:
+Là một người tốt, có thiện chí, cho nên Nguyên Ngọc cảm thấy rõ các nhà văn đang khiếp nhược trước thực tế. Nhà văn kéo nhau đi làm thuê. Văn chương lẫn lộn hay dở.
+Nhưng là một nhà chính trị, cho nên Nguyên Ngọc hay cắt nghĩa bằng những nguyên nhân gần.
Nhân ngồi trong phạm vi hẹp mấy anh em với nhau, tôi nói cảm tưởng chung về văn học ta bây giờ. Một nền văn học không có tác giả mà như một đám đông, một phong trào. Cũng tức là một nền văn học không có cấu trúc, từng lớp phân biệt, mà mọi người đều lập nghiệp cùng một kiểu và làm những việc na ná giống nhau.
Về nội dung chỉ thấy những sự lặp lại. Cái mô típ ước mong được dùng làm kết luận cho mọi sự biến động.
Không có đóng góp nào mới về mặt hình thức, mà chỉ có những trò tiểu xảo v.v…
Mấy câu của tôi được xem là quá sốt sắng, đến mức ông Khải phải bảo Nhàn xem có thể nói điều gì lạc quan hơn không. Nguyễn Thành Long bảo đúng, nói thế nào không còn cái chung nữa, thì còn đâu ông Khải với ông Ngọc. Huy Phương tâm sự, chúng ta là những nhà văn sống cầm hơi, những người hỏng rồi. Nguyễn Kiên an ủi, chán mãi rồi lại phải tìm ra cái vui thôi.
3-6
Theo đề xuất của Nguyên Ngọc, các cơ quan Hội Nhà văn tập trung lo chuẩn bị Đại hội. Sẽ có đủ thứ thảo luận, ra mắt.
Trước Hội nghị Đảng viên có hai hội nghị trù bị.
Một là hội nghị Đảng Đoàn gặp những người chưa phải đảng viên.
Không hiểu sao hội nghị này lại thấy nổi cộm vấn đề thế hệ. Tôi ghi được vài ý. Hà Minh Đức: Bây giờ nhiều người "tiếng cả nhà thanh" vốn liếng không mấy, tác phẩm không có, nhưng tiếng rất to.Trần Ninh Hồ: Chúng tôi là con em cách mạng, chúng tôi phải hơn các anh lớp trước chứ.Bùi Bình Thi: Chúng tôi chỉ kém các anh tí tiếng Tây v.v..
Trần Ninh Hồ nói thêm: Bộ lao động ký giấy cho 2 vạn học sinh VN ra nước ngoài học nghề một lúc. Sao các anh không dám cho chúng tôi đi. Chúng tôi quét tuyết cũng được, bồi bàn cũng được, nhưng sẽ có việc, và về có lúc viết được.
Hai là cuộc họp của những người viết văn trong quân đội. Cũng lại chuyện nghề nghiệp, chuyện thế hệ chứ không phải chuyện tư tưởng như ông Ngọc chờ đợi.
Thu Bồn như sấm chớp, lại như cỏ dại, Thu Bồn bảo các anh có gì để cho tôi tin? Tôi đã phải lo lấy bao nhiêu năm nay. Xem ông chủ xuất bản nào tới thì làm vừa lòng ông chủ ấy. Thế thôi. Còn thì nhìn kỹ xem phụ trách lãnh đạo văn học cách mạng chỉ là những con người của xã hội cũ. Đối với chúng tôi, họ là một thứ cha ghẻ, không bao giờ họ có thể yêu tôi và lo cho tôi được.
Nguyễn Đức Mậu tuyên bố cần gì phải học (cả ông Hà Huy Giáp cũng nói thế, -- Nguyễn Đức Mậu nhấn mạnh) chúng tôi chả kém gì những người đi trước; cứ viết đi, cứ viết đi, kẻ nào mạnh kẻ đó thắng….
11-13/6
Trong Hội nghị.
Thoạt đầu, là những lời kêu ca.
Ông Mai Ngữ giống như những bà già ở nhà quê, suốt đời tham lam vơ vét, nhưng thỉnh thoảng lại ứa nước mắt rên rỉ. Ông Ngữ bảo, những cái ông để tâm huyết thì chả ai coi ra gì còn những cái ông viết nhảm thì lại được săn đón. Ông buồn cho cuộc đời của mình. Và ông khóc.
Nhưng rồi bi kịch trở thành hài kịch, đó là khi ông Mai Ngữ bảo rằng đêm nào ông cũng khóc. Dĩ nhiên, ta phải hiểu đêm nào ông cũng khóc vì ban ngày ông tham lam, tham mà không được. Thuộc loại người tự làm hỏng mình, MN là thế, không gì cứu được kể cả thất bại.
Rồi đến những lời tố cáo.
Phan Tứ nhắc lại các luận điểm của bí thư Đảng Đoàn Văn Nghệ cũ, ông Hà Huy Giáp:
- Xã hội không có bi kịch. Người anh hùng không băn khoăn.
- Văn học không cần hư cấu. Ngày trước, thời đại lạc hậu mới cần hư cấu, nay chỉ cần người thực việc thực.
Người biên tập = người lính gác, người xét chứng minh thư.
Hoàng Ngọc Hiến phát biểu như một cái nhìn khách quan, nhìn từ bên ngoài :
- Lý luận là năng lực nhìn sự việc từ nhìn sự vật từ nhiều góc độ
- Người có lý luận = người có khả năng tổ chức, kết cấu.
- Nhà trường giúp vào việc đó.
- Nhà trường đại học có khả năng làm cho con người trở nên ngu xuẩn. Ở ta hôm nay là thế.
Có vẻ như ông Hiến muốn mang lại cái mà Đảng Đoàn mới đang thiếu – lý luận. Việc này đã bắt đầu từ nhiều ngày trước và hôm nay ông Hiến chỉ tiếp tục.
Tô Nhuận Vỹ kể chuyện đời sống cơ cực, các cô gái Huế che mặt đi bán cuốn Từ điển Anh Việt, về lấy tiền nuôi các em.
Tô Nhuận Vỹ nói tiếp:
-- So với những năm 60, thì hiện nay, cái mà chúng tôi thiếu hơn cả là lý tưởng. Các anh bàn chuyện cho chúng tôi học ngoại ngữ, học trường nọ trường kia. Nhưng làm sao đây, để chúng tôi thêm giàu có về mặt lý tưởng.
Nguyên Ngọc thích lắm, sau còn nhắc lại mãi.
Một hội nghị như thế này, có chi là lý luận đâu. Người ta chỉ chia sẻ với nhau một ít lo toan.
Vài chuyện quá đáng quá, đại loại như ở Sài gòn, vừa nghe có một vở cải lương mang tên Người tù vượt ngục thế là chưa biết nội dung ra sao, hãy cấm cái đã. Vì tại sao lại bảo đồng chí mình người tù.
Tại một tỉnh nọ, người ta dựng một vở kịch viết về NgĐình Chiểu, tỉnh uỷ chỉ có một đề nghị nhỏ, phải cho Ng Đình Chiểu thắng, thắng, từ đầu đến cuối.
Ở nước này, rồi mãi người ta vẫn chưa thôi ngạc nhiên vì sự ngu dốt và không ai dự đóan hết những hậu quả của nó.
Ông Phan Tứ tiếp tục câu chuyện về ông Hà Huy Giáp. Đâu hồi đó họ học nghị quyết X. của Đảng. Trên phát động cho nói, ba ông trung ương uỷ viên Trần Hữu Dực, Hà Huy Giáp, Hoàng Tùng đến nghe. Ông Hà Huy Giáp khuyến dụ anh em hãy cứ nói sự thật. Nếu có phải treo cổ, tôi xin treo cổ bên cạnh các anh.
Hình như sau đó, cấp trên lảng hết, chả ai giải đáp, tức chả ai đứng ra đối thoại trở lại cả. Tệ hơn nữa, trên báo chí công khai mở một đợt phê phán văn nghệ, gọi đó là một luồng tử khí chống Đảng.
Ai cũng biết kịch bản này không phải của ông Hà (người ta gọi HH Giáp là thế), nhưng ông vẫn phải chịu trách nhiệm.
Bùi Hiển bảo nói chuyện cũ thì dài dòng lắm, chính trong cái sân nhà 51 Trần Hưng Đạo đây, bao nhiêu chuyện và mỗi con người có bao nhiêu nét mặt.
Bảo Định Giang kể đã có lần lên tiếng bảo vệ Văn nghệ, bảo vệ Nguyễn Tuân. Hồi ấy, ông Tuân cho đăng bài viết về Giò lụa trên báo Văn hoá nghệ thuật, và bị kêu. Bảo Định Giang bảo viết thế chả hay ho gì, nhưng có lẽ cũng không nên nói là có tội gì!
Ông Bảo Định Giang kể ôngTuân bấy giờ cũng tâm sự:
- Mình là cái thằng không có gì mà ăn, nói giò chả trên giấy cho sướng miệng vậy. Nhưng cái thằng ăn giò chả thật nó lại đánh mình.
Sau buổi họp, Chế Lan Viên bảo mình già về hưu chắc phải đề nghị Phan Tứ vào Đảng Đoàn. Bởi lẽ hắn đáng sợ quá. Cái gì hắn cũng nhớ.
Một chuyện khác của Phan Tứ. Hồi ấy ông đang ở nhà xuất bản Giải phóng. Được lệnh trên, phải làm gấp một tập người tốt việc tốt của miền Nam. Mấy anh em thức đêm thức hôm để làm, đâu 4 ngày xong. Chợt có hai ông cán bộ của Cục xuất bản đến bảo: Thôi đi, các anh không thấy 5 triệu cuốn đang ế xưng ra kia kìa.
Khi Phan Tứ nói, thỉnh thoảng mọi người lại cười rộ lên, như được xem một tiết mục xiếc, kìa, người đi xiêu vẹo như vậy, mà không ngã. Lãnh đạo buồn cười thế đấy.
Nghe mọi người cười tôi hơi ghê ghê, y như sống giữ một bày ma.
Không phải cầu toàn đâu, nhưng tôi thấy chưa phải là quỷ dữ đã tới. Mà những đổi thay lớn chỉ có thể bắt đầu bằng sự có mặt của quỷ dữ.
Bà Vũ Thị Thường mắng mấy người khác, nghe những chuyện như thế này, sao tôi chả thấy ông nào đỏ mặt, tức xấu hổ. Mà chỉ thấy các ông cười là sao!
Bây giờ đồng chí Hà Huy Giáp đã về vườn — Phan Tứ tiếp tục -- Nhưng tôi thấy chúng ta không nên đả kích cá nhân đồng chí Hà Huy Giáp. Chúng ta không nên cười như vậy. Nếu cứ đà này, chúng ta sẽ cười luôn cả Trung ương không biết chừng.
Vũ Đức Phúc mở đầu bài tham luận của mình bằng cách phê phán bản đề dẫn của Nguyên Ngọc.
1. Nhấn mạnh quá đáng tính sáng tạo. Bảo rằng văn nghệ học theo đời sống, không phải sao chép đời sống, mà là học cái tinh thần sáng tạo ở trong đó. Như vậy là rơi vào Garaudi, sáng tạo là sáng tạo huyền thoại!
2. Chưa lý giải chính xác mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Phải nói tới đường lối của Đảng. Nó như cái lưới, ta có làm gì thì cũng không thoát khỏi nó, không thóat những vấn đề đã được nêu lên trong các nghị quyết.
Ví dụ, theo tôi (VĐP), từ lâu, Đảng đã yêu cầu văn nghệ phải có nhiệm vụ phê phán. Văn nghệ không làm, là khuyết điểm của ta. Tôi đề nghị thời gian tới, Hội Nhà văn ta mở một chiến dịch chuyên về việc này.
Về sau, khi phê phán Vũ Đức Phúc, Nguyễn Chí Trung có một ý rất hay. Theo ông, người ta tuyệt đối hoá chính trị và coi văn nghệ chỉ là cái thứ hai. Nhưng đâu phải vậy. Tại sao nhiều giai đoạn lịch sử đã qua đi, mà tác phẩm văn học viết về giai đoạn đó lại còn. Văn nghệ không phải chỉ là cái quả, có lúc nó còn là cái nhân nữa.
Đặt ra vấn đề con người, câu chuyện không có gì là siêu hình cả. Chính nó là vấn đề nhân đạo CSCN.
Có điều thực là ngoạn mục: sau khi tuyệt đối hoá chính trị người ta lại rơi vào chỗ tuyệt đối hoá văn nghệ. Làm sao mà văn nghệ đơn độc làm được bao nhiêu việc người ta vốn kỳ vọng ở nó.
Tôi nhìn ông Vũ Đức Phúc gầy ốm, như một ông giáo già ở nông thôn. Sao một con người như vậy, lại có thể gây ra bao nhiêu sóng gió cho văn học trong vòng hơn chục năm nay. Ông ta vừa như là đao phủ, muốn khai tử một ít giá trị mà một người như tôi cho là tốt đẹp (đúng hơn là những cái muốn trở thành giá trị tốt đẹp), vừa như bà đỡ, nâng đỡ cho những thứ mặt hàng mà một người như tôi cho là hàng giả -- ông khác với tôi quá.
Được cái, theo tôi hiểu, ông không giả dối. Khác với vài nhân vật đàn em lươn lẹo, ông luôn luôn là mình, kiên trì, nhạy bén, tỏ ra đầy sức sống trong việc bảo vệ niềm tin. Tôi nể phục cái sự kiên cường của ông, ông không đầu hàng, không thay đổi, ông ta sống với lòng tin rằng mình đang làm những nhiệm vụ lớn.
Vũ Đức Phúc đúng là hạng chiến sĩ trên mặt trận văn học (như tên một tác phẩm của ông đã đề rõ). Chỉ hiềm, cái quan niệm về người chiến sẽ ấy, theo tôi, cổ rồi. Cái mà một người như tôi bây giờ hay nghĩ, người làm công tác văn nghệ trước tiên phải là một người lao động. Bởi nói tới chiến sĩ, tức nói tới việc chấp hành mệnh lệnh từ trên ban xuống một cách vô điều kiện, con người lấy đâu ra sự sáng suốt để làm chủ mình. Với nghĩa vụ chỉ đâu đánh đấy, con người ta vừa quá máy móc lại vừa quá hèn kém. Còn như nói vai trò của người làm văn nghệ như một người lao động tôi thấy có gì khả thủ hơn. Mỗi người có thể giỏi có thể kém. Mỗi loại người có độc giả riêng
Chế Lan Viên lên tấn công lại Vũ Đức Phúc một số điểm chủ yếu liên quan đến con người chứ không phải luận điểm học thuật.
Nhắc lại câu Vũ Đức Phúc bảo ông Hà Huy Giáp về vườn, Chế Lan Viên bảo như thế là láo (Vũ Đức Phúc từng nói: “Ai động vào Trung ương tôi đánh bỏ mẹ “).
Vũ Đức Phúc nói một câu chuyện gì đó về văn học, hình như là cần khen um mọi chuyện lên, Chế Lan Viên liền bảo như thế là chưa được, một người làm công tác nghiên cứu văn học chưa được, một Viện phó lại càng chưa được, tôi đề nghị cách chức Viện phó.
Cuối cùng, Chế Lan Viên còn ngoặc được vào cái ý là nghiên cứu văn học đến đâu chưa nói, nhưng văn viết ra phải có văn. Nếu không, tôi đề nghị lập một cái hội lý luận riêng, chứ không để như thế này mãi được, không để cho các nhà lý luận thô thiển thao túng cả văn chương… Một đề nghị rất hợp lý đấy. Đến mức, sau khi ông Chế Lan Viên nói xong, trong hội nghị thấy truyền tay nhau một cái giấy cáo phó, ý như thể là Chế Lan Viên đã làm một công việc sinh phúc là khai tử cho Vũ Đức Phúc.
Hoàng Xuân Nhị, không được triệu tập cũng tới, song nói không được ai để ý. NgKhải bảo thôi hôm nay thì thầy Nhị của các ông hoàn toàn chết rồi.
Sự kiên trì của mấy ông già thật đáng sợ. Hôm sau, ông Nhị còn xin xỏ nhiều lần, để cho phép mình phát biểu, và ông Khải lại gạt đi, rất nhanh nhạy.
Chỉ khi ông Tố Lành đến, HX Nhị mới hồi sinh. Ông hân hoan ra mặt, ở lại chuyện trò với ông Lành vẻ rất tương đắc. Những xác chết hôm qua, hôm nay tự nhiên thấy hồng hào tươi tắn hẳn lên-- Ng Khải nhận xét.
Tố Hữu đã nói gì?
- Thực tế là muôn vàn tốt đẹp.